Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm B, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Ai muốn làm lớn

(Mc 9, 30-37)

h1Trong ba năm rao giảng của Chúa Giêsu, các sách Tin Mừng thuật lại ba lần Chúa Giêsu báo trước cuộc thương khó Ngài phải chịu ở Giêrusalem. Mỗi lần đều đặt trong một khung cảnh khác nhau và lời loan báo cũng khác nhau. Nhưng cũng như đại đa số người Do Thái, không hề có ý tưởng về một Vị Cứu Thế bị đau khổ, bị đóng đinh. Các tông đồ cũng vậy, không hiểu và cũng không muốn hiểu. Các ông chỉ mường tượng đến một nước trần gian vật chất, với danh vọng, uy quyền và giầu có. Mỗi lần nghe biết như vậy Chúa buồn lắm. Mà không buồn sao được, đang khi Chúa tiến về Giêrusalem để chịu chết, thì các môn đệ lại tranh cãi xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả, đó là điều khiến Chúa Giêsu hết sức đau lòng. Dù vậy, tự thâm tâm, các môn đệ vẫn biết là mình sai quấy, nên khi Chúa Giêsu hỏi các môn đệ đang cãi nhau về chuyện gì thì các môn đệ không trả lời. Họ im lặng vì xấu hổ.

Nhân dịp này Chúa dạy các ông:”Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người. Khi nói như thế, Chúa Giêsu muốn đảo ngược trật tự thông thường của phẩm trật nhân loại. Muốn làm đầu thì phải làm cuối mọi người, muốn chỉ huy thì phải làm “tôi tớ mọi người”.

Là Thủ Lãnh, Ngài đã đặt mình vào vị trí rốt hết để phục vụ mọi người. Và Chúa Giêsu tin rằng cần phải minh hoạ lời Ngài nói bằng một cử chỉ có ý nghĩa. Ngài đặt một em bé vào giữa họ rồi ôm lấy em. Cử chỉ này tạo ra một tác dụng bất ngờ. Dắt một em bé vào giữa đám môn đệ rồi ôm hôn nó: tất cả điều này đi ngược với tập tục đương thời.

Xã hội thời đó không quan tâm đến trẻ em.

Một đứa bé thì chẳng có ảnh hưởng gì, không thể giúp được ai thăng tiến trong sự nghiệp, nó cũng chẳng giúp thêm uy tín cho ai.

Một đứa bé chẳng làm gì cho chúng ta, trái lại nó luôn cần đến cái này, cái kia, người ta phải làm việc này, việc nọ cho nó.

Nó luôn tùy thuộc vào người lớn, luôn trông nhờ người lớn. Hơn nữa chúng chẳng biết nói năng, lý luận gì cả, thậm chí chúng thường bị xua đuổi, khai trừ khỏi cộng đồng tôn giáo vì cho rằng chúng ngu dốt không biết lề luật.

Như thế Chúa Giêsu đã thực hiện hành động phục hồi mang hai chiều kích (con người và tôn giáo) khi Ngài đặt đứa bé – tiêu biểu một hạng người bị khai trừ – vào giữa những bạn hữu Ngài. Và Ngài nhấn mạnh hành động này bằng một lời nói mang đầy ý nghĩa. Đây là câu trả lời đầy kinh ngạc Chúa Giêsu dùng để đáp lại câu hỏi mà các môn đệ tranh cãi nhau trong lúc đi đường: “Ai là kẻ cao trọng nhất?”.

Việc đua đòi danh vọng đã trở nên sỗ sàng đối với những kẻ bước theo Chúa Giêsu vào lúc Ngài đang đi trên con đường khổ giá, con đường dẫn đến Núi Sọ. Trở nên “tôi tớ” mọi người, mở rộng vòng đai khép kín của Giáo Hội đến tận những kẻ hèn mọn nhất, trơ trụi nhất chính là “sứ vụ” Chúa Giêsu uỷ thác cho các môn đệ.

Có câu chuyện kể rằng:

Một hôm, Hồ Khưu Trượng hỏi Tôn Thúc Ngao:“Có ba điều chuốc oán, ông đã biết chưa?”

Họ Tôn trả lời: “Tôi chưa được biết”.

Trượng Nhân nói: “Tước vị cao người ta ganh, quyền thế lớn người ta ghét, lợi lộc nhiều người ta oán”.

Tôn Thúc Ngao lắc đầu nói:“Không phải luôn luôn như thế, tước vị tôi càng cao tôi càng xử nhún nhường, quyền thế tôi càng lớn tôi càng ở khiêm cung, lợi lộc tôi càng nhiều tôi càng chia bớt cho những người chung quanh, như thế thì làm gì bị oán thù của thiên hạ”.

Đức Khổng Tử cũng đã dạy các đồ đệ của ông như vậy.

Một hôm, Khổng Tử tới thăm miếu vua Hoàn Công, thấy một chiếc lọ đứng nghiêng nghiêng, ngài hỏi, thì người giữ miếu cho biết: “Cái lọ này là một bảo vật, thuở trước nhà vua thường để bên ngai vàng hầu làm gương”.

Khổng Tử liền hỏi: “Ta vốn nghe đồn nhà vua có một bảo vật, bỏ không thì nghiêng, đổ nước vào vừa phải thì đứng thẳng, mà đổ nước đầy thì lại ngã, có phải là vật này chăng?”

Rồi ngài bảo các đồ đệ múc nước thí nghiệm, thì quả nhiên đúng như thế.

Bấy giờ ngài mới trịnh trọng giảng dạy: “Thông minh hiểu biết hơn người thì nên giữ bằng cách khiêm cung, sức khỏe hơn người thì nên giữ bằng cách nhút nhát, giàu có nhiều thì nên giữ bằng cách bố thí và tỏ ra nhún nhường. Đó là lối san sẻ bớt đi để khỏi đầy tràn mà sụp đổ vậy”.

Cũng thế, Chúa Giêsu không những không chấp nhận khuynh hướng xấu của loài người là muốn thống trị, muốn ăn trên ngồi trước mà Ngài còn đưa ra một đề nghị thật khác thường: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và phục vụ mọi người”.

Đó là những điều mà Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta trong bài Tin Mừng hôm nay. Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …