Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 25 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XXV QUANH NĂM

(Is 55, 6-9; Pl 1, 20c-24.27a; Mt 20, 1-16a)

“Dụ ngôn thợ làm vườn nho”

h2_resizeTin mừng Matthêu 20, 1-16a:

1 “Nước Trời giống như chuyện gia chủ kia, vừa tảng sáng đã ra mướn thợ vào làm việc trong vườn nho của mình.2 Sau khi đã thoả thuận với thợ là mỗi ngày một quan tiền, ông sai họ vào vườn nho làm việc.3 Khoảng giờ thứ ba, ông lại trở ra, thấy có những người khác ở không, đang đứng ngoài chợ.4 Ông cũng bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho, tôi sẽ trả cho các anh hợp lẽ công bằng”.5 Họ liền đi. Khoảng giờ thứ sáu, rồi giờ thứ chín, ông lại trở ra và cũng làm y như vậy.6 Khoảng giờ mười một, ông trở ra và thấy còn có những người khác đứng đó, ông nói với họ: “Sao các anh đứng đây suốt ngày không làm gì hết?”.7 Họ đáp: “Vì không ai mướn chúng tôi”. Ông bảo họ: “Cả các anh nữa, hãy đi vào vườn nho!”8 Chiều đến, ông chủ vườn nho bảo người quản lý: “Anh gọi thợ lại mà trả công cho họ, bắt đầu từ những người vào làm sau chót tới những người vào làm trước nhất.”9 Vậy những người mới vào làm lúc giờ mười một tiến lại, và lãnh được mỗi người một quan tiền.10 Khi đến lượt những người vào làm trước nhất, họ tưởng sẽ được lãnh nhiều hơn, thế nhưng cũng chỉ lãnh được mỗi người một quan tiền.11 Họ vừa lãnh vừa cằn nhằn gia chủ:12 “Mấy người sau chót này chỉ làm có một giờ, thế mà ông lại coi họ ngang hàng với chúng tôi là những người đã phải làm việc nặng nhọc cả ngày, lại còn bị nắng nôi thiêu đốt.”13 Ông chủ trả lời cho một người trong bọn họ: “Này bạn, tôi đâu có xử bất công với bạn. Bạn đã chẳng thoả thuận với tôi là một quan tiền sao?14 Cầm lấy phần của bạn mà đi đi. Còn tôi, tôi muốn cho người vào làm sau chót này cũng được bằng bạn đó.15 Chẳng lẽ tôi lại không có quyền tuỳ ý định đoạt về những gì là của tôi sao? Hay vì thấy tôi tốt bụng, mà bạn đâm ra ghen tức?”16 Thế là những kẻ đứng chót sẽ được lên hàng đầu, còn những kẻ đứng đầu sẽ phải xuống hàng chót.

Suy niệm:

Thiên Chúa yêu thương con người và mong muốn mọi người được cứu độ.

Dụ ngôn những người thợ làm vườn nho trình bày lòng tốt của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người. Tất cả đều được mời gọi vào làm vườn nho vào bất cứ thời điểm nào: giờ thứ ba, sáu, chín, mười một: “Các anh hãy đi làm vườn nho cho tôi”.

Vườn nho là chủ đề quen thuộc trong Thánh kinh. Dân Isrrael được ví như vườn nho mà Thiên Chúa quan tâm vun trồng. Vài dụ ngôn của Chúa Giêsu có liên quan đến vườn nho (Mt 20, 1-6; Mt 21, 28-32; Mt 21, 33-34). Vườn nho biểu tượng cho sự ổn định, an bình và dấu chỉ của sự thịnh vượng. Sau này, vườn nho được hiểu là Nước Thiên Chúa ở trần gian, là Giáo hội của Chúa giêsu. Mọi người đều được mời gọi vào Nước Thiên Chúa, gia nhập Giáo hội để được hưởng ơn cứu độ: Giáo hội là bí tích cứu độ phổ quát! Sau cùng tất cả đều được trả lương công bằng, mỗi người được một đồng, lương công nhật của một người lao động trong xã hội Do Thái. Thiên Chúa mời gọi mọi người vào Giáo hội để được hưởng hạnh phúc Nước Trời vào bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, không phân biệt tuổi tác… Nhưng việc được vào Nước Trời là tùy thuộc vào lòng nhân từ của Thiên Chúa, chứ không do công lao của con người có nhiều hay ít. Tuy nhiên, Thiên Chúa rất nhân từ, cũng rất công bằng, chẳng để ai phải thiệt thòi. Ai phục vụ Thiên Chúa, tức là những người vào làm vườn nho cho ông chủ đều có quyền vào Nước Trời: “Mỗi người được lãnh một đồng”.

Nhiều người đọc dụ ngôn này đã nghĩ rằng Thiên Chúa đối xử không công bằng, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít. Tại sao người làm việc suốt ngày và người làm một giờ được trả lương như nhau: một đồng! Thực ra chẳng có gì là không công bằng. Ông chủ đã thỏa thuận với thợ về tiền công mỗi ngàylà một đồng. Nếu ông trả không đủ một đồng mới là bất công. Nói cho chính xác hơn: đối với người làm từ giờ thứ 3, làm suốt ngày, thì ông chủ công bằng theo như hợp đồng; đối với người làm từ giờ thứ 11, làm có 1 tiếng đồng hồ, thì ông chủ đã đối xử hơn mức công bằng: Ông đối xử theo lòng thương xót.

Trong xã hội, người ta đòi hỏi sự công bằng là điều hợp lý. Nhưng xét theo thực tế, chúng ta không thể chịu nổi nếu Thiên Chúa cứ dựa trên sự công bằng mà đối xử với chúng ta, đúng như lời Thánh vịnh” Nếu Chúa chấp tội, nào ai cứu độ”. Cho nên xét cho cùng thì tất cả mọi người lương cũng như giáo cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa hơn là đến sự công bằng của Người.

Ngày nay, trong một thế giới đề cao dân chủ, tụ do, công bằng, người ta thường đối xử với anh em bằng lý, người ta đòi sự công bằng giao hoán trong xã hội, lợi nhuận do công sức lao động. Trái lại, Thiên Chúa đối xử với con người bằng tình, trong tình thương thì đã có sự công bằng và còn vượt mức công bằng nữa.

 Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta bắt chước ông chủ vườn nho; đối xử với anh em bằng tình thương chân thành, giúp đỡ, chia sẻ và thông cảm. Nhất là luôn muốn điều tốt lành cho anh em, vui vì anh em gặp điều may mắn; không so đo, tính toán hơn thiệt. Noi gương ông chủ phục vụ anh em mà không đòi điều kiện, nhưng nhắm ích lợi của anh em mà nhiệt tình giúp đỡ.

Trong vườn nho của Chúa là Giáo hội, đến sớm hay muộn, làm nhiều hay ít không thành vấn đề, không quan trọng. Điều cần thiết là được mời gọi vào làm vườn nho, chúng ta hết tình yêu mến Chúa, nhiệt tình làm việc, phục vụ Chúa nơi mọi người anh em.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

T2t31TN

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai Tuần XXXI Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  VĂN HOÁ CHO ĐI “Ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành …