Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 24 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 24 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XXIV QUANH NĂM

(Hc 27, 30;28, 7; Rm 14, 7-9; Mt 18, 21-35)

“Hãy tha thứ để được Chúa thứ tha”

Tin mừng Matthêu 18, 21-35:

Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?”22 Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy”.

23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”.27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!”29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”.30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?”.34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.

Suy niệm:

Trong nỗ lực xây dựng đời sống cộng đoàn và thực hiện đức bác ái Kitô giáo trọn hảo, Đức Giêsu đã giáo huấn các môn đệ phải tha thứ cho nhau để được Thiên Chúa thứ tha cho chúng ta: Tha thứ không phải 7 lần mà là 70 lần 7. Nghĩa là tha thứ vô điều kiện, không giới hạn, tha thứ mãi mãi, tha thứ luôn luôn! “Thầy không bảo các con phải tha thứ đến 7 lần, nhưng đến 70 lần 7”.

Để minh họa cho chủ đề về sự tha thứ, Đức Giếu đã kể dụ ngôn 2 con nợ để cho thấy Thiên Chúa rất bao dung quảng đại và nhân từ, luôn yêu thương và tha thứ. Con người đối xử với nhau thì hẹp hòi ích kỷ, độc ác. Hai món nợ quá chênh lệch nhau: 10 ngàn nén bạc và 100 quan tiền, cho thấy thái độ yêu thương của Thiên Chúa đối với con người và con người đối với nhau. Đức Giêsu kết luận bài Tin mừng: “Cha Ta trên trời cũng xử với các con như thế, nếu các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình” (Mt 18, 35).

Tha thứ là dấu chỉ của tình thương: Đức Giêsu đã làm gươn cho chúng ta. Ngài đã tha thứ cho kẻ làm hại mình! “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng lầm không biết” (Lc 23, 24). Hơn nữa Ngài còn dạy chúng ta, tha thứ là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ.

“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6, 36-37).

Trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho nhau: “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Sách Huấn Ca dạy: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha thứ” (Hc 28, 2).

Sách Huấn Ca nhấn mạnh kẻ thù hơn là kẻ không có tình thương và không đáng được tha tội: “Kẻ không biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Họ chỉ là người phàm để tâm thù hận, thì ai sẽ tha tội cho họ” (Hc 28, 4-5).

Theo quan niệm Thánh kinh, trong một xã hội con người không biết yêu thương tha thứ, thì xã hội sẽ thành một bãi chiến trường. Khi áp dụng luật báo thù: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Lấy oán báo oán, thì hận thù sẽ chất bằng núi (Đức Phật dạy), vì thế sống tha thứ là giải thoát mình khỏi những xiềng xích hận thù đè nặng, làm cho cuộc sống thư thái, tự do, sức khỏe được thăng tiến, cuộc sống đầy tràn niềm vui. Những người cố gắng tha thứ, thì không mang lòng giận dữ, cũng như cơ thể không bị mệt mỏi như những người từ chối tha thứ.

 Cuộc nghiên cứu của Viện Y tế công cộng ở California bên Mỹ đã quả quyết: Lòng thù ghét và oán hận sẽ phá hoại hệ thống miễn dịch trong cơ thể chúng ta và gia tăng nguy cơ bị các bệnh như đau tim, ung thư, tiểu đường. Nỗi cay đắng trong lòng sẽ làm chúng ta đau bệnh.

Quả thật, tha thứ là dấu chỉ của tình thương đòi mỗi người phải cố gắng phấn đấu, và cần sự trợ giúp ân sủng của Thiên Chúa mới có thể thực hiện được sự tha thứ cho kẻ làm hại mình, cho kẻ thù của mình (Kinh nghiệm của cha Corrie Ten Boom bị Đức bắt tù và hành hạ).

Vào ngày 13.5.1983, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị tên khủng bố Mahmed Aliz Ascaz bắn vào bụng tại quảng trường Thánh Phaolô. Thánh Gioan Phaolô II đã đến thăm anh tại nhà tù và xin chính quyền Italia tha cho anh để anh về quê. Ngài đã tha thứ cho kẻ giết hại mình và muốn Aliz Ascaz là bạn của Ngài. Chính Ngài đã nói:

“Thế giới loài người chỉ có thể càng ngày càng trở nên nhân đạo hơn, khi chúng ta đưa sự tha thứ vào trong tất cả những mối tương quan làm nên gương mặt tinh thần của thế giới. Sự tha thứ chứng thực rằng tình yêu mạnh hơn tội lỗi đang hiện diện trong thế giới. Hơn nữa sự tha thứ là điều kiện thứ nhất của sự hòa giải, không những mối tương quan giữa Thiên Chúa và loài người, nhưng cùng mối tương quan giữa người và người nữa!”.

Người Kitô hữu phải biết tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha, bởi vì tất cả mọi người đều mắc nợ Thiên Chúa và mắc nợ nhau. Hơn nữa, tất cả chúng ta đều là tội nhân, con người bất toàn. Khiêm tốn nhìn nhận mình có lỗi lầm được Chúa thứ tha để chúng ta dễ dàng thông cảm và tha thứ cho anh em mình.

Liên Hiệp Quốc đã chọn ngày 16.11 hàng năm là ngày khoan dung quốc tế = International day of Tolerance. Ngày khoan dung quốc tế được thiết lập ngày 16.11.1995, kêu gọi các nước trên thế giới đối xử với nhau trong sự yêu thương bao dung để hòa bình đến với mọi người và bớt đi chiến tranh hận thù. Nếu thế giới có ngày khoan dung, thì Kitô hữu cần cả đời khoan dung tha thứ.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN