Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 27 Thường Niên- Lễ Mân Côi, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 27 Thường Niên- Lễ Mân Côi, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 27C TN

 LỄ MÂN CÔI

10-4-2019 6-52-26 PMLễ mừng kính Đức Mẹ Mân Côi được Đức Giáo Hòang Piô V, xuất thân từ dòng Đa Minh lập ra vào năm 1572, với tước hiệu là lễ “Đức Mẹ Chiến Thắng” để cảm tạ Đức Mẹ đã giúp đạo quân Công Giáo chặn đứng cuộc xâm lăng của người Hồi Giáo tại vùng Lepante ngày 07/10/1571.

Năm 1571, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của kinh Mân Côi. Cuộc chiến thắng xảy ra hết sức lạ lùng, nhờ hiệu quả của kinh Mân Côi. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi.

Nếu nguồn gốc của lễ Mân Côi ngày 7 tháng 10, bắt nguồn từ việc các tín hữu Âu Châu thành công trong việc phòng thủ, trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 1571, tại vịnh Lepante thời thánh giáo hoàng Piô V, thì cũng từ đó, Giáo Hội cổ võ tín hữu đặc biệt cầu nguyện bằng chuỗi hạt quý giá này.

Cổ võ không phải để mừng kính chiến thắng tại Lepante, nhưng cổ động lòng tin vào sự can thiệp của Đức Maria qua các thời đại.

Tin tưởng vào sự cầu bầu của Đức Mẹ trong buổi sơ khai cũng như dọc suốt lịch sử của Giáo Hội, chúng ta kêu cầu Mẹ qua tràng chuỗi Mân Côi.

Kinh nghiệm cho thấy, nhờ kinh Mân Côi, Đức Maria đã can thiệp mạnh mẽ vào đời sống cá nhân, gia đình cũng như các cộng đoàn, can thiệp một các mạnh mẽ và hiệu quả, nhiều khi quá sự mong ước của chúng ta.

Chính vì vậy chúng ta lắng nghe lời kêu gọi của vị Cha Chung Giáo Phận: “Tháng Mười năm nay là một tháng rất đặc biệt. Không chỉ là tháng Mân Côi và cũng không chỉ có ngày Thế Giới Truyền Giáo vào Chúa Nhật ngày 20 tháng 10, nhưng theo ý muốn của Đức thánh Cha Phanxicô, vị Cha Chung của chúng ta, đây là “Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo”. Vì thế, tôi kêu gọi mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận Phú Cường chúng ta hãy bước vào tháng 10 năm 2019 này trong tinh hiệp thông sâu xa với Đức Thánh Cha Phanxicô và nhiệt tình hưởng ứng lời kêu gọi của ngài. Chúng ta hãy cùng cử hành Tháng Đặc Biệt Truyền Giáo này trong nỗ lực cầu nguyện cho công cuộc Loan Báo Tin Mừng và phát huy những sáng kiến nhằm khơi dậy ý thức về sứ mệnh truyền giáo của mọi tín hữu trong lòng Giáo Hội, cũng như sự nhiệt tình dấn thân trong việc loan báo Tin Mừng.

Việc này không chỉ giới hạn trong thánh Mười năm nay, nhưng cần được tiếp tục trong đời sống Kitô hữu, cách đặc biệt như một sự khởi động để giáo phận bước vào năm mục vụ mới, năm ‘hiệp thông loan báo Tin Mừng’ là đỉnh cao của định hướng mục vụ bốn năm của giáo phận, tức là “hiệp thông trong đức tin và đức ái để loan báo Tin Mừng”[1]

Vậy “hiệp thông loan báo Tin Mừng” là gì và hiệp thông và truyền giáo có liên hệ gì với nhau?

1.Hiệp Thông và Truyền Giáo liên kết chặt chẽ với nhau

– Hiệp Thông và  Truyền Giáo liên kết mật thiết với nhau, cả hai giải thích và bao hàm nhau, đến độ sự Hiệp Thông cho thấy nguồn gốc và đồng thời cả kết quả của việc Truyền Giáo. Một đòi hỏi thiết yếu của cuộc sống trong Đức Kitô là hễ ai hiệp thông với Chúa thì phải sinh hoa kết quả:”ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, người ấy sẽ sinh nhiều hoa trái.”[2] Như thế, thật chính xác khi bảo rằng ai không sinh hoa kết quả, thì ấy là người đã không sống trong sự hiệp thông: ”cành nào không sinh hoa trái thì Cha Thầy sẽ tỉa đi.”[3] Hiệp Thông với Đức Kitô, và từ đó phát sinh sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với nhau, chính là điều kiện cần thiết để sinh hoa kết quả: và sự hiệp thông với người khác, một món quà của Đức Kitô và Thánh Thần, chính là hoa quả tuyệt vời nhất mà cành cây có thể sinh ra. Hiểu như thế thì hiệp thông và tuyền giáo là hai việc không thể tách rời nhau. Chúng thẩm thấu và bao hàm nhau, đến nỗi có thể nói “hiệp thông vừa là gốc vừa là hoa trái của việc truyền giáo: hiệp thông đưa tới truyền giáo và truyền giáo được hoàn thành trong sự hiệp thông.”[4]

– Hiệp Thông và  Truyền Giáo liên kết mật thiết với nhau vì Hiệp Thông mang tính Truyền Giáo và Truyền Giáo nhằm mục đích Hiệp Thông. Luôn luôn cùng một Thánh Thần duy nhất, Đấng kêu gọi và hiệp nhất Giáo Hội, sai đi truyền giảng Tin Mừng “cho đến tận cùng trái đất.”[5] Về phần mình, Giáo Hội ý thức rằng sự Hiệp Thông mà Giáo Hội đã đón nhận như một hồng ân, là được ban cho hết thảy mọi người. Như thế, Giáo Hội cảm nhận được rằng mình mắc nợ với hết mọi người và với từng người, về hồng ân đã lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần, Đấng gieo vào lòng người tín hữu tình mến của Chúa Giêsu Kitô, là sức mạnh nối kết bên trong và đồng thời phát triển bên ngoài. Sứ vụ truyền giáo của Giáo Hội phát xuất từ chính bản chất của Giáo Hội, như ý định của Đức Kitô, đó là trở thành “dấu chỉ và khí cụ …. của sự hiệp nhất nhân loại”. Sứ vụ này nhắm bày tỏ và giúp mọi người sống sự Hiệp Thông “mới”, sự Hiệp Thông đã đến trong lịch sử nhân loại qua Con Thiên Chúa làm người.[6]

2.Sống Mầu Nhiệm Hiệp Thông

– Giáo xứ là một cộng đoàn “luôn luôn hiệp thông với nhau”, giữa linh mục và giáo dân cũng như giữa giáo dân với nhau. Sự Hiệp Thông trong cộng đoàn được thể hiện qua sự tôn trọng, cộng tác và chia sẻ. Thật vậy, trên nền tảng bí tích Rửa Tội, mọi tín hữu đều bình đẳng với nhau về phẩm giá, cho nên phải tôn trọng lẫn nhau, tránh mọi hình thức phân biệt đối xử. Đồng thời phải cộng tác và chia sẻ với nhau để cùng xây dựng ngôi nhà chung là giáo xứ và thi hành sứ mạng chung là loan báo Tin Mừng cho muôn dân.” 

– Đời sống gia đình Kitô hữu đã là đời sống cộng đoàn hướng tới Hiệp Thông. Bàn ăn là nơi cả nhà vui vẻ sum vầy ăn chung trong thanh bình đầm ấm; và bàn thờ là nơi cả nhà cầu nguyện chung tạo nên giờ phút hồi tâm sau một ngày, hay một tuần, một tháng. Thế nhưng, giáo xứ mới là nơi các tín hữu có thể tập họp quanh Bàn Tiệc Thánh Thể, là trung tâm đời sống phụng vụ của các gia đình Kitô giáo; đó là nơi tốt nhất để dạy giáo lý cứu độ của Chúa Kitô, cho trẻ nhỏ và cho cha mẹ chúng, và là nơi thuận tiện cho việc thực thi bác ái, từ thiện và huynh đệ. Như vậy, đời sống cộng đoàn giáo xứ hướng tới sự Hiệp Thông sâu hơn, cao hơn, rộng lớn hơn trong cộng đoàn nhỏ gia đình.

– Đời sống trong cộng đoàn Hội Thánh tại địa phương, mà đỉnh cao là Cộng Đoàn Thánh Thể, là biểu hiện sự Hiệp Thông với Thiên Chúa nhờ Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần, mang tính bí tích đó. Biểu hiện bí tích đó nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, ơn Thông Hiệp, mà thành hiện thực cho cộng đoàn cử hành. Hiện thực Tình Yêu đó vừa là hiệu quả của ân sủng vừa là do sự tham dự tự do của tín hữu. Hoa quả của ân sủng và lòng tin đó thể hiện qua thái độ sống thường nhật trong cộng đoàn giữa các thành viên và với người khác: đó là “nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật … tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hi vọng tất cả, chịu đựng tất cả.”[7]

Sống tình yêu thương cụ thể bằng việc nghĩ tốt, nói tốt, làm tốt cho nhau; cảm thông chia sẻ và mau mắn đáp ứng nhu cầu của nhau; quảng đại tha thứ lỗi lầm cho nhau; năng thăm hỏi và động viên khen ngợi đúng lúc; phê bình góp ý cách tế nhị để giúp nhau sửa lỗi; biết tôn trọng nhau khi giao tiếp và có tinh thần trách nhiệm đối với việc chung. Tránh nói xấu nhau, không tranh cãi to tiếng, tránh thái độ vô trách nhiệm với việc chung, nhất là tránh lạm dụng tín nhiệm vay mượn tiền bạc, thường là nguyên nhân gây bất hòa và làm tan rã các gia đình trong giáo xứ.[8]

3.Sống Mầu Nhiệm Hiệp Thông để Truyền Giáo

– Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ rằng “giáo xứ là sự hiện diện của Hội Thánh tại một địa phương nhất định… giáo xứ là một cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến uống dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng lời kêu gọi xem xét lại và canh tân các giáo xứ của chúng ta vẫn chưa đủ sức đưa các giáo xứ trở thành những môi trường sống hiệp thông và tham dự, và làm cho giáo xứ trở nên hoàn toàn hướng về truyền giáo”.

– Mỗi Giáo Hội địa phương phải được xây dựng trên những chứng từ của sự hiệp thông Hội Thánh, đó vốn là điều làm nên chính bản chất của Giáo Hội. Giáo Phận và Giáo Xứ là  sự Hiệp Thông của các cộng đoàn, tập hợp xung quanh Vị Mục Tử, trong đó các giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân “đối thoại trong cuộc sống và bằng con tim” được nâng đỡ bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính trong giáo phận sự hiệp thông của các cộng đoàn này được thực hiện trước hết ngay giữa lòng các thực tại xã hội, chính trị, kinh tế, tôn giáo và văn hóa. Sự Hiệp Thông Hội Thánh đó hàm nghĩa mỗi Giáo Hội địa phương phải trở thành một “Giáo Hội Tham Gia” (partipatory Church), có nghĩa là, một Giáo Hội trong đó mọi người đều sống ơn gọi riêng của mình và thực hiện vai trò riêng của mình. Để xây dựng sự “Hiệp Thông để Truyền Giáo” và “Truyền Giáo bằng Hiệp Thông”, đặc sủng của mỗi thành viên cần được nhìn nhận, phát huy, và sử dụng cách hiệu quả. Cách riêng, cần để cho giáo dân và tu sĩ tham gia sâu xa hơn nữa trong việc lên kế hoạch mục vụ và ra quyết định, thông qua các cơ chế tham gia như là Hội Đồng Mục Vụ hay các Công Hội Giáo Xứ.[9]

4.Một Linh Đạo Hiệp Thông đích thực

Một Linh Đạo Hiệp Thông đích thực cần phải:

– Đâm rễ sâu trong đời sống Chúa Ba Ngôi, và trở thành một cộng đoàn cầu nguyện và chiêm niệm, một cộng đoàn cử hành Bí Tích Thánh Thể.

– Tham gia và đồng trách nhiệm, hiệp nhất với chủ chăn cũng như với Giáo Hội.

– Làm chứng cho những điều mình tuyên xưng, để cho những giá trị đó nhập thể vào trong lối sống của mình, diễn tả chúng trong cách thế hiện diện, đối thoại và thực hành của mình trong mọi lãnh vực của cuộc sống.[10]

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Tâm Tình Mục Tử tháng 10/2019 của Đức Giám Mục Giáo Phận Phú Cường

[2] Ga 15,5

[3] Ga 15,2

[4] EA 24

[5] Cv 1,8

[6] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Kitô Hữu Giáo Dân,32

[7]http://www.giaophanvinhlong.net/Giao-Xu-Cong-Doan-Hiep-Thong-De-Truyen-Giao-thang-2-nam-2015.html

[8] http://gpcantho.com/ArticlesDetails.aspx?ArticlesID=8123

[9] ubmvgiadinh.org  http://www.giaophanvinhlong.net/Giao-Xu-Cong-Doan-Hiep-Thong-De-Truyen-Giao-thang-2-nam-2015.html

[10] ubmvgiadinh.org  http://www.giaophanvinhlong.net/Giao-Xu-Cong-Doan-Hiep-Thong-De-Truyen-Giao-thang-2-nam-2015.html

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN