Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 27 Thường niên, năm B, của LM Trần Minh Đức Bảy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 27 Thường niên, năm B, của LM Trần Minh Đức Bảy

(Mc 10, 2-16)

1. Bài Đọc

            “Có mấy người Biệt Phái đến gần và hỏi Chúa Giêsu: ‘Có cho phép chồng bỏ vợ chăng?’. Họ có ý thử Người. Nhưng Chúa Giêsu hỏi lại: ‘Môsê đã dạy các ông thế nào?’. Họ thưa: ‘Môsê cho phép làm tờ ly dị rồi bỏ’. Chúa Giêsu mới nói: ‘Vì các ông cứng lòng, nên Môsê đã viết luật đó cho các ông. Nhưng từ đầu, Thiên Chúa đã sáng tạo một người nam và một người nữ. Vì đó, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ để gắn bó với vợ mình, và cả hai người sẽ nên một huyết nhục (1). Như thế, họ không còn là hai, nhưng chỉ một huyết nhục. Vậy điều gì Thiên Chúa đã thắt kết, người ta không được phân rẽ’. Về nhà, các môn đệ lại hỏi Chúa Giêsu về điều ấy. Chúa Giêsu phán với các ông: ‘Ai bỏ vợ mình và lấy người khác thì phạm tội ngoại tình đối với người vợ trước. Nếu người vợ bỏ chồng mà lấy một người khác, cũng phạm tội ngoại tình’.

            “Người ta dẫn các trẻ con đến cùng Chúa Giêsu, để Người động đến chúng (2); nhưng các môn đệ mắng trách họ. Thấy thế, Chúa Giêsu không bằng lòng mới nói: ‘Để cho trẻ con đến cùng Thầy, đừng ngăn cản chúng, vì Nước Thiên Chúa là của những người giống như chúng. Thầy nói thực với anh em, ai không đón nhận Nước Thiên Chúa như trẻ con thì không được vào nước đó’. Rồi Chúa Giêsu ôm chúng vào lòng và đặt tay trên đầu chúng để ban phúc (3) cho chúng”.

2. Chú Thích

            (1) Một huyết nhục: Một xác thịt. Nói với người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhắc những lời trong Thánh Kinh của họ (St 2,24).

            (2) Động đến chúng: Những người ở đó tin Chúa Giêsu động đến ai thì người đó được ơn phúc, nhất là trẻ con.

            (3) Ban phúc: Theo nguyên ngữ La Tinh hay Hy Lạp, có nghĩa là ‘Nói tốt’, tiếng Việt quen dịch là ‘Chúc phúc’; nhưng điều gì người ta không thực hiện được mới chúc cho kẻ khác; còn Thiên Chúa chúc phúc thế nào là thực hiện thế ấy, nên có thể hiểu Thiên Chúa ban phúc, trừ phi Thiên Chúa có lời, nhưng chưa ban.

3. Suy Niệm

            (1) Vì thương yêu người ta, Thiên Chúa đã muốn cho hai người nam nữ kết bạn trăm năm với nhau, để giúp nhau, cả về tinh thần, cả về vật chất, và để sinh con cháu tiếp tục nhân loại, cho có những người được hưởng thụ và gây nên hạnh phúc, ngày nay dưới đất và ngày sau trên trời. Vì thế, cần cho hai người nam nữ đã kết bạn trăm năm với nhau thì phải yêu thương và trung thành. Không thể lúc này thì hội hợp, khi khác lại chia phôi. Nếu không yêu thương và không trung thành, thì không đem cả cuộc đời của mình, cả tinh thần, cả vật chất, mà phó thác và lo lắng phụng sự cho nhau; trái lại còn làm khổ cho bạn và cho con cái trong gia đình. Hạnh phúc chân thực và cao quý của gia đình xây dựng trên điều kiện yêu thương và trung thành. Không được xem người bạn trăm năm chỉ như vật dụng của mình, khi muốn dùng thì giữ, lúc không muốn dùng lại bỏ đi. Những thứ vô tri vô giác mới chịu như thế, con người có lý trí và tâm tình, không ai chấp nhận sống với nhau như cầm thú, trừ phi những người đã tự kể mình và xem người khác chỉ có vật chất, không lý, không tình và không nghĩa; chỉ biết tìm lạc thú cho cơ thể, đổi gia đình và kết hợp thành ra gặp gỡ tạm thời để sử dụng, xem người khác như đồ chơi hay đồ dùng của mình. Ai hiểu nghĩa như thế, cũng phải nhận ly dị là một điều phi lý; gây nên bao nhiêu đau khổ rối loạn cho người trong cuộc, từ trong gia đình đến ngoài xã hội, từ vợ chồng đến con cái, cả những người thân yêu trong dòng họ hay là bạn hữu.

            (2) Nhưng khi đã không hợp tính tình với nhau, mà cứ phải ở cùng nhau, thì chỉ gây đau khổ cho nhau. Thiên Chúa đâu lại muốn cho người ta đau khổ. Thiên Chúa vẫn muốn cho những người có trách nhiệm đến việc hôn nhân, phải suy xét cân nhắc cẩn thận, không nên vội vàng; đừng vì một tà áo hay một nụ cười, đã tưởng là yêu nhau, tưởng có thể sống chết với nhau. Sau khi đã hứa hẹn cùng nhau, phải yêu quý nhường nhịn, xem người bạn trăm năm như chính mình, hay là hơn mình, hạnh phúc hay đau khổ của họ là của mình. Nhờ biết không được ly dị, mới tìm cách chiều chuộng nhau, lo lắng cho nhau, khiến cho gia đình được thuận hòa vui vẻ. Còn biết có thể bỏ nhau, thì ai cần gì phải yêu quý chiều chuộng, chỉ gây khổ cho nhau. Vẫn hay nhiều khi không phải dễ, vì không phải chỉ riêng một người, nhưng là việc chung của cả đôi bên. Vì thế, nói chuyện với người Do Thái, Chúa Giêsu đã nhắc đến Thánh Kinh của họ, để cho họ hiểu luật ly dị chỉ là một cách chiều theo những người cứng lòng, kiêu ngạo, ích kỷ, ham theo vật chất, không chịu khó tìm lý lẽ, tôn trọng bạn trăm năm. Nhưng người khôn ngoan không lợi dụng những luật cho người cứng lòng, yếu đuối, phải biết giữ luật xứng đáng cho mình. Đến khi dạy riêng với các Tông Đồ, Chúa Giêsu đã nói rõ ai ly dị và kết bạn với một người khác, bất kỳ bên nam hay bên nữ, đều mắc tội ngoại tình, nghĩa là ăn ở với một người khác không phải là bạn trăm năm của mình.

            (3) Vừa có người dẫn đến bọn trẻ con, Chúa Giêsu dùng dịp đó để thêm ý tưởng về điều kiện yêu quý hạng ấy. Vì cha mẹ yêu quý con cái, nên phải chịu khó thuận hòa với nhau, để hợp nhau mà nuôi dưỡng giáo dục chúng. Vì trẻ con có những điều kiện để vào thiên đàng,MỘT là chúng không có những ý tưởng xấu xa ác độc, chưa vướng mắc tôi lỗi gì; HAI là chúng đương còn những khả năng chịu huấn luyện, khác nào như rễ cây hút chất lực để sinh hoa quả, dưới bàn tay chăm nom săn sóc vun quén của người chủ vườn là cha mẹ. Vậy ai muốn được vào thiên đàng, cũng phải trở nên như chúng, bỏ hết các ác tính và tội lỗi của mình, sẵn sàng đón nhận những lời huấn luyện của Thiên Chúa, của người ta hay của chính mình. Người chủ vườn để cho cây non héo tàn, tự mình đã phải thiệt thòi, không có hoa quả sinh tươi, lại phá cả cuộc đời hiện tại và tương lai của thân cây, đó là những người cha mẹ không thuận hòa với nhau, không lo việc nuôi dưỡng giáo dục con cái. Cũng như người không biết hối hận sửa đổi, để trở lui về tâm trạng vô tội, là trở nên như trẻ con; không chịu tìm hiểu để luyện tập phát triển đạo đức, thì tự mình hại mình, thì không thể vào thiên đàng.

@Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …