CN 25C TN
Không Làm Tôi Hai Chủ
(Lc 16,10-13)
Lời Chúa hôm nay đến với chúng ta “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của”, nhưng Tiền Của lại là một cái gì luôn gắn liền với cuộc sống chúng ta:
“Người công nhân đổ mồ hôi để có được nó
Kẻ hoang phí thì đốt nó
Chủ ngân hàng đem nó cho vay
Kẻ lưu manh làm giả nó
Nhân viên thuế vụ lấy nó
Người hấp hối lìa bỏ nó
Kẻ thừa kế tiếp thu nó
Người tiết kiệm để dành nó
Người keo kiệt thèm khát nó
Kẻ ăn trộm chộp lấy nó
Người giàu gia tăng nó
Người cờ bạc làm mất nó
Phần tôi thì dùng nó” (Quote)
Quả thật, Tiền Của là những thứ cần thiết cho con người, là những thứ đem lại giàu sang, hạnh phúc cho con người, nhưng cũng là nguyên nhân của những phản bội, tráo trở, thất nhân thất đức, bôi đen lòng người. Vì thế, là những người theo Chúa, chúng ta không thể tôn thờ thần ‘Tiền Của’ – thần Mammon – ngày nay là Thần Đôla – tôn đồng tiền làm thần tượng, coi đồng tiền là tất cả, là vạn năng.
Chính vì vậy Chúa nói với chúng ta “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của”. Không thể để Tiền Của làm chủ đồng thời cũng để Thiên Chúa làm chủ. Không thể làm tôi hai chủ cùng một lúc, vì mỗi chủ có những đòi hỏi khác nhau, thậm chí đối lập nhau. Chính vì vậy trong con người chúng ta luôn xảy ra những tranh chấp, những đối kháng nhiều khi không hóa giải được, làm chúng ta bất an, không được hạnh phúc. Chính vì vậy Chúa đòi chúng ta phải có một lựa chọn dứt khoát: hoặc Thiên Chúa hoặc Tiền Của và chúng ta quá biết: Tiền Của là một đầy tớ tốt nhưng lại là một ông chủ xấu, nên Tiền Của dù có cần thiết tới đâu thì cũng chỉ là phương tiện để chúng ta đạt tới mục đích đời người. Nếu xác định được như thế thì Tiền Của không trở thành ông chủ của chúng ta. Biết thế, nhưng trong thực tế, Tiền Của lại chi phối và nhiều khi, đối với một số người, nó đã trở thành mục đích tối hậu, làm chúng ta lo âu mất ăn mất ngủ.
Có câu chuyện kể rằng: thời buổi làm ăn khó khăn, sức khỏe lại có hạn, ông lão luyện kim chuyển sang nghề kinh doanh dây xích chó, mục đích chỉ là kiếm đủ tiền để sống qua ngày.
Một hôm, một thương nhân buôn bán đồ cổ đi ngang qua, bất chợt nhìn thấy cái ấm trà bên cạnh ông lão. Thấy cái ấm trà có vẻ đẹp cổ xưa, mang phong cách của một nghệ nhân gốm sứ thời nhà Thanh, ông ta liền vào xin coi cho biết. Quả nhiên, trên miệng ấm có con dấu của nghệ nhân nổi tiếng. Hết sức vui mừng, người thương nhân hỏi mua chiếc ấm với giá cao nhưng nào ngờ, ông lão từ chối. Đây là chiếc ấm trà do tổ tiên ông để lại, con cháu ba đời nay đều uống nước trong ấm trà này. Người thương gia thế là đành thất vọng ra về.
Nhưng cũng từ sau hôm ấy, ông lão đêm nào cũng mất ngủ. Chiếc ấm trà quen thuộc suốt 60 năm nay lại thành mối lo lắng trong lòng ông. Đi đâu, làm gì, ông cũng luôn phải để mắt canh chừng chiếc ấm, thành ra mất ăn mất ngủ. Khó chịu hơn cả là thái độ của mọi người xung quanh. Biết chuyện về cái ấm trà quý của ông, họ ùn ùn kéo đến, người lân la hỏi về những báu vật khác trong nhà ông, người thì hỏi mượn tiền ông, lại có người đang đêm hôm đến gõ cửa ầm ầm.
Rồi người thương nhân kia trở lại, nâng giá mua lên gấp đôi cái giá ban đầu khiến ông càng hoang mang.
Cuối cùng, ông gọi hàng xóm láng giềng đến, và trước mặt mọi người, ông cầm rìu đập nát cái ấm trà quý. Cuộc sống của ông trở lại bình thường. Ông tiếp tục làm nghề bán xích chó, và sống rất bình an hạnh phúc.
Anh chị em thân mến,
Ông làm nghề bán xích chó sẵn sàng đập vỡ chiếc bình trà cổ để được bình an. Đây chỉ là một thứ bình an trong cuộc sống đời thường mà ông ta còn dám hy sinh như vậy, phương chi đối với thứ bình an của Chúa, một thứ bình an của riêng Người, một thứ bình an mà ngay khi Chúa sinh ra ca đoàn thiên thần đã vang hát: vinh danh Thiên Chúa trên trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm, rồi khi Người từ cõi chết sống lại thì lời chúc đầu tiên vẫn là “bình an cho anh em”, thì chúng ta phải có thái độ như thế nào?
Chính vì vậy lời Chúa hôm nay đến với chúng ta: “anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của (Lc 16,13). Amen.
LM Giuse Đỗ Văn Thụy