Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 27 Thường niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 27 Thường niên, năm A, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Những tá điền sát nhân

(Mt 21, 33-43)

h3_resizeDụ ngôn những người tá điền sát nhân (Mt 21,33-43) là một trong ba dụ ngôn Ðức Giêsu dùng để đối đáp với nhóm người tới hạch hỏi Người trong khi Người đang giảng dạy dân chúng nơi Ðền Thờ. Ðó là nhóm thượng tế và kỳ mục trong dân.

Họ đòi Ðức Giêsu phải cho họ biết Người dựa vào quyền lực nào để giảng dạy cũng như xua đuổi người buôn bán ra khỏi khuôn viên Ðền Thờ.

Ðức Giêsu nêu điều kiện là họ phải trả lời Người trước đã, thì Người mới trả lời họ về câu hỏi vừa nêu. Câu hỏi mà Người buộc họ phải trả lời là “Phép Rửa của ông Gioan do đâu mà có? Do Trời hay do người ta?” (Mt 21,25).
Nhóm thượng tế và kỳ mục rơi vào thế bí, tiến thoái lưỡng nan. Nếu họ trả lời rằng Phép Rửa ấy do Thiên Chúa, họ sẽ bị Ðức Giêsu vặn hỏi: “sao các ông không tin?” Còn, ngược lại, nếu họ nói “Phép Rửa ấy do loài người,” thì họ lại sợ đi ngược lại với niềm tin của dân chúng, vì ai nấy đều kể ông Gioan Tẩy Giả là một ngôn sứ. Cho nên nhóm thượng tế và kỳ mục cực chẳng đã, phải trả lời rằng “chúng tôi không biết” (c.27).

Thế là Ðức Giêsu liên tiếp nói với họ ba dụ ngôn:

Dụ ngôn hai người con (Mt 21,28-32), dụ ngôn những tá điền sát nhân (cc. 33-46) và dụ ngôn tiệc cưới (Mt 22,1-14).

Dụ ngôn thứ nhất nhắm thẳng nhóm thượng tế và kỳ mục.

Dụ ngôn thứ hai và thứ ba có thêm cả một số người pharisêu trong đám thính giả. Vì hiểu rõ Ðức Giêsu có ý lên án họ, nên họ tìm cách bắt Người. Ðó là điều họ không dám thực hiện trước đám đông vì đám đông kể Người là một ngôn sứ (Mt 22,45-46).

Vậy nội dung dụ ngôn những tá điền sát nhân là gì khiến đối phương phật ý muốn sai người đi bắt Ðức Giêsu?

Trong dụ ngôn bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu tiếp tục khai triển chủ đề “vườn nho” của bài đọc 1 (Is 5,1-7), với những ám chỉ sau đây:

1. Vườn nho ám chỉ dân Do Thái;

2. Ông chủ đất: Thiên Chúa;

3. Bọn tá điền: Các lãnh tụ tôn giáo Do Thái;

4. Các tôi tớ của chủ đất: Các ngôn sứ được Thiên Chúa sai đến;

5. Người con trai của ông chủ: Đức Giêsu;

6. Các tá điền khác: Dân ngoại.

Toàn bài dụ ngôn nói lên diễn tiến trong lịch sử dân Do Thái: Thiên Chúa chọn Do Thái là dân riêng của Ngài giữa mọi dân tộc.

Ngài muốn họ là cầu nối giữa Ngài với mọi dân tộc khác và với toàn nhân loại.

Để thực hiện mục đích ấy, Ngài đã sai các ngôn sứ đến để dạy dỗ, sửa trị nhưng các ngôn sứ đều bị đánh đập hoặc ném đá.

Cuối cùng, Thiên Chúa sai chính Con Một của mình, thì cũng bị họ giết chết một cách thảm hại, nên Thiên Chúa đã giao cho các tá điền khác canh tác, đó là dân ngoại.

Như lịch sử đã minh chứng: tháng 9 năm 70, Titus, lúc ấy làm thống soái quân đội Rôma (sau làm hoàng đế năm 79-81), đã bao vây và chiếm Giêrusalem, giết rất nhiều người Do Thái. Kể từ đó, Do Thái bị mất nước, và dân Do Thái phải tản mác khắp nơi trên thế giới.

Đến thế chiến thứ hai, dân Do Thái tại Đức đã bị Hitler giết tới 6 triệu người. Mãi đến năm 1947, sau gần 19 thế kỷ bị mất nước, Do Thái đã lập quốc trở lại tại vùng đất cũ, nhưng kể từ đó, họ phải chiến tranh liên tục với dân Palestin và Ai Cập cho đến nay.

Quả thật dân Do Thái là một vườn nho được Chúa trồng, chăm nom săn sóc. Từ rào dậu chung quanh đến xây tháp canh giữ. Từ xây bồn ép nho đến tưới bón cắt tỉa. Nhưng sự thương yêu của Chúa được đáp trả bằng sự phản bội. Người Do Thái không công nhận quyền làm chủ của Chúa. Ho giết các tiên tri được sai đến dạy dỗ họ. Họ giết cả Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa để chiếm lấy vườn nho làm của riêng.

Qua bài Tin Mừng hôm nay, không những Chúa cảnh báo giới lãnh đạo Do Thái, nhưng cũng cảnh báo mỗi người chúng ta.

Mỗi người chúng ta cũng là những tá điền mà Thiên Chúa trao cho một vườn nho, đó là những tài năng tinh thần, đó là những của cải vật chất, để ta sinh lợi cho Chúa cũng như cho phần rỗi linh hồn của ta.

Sẽ đến ngày ta phải tường trình về công việc vườn nho mà Chúa đã trao phó cho ta. Sẽ đến ngày ta phải dâng lên Chúa những thu hoạch hoa lợi mà Ngài trông đợi. Bội thu hay mất trắng hoàn toàn tùy thuộc vào ta. Nếu ta không biết sử dụng ơn lành Chúa ban, thì Ngài sẽ cất đi và trao cho người khác. Thật là bất hạnh nếu ngày ấy lại xảy đến với ta.

Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay thuật lại dụ ngôn “Người thợ làm vườn nho”. Vườn nho là một hình ảnh quen thuộc đối với người Do Thái. Chúa đã dùng hình ảnh quen thuộc này để giúp người nghe dễ hiểu điều Ngài muốn nói về Nước Trời.

Thiên Chúa là chủ vườn nho. Vườn nho thoạt tiên được dùng để chỉ dân Do Thái. Dân Do Thái được Chúa chọn là dân riêng. Lịch sử dân Do Thái là lịch sử tình yêu thương của Thiên Chúa. Vì yêu thương Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Vì yêu thương Chúa đã dành sẵn cho họ một đất nước. Vì yêu thương Chúa bảo vệ họ khỏi sự quấy phá của các nước lân bang. Vì yêu thương Chúa đã sai phái các tiên tri đến dạy dỗ họ.

Một cách quyết liệt, dụ ngôn đã đưa ra câu hỏi sau đây: Làm sao giới hữu trách của dân Do Thái lại đi tới chỗ loại bỏ Đấng Thiên Sai?

Chính vì họ đã buông thả theo bản năng chiếm hữu của họ.

Vì ham lợi nên họ đã loại bỏ Đức Giêsu là chính nguồn sự sống, nên họ đã mất cả chì lẫn chài như câu chuyện con ngỗng đẻ trứng vàng kể rằng:

Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho tương lai.

Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói:

”Ông hãy chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”.

Rồi người đó bỏ đi.

Ông già nghèo đưa con ngỗng về nhà, cho nó ăn, cho nó uống,

ban đêm cho nó ngủ trong một cái lồng sạch sẽ.

Sáng hôm sau khi nhìn vào chiếc lồng ông vui mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng.

Ông mang quả trứng ra tiệm bán được một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống.

Hôm sau ông được thêm một quả trứng ngỗng bằng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt được một quả trứng vàng.

Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái.

Nhưng dần dần ông trở thành tham lam.

Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng, ông không thể chờ cho hết tuần  mới có được 7 trứng.

Ông muốn có ngay một lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng.

Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra.

Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả.

Ông vội may bụng ngỗng lại mong nó đừng chết. Nhưng vô ích.

Khi đó người lạ mặt kia trở lại và nói:

”Trước đây đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ giúp ích cho ông sao?

Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả”.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

 

[1] Lm Augustine SJ. CN 27A TN

Xem thêm

13-5-2024 6-29-48 PM

Lời Chúa – Thứ Ba Tuần VII Mùa Phục Sinh 14/05/2024

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN