HỮNG HỜ
Trong dụ ngôn Tiệc Cưới (Mt 22:1-14; Lc 14:15-24), Chúa Giêsu tự xưng là nhà vua, người tổ chức Tiệc Cưới. Nhưng khi mọi thứ đã sẵn sàng, đầy tớ được sai đi mời khách, nhiều người đã viện cớ thoái thác, không muốn tới dự tiệc.
Theo lời kể của Thánh Luca: “Quan khách không thèm đếm xỉa tới, lại bỏ đi: kẻ thì đi thăm trại, người thì đi buôn, còn những kẻ khác lại bắt các đầy tớ của vua mà sỉ nhục và giết chết” (Mt 22:5-6).
Theo lời kể của Thánh Luca: “Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu. Người thứ nhất nói: “Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu. Người khác nói: Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14:18-20).
Chúng ta thấy rằng các lý do họ đưa ra không sai hoặc xấu, bởi vì không có khách mời nào viện lý do đi ăn chơi trác táng, thỏa mãn nhục dục, đi đánh nhau hoặc cờ bạc, nhưng ai cũng đi làm điều tốt. Tuy nhiên, có câu châm ngôn nói thế này: “The good is the enemy of the best – Điều tốt là kẻ thù của điều tốt nhất”. Thật lạ, những người được mời lại khước từ cơ hội “ngàn năm một thuở” là tham dự yến tiệc của nhà vua dành cho mọi người.
Như vậy, chúng thể hiện cách sắp xếp của nhiều người ngày nay thích những điều nhỏ nhặt và mau qua của thế giới này đối với những điều lớn lao và vĩnh hằng của Thiên Chúa, những điều đang chờ đợi họ trên Thiên Quốc. Sự thờ ơ và sai trái là các vấn đề của con người, chúng ta thể hiện vấn nạn này rất nhiều cách trong thế giới hiện đại ngày nay. Điều đó có thể do hệ lụy của tình trạng có quá nhiều cách chọn lựa và sự tiện nghi tùy ý sử dụng của chúng ta.
Thật vậy, sự hững hờ là vấn đề lớn trong thời đại ngày nay. Mặc dù có một số người kháng cự mạnh mẽ, không tin, hoặc thậm chí là ghét Thiên Chúa. Trong khi đó có những người phạm những tội trọng, cũng có khá nhiều người hững hờ với Thiên Chúa, sống xa cách Thiên Chúa và những điều thuộc về Nước Trời. Họ hướng tới những thứ hiện đại hơn: chơi chứng khoán, kinh doanh bất động sản, mua bán xe, mua sắm tại các siêu thị,… Có những người không còn nghĩ tới Chúa, không quan tâm việc tham dự Thánh Lễ, họ thản nhiên nói: “Ôi chao, tôi còn có quá nhiều thứ khác phải làm…”.
Điều làm cho sự từ chối lời mời của Thời Cuối Cùng trở nên độc hại là đa số những người này không việ cớ để làm điều tội lỗi. Ngày nay, nhiều người sống rất trần tục, ít nghĩ hoặc không nghĩ tới Thiên Chúa, mặc dù họ là những người “tử tế”. Nhiều người trong số họ vẫn đóng thuế, không đánh vợ chửi con, không rượu chè bê tha, vẫn làm việc từ thiện,… Như vậy, chúng ta nhìn vào họ và dễ dàng nhận xét rằng “chẳng có gì ghê gớm”. Mặc dù họ có vẻ không có thời gian dành cho Chúa, họ vẫn là “người tử tế”. Có thể chúng ta cho rằng chắc chắn mọi thứ vẫn tốt, thực sự họ không có ý loại bỏ Thiên Chúa hoặc từ chối lời mời làm điều tốt lành, cuối cùng họ sẽ được cứu độ…
Vấn đề duy nhất ở đây là dụ ngôn không kết luận như thế. Chúng ta cho rằng có thể mọi thứ vẫn ổn khi xung khắc với Lời Chúa, chính Lời của Chúa Giêsu. Giáo huấn trong dụ ngôn này không kết luận rằng việc từ chối lời mời chẳng có gì đáng nói. Dụ ngôn này nêu lên lời mời có hệ lụy thực tế và thảm khốc trong cuộc sống của chúng ta. Việc từ chối lời mời có nghĩa là họ sẽ không tham dự tiệc cưới. Chúa Giêsu nói: “Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi” (Lc 14:24; x. Mt 22:8).
Sự hững hờ của họ cũng vậy, và việc từ chối lời mời có hậu quả lâu dài. Cuối cùng, hoặc là bạn dự tiệc hoặc là bạn không dự tiệc. Tình trạng “tử tế” hoặc việc cớ làm điều tốt (nhưng không quan trọng) sẽ vô ích. Tình trạng “tử tế” không dẫn bạn vào dự tiệc, việc chấp nhận lời mời do vâng lời lệnh triệu tập của đức tin sẽ dẫn bạn vào dự tiệc. Khi ở trong phòng tiệc, sẽ có nhiều điều “tử tế” và điều tốt cần làm, nhưng bạn phải vâng lời lệnh triệu tập của đức tin và nhận lời mời dự tiệc. Nhiều người ngày nay coi thường lệnh triệu tập của đức tin, thích những thứ trần tục hơn những điều của Thiên Chúa, như vậy là rất nguy hiểm!
Chúng ta hãy cân nhắc và suy nghĩ kỹ lưỡng về cách phản ứng của chủ bữa tiệc (nhà vua) đối với những người từ chối lời mời. Thánh Luca cho biết chi tiết: “Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây’. Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi’” (Lc 14:21-24). Còn Thánh Mátthêu kể: “Nhà vua liền nổi cơn thịnh nộ, sai quân đi tru diệt bọn sát nhân ấy và thiêu huỷ thành phố của chúng. Rồi nhà vua bảo đầy tớ: ‘Tiệc cưới đã sẵn sàng rồi, mà những kẻ đã được mời lại không xứng đáng. Vậy các ngươi đi ra các ngã đường, gặp ai cũng mời hết vào tiệc cưới’” (Mt 22:7-8).
Hãy chú ý ba điều trong cách phản ứng của nhà vua: Thịnh Nộ – Quyết Định – Tôn Trọng.
I. THỊNH NỘ
Nhà vua được mô tả là đang ở trong tình trạng “thịnh nộ”. Thánh Phaolô nói: “KHÔNG CÓ đức tin thì KHÔNG THỂ làm đẹp lòng Thiên Chúa, vì ai đến gần Thiên Chúa thì phải tin là có Thiên Chúa và tin Người là Đấng ban phần thưởng cho những ai tìm kiếm Người” (Dt 11:6). Chúa Giêsu đã cho biết: “Ai tin vào người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy” (Ga 3:36).
Tuy nhiên, chúng ta phải cẩn trọng để hiểu ngụ ý của từ ngữ Hy Lạp muốn nhấn mạnh điều này, đó là chữ ὀργίζω (orgizo). Có thể dịch đúng là “cơn giận”, từ ngữ này mô tả sâu sắc hơn về “sự đối lập bất biến” đối với sự bất công. Do đó, từ ngữ này không mô tả Thiên Chúa ở trong tình trạng giận giữ vì coi mình là trung tâm (egocentric rage), như thể Ngài là người bị phụ tình (jilted lover). Vả lại, cơn giận này đến từ tình trạng ổn định, thanh thản, điều mà Thiên Chúa không (và không thể) điều chỉnh chính Ngài đối với sự thăng trầm (vicissitudes) của các tội nhân hoặc tự thay đổi để xoa dịu họ. Lập trường của Thiên Chúa vẫn bất biến. Chính lập trường của chúng ta mới thay đổi và làm cho chúng ta cảm thấy tình yêu của Ngài là sự tru diệt (wrath).
Dạng động từ này, theo bản văn này, nhấn mạnh tính thực tế. Dạng động từ này là một dạng bất định của quá khứ phân từ ὀργισθεὶς (orgistheis), dịch đúng là “tức giận” (having been angered). Như vậy, Thiên Chúa không thay đổi lập trường về yêu thương, chính những người từ chối Ngài đã thay đổi và cảm thấy tình yêu của Ngài là sự tru diệt. Đó là hậu quả do con người từ chối, thế nên mới sinh ra cảm giác đó. Sự đối lập của Thiên Chúa đối với việc con người từ chối yêu thương sẽ không và không thể thay đổi. Ngài luôn đối lập với cách từ chối của chúng ta. Nhưng chính sự từ chối của chúng ta khiến chúng ta đối lập với Ngài, chứ không bởi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa. Ngài luôn muốn phòng tiệc của Ngài chật khách mời, Ngài không hề thay đổi. Chính điều này giải thích điểm tiếp theo.
II. QUYẾT ĐỊNH
Bị một số người khước từ, “cơn thịnh nộ” của nhà vua làm nổi bật cách quyết định của ông là mời thêm khách cho tới khi phòng tiệc đầy người. Nhà vua sai các đầy tớ (tức là mỗi chúng ta) đi mời, và không ngừng mời cho tới khi khách đến đông đủ. Kinh Thánh nói: “Bấy giờ mỗi người trong số họ [các vị tử đạo] được lãnh một áo trắng; và có lời phán bảo họ cứ nghỉ yên một thời gian ngắn nữa, chờ cho đủ số những người cũng là tôi tớ Thiên Chúa và là anh em của họ, sắp bị giết như họ” (Kh 6:11). : “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:19). Và một nhà tâm linh cao niên đã nói: “Hãy gấp sách thánh lại. Bởi vì linh hồn cuối cùng đã hoán cải!”.
Như vậy, Thiên Chúa là Đấng không nghiêm khắc khi quyết định hoặc thay đổi lập trường ổn định của Ngài, mà Ngài vẫn tiếp tục mời gọi cho tới khi con người tội lỗi và bướng bỉnh trở thành các hối nhân và chấp nhận lời mời dự tiệc của Ngài.
III. TÔN TRỌNG
Mặc dù nghe có vẻ là sự tố giác hoặc hù dọa, nhưng vẫn phải hiểu là sự tôn trọng. Nhà vua (Thiên Chúa) nói: “Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi” (Lc 14:24; x. Mt 22:8). Cuối cùng, Thiên Chúa vẫn tôn trọng (dù không đồng ý) lời “từ chối” của chúng ta đối với lời mời của Ngài. Thiên Chúa trao quyền tự do cho chúng ta và Ngài tôn trọng quyền tự do đối với cách chọn lựa của chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Ngài; Nếu ta chối bỏ Ngài, Ngài cũng sẽ chối bỏ ta” (2 Tm 2:12). Đúng vậy, Thiên Chúa sẽ hành động tùy theo ý của chúng ta là chấp nhận hoặc từ chối lời đề nghị của Ngài. Vấn đề đơn giả là chúng ta trả lời CÓ hay KHÔNG. Chúng ta hoàn toàn có quyền tự do quyết định. Chính quyết định đó sẽ ảnh hưởng số phận của chúng ta.
Sống trong Giáo hội, chúng ta phải tỉnh táo khi đánh giá những gì mà dụ ngôn dạy chúng ta. Chúng ta không thể để mình lạc hướng bởi các khái niệm không thuộc về Kinh Thánh mà cho rằng đa số sẽ được cứu độ nếu “sống tử tế”. Có nhiều người tử tế trên thế giới này. Tuy nhiên, vấn đề quan yếu là bạn có muốn những điều Thiên Chúa đề nghị hay không, hay là bạn thích nhựng điều thế gian đề nghị liên quan xác thịt và ma quỷ?
Có sự trì trệ đối với trái tim con người, muốn điều ít quan trọng hơn điều quan trọng, dễ bị lung lạc bởi các thú vui nhất thời, không thíc quy luật của Thập Giá. Chúng ta phải phục hồi tính cấp bách trong việc loan báo Tin Mừng, không cho rằng điều này có thể thực hiện bằng “sự tốt đẹp” hoặc “sự tử tế”. Chúng ta cần lôi kéo mọi người để họ có thể trả lời “đồng ý” với giáo huấn mà dụ ngôn mong muốn. Khái niệm vô ích về việc toàn cầu hóa và tình trạng vui vẻ, con người tử tế không thể thay thế giáo huấn của Kinh Thánh về việc tuân phục lệnh triệu tập để nói “có” với Nước Chúa. Khái niệm ngây ngô và thiển cận không thể cứu thoát chúng ta hoặc thúc đẩy việc loan báo Tin Mừng cấp bách. Chỉ có vâng lời Thiên Chúa mới có thể làm được điều đó. Giả định là điều khủng khiếp và làm hại việc loan báo Tin Mừng ngay từ trong tâm khảm.
Giáo huấn của dụ ngôn rất rõ ràng: Chúng ta cần phải tỉnh thức, kiên trì, thúc giục những tâm hồn ưa những điều trần tục hơn những điều thánh thiêng, thích những điều mau qua hơn những điều hoàn hảo, khoái những điều ở đây hơn những điều trên trời. Mơ ước viễn vông sẽ chẳng cứu được các linh hồn, chỉ có mơ ước nghiêm túc có căn nguyên từ Lời Chúa mới có thể cứu các linh hồn.
Trong bài thánh ca “Homo Quidem Fecit Cœnam” (*) của Nhạc sĩ Fiocco có ca từ thế này: “Homo quidam fecit cœnam magnam, et misit servum suum hora cœnæ dicere invitatis ut venirent: Quia parata sunt omnia” (Có một người tổ chức đại tiệc, rồi tới giờ đãi tiệc, ông sai đầy tớ đi nói với những người được mời: Mọi thứ đã sẵn sàng).
TRẦM THIÊN THU
Đêm 10-10-2017
(*) Thánh Ca HOMO QUIDEM FECIT CŒNAM: https://www.youtube.com/watch?v=3O0JrT-62FU