HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 25 THƯỜNG NIÊN A
Is 55,6-9 ; Pl 1,20c-24.27a ; Mt 20,1-16a
CẢM THÔNG VỚI THA NHÂN
I. HỌC LỜI CHÚA
1. TIN MỪNG: Mt 20,1-16a
(1) Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vuờn nho nhà mình. (2) Sau khi đã thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc. (3) Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ. (4) Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng” (5) Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy”. (6) Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết? “ (7) Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !”. (8) Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót cho tới những người vào làm trước nhất”. (9) Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền. (10) Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn. Thế nhưng cũng chỉ được lãnh một người một quan tiền. (11) Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: (12)“Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ. Thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt”. (13) Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có đối xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao ? (14) Cầm lấy phần của bạn mà đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. (15) Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bung, mà bạn đâm ra ghen tức ? (16a) Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. Còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.
2. Ý CHÍNH: DỤ NGÔN THỢ LÀM VƯỜN NHO
Bài Tin Mừng hôm nay ví Nước Trời Đức Giê-su sắp thiết lập giống như câu chuyện một ông chủ vườn nho đi kêu người làm vao làm việc trong vườn nho của mình. Có 4 tốp người được kêu vào làm vào 4 thời điểm khác nhau trong ngày: giờ thứ nhất, giờ thứ ba, giờ thứ sáu, và cả giờ thứ mười một. Khi trả lương, chủ vườn lại trả lương từ người làm giờ thứ mười một tới người làm từ giờ thứ nhất. Mỗi người đều được trả lương bằng nhau là một quan tiền. Khi có người thắc mắc ông chủ đã cho biết ông không bất công khi trả lương sòng phẳng theo thỏa thuận ban đầu là một đồng. Còn việc ông trả cho người sau bằng người đầu là do lòng nhân hậu của ông. Cũng vậy, sau này Thiên Chúa sẽ ban ơn cứu độ chung cho mọi người gia nhập vào Hội Thánh. Dù là dân ngoại vào trễ hay dân Do Thái vào từ ban đầu, đều được hưởng ơn cứu độ như nhau, miễn là phải có đức tin thể hiện qua đức cậy và đức mến.
3. CHÚ THÍCH:
– C 1-2: + Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc: Bên Do Thái vào mùa hái nho, ngay từ sáng sớm, các chủ vườn thường ra ngã ba đường hay ra chợ người để thuê người hái nho cho mình. Chủ vườn nho tượng trưng Thiên Chúa. Ngài mời gọi mọi dân tộc đều vào làm vườn nho, nghĩa là được gia nhập vào Nước Trời là Hội Thánh. + thỏa thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền: Vào thời Đức Giê-su, chủ vườn nho thường trả lương công nhật cho thợ làm vườn là một quan tiền. Ở đây ông chủ đã hứa trả lương công nhật là một quan tiền ngay từ khi thuê họ vào làm việc.
– C 3-7: + Giờ thứ ba: Bấy giờ người Do thái tính thời gian một ngày từ lúc mặt trời lặn dựa vào lời tường thuật trong Sách Sáng Thế Ký: “Thiên Chúa gọi ánh sáng là “ngày”, bóng tối là “đêm”. Qua một buổi chiều và một buổi sáng: Đó là ngày thứ nhất…” (St 1,5). Vì thế luật qui định ngày Sa-bát bắt đầu từ 18g00 chiều thứ sáu. Còn về việc tính giờ, người Do Thái lại tính từ lúc mặt trời mọc vào buổi sáng. Thời gian từ mặt trời mọc đến mặt trời lặn được chia làm 12 giờ. Vậy giờ thứ nhất, thứ ba, thứ sáu, thứ chín và thứ mười một tương đương với 6 giờ, 9 giờ, 15 giờ và 17 giờ như ngày nay. Giờ lao động của người Do thái mỗi ngày bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc vào lúc 18 giờ chiều. + Ông chủ vườn mời người đi làm vườn nho: Thiên Chúa muốn cho mọi người đều được ơn cưu độ, và người ta có thể gia nhập Nước Trời là Hội Thánh vào nhiều thời điểm khác nhau. + Tôi sẽ trả công cho các anh hợp lẽ công bằng: Trả lương công bằng, nghĩa là người làm thuê sẽ không bị thiệt thòi về tiền công. + Khoảng giờ thứ sáu rồi giờ thứ chín, ông lại ra và cũng làm y như vậy: Ông chủ nôn nóng đi kêu thợ làm vườn nho cho ông vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày mà không cần tính toán thiệt hơn cho mình. Điều này cho thấy lòng bao dung nhân hậu của Thiên Chúa. Ngài không muốn cho kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối để được sống. + Khoảng giờ mười một: Giờ thứ mười một tương đương với 17 giờ chiều, là giờ cuối cùng trong một ngày làm việc. Thợ chỉ phải làm một tiếng nữa là hết giờ lao động. + Vì không ai mướn chúng tôi: Những người đứng không suốt ngày do không được ai thuê mướn. + Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho !: Ông chủ kêu thợ vào làm vườn nho vào giờ cuối cùng là do lòng thương muốn giúp đỡ người thất nghiệp, chứ không do nhu cầu của công việc đòi hỏi. Điều này cho thấy ơn cứu độ là một ơn ban không, hoàn toàn do tình thương của Thiên Chúa, chứ không do công khó của con người.
– C 8-10: + Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót cho tới những người vào làm trước nhất: Việc trả lương này khác thường. Vì thứ tự trước sau bị đảo lộn và tiền lương đều là một quan tiền cho các người thợ làm việc nhiều ít khác nhau. Khi sắp xếp việc trả lương như vậy, ông chủ muốn tạo cho người làm việc từ sáng sớm tưởng rằng mình sẽ được trả nhiều hơn. Vì thế họ đã thắc mắc khi được lãnh bằng với người mới vào làm việc từ giờ thứ mười một. Qua việc phát lương này, ta thấy người bị thiệt là ông chủ chứ không phải người thợ làm từ giờ thứ nhất. Điều này cho thấy tình thương của Thiên Chúa đối với hết mọi người. Bất cứ ai dù là Do thái hay dân ngoại, dù theo đạo từ khi mới sinh hay vào lúc sắp chết, nếu thành tâm tin yêu Thiên Chúa thì đều được Người cho hưởng hồng ân cứu độ.
– C 11-13: + Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ: Họ trách móc ông chủ hai điều: Một là họ phải làm việc vất vả suốt từ sáng sớm đến chiều tối, đang khi những người vào làm giờ thứ mười một chỉ làm một giờ. Hai là họ phải chịu sự nắng nôi khó nhọc, đang khi những người làm sau ban chiều khi mặt trời sắp lặn không bị nắng gắt nóng bức. Họ muốn được chủ trả lương cao hơn những người đến làm việc sau. + Này bạn: Đây là kiểu xưng hô của ông chủ với những người thợ chưa rõ tên. Kiểu xưng hô này vừa khoan dung vừa trách móc nhẹ nhàng để mong họ nghĩ lại. Giống như Đức Giê-su đã nói với Giu-đa khi anh ta dẫn dân quân Đền thờ đến bắt Người trong vườn Ghết-sê-ma-ni (x. Mt 26,50). + Tôi đâu có xứ bất công với bạn ?: Việc trả lương một quan tiền cho những người thợ đến sau không gây thiệt hại gì cho những người làm trước. Những người làm từ giờ thứ nhất đã nhận đủ một quan tiền, đúng như đã thỏa thuận từ lúc vào làm việc.
– C 14-16b: + Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt: Việc trả lương cho người đến làm sau cũng được trả một quan tiền là do lòng tốt của ông chủ, chứ không phải do công khó của họ. Qua đó Đức Giê-su muốn dạy: Dân Do thái đừng ganh tị khi Thiên Chúa cũng ban cho lương dân thừa hưởng lời hứa ban ơn cứu độ giống như họ. Người tín hữu đạo đức cũng đừng ganh tị với các tội nhân hay người lương khi thấy Chúa đối xử nhân từ cho họ được gia nhập đạo vào lúc cuối đời. + Hay vì thấy tôi tốt bụng mà bạn đâm ra ghen tức: Ông chủ vạch rõ tâm địa ganh ghét xấu xa của nhóm thợ làm từ lúc sáng sớm. Họ không muốn người làm sau được trả lương bằng hay hơn họ. Đức Giê-su muốn các tín hữu chúng ta hãy noi gương lòng nhân từ của Thiên Chúa và đừng suy nghĩ hẹp hòi khi phê phán công việc của Ngài như người ta hay nói: “Lấy dạ tiểu nhân để đo lòng quân tử!”. + Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu. Còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót: Theo Thánh Gio-an Kim Ngôn thì câu này không bắt nguồn trực tiếp từ dụ ngôn, cũng như không phải là câu tóm kết về bài học của dụ ngôn. Nó được thêm vào, vì có một sự tương tự nào đó xét theo câu chuyện. Câu này nói đến sự đảo lộn về việc phát lương trước sau, đang khi trọng tâm của dụ ngôn nhấn mạnh đến việc trả lương đồng đều giữa những người thợ làm trong thời gian dài ngắn khác nhau. Có lẽ tác giả khi viết thêm câu này để đóng khung dụ ngôn mà thôi.
4. CÂU HỎI:
1) Ông chủ vườn nho trong dụ ngôn ám chỉ ai ? Việc ông chủ vườn nho đi mời người vào làm vườn nho cho ông ở nhiều thời điểm khác nhau trong ngày có ý nghĩa gì ? 2) Người Do thái thời xưa tính ngày mới bắt đầu lúc nào ? Mỗi ngày có bao nhiêu giờ lao động và thời giờ ấy tương đương thế nào với giờ hiện nay ? Giờ thứ mười một là mấy giờ hiện nay ? 3) Ông chủ hứa trả lương công nhật bao nhiêu và trả theo phép công bằng nghĩa là gì ? 4) Việc ông chủ đi kêu thợ làm vườn nho vào nhiều thời điểm khác nhau trong ngày, nhất là vào giờ thứ mười một cho thấy ông là người thế nào ? 5) Việc trả lương thợ của ông chủ vườn nho khác thường ở điềm nào ? Điều này nhằm nói lên điều gì về tình thương cứu độ của Thiên Chúa đối với loài người chúng ta ? 6) Những người làm từ giờ thứ nhất trách móc ông chủ những gì ? 7) Qua câu trả lời, ông chủ cho thấy việc ông trả lương bằng nhau cho những người làm trong thời gian nhiều ít khác nhau có bất công như họ đã kêu trách không ? 8) Ông chủ phê phán thái độ của bọn thợ vào làm vườn nho từ giờ đầu tiên ra sao ?
II. SỐNG LỜI CHÚA
1. LỜI CHÚA: Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thỏa thuận với tôi là một quan tiền hay sao ? Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó. Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tùy ý định đoạt về những gì là của tôi sao ? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức ?” (Mt 20,13-15).
2. CÂU CHUYỆN: ÔNG VUA NHÂN TỪ VÀ QUẢNG ĐẠI
Tại nước Tây Ban Nha có một ông vua tên là An-phong-sô rất nhân từ và quảng đại. Ngài thường cải trang làm thường dân rồi vi hành đi đó đây để tận mắt chứng kiến những nỗi đau khổ và oan ức của nhân dân do bọn quan lại địa phương gây ra, để kịp thời chấn chỉnh sửa sai. Ngày nọ, đức vua cải trang đến một tỉnh kia và thuê một phòng trọ trong một nhà nghỉ bình dân. Sáng hôm sau, nhà vua yêu cầu bồi phòng mang đến cho ông một chiếc gương để cạo râu. Khi đem chiếc gương cho vị khách, anh bồi phòng thấy khuôn mặt ông khách rất dễ mến, nên đã chủ động bắt chuyện: “Này ông, tôi có cảm tưởng ông không phải là loại khách du lịch xoàng”. Nhà vua tò mò muốn biết anh bồi phòng nghĩ gì về mình, nên hỏi lại: “Sao anh lại nói như vậy ?” Người bồi phòng trả lời rằng: “Vì tác phong và vẻ bề ngoài của ông có cái gì đó khác với những người bình thường. Chắc ông phải là người thuộc triều đình nhà vua tại thủ đô Ma-trit (Madrid) cũng nên”. Nhà vua chỉ đáp lại cách mập mờ: “Một cách nào đó anh nói cũng đúng đó !” Anh bồi phòng lại hỏi thêm: “Vậy hẳn ông phải là một quan chức luôn hầu cận bên đức vua ?” Nhà vua trả lời: “Anh đoán thật chẳng sai chút nào”. Người bồi phòng càng tò mò hơn và hỏi tiếp: “Phục vụ đức vua thì thông thường phải làm những việc gì hả ông ?” Nhà vua mỉm cười hóm hỉnh đáp: “Ồ, làm nhiều việc lắm, đại loại như bây giờ tôi sắp phải cạo râu cho ngài”.
Người bồi phòng trong câu chuyện trên đã gặp được chính đức vua và được ngài hé mở cho biết phần nào sự thật về ngài. Các câu đối đáp giữa đức vua và người bồi phòng là minh họa sống động về long nhân từ và bao dung của ông chủ vườn nho, tượng trưng cho Thiên Chúa trong Tin Mừng hôm nay. Những người đi làm sau ám chỉ dân ngoại và những kẻ tội lỗi. Họ đều được Thiên Chúa mời gia nhập Hội Thánh vào các giờ khác nhau, đặc biệt vào giờ thứ mười một là lúc cuối đời. Đây cũng là trường hợp của người trộm lành cùng chịu đóng đinh trên cây thập giá bên cạnh Đức Giê-su. Nhờ lòng tin và thành tâm sám hối mà anh trộm lành đã được Người tha tội và ban hạnh phúc đời đời: “Tôi bảo thật anh: hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên thiên đàng” (x. Lc 23,42-43).
3. SUY NIỆM:
1) SO SÁNH NGƯỜI CON CẢ VỚI BỌN THỢ LÀM VƯỜN NHO ĐẦU TIÊN:
Trong dụ ngôn về người cha nhân hậu, anh con cả đã bất mãn với cha khi thấy cha tỏ lòng bao dung tha thứ tội lỗi của đứa em hư hỏng đã đi hoang trở về. Không những cha không trừng phạt tội bất hiếu của nó, mà còn truyền cho gia nhân giết bê béo ăn mừng khi thấy nó vẫn mạnh khỏe. Người con cả đã bày tỏ thái độ ganh ghét khi không thèm vào nhà và lên tiếng phiền trách cha: “Cha ơi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê nhỏ để con vui vẻ với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về, thì cha lại giết dê béo ăn mừng nó !” (Lc 15,28-30). Trong Tin mừng hôm nay, những người đi làm từ sáng sớm cũng cằn nhằn ông chủ vườn nho khi thấy ông trả lương cho người chỉ làm một tiếng đồng hồ cuối ngày cũng được trả một quan tiền, bằng với họ là những người phải chịu nắng nôi khó nhọc suốt cả ngày.
Khi Đức Giê-su ra giảng đạo, các kinh sư và người Pha-ri-sêu đều khó chịu khi thấy Người đối xử thân tình với bọn thu thuế, gái điếm và những kẻ tội lỗi nói chung. Người là mục tử tốt lành đi tìm từng con chiên lạc. Người mang lại cho những người bất hạnh niềm vui và hạnh phúc. Người luôn mời gọi những người tội lỗi mau sám hối và hứa ban Nước Trời cho họ. Như vậy, người tội lỗi cũng được hưởng hạnh phúc ngang bằng với các kinh sư và những người Pha-ri-sêu. Những người này vốn tuân giữ từng điều khoản nhỏ mọn của luật Mô-sê và tự coi mình là người công chính. Trước thái độ nhân từ và khoan dung đối với các tội nhân của Đức Giê-su, các đầu mục này đã tỏ ra ganh ghét vì cho rằng mình đã không được Đức Giê-su tôn trọng hơn bọn người nghèo khổ tội lỗi kia.
2) THẾ NÀO LÀ THÁI ĐỘ GANH GHÉT ĐỐ KỴ?
Ngay từ thuở bình minh của nhân loại, sau khi nguyên tổ loài người phạm tội, sự dữ đã lọt vào thế gian. Ca-in đã có thái độ ganh tị khi thấy Thiên Chúa chấp nhận lễ vật của A-ben và bỏ qua lễ vật của anh ta. Anh ta đã coi A-ben là kẻ thù và ra tay giết em, nên cuối cùng anh ta đã bị trừng phạt. Như vậy người có tính ganh tị là kẻ vừa huỷ diệt người khác, lại vừa hủy hoại chính mình. Những người thợ làm việc từ sáng sớm cũng cằn nhằn ông chủ vì đã trả lương cho người vào làm sau cũng được một quan tiền bằng với họ. Đang khi họ phải chịu nắng nôi vất vả suốt cả ngày. Giả như ông trả cho người làm sau số tiền lương ít hơn thì chắc họ đã không cảm thấy khó chịu như thế.
Kẻ ganh ghét đã không “vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12,15), vì họ thiếu tình yêu thương. Họ không coi các người kia là bạn, nhưng là đối thủ cạnh tranh với mình. Họ coi sự thành công của người khác là mối đe dọa cho họ. Ở đây, Đức Giê-su mời gọi các tín hữu chúng ta phải thay đổi cách nhìn về Thiên Chúa: Người là Đấng công bình, nhưng không cứng nhắc trong khuôn khổ Lề luật. Người hoàn toàn tự do thể hiện tình thương bao dung. Người giàu lòng từ bi nhân ái và luôn muốn ban ơn cứu độ cho loài người chúng ta. Thiên Chúa chứng tỏ Người là Chúa tể của kẻ trộm lành biết hồi tâm sám hối, là ông chủ của người thợ đi làm vườn nho vào giờ thứ mười một, nhưng Ngài cũng là cha đầy lòng từ bi nhân hậu với hết mọi người chúng ta.
3. CHÚA MUỐN TA PHẢI LÀM GÌ ?
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su mời gọi mọi người chúng ta đừng quá tự hào về bản thân. Người kêu gọi chúng ta đổi mới cách nhìn về người khác, để ngày càng thêm lòng kính trọng tha nhân, phá bỏ hàng rào ngăn cách như sự ganh ghét ích kỷ và sự trả thù ti tiện. Biết đến bao giờ người con cả mới chịu bước vào nhà cha để chia sẻ niềm vui với cha khi tìm thấy đứa con thất lạc trở về ? Biết đến khi nào những người thợ đi làm từ sáng sớm mới sẵn lòng chia sẻ niềm vui với những người vào làm giờ thứ mười một lúc cuối ngày ? Biết đến khi nào chúng ta mới cảm thấy niềm vui thật sự với những người hàng xóm gần bên, vì chúng ta đã nhận ra họ không phải là đối thủ, nhưng là anh em của chúng ta ?
4. THẢO LUẬN:
1)Trong đời sống hàng ngày chúng ta thường hay ganh ghét kẻ khác vì những nguyên nhân nào ? Ta phải làm gì để bỏ đi thói xấu ganh tị này ? 2) Thánh Phao-lô dạy: “Vui với người vui, khóc với người khóc” có dễ thực hành không ? 3) Bạn thường cảm thấy thế nào khi thấy người khác trổi vượt hơn mình như: họ thi đậu còn ta bị rớt; Họ có tài hát hay được nhiều người tán thưởng và làm việc hiệu quả hơn ta ? Họ được nhiều người khác tín nhiệm hơn ta ?
5. NGUYỆN CẦU:
– LẠY THIÊN CHÚA CHA TỪ BI NHÂN HẬU. Tuy chúng con chỉ là những đầy tớ vô dụng (x. Lc 17,10), nhưng chúng con cũng xin hứa quyết: sẽ hết lòng phục vụ Hội Thánh, để làm cho Hội thánh trổ sinh nhiều hoa trái công bình và yêu thương. Xin cho chúng con biết cộng tác với Cha mời gọi nhiều người vào làm vườn nho Nước Trời. Xin cho chúng con biết chung vui với Cha khi có thêm tội nhân và anh chị em lương dân trở về làm con cái Cha trong gia đình Hội Thánh, để họ cũng được chia sẻ ơn cứu độ với chúng con. Vì chúng con biết rằng: “Cha muốn cho hết mọi người đều được hưởng ơn cứu độ”.
– LẠY CHA. Xin hãy ban cho chúng con trái tim bao dung dịu dàng của Chúa Giê-su và trái tim đầy tình mẫu tử của Mẹ Ma-ri-a. Xin cho trái tim con không ích kỷ luôn khép lại để chỉ yêu mình và những người thân của mình, nhưng biết mở ra để đón nhận người khác. Xin uốn nắn trái tim sơ cứng của con nên giống trái tim nhân hậu bao dung của Chúa. Xin cho trái tim con vượt lên mọi tranh chấp nhỏ nhen và mọi trả thù ti tiện. Xin cho tâm hồn con luôn bình an, không giận hờn tranh chấp hoặc để bụng ganh ghét với những ai hơn mình. Xin giúp tình cảm của con luôn quân bình: không quá vui khi thành công, mà cũng chẳng chán nản khi thất bại. Xin cho con biết khiêm tốn bình tĩnh nghe những lời phê bình của kẻ khác. Xin cho trái tim con đủ lớn để yêu thương hết mọi người, kể cả những kẻ không ưa con và những người con không ưa họ. Xin cho vòng tay con luôn rộng mở để đón nhận cả thế giới, để không có ai là kẻ thù, nhưng sẵn sàng yêu thương tha thứ để biến kẻ thù thành bạn của con.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM