Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 28 Thường niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 28 Thường niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Tiệc Cưới Nước Trời

(Mt 22,1-10)

h7_resizeKhi giảng dạy ở trong Đền Thờ, Chúa Giêsu thường bị các thượng tế và kỳ mục trong dân hạch sách. Rõ ràng là họ tới có ý chất vấn Người: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Ai đã cho ông quyền ấy” (21,23). Nhưng Đức Giêsu đã từ chối trả lời họ, bao lâu họ còn lẩn tránh câu hỏi của Người hỏi: “Phép Rửa của Gioan do đâu mà có. Do Trời hay do người ta (21,24). Trong bối cảnh gay cấn như vậy, Chúa Giêsu đã dùng ba dụ ngôn để cảnh báo họ:

            – Dụ ngôn hai người con được sai đi làm vườn nho (Phúc Âm Chúa nhật 26).

            – Dụ ngôn những tá điền sát nhân (Phúc Âm Chúa nhật 27).

            – Dụ ngôn tiệc cưới (Phúc Âm Chúa nhật 28).

Trong bài Tin Mừng hôm nay,

  1. Đức vua ám chỉ Thiên Chúa;
  2. Tiệc Cưới chỉ Nước Trời;
  3. Các đầy tớ đi mời khách đến dự tiệc là các ngôn sứ, trong đó có Đức Giêsu;
  4. Các quan khách ưu tiên được mời mà không thèm đến đó là Dân Do Thái;
  5. Những người ở ngoài đường được mời dự tiệc đó là Dân Ngoại gồm các dân tộc của mọi thời.

Dụ ngôn Tiệc Cưới trong bài Tin Mừng hôm nay có hai chủ ý:

– Chủ ý thứ nhất: Ơn cứu độ hay Nước Trời ưu tiên dành cho người Do Thái, nhưng người Do Thái đã tỏ ra hờ hững, bất xứng với sự ưu tiên ấy, vì thế, sự ưu tiên ấy đã được trao cho các dân tộc khác.

– Chủ ý thứ hai là: để vào Nước Trời, cần phải có một nỗ lực cá nhân để trở nên xứng đáng với Nước Trời, tức là phải mang áo cưới.

Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước Trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi. Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người. Nhưng một số người từ chối. 

Thánh Matthêu ghi lại hai lý do: “người thì đi thăm trại, người thì đi buôn bán”. Thánh Luca thì ghi rõ hơn, tới ba lý do: “Người thứ nhất nói: tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; người khác nói: Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; người khác nói: Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được” (Lc 14,18-19)
Ba lý do trong Luca có thể gom thành hai loại

            – Quá mê làm ăn có thể kéo ta xa Chúa.
            – Quá lo thụ hưởng cũng có thể kéo ta xa Chúa.

Thực ra hai điều ấy không cấp bách đến nỗi phải lập tức làm ngay để đành từ chối lời mời ưu ái của nhà vua. Tuy nhiên, đó là hai nguyên do khiến nhiều người chối từ lời mời của Thiên Chúa.

Trước sự từ chối của dân Do Thái, Thiên Chúa quay sang Dân Ngoại, mời họ vào Nước Trời cho thật đông để họ được thưởng thức những cao lương mỹ vị mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho họ. Tuy nhiên, muốn vào dự tiệc Nước Trời cũng phải có điều kiện đó là phải mặc áo cưới.

Chúng ta có thể coi chiếc áo cưới là phần nối tiếp của dụ ngôn khách mời dự tiệc, hoặc coi như là một dụ ngôn riêng. Tuy coi là dụ ngôn riêng nhưng cũng là câu chuyện nối tiếp và giải rộng ý nghĩa câu chuyện trước, trong câu truyện ở đây có một thực khách đến dự tiệc của nhà vua, nhưng không mặc lễ phục, nên đã bị tống giam.

Điều này chắc phải làm chúng ta thắc mắc: những người đang ở ngoài đường đột nhiên được mời vào dự tiệc cưới thì làm sao có sẵn áo cưới mà mặc.

Chúng ta nên nhớ đây là một dụ ngôn, nghĩa là các chi tiết ám chỉ đến một ý nghĩa nào đó. Nếu bữa tiệc cưới là hình ảnh của Nước Trời, thì chiếc áo cưới tượng trưng cho nếp sống phù hợp với Nước Trời. Tự nhiên được mời vào Nước Trời đã là một hồng phúc, cho nên để đáp lại thì phải có một nếp sống phù hợp với Nước Trời.
Chiếc áo cưới ở đây tượng trưng cho cách sống. Theo ý kiến của một số giáo phụ, chiếc áo cưới ám chỉ đức ái, tối thiểu là cuộc sống ăn ngay ở lành. Còn theo ý kiến của các nhà chú giải Thánh Kinh thời nay, thì chiếc áo cưới chính là sự hoán cải hay sự trở về, tức là tinh thần sám hối chân thật.

Ăn năn hoán cải, thực lòng sám hối trở về cùng Chúa, đó chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi chúng ta bước vào Bàn Tiệc của Ngài như người Hồi Giáo thường kể rằng:

Ngày kia Đức Allah truyền cho một sứ thần xuống thế gian tìm xem có điều gì tốt đẹp nhất để mang về trời.

Sứ thần đến ngay một chiến trường nơi máu của các vị anh hùng đang chảy lai láng, sứ thần thu nhặt một ít máu mang về cho Đức Allah. Nhưng xem ra Đức Allah không bằng lòng mấy, Ngài bảo:

– Máu đổ ra cho tổ quốc và tôn giáo là một điều quí giá, nhưng vẫn chưa phải là điều tốt đẹp nhất nơi trần gian.

Sứ thần đành phải giáng thế một lần nữa. Lần này ngài gặp đám tang của một người giầu có nhưng rất quảng đại. Vô số người nghèo đi theo sau quan tài, vừa đi vừa khóc lóc vừa xông hương để biểu lộ lòng biết ơn của họ đối với vị đại ân nhân. Sứ thần liền thu nhặt hương thơm và mang về trời.

Lần này Đức Allah mỉm cười đón lấy hương thơm ngào ngạt. Nhưng xem ra vẫn chưa hài lòng, Ngài nói:

– Dĩ nhiên lòng biết ơn là một trong những điều tốt đẹp và hiếm có dưới trần gian. Nhưng Ta nghĩ rằng còn có một cái gì tốt đẹp hơn.

Lại một lần nữa, sứ thần đành phải vâng lệnh. Sau nhiều ngày tìm kiếm khắp bốn phương, một buổi chiều nọ ngồi nghỉ  bên vệ đường ngài bỗng thấy một người đàn ông đang khóc sướt mướt. Trước câu hỏi đầy ngạc nhiên của sứ thần người đàn ông giải thích:

– Tôi đã chiều theo cơn cám dỗ mà phạm tội. Giờ đây nước mắt là lương thực hàng ngày của tôi.

Sứ thần giơ tay hứng lấy những giọt  nước mắt còn nóng hổi và thẳng cánh bay về trời. Đức Allah chăm chỉ nhìn những giọt nước mắt rồi mỉm cười nói:

– Thế là người đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Quả thật, dưới trần gian không có gì tốt đẹp và hữu ích cho bằng lòng sám hối. Bởi vì nó có sức canh tân cuộc đời. Một lòng sám hối chân thật có sức biến đổi mùa đông giá rét của lòng người thành mùa xuân ấm áp của tình yêu.

Đức Allah của người Hồi Giáo mỉm cười trước những giọt nước mắt sám hối, còn Chúa Giêsu thì quả quyết: “Cả thiên đàng sẽ hân hoan vì một tội nhân hối cải”.

Mọi người chúng ta đều là tội nhân. Vì thế mà từng người chúng ta đều có vinh dự đem lại niềm vui cho Thiên Chúa và thần thánh trên trời.

Thiên đàng tuy đã tràn đầy hạnh phúc của Thiên Chúa, nhưng mỗi khi chúng ta ý thức được tội lỗi mình và thành tâm sấm hối là mỗi lần chúng ta hòa nhập vào niềm vui thiên quốc và làm cho niềm vui ấy như tràn đầy thêm lên.

Quả thực lòng sám hối chính là chiếc áo cưới Thiên Chúa đòi chúng ta khi bước vào Tiệc Cưới Nước Trời như bài Tin Mừng hôm nay. Amen.[1]

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Câu chuyện trong “Truyện Vui Suy Niệm”, trg.290-291

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …