Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 23TN, A của Đỗ Công Minh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 23TN, A của Đỗ Công Minh

 HÃY SỬA LỖI CHO NHAU (Mt 18,15)

     Bài Tin mừng CN XXIII thường niên, Chúa chỉ cho con một cách xử thế ở đời mà cũng là trong đạo. Chơi với nhau trong quan hệ bè bạn, cùng một cơ quan và ngay cả mối quan hệ trong một gia đình: cha mẹ con cái, anh chị em ruột với nhau. Rồi trong Hội Thánh, giữa những người đồng đạo, trong cùng một tập thể, một cộng đoàn hay chỉ là một nhóm nhỏ 2,3 người cùng sống với nhau trong một nhà xứ, tu viện… không ít thì nhiều cũng có lúc người này gây phiền hà cho người kia. Người này, người khác vi phạm qui định chung hay những giao ước với nhau, khiến cho bầu khí sinh hoạt trở nên nặng nề, gây khó chịu lẫn nhau. Trong những lúc như thế, khi nào và lúc nào cũng sẽ có ai đó tự cảm thấy phải lên tiếng. Hoặc vì trách nhiệm, hoặc vì bổn phận, và cao hơn là lòng bác ái mong muốn người có lỗi nhận ra khiếm khuyết của mình, bởi “Tam nhân đồng hành, tất hữu ngã sư”. Bài học xử thế không phải hôm nay mới có, không phải đợi các nhà tâm lý giáo dục, các nhà Sư Phạm học mới nghĩ ra gần đây, trong các loại sách học làm người, dạy nhân bản. . . mà chính là phát xuất từ lòng yêu thương của Thiên Chúa với con người, như Thánh Gioan đã diễn tả “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban con một của Ngài”. Bài học sửa lỗi, Đức Giêsu, Ngài đã chỉ cho chúng ta từ gần 2000 năm nay vẫn còn nguyên giá trị.

 

        Sai lầm là bản chất của con người. “Nhân chi sơ, tính bản thiện”, cái gốc của con người là tính THIỆN. Nhưng ngay từ khi cái ác gieo vào thế gian, khởi đi từ nguyên tổ, rồi CAIN, con người bị cám dỗ dẫn đến ganh ghét, ghen tị, ích kỷ, tham sân si… khiến người này bất bình với người kia. Do vô tình hoặc yếu đuối con người có thể lúc nào đó sa ngã, mắc lỗi lầm. “Ai trong anh em là người vô tội?”, Lời Đức Giêsu vẫn nhắc nhở. Vậy sửa lỗi cho nhau là tất yếu.

 

        Sửa lỗi cho nhau là một việc phải diễn ra thường xuyên trong cuộc sống. Không chỉ là người trên sửa lổi người dưới theo một trật tự đã được xếp đặt. Không chỉ là người có quyền chức thì được phép chỉ ra lỗi của người dưới quyền, người thấp cổ bé miệng, mà là sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi với mục đích là giúp cho người có lỗi nhận ra chân lý, nhận ra lẽ phải một cách khách quan và sẵn sàng tự nguyện bỏ lỗi. Không sửa lỗi theo ý chủ quan của mình, theo ý cấp trên hay nhóm lợi ích hay để vừa lòng tập thể theo kiểu “Dĩ hoà vi qúi”. Không sửa lỗi theo kiểu ai cũng có lỗi, mỗi người nhịn đi một ít cho có hoà khí với nhau. Không hẳn chỉ sửa lỗi cá nhân mà còn có lỗi cũa tập thể. Khi đó, có thể bản thân, cá nhân bị qui là có lỗi lại là người đứng lên sửa lỗi cho anh em mình. Xem ra việc sửa lỗi cho nhau không đơn giản, không dễ dàng.

     

          Ngày hôm nay, sống trong một xã hội mà nhiều giá trị chân lý vĩnh cửu bị dần mai một, con người lại càng dễ mắc sai lầm. Sai lầm là những hành vi, tư tưởng không phù hợp với chân lý đích thực của nhân loại chứ không là của một chủ nghĩa, một chế độ, một tôn giáo… bởi có triết gia đã từng nói “Chân lý bên này dãy Py-Rê-Nê, bên kia là sai lầm”. Vậy đâu là sống chân lý đích thực? Đó là lòng nhân ái, là “ăn ở tốt lành, thật thà, ngay thẳng, không gian dối, yêu thương giúp đỡ mọi người. Không làm hại ai, chu toàn mọi bổn phận của một người tín hữu và của một người công dân, Không ích kỷ, sống hoà hợp với mọi người” (Xem Thiện Cẩm-CGvDT số 1823). Nhưng “trong cuộc đời trần thế, con người phải đối diện với tha nhân, và những hoàn cảnh khác nhau, thậm chí có thể đối nghịch. Con người thì bá nhân bá tánh, hoàn cảnh, đặc biệt là chính trị, kinh tế xã hội có khi trái nghịch nhau. Cùng một hành vi, một thái độ, có khi bị đánh giá trái ngược, tuỳ theo quan điểm của người đối diện với chúng ta. Cái khó là mỗi thời, mỗi nơi, người ta đều có những quan điểm chính trị, xã hội khác nhau…” (xem Bđd). Không nên chỉ vì người khác có quan điểm khác mình là người có lỗi, không cùng đứng về phía mình là có lỗi, hay không cùng có chung một mục tiêu nhắm tới của mình là có lỗi; rồi từ đó, mệnh danh là sửa lỗi để mạt sát, vu cáo, thêu dệt, nói xấu, thậm chí kết án. Có khi còn  vận dụng lời Chúa để biện minh cho thái độ kẻ cả của mình… Lời dạy của các bậc tiền nhân trong văn hoá Việt Nam vẫn còn đây: “Chân mình thì lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Đức Giêsu cũng dạy: Đừng chỉ thấy cái dằm trong mắt anh em mà quên đi cái xà trong mắt mình.

              

      Xin Chúa ban ơn cho con biết luôn tìm được ý Chúa trong cuộc sống, trong mối quan hệ với cộng đồng con được Chúa sai đến; để sống cùng, sống với anh chị em mình. Biết hợp sức để sửa lỗi cho nhau, bổ túc cho nhau, nhận nhau là anh em, là con một Cha. Biết đau nỗi đau của anh chị em mình khi vấp phạm. Biết đặt mình vào hoàn cảnh những người mắc lỗi để tìm cách cứu vớt lẫn nhau, hầu tất cả trở nên dần hoàn thiện như Cha trên Trời.

       Xin cho con luôn nhớ rằng khi sửa lỗi cho nhau chúng con không quên hợp nhau cầu nguyện cho người mắc lỗi như lời Chuá dạy: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, đấng ngự trên trời Người sẽ ban cho. AMEN.

 Fx Đỗ Công Minh

  

Xem thêm

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

TÂN TÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ

Một trong các văn sĩ vĩ đại nhất của thế kỷ 20 viết về Đức …