Lỗi Lầm
Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn, Đoạn Tin Mừng Chúa Nhật 23 TN hôm nay (Mt 18, 15 -20), tưởng chừng là vấn đề đơn giản, nhưng thật không giản đơn. Bởi vì, nó là mầm họa của “chiến tranh”, chúng ta thừơng nghe nói: ”Chén đĩa trong chạn cũng khua nhau, huống chi là con người“. Vâng, vì thế, sống chung với nhau, cùng gia đình, cùng khu xóm, cùng mái trường, cùng công sở, cùng giáo xứ, cùng dòng tu, cùng chủng viện, không môi trường nào thiếu vắng sự bất hòa, có chăng là ít hay nhiều mà thôi. Vì vậy, Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một chủ đề là “Sửa lỗi anh em”, và “Hiệp thông cầu nguyện”.
Vâng, vấn đề thật là khó, nhưng chính Chúa Giêsu dạy cho chúng ta, vậy chúng ta cứ theo Lời Chúa mà làm.
Nhân thế cũng thường nói: ”Qúa tam ba bận”, cái gì cũng vậy, chỉ có ba lần thôi. Nếu chúng ta làm đủ ba lần, thì coi như “hết trách nhiệm”, hay nói nôm na là “hết cách”, hay hết “thuốc chữa”. Vì, ở đời là: ”Nhân vô thập toàn”. Tuy nhiên, khi người mắc lỗi, thường là họ “bị lầm”, tức sai lầm, vì lần lẫn, nên “trót“ phạm, đây là bước thứ nhất, “trót“ phạm, khi trót phạm, mà có người khác nhắc nhở, mà họ biết nhận ra, thì thật là quá tốt. Bước thứ nhất, đầy bác ái, tức là họ “lỡ” phạm, không cố tình, chúng ta đừng vội chỉ trích, hay kết án.
Nhưng, nếu họ không nghe mình, thì lúc đó, mình mới đi nói với một hai người nữa để họ làm chứng. Và làm cho vấn đề đó minh bạch hóa ra, đừng che đậy nữa. Nhưng, nếu người ấy cũng không nghe, thì mình đi thưa Hội Thánh. Nếu, nó không nghe Hội Thánh, thì kể như không có người ấy.
Vâng, giải pháp xử lý theo Chúa Giêsu thật là hoàn hảo và nhân từ, không có chiến tranh. Vì, kẻ lầm lỗi là người “mù quáng”, bởi vì họ mù, họ mới làm trái. Sự bao dung của chúng ta, làm cho họ tỉnh ngộ, nhận ra “lỗi lầm” và sửa chữa. Vì, “lỗi” bao giờ cũng đi với “lầm”, vì “lầm“ mà mắc “lỗi”, vâng, từ ngữ Việt Nam rất phong phú, Chúa Giêsu cũng dựa trên sự “hợp lý” “hợp tình” giống như ngôn ngữ tiếng Việt.
Mặc nhiên, không phải ai cũng nhận ra lỗi lầm ngay, vì, khi mắc lỗi là có tác động của thế lực ma quỷ, tác động của tà thần xúi giục, chứ không phải do chính mình.
Theo đó, Lời Chúa hôm nay tuy ngắn, nhưng có ba phần:
- Phần thứ nhất: Sửa lỗi anh em (c 15 – 17)
- Phần thứ hai: Chúa trao quyền cho Giáo hội (c 18)
- Phần thứ ba: Hiệp thông cầu nguyện (c 19 -20)
Vâng, phần thứ hai là phần mà Chúa nhắc lại câu “trao quyền“ cho thánh Phê-rô, quyền tối thượng thay mặt Chúa ở trần gian là: “Quyền“ của Hội Thánh. Tiếng nói của Hội Thánh là tiếng nói sau cùng.
Nhưng, giải pháp “tuyệt hảo” là “cầu nguyện“, cầu nguyện trong sự hiệp thông, làm cho mọi sự trở nên tốt đẹp, bởi vì ơn Chúa sẽ xuống trên sự hiệp thông. Điều nầy làm rõ nghĩa ý thứ nhất. Bởi vì, khi hiệp thông cầu nguyện, Chúa Thánh Thần sẽ nối kết “tình huynh đệ” lại với nhau. Thiên Chúa không muốn chia rẽ, nhưng muốn hiệp nhất.
Vì vậy, khi làm việc cho Chúa, dứt khoát không nên chia rẽ, làm việc vì Chúa, cho Chúa, là công việc của Chúa, theo đó, người ta thường nói: “Chọn Chúa, chứ không chọn công việc của Chúa”. Vâng, thưa quý vị, nếu phần thứ nhất của Lời Chúa hôm nay cho chúng thấy sự “mắc lỗi” của anh em, là một sự “phiền phức”, thì phần thứ ba, là một giải pháp “hoàn hảo”, bởi vì: “Ở đâu có hai, ba người họp lại nhân Danh Thầy, thì Thầy ở giữa họ” (c 20).
Như vậy, phần thứ ba hôm nay (c 19 -20) là phần đáng suy niệm, bởi vì, chúng ta cầu nguyện một mình, Chúa không thích bằng cầu nguyện chung. Đó là giờ kinh Phụng Vụ, Thánh Lễ, hay chia sẻ Lời Chúa. Thiên Chúa thích “cái chung”, bởi vì, có nhiều người chúc tụng Thiên Chúa, thì lời cầu nguyện càng đáng giá. Đây chính là Công giáo tính, có nghĩa tinh thần Công giáo. Nói như vậy, không có nghĩa cầu nguyện cá nhân không tốt, bởi vì, cầu nguyện cá nhân mang tính thiểu số, nhưng, Thiên Chúa cũng dựng nên cộng đồng bằng bởi từng cá nhân. Cá nhân xây dựng cộng đồng thì tốt, cá nhân xây dựng cho riêng mình thì không tốt. Như, câu tục ngữ của xã hội: ”mình vì mọi người, chứ đừng bắt mọi người vì mình”.
Có ai đó đã nói: “Thiên Chúa muốn cứu rỗi hết mọi người, chứ Thiên Chúa không cứu rỗi những ai chia rẽ thiếu liên kết”.
Bài Đọc II hôm nay (Rm 13, 8 -10) thánh Phao-lô nói: ”Yêu thương là chu toàn lề luật”. Thật vậy, “Khi bạn không có oán thù, thì bạn sẽ có niềm vui”.
Công thức phục vụ của mẹ Teresa Calcutta là: ”Thinh Lặng sinh ra Cầu Nguyện. Cầu Nguyện sinh ra Đức Tin. Đức Tin sinh ra Tình yêu. Tình Yêu sinh ra Phục Vụ. Phục Vụ sinh ra Bình An”.
Theo đó, cũng có thể hiểu, muốn không có xung đột, thì “hãy phục vụ” vô vị lợi.
Như vậy, Thinh lặng chính là đầu mối Bình An. Vâng, đấy là tâm tình của một vị thánh lớn, còn thánh Teresa Hài Đồng, thì: ”Khi bạn nhặt một cọng rác vì lòng yêu mến Chúa Giêsu, dâng lên cho Người sự hy sinh nhỏ bé ấy, cũng đủ để cứu một linh hồn”.
Khởi đi từ bài đọc I hôm nay (Ed 33, 7 -9), không phải chúng ta thấy kẻ ác làm điều ác mà làm ngơ, lúc đó Chúa sẽ hỏi tội chúng ta. Như vậy, Chúa giao trách nhiệm rất lớn cho người có trách nhiệm, nếu làm ngơ trước cái sai, cái xấu, thì người đó phải trả lẽ trước mặt Chúa. Nhưng, nếu răn dạy nó, mà nó không nghe, thì người lành vô can.
Tháng 06 vừa qua, tại Giáo Phận Xuân Lộc, chúng ta thấy, vấn đề thuyên chuyển Linh Mục chánh xứ, tại một giáo xứ nọ, vì quá “yêu mến” cha xứ của mình, mà giáo dân làm phiền lòng Đức Giám Mục. Vâng, Đức cha đã thể hiện đúng mức vai trò mục tử của mình. Đây, cũng là lần đầu tiên trong sứ vụ giám mục của ngài, nhưng, nhờ ơn Chúa, và tài khéo léo căn cứ vào Lời Chúa hôm nay, vị giám mục đã an bài tốt đẹp.
Theo đó, chúng ta thấy, hiệu quả của Lời Chúa như thế nào: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng giọi đường con đi” (Tv 118) là như thế.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đường, là Chân Lý, là Tình Yêu, xin cho chúng con biết noi theo hầu khỏi lạc lối ./. Amen
10/09/2017
P.Trần Đình Phan Tiến