Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 23 TN, A của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 23 TN, A của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN A

Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20

 

PHƯƠNG CÁCH SỬA LỖI CHO NHAU TRONG CỘNG ĐOÀN

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 18,15-20

(15) Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình. (16) Còn nếu nó không chịu nghe, thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào hai hoặc ba chứng nhân. (17) Nếu nó không nghe họ, thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe, thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế. (18) Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy. (19) Thầy còn bảo thật anh em: Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. (20) Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đó, giữa họ”.

2. Ý CHÍNH: XÂY DỰNG CỘNG ĐOÀN TÍN HỮU.

Các thành viên trong cộng đoàn Hội thánh phải tế nhị sửa lỗi cho nhau và cầu nguyện chung với nhau: Khi có ai sai lỗi, thì cần sửa lỗi lần lượt qua 4 bước như sau: Bước một là đi gặp riêng để nhắc nhở kẻ có lỗi. Nếu họ không chịu nghe thì sang bước thứ hai là đưa thêm một hay hai nhân chứng. Nếu họ vẫn cố chấp thì sang bước thứ ba la đưa họ ra trước cộng đoàn nhờ xem xét. Nếu họ vẫn cố chấp không muốn nghe cộng đoàn thì sang bước thư tư là kể họ như người ngoại đạo và phó thác họ cho lòng Chúa thương xót. Lời cầu nguyện nếu muốn được Chúa chấp nhận thì cần cầu nguyện chung với cộng đoàn, vì Chúa Giê-su hứa sẽ hiện diện và ban ơn khi hai ba người hiệp nhau lời cầu xin nhân danh Người.

3. CHÚ THÍCH:

– C 15-16: + Người anh em: Anh em nói đây là anh em cùng một cộng đoàn đức tin (x. Mt 23,8; 28,10). + Phạm tội: Không nhất thiết phải là tội xúc phạm đến người sửa lỗi, nhưng là những lỗi nặng nề, công khai, gây gương mù gương xấu và làm tổn thương cho sự hiệp nhất cộng đoàn. Qua đó cho thấy Hội thánh không chỉ gồm những người tốt lành hoàn hảo, mà còn có cả những tội nhân xen lẫn như dụ ngôn cỏ lùng đã cho thấy. + Hãy đi sửa lỗi nó: Ở đây Đức Giê-su dạy phải đi sửa lỗi cho kẻ có tội do đức bác ái đòi hỏi. Vì mỗi thành viên trong cộng đoàn đều có trách nhiệm liên đới với đời sống đạo đức của anh em mình. Sự sửa lỗi này không mâu thuẫn với lời dạy tránh xét đoán anh em và đừng đòi lấy cái rác ra khỏi con mắt anh em, đang khi có cái xà trong con mắt mình (x. Mt 7,1-5). Như vậy sửa dạy không phải là khiển trách miệt thị kẻ có tội, nhưng để giúp tội nhân nhận ra lỗi của mình và thành tâm sám hối. + Một mình anh với nó mà thôi: Đây là sửa lỗi của một cá nhân, nhằm tôn trọng và giữ thể diện cho kẻ có lỗi. Nếu cách này không hiệu quả thì mới tiếp tục các cách tiếp theo. + Được món lợi là người anh em mình: Món lợi không có nghĩa là “lời” thêm được một người bạn hay chiến thắng được một đối thủ. Nhưng là giúp cho Hội thánh khỏi bị mất một thành viên. + Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa: Chỉ thị này nhấn mạnh đến sự kiên nhẫn phải có của người đi sửa lỗi khi đối diện các tội nhân cứng lòng cố chấp. Việc đem theo một hay hai người nữa là để giúp tội nhân ý thức hơn về tội của mình, như luật Mô-sê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào. Phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Tuy nhiên, chỉ thị của Đức Giê-su nói đây không phải là nhân chứng buộc tội, nhưng là những người có uy tín, để giúp tội nhân sám hối sửa lỗi.

– C 17-18: + Đi thưa Hội thánh: vì Hội thánh đã được Chúa ban cho quyền cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội thánh không phải để xét xử, nhưng để tội nhân có dịp hoán cải hầu xứng đáng được ơn giao hòa. + Kể nó như một người ngoại: Nếu kẻ có tội có thái độ cố chấp không muốn sửa lỗi, thì sẽ bị coi là “người ngoại đạo hay kẻ thu thuế”, nghĩa là người lạc giáo. Từ nay Hội thánh không có trách nhiệm trực tiếp đối với họ và chỉ còn biết phó thác họ cho lòng Chúa thương xót. + Dưới đất anh em cầm buộc những điều gì: Đức Giê-su trao cho Nhóm Mười Hai cũng một thứ quyền cầm buộc và tháo cởi trao cho tông đồ Phê-rô (x. Mt 16,19). Qua đó cho thấy Hội thánh có quyền thiết lập luật lệ cho các tín hữu. Khi trao quyền cầm buộc tháo cởi cho Nhóm Mười Hai, Đức Giê-su không bãi bỏ quyền đã trao cho tông đồ Phê-rô. Nhưng Người chỉ muốn các môn đệ phải liên kết với Phê-rô là đầu khi ra các phán quyết về đức tin và luân lý. + Dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì…: Mọi phán quyết của Hội thánh ở trần gian về đức tin và luân lý mà được công đồng bàn thảo biểu quyết và được Đấng kế vị thánh Phê-rô công bố, thì sẽ Chúa ban cho ơn bất khả ngộ, nghĩa là không thể sai lầm, và được Thiên Chúa trên trời phê chuẩn.

– C 19-20: + Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em họp lời cầu xin bất cứ điều gì: Lời cầu nguyện riêng của mỗi người trong phòng kín là cách cầu nguyện khiêm tốn đẹp lòng Chúa (x. Mt 6,6). Nhưng lời cầu nguyện chung của cộng đoàn lại đẹp lòng Chúa hơn và dễ được Chúa chấp nhận hơn. Cầu nguyện chung là một phương thức duy trì đức ái và sự hiệp nhất cộng đoàn. Khi hội họp, các tín hữu cần lưu ý hai điều quan trọng: một là phải hội họp nhau trong tình bác ái và sự hiệp nhất. Hai là phải nhân danh Đức Giê-su, nghĩa là nhằm xây dựng Hội thánh của Chúa và làm cho Tin mừng ngày một lan rộng. + Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy: Đây không phải là họp nhau mang tính thế tục, nhưng họp nhau nhân danh Đức Giê-su, để được Người dạy dỗ với ơn soi sáng hướng dẫn của Chúa Thánh thần. + Có Thầy ở đấy với họ: Trong thời Cựu ước, Đức Chúa luôn hiện diện giữa dân Người qua hình cột mây đậu trên Nhà Tạm che nắng ban ngày và cột lửa chiếu sáng ban đêm (x. Xh 40,34-38). Người cũng hứa sẽ hiện ra nói chuyện với dân Ít-ra-en trên nắp Hòm bia Giao ước (x. Lv 16,2). Đến thời Tân ước, không những Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện mỗi khi cộng đoàn họp nhau cầu nguyện, mà cả những khi họ họp nhau nhân danh Người. Người hiện diện để giúp họ xây dựng tình yêu thương hiệp nhất, sửa lỗi cho nhau, hòa giải những mối bất hòa chia rẽ và duy trì sự hiệp thông giữa cộng đoàn.

4. CÂU HỎI:

1) Phải chăng Nước Trời hay Hội thánh ở trần gian chỉ gồm những thành phần tốt lành thánh thiện ? 2) Các tín hữu cần đối xử thế nào đối với những thành viên mắc phải lỗi lầm nghiêm trọng ? 3) Cần phải sửa lỗi cho nhau qua mấy bước ? 4) Tại sao phải thưa kẻ có tội với Hội thánh ? 5) Hội thánh ra vạ tuyệt thông cho những loại tội nhân nào và nhằm mục đích gì ? 6) Phải chăng ở đây khi cũng trao cho Nhóm Mưới Hai quyền cầm buộc và tháo cời (x Mt 18,18), Đức Giê-su gián tiếp truất quyền đã trao cho Tông đồ Phê-rô trước đó (x Mt 16,19) ? 7) Tại sao lời cầu nguyện chung của cộng đoàn lại có giá trị hơn lời cầu nguyện riêng của cá nhân ở nơi kín đáo ? 8) Đức Giê-su hứa sẽ hiện diện giữa cộng đoàn trong những trường hợp nào ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI Chúa: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18,15).

2. CÂU CHUYỆN: NGÔN SỨ NA-THAN SỬA LỖI CHO VUA ĐA-VÍT

Ngày nọ Đức Chúa đã sai ngôn sứ Na-than đến với vua Đa-vít. Ông vào gặp vua và nói với nhà vua: “Có hai người trong cùng một thành, một người giàu và một người nghèo. Người giàu thì có rất nhiều chiên dê và bò. Còn người nghèo chẳng có gì cả, ngoài con chiên cái nhỏ độc nhất ông đã mua. Ông nuôi nó và nó lớn lên ở bên ông, cùng với con cái ông. Nó ăn chung bánh với ông, uống chung chén với ông, ngủ trong lòng ông, ông coi nó như một đứa con gái của ông. Một hôm người giàu có khách đến thăm. Ông ta không bắt chiên dê hay bò của mình mà lại sai gia nhân đi bắt con chiên cái của người nghèo kia mang về làm thịt đãi khách”. Vua Đa-vít bừng bừng nổi giận với lối hành xử của kẻ giàu có ấy và nói với Na-than rằng: “Có Đức Chúa hằng sống! Kẻ nào làm điều ấy thật đáng chết ! Nó phải đền gấp bốn con chiên cái, bởi vì nó đã làm chuyện ấy và vì đã không có lòng thương xót”. Bấy giờ Na-than mới nói với vua Đa-vít: “Kẻ đó chính là ngài ! Đức Chúa, Thiên Chúa của Ít-ra-en phán thế này: “Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Ít-ra-en. Chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Sa-un. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Ít-ra-en và Giu-đa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Ta mà làm điều dữ trái mắt Ta ? Ngươi đã dùng gươm đâm chết U-ri-gia người Khết. Vợ của y thì ngươi đã cướp lấy làm vợ ngươi. Còn chính y thì ngươi đã dùng gươm của con cái Am-mon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của U-ri-gia người Khết làm vợ ngươi”.  Đức Chúa phán thế này: “Ta sắp dùng chính nhà của ngươi mà gây họa cho ngươi. Ta sẽ bắt các vợ ngươi trước mắt ngươi mà cho một người khác, và nó sẽ nằm với các vợ của ngươi giữa thanh thiên bạch nhật. Thật vậy, ngươi đã hành động lén lút, nhưng Ta, Ta sẽ làm điều ấy trước mặt toàn thể Ít-ra-en và giữa thanh thiên bạch nhật”. Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Na-than: “Tôi thật đã đắc tội với Đức Chúa” (x 2 Sm 12,1-13).

3. SUY NIỆM:

Hội thánh gồm các tín hữu có đức tin và đã được thánh hóa nhờ các bí tích. Nhưng bao lâu còn ở trần gian, các tín hữu cũng vẫn bị sai lỗi như bao người khác. Họ có thể sai lầm và phạm phải nhiều tội lỗi, gây gương mù gương xấu và nên cớ vấp phạm cho anh em lương dân. Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su cũng dạy các bước sửa lỗi cho anh em, để vừa giữ được đức bác ái, lại vừa giúp tội nhân tu sửa ngày một hoàn thiện hơn.

1. SỬA LỖI LÀ MỘT HÀNH VI YÊU THƯƠNG:

Đức Giê-su dạy các tín hữu không được im lặng khi thấy anh chị em mình có lỗi, nhưng phải mạnh dạn và thẳng thắn góp ý, giúp họ nhận ra lỗi lầm để sửa đổi (x. Mt 18,15). Vì “Thiên Chúa không muốn cho những kẻ có tội phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống”.

– Nhiều khi chúng ta không dám thẳng thắn sửa lỗi tha nhân vì sợ chạm tự ái khiến họ tức giận, sợ bị mất quyền lợi hay sợ bị trả thù nên đành giữ thái độ im lặng. Im lặng như thế là đồng lõa với tội ác và kẻ xấu sẽ “được đằng chân lân đằng đầu”.

– Cũng cần phân biệt giữa khiêm tốn sửa lỗi với thái độ tọc mạch “vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết”, hay thái độ lên mặt “thầy đời” khi mình chưa đủ tư cách sửa lỗi tha nhân, như người Việt có câu: “Chân mình những lấm bê bê. Lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Chính Đức Giê-su đã quở trách các Biệt phái và luật sĩ về thái độ đạo đức giả này: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại nói với người anh em: Hãy để tôi lấy cái rác ra khỏi mắt bạn, trong khi có cả một cái xà trong con mắt anh ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em” (Mt 7,3-5).

– Ngoài ra, sửa lỗi còn là một việc làm thể hiện tình yêu thương, giống như bổn phận của cha mẹ là phải răn dạy con cái: “Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”; hoặc: “Sinh con chẳng dạy chẳng răn, Thà rằng nuôi lợn lấy lòng mà ăn”. Thấy một người đi vào con đường dẫn đến đầm lầy nguy cơ bị sụt lún mà im lặng không cảnh báo để họ phòng tránh thì đó chính là một tội ác. Thấy một người làm một điều sai lỗi, có thể gây thiệt hại lớn cho bản thân, gia đình và xã hội mà ta không chịu can ngăn thì cũng là một trọng tội như luật pháp đã qui định: “Tội lỗi bổn phận gây hậu quả nghiêm trọng” !

2. SỬA LỖI LẪN NHAU LÀ TÍCH CỰC XÂY DỰNG HIỆP NHẤT CỘNG ĐOÀN:

Góp ý sửa lỗi anh em phải do tình thương thôi thúc. Nhưng bản thân mỗi người chúng ta cũng cần được người khác sửa lỗi mới có hy vọng nên hoàn thiện. Một cộng đoàn trưởng thành là khi phát hiện có điều gì sai trái thì các thành viên sẽ liệu cách sửa lỗi cho nhau. Lời góp ý phải phát xuất do động lực yêu thương, chứ không do lòng ganh ghét thù hằn cá nhân. Mỗi người cần biết khiêm tốn lắng nghe các góp ý của anh em, thậm chí còn phải nghe cả những lời phê bình chỉ trích của những kẻ đang thù ghét chống lại mình nữa.

Nhiều người nghĩ rằng: Hãy “cố chịu đấm ăn xôi”, ráng chịu đựng những lời phê bình mà không thực tâm muốn hoán cải. Từ đó sẽ dẫn đến tình trạng đối xử với nhau “Bằng mặt chứ không bằng lòng” và bầu khí cộng đoàn bị ô nhiễm. Trái lại, nếu mọi người đều ý thức nhân vô thập toàn, để khiêm tốn nhận lối và giúp nhau sửa lỗi, thì sẽ tr ánh được gương mù gương xấu… Cộng đoàn sẽ ngày một an vui, phản ảnh tình yêu của Thiên Chúa do có Chúa hiện diện như Người đã nói: “Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”. (Mt 18,20).

3. PHẢI SỬA LỖI CHO NHAU NHƯ THẾ NÀO ?

Giống như bác sĩ giải phẫu một khối u ác tính. Nếu thiếu kinh nghiệm hay thao tác nhanh ẩu không đúng kỹ thật thì không những không chữa lành được khối u mà còn có nguy cơ làm cho khối u bị “di căn” gây thiệt hại lớn hơn cho bệnh nhân. Cũng vậy, sửa lỗi cho anh em đòi chúng ta phải theo một số nguyên tắc như Đức Giê-su đã đề ra trong Tin mừng hôm nay là phải tế nhị, kín đáo và kiên nhẫn.

+ Tế nhị: Phải đặt mình vào hoàn cảnh của người bị sửa lỗi, để biết khi nào nên nói và nói như thế nào để người bị sửa lỗi không bị chạm tự ái và sẵn sàng hợp tác tu sửa.

+ Kín đáo: Là phải góp ý riêng, không để cho người khác biết, hầu tránh cho kẻ có lỗi khỏi mặc cảm xấu hổ và bị người khác khinh thường xa lánh.

+ Kiên nhẫn: Là không nóng vội và đừng đòi phải có kết quả trước mắt, nhưng biết kiên nhẫn chờ đợi để kẻ có lỗi có thêm thời gian suy nghĩ như người ta thường nói: “Mưa dầm thấm lâu !” hoặc “Dục tốc bất đạt !”.    

4. CỤ THỂ CÁC BƯỚC SỬA LỖI CHO ANH EM THEO LỜI CHÚA DẠY:

Tin mừng hôm nay cho thấy Đức Giê-su đã dạy các môn đệ về bốn bước khi sửa lỗi cho anh em như sau:

Một là đi gặp riêng giữa ta và người có lỗi.

Hai là nếu họ không nhận lỗi thì sẽ đi chung với một hoặc hai nhân chứng, không phải để làm áp lực mà để mọi việc được sáng tỏ và khách quan hơn, nhờ lời phân giải của các nhân chứng. Bước này gọi là “ba mặt một lời”.

Nếu họ vẫn cố chấp không nghe, thì tiến tới bước thứ ba là đưa kẻ có lỗi ra trước cộng đoàn. Không phải để xét xử kết án, nhưng để nhờ thế giá của cộng đoàn mà kẻ có lỗi sẽ dễ hồi tâm tu sửa (x. Mt 18,20).

Nếu họ vẫn cố chấp không nghe cộng đoàn, thì sang bước cuối cùng là tách họ ra khỏi cộng đòan Hội thánh, để họ không có điều kiện tác hại đến cộng đoàn. Tương tự như trường hợp một bàn chân bị hoại tử, nếu không kịp thời xử lý thì tình trạng họai tử sẽ ngày càng nặng hơn lan sang các bộ phận khác. Vì thế nếu sau một thời gian không khỏi, bác sĩ điều trị sẽ quyết định “đọan chi”, nghĩa là loại bỏ phần bị hoại tử tới khớp cổ chân cổ tay hay đầu gối… để tránh tình trạng hoại tử ngày một lây lan. Những tội nhân cố chấp trong sự sai trái về đức tin và luân lý sẽ bị coi như “dân ngoại hay người thu thuế”, nghĩa là không còn thuộc về Hội thánh nữa. Từ đây Hội thánh không chịu trách nhiệm đối với họ, mà chỉ còn biết phó thác họ cho lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa.

4. THẢO LUẬN:

1) Bạn nên phản ứng thế nào khi bị người khác phê bình về các hành vi sai lỗi của bạn ? 2) Cụ thể khi làm việc trong một công sở hay công ty xí nghiệp mà cấp trên tham nhũng, chúng ta nên làm gì để vừa tránh bị họ cô lập đào thải, đồng thời cũng giữ được sự công minh chính trực của người tín hữu môn đệ Đức Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xưa Chúa đã từng có các người bạn thân là 3 chị em gia đình ở Bê-ta-ni-a (x. Ga 11,5.11). Chúa cũng không coi các môn đệ là tôi tớ, nhưng là bạn nghĩa thiết, để tâm sự vui buồn với các ông (x. Ga 15,15). Hôm nay, chúng con xin tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con có những người bạn thân, để nâng đỡ chúng con trên bước đường đời.

– LẠY ChÚA. Dù giữa chúng con có những khác biệt, nhưng xin Chúa ban cho chúng con hiệp nhất nên một trong tình yêu của Chúa. Xin cho chúng con biết thật tình yêu thương nhau, biết nâng đỡ an ủi nhau mỗi khi bị thất bại, biết động viên khen ngợi nhau trong những thành công, và nhất là sẵn sàng góp ý xây dựng để cùng nhau thăng tiến. Xin cho chúng con trở nên những môn đệ đích thực của Chúa, nhờ việc năng học hỏi suy niệm Lời Chúa, nhờ đó, chúng con có thể trở thành bạn hữu của anh em.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …