Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 22 TNA của LM ĐAN VINH

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 22 TNA của LM ĐAN VINH

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN A

Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16, 21-27

 

CON ĐƯỜNG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ 

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Mt 16,21-27

(21) Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng đế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. (22) Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !” (23) Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”. (24) Rồi Đức Giê-su nói với môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”. (25) Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy. (26) Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ? (27) Vì con người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm”.

2. Ý CHÍNH: TIÊN BÁO CUỘC THƯƠNG KHÓ LẦN THỨ NHẤT

Sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, thì Người bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người sắp đi lên Giê-ru-sa-lem để qua đau khổ thập giá rồi mới vào trong vinh quang phục sinh. Ông Phê-rô lên tiếng khuyên can nhưng đã bị Người nặng lời quở trách, vì ông đã suy nghĩ theo kiểu loài người. Rồi Đức Giê-su dạy môn đệ phải làm theo thánh ý Thiên Chúa là từ bỏ bản thân, vác thập giá mình mà đi theo Người.

3. CHÚ THÍCH:

– C 21: + Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ…: Đức Giê-su mặc khải việc Người sắp trải qua cuộc khổ nạn thập giá rồi mới vào trong vinh quang phục sinh tại núi thánh Xi-on của Thiên Chúa, tức là thành thánh Giê-ru-sa-lem, để ứng nghiệm lời Kinh Thánh đã tiên báo (x. Tv 2,6). Đức Giê-su lần lượt loan báo 3 lần về cuộc thương khó Người sắp trải qua để đánh dấu từng chặng đường tiến về thành Giê-ru-sa-lem, và cũng để chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ khỏi bị bất ngờ khi thấy sự việc xảy ra.

– C 22-23: + Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !: Phê-rô không muốn Thầy phải bị thua kẻ thù, để mặc chúng bắt bớ giết hại cách nhục nhã trên cây thập tự rồi mới phục sinh vinh quang ! Tại sao Thầy không dùng quyền năng để chiến thắng kẻ thù ngay lập tức ? + Xa tan, lui lại đàng sau Thầy !: Xa-tan theo nguyên nghĩa là “Tên cám dỗ” hay “Kẻ cản trở”. Lời can ngăn của Phê-rô gợi lại cơn cám dỗ của Xa-tan với nguyên tổ A-đam E-và khi xưa (x. St 3,4-5). Câu này tương tự như câu Đức Giê-su xua đuổi ma quỷ cám dỗ sau khi Người ăn chay bốn mươi ngày trong hoang địa: “Xa-tan kia, xéo đi !” (Mt 4,10). Ở đây Đức Giê-su chỉ buộc Phê-rô lui lại vị trí người môn đệ, nghĩa là phải đi phía sau Thầy (x. Mt 16,24; Ga 21,22b). + Anh cản lối Thầy: hoặc “anh làm cớ cho Thầy vấp phạm”. Cớ vấp phạm hay là một cái bẫy (x. Tv 124,7), một hòn đá cản đường khiến người ta bị vấp ngã (x. Is 8,14-15; Rm 9,32-33). Vì suy nghĩ theo tình cảm tự nhiên và vì lòng mến Thầy, Phê-rô đã vô tình cản lối Người đi khi ông yêu cầu Người bỏ con đường cứu độ đã được Chúa Cha đặt định là “Phải qua đau khổ mới vào trong vinh quang” (x. Lc 24,26). Trước đó, Phê-rô vừa được khen là có phúc vì đã tuyên xưng đức tin “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nhưng giờ đây ông lại bị Thầy trách là tên cám dỗ, và là viên đá gây vấp ngã cho Thầy ! + Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người: tương tự như lời tuyên sấm của ngôn sứ I-sai-a: “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối của các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào, thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55,8-9).

– C 24-25: + Ai muốn theo Thầy: Ai tự nguyện làm môn đệ Đức Giê-su, sẵn sàng cộng tác vào công việc xây dựng Nước Trời với Người. Câu này chứng tỏ Đức Giê-su luôn tôn trọng tự do của con người. + Từ bỏ chính mình: Điều kiện để làm môn đệ Đức Giê-su là phải loại bỏ những trở ngại bên ngoài như tình thân gia đình và cản trở bên trong như các thói hư tội lỗi và cách suy nghĩ theo tính xác thịt của mình. + Vác thập giá mình mà theo: Họ cũng phải chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng, phải chịu đựng những nỗi vất vả và các cơn bách hại do thế gian và các thế lực thù địch với Thiên Chúa gây ra. + Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất: Lời tuyên bố có tính nghịch lý theo kiểu Do thái, dựa trên lòng tin vào một đời sống mới vĩnh hằng sau khi chết. Ai muốn cứu mạng sống thể xác bằng cách bỏ đạo để khỏi bị giết hại thi sẽ bị mất luôn sự sống thiêng liêng ở đời sau. + Còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy: Người khôn là người biết chọn sống cuộc đời tạm này thế nào, để sau khi chết sẽ được sống lại và được sống đời đời. Đức Giê-su đưa ra con đường dẫn tới sự sống đời đời là phải sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh thiệt thòi, ngay cả mất mạng sống của mình. Ngoài con đường này  không còn con đường nào khác để đón nhận được ơn cứu độ.

– C 26-27: + Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi ích gì ?: Câu này lặp lại tư tưởng của câu trên. + Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người: Giá trị của cuộc sống thực sự chỉ tỏ hiện trong cuộc chung thẩm vào ngày tận thế. + Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm: Sự thưởng phạt công minh là động cơ khiến người ta sẵn sàng chấp nhận đi con đường hẹp là bỏ mình và vác thập giá đi theo Chúa ngay đời này. Đức Giê-su quả quyết chính Người sẽ ngự đến vào ngày tận thế để xét xử mọi người tùy theo các việc tốt họ đã làm hay không làm khi còn sống.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao Đức Giê-su phải cho các môn đệ biết về các biến cố Người sắp trải qua tại Giê-ru-sa-lem ? Người tiên báo phải chịu khổ nạn thập giá rồi mới vào vinh quang Phục Sinh ba lần nhằm mục đích gì ? 2) Tại sao tông đồ Phê-rô lên tiếng can gián Thầy và ông đã bị Thầy quở trách như thế nào ? 3) Bỏ mình và vác thập giá mình hằng ngày đối với mỗi tín hữu hôm nay cụ thể là bỏ và làm những gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

2. CÂU CHUYỆN:

1) SỨC MẠNH CỦA CÂY THÁNH GIÁ

Một người đàn bà đạo đức kia phát hiện mình có khối u ở ngực nhưng lại không dám đến bệnh viện mổ vì sợ mình không thể chịu nổi cơn đau khi mổ. Đến khi khối u phát triển nhanh thì bà đâm hoảng mới chấp nhận mổ, hy vọng sống thêm được một thời gian. Bà có một cậu con trai trong tuổi thanh niên. Khác hẳn bà mẹ, anh con trai này tỏ ra khô khan các việc đạo đức và đã bỏ đến nhà thờ từ khá lâu. Hôm ấy, trước khi vào phòng mổ, bà mẹ yêu cầu bác sĩ cho phép con trai bà được đứng bên giúp bà thêm sức chịu đựng cơn đau lúc đang mổ và yêu cầu của bà đã được bác sĩ chấp thuận. Thời đó, vì chưa có thuốc tê, nên bệnh nhân phải trải qua cơn đau khủng khiếp mỗi lần bị mổ xẻ. Nhưng bà mẹ này đã can đảm cắn răng chịu đựng. Đến khi con dao mổ đụng đến giây thần kinh thì bà mới oằn người lên và kêu to: “Chúa ơi con đau quá, xin thương cứu con !”. Trườc cảnh tượng mẹ bị đau đớn như vậy, anh con trai đã thốt ra những lời phàn nàn trách móc Chúa. Nghe vậy, bà mẹ liền nghiêm nét mặt và nói với con rằng: “Con hãy câm miệng lại ngay ! Con có biết là con đang làm cho mẹ phải chịu đau đớn nhiều hơn mấy ông bác sĩ này hay không ? Vì con đã sỉ nhục chính Đấng đã ban sức mạnh và luôn nâng đã an ủi mẹ”. Nói rồi, bà mở bàn tay ra cho con thấy một cây thánh giá nhỏ mà bà đã luôn nắm chặt từ đầu ca mổ đến giờ. Cây thánh giá đó chính là thứ thuốc gây mê, làm dịu đi cơn đau khủng khiếp mà bà đã và đang phải chịu đựng.

Sau mấy tháng quằn quại trong đau đớn, bà mẹ đạo đức ấy đã an nghỉ trong Chúa. Trước lúc lâm chung, bà đã trao cây thánh giá nhỏ cho con trai và dặn rằng: “Con ơi ! Hãy giữ lấy cây thánh giá này. Đó là vật đã giúp mẹ chịu đựng được biết bao gian khổ trong cuộc đời mẹ. Hy vọng rằng nhờ cây thánh giá này, con cũng sẽ tìm thấy niềm an ủi và cậy trông ơn Chúa giúp mỗi khi gặp gian nan thử thách sau này”. Anh con trai rất xúc động trước đức tin và tình thương của mẹ dành cho mình. Từ ngày đó anh đã luôn đeo cây thánh giá trên cổ, để nhắc nhở anh về người mẹ thân yêu. Từ đây cây thánh giá đã trở thành vật hộ mệnh, giúp anh can đảm vượt qua các sóng gió trong cuộc đời, giống như người mẹ thân yêu của anh.

Nếu muốn theo Chúa.

2) THÁNH GIÁ CHÚA BAN HỢP VỚI KHẢ NĂNG MỖI NGƯỜI:

          Cây thánh giá mà chúng ta phải chấp nhận mang vác trong cuộc sống đều hợp với khả năng của mỗi người chúng ta. Câu chuyện ngụ ngôn sau đây nói lên điều này:

Có một người đàn ông kia tuy có đức tin vào Chúa nhưng lại hay than trách Chúa để mặc mình phải mang cây thánh giá quá sức chịu đựng là bà vợ luôn “lắm điều nhiều lời” của ông. Lúc nào bà vợ này cũng càm ràm chê trách ông chồng đủ điều. Vào một đêm kia, ông ta nằm mơ gặp một thiên thần hiện ra phán bảo: “Ta thấy con hay than thân trách phận vì phải mang vác thánh giá nặng nề vượt quá sức con. Vậy hôm nay con hãy theo ta vào trong nghĩa trang, nơi mà những người chết được chôn cất đều để lại cây thánh giá đời họ ngay trên phần mộ. Con hãy chọn một cây thánh giá khác phù hợp thay cho cây con đang phải mang”.

          Ông ta liền vui vẻ mang theo cây thánh giá theo thiên thần vào nghĩa trang cách chỗ ở không xa, hy vọng sẽ kiếm ra cây thánh giá khác nhẹ hơn. Đến nơi, ông ta lần lượt đi đến các phần mộ người chết để thử hết cây này đến cây khác nhưng mãi vẫn không tìm ra cây thánh giá ưng ý. Vì cây nào nhẹ thì lại dài quá khổ; cây vừa vặn thì lại xù xì gớm ghiếc; còn cây trơn tru láng đẹp thì lại quá nặng nề… Cuối cùng ông đành thưa với thiên thần: “Thưa ngài. Con tìm mãi mà chẳng thấy cây thánh giá nào hợp với con cả. Con xin chọn lại cây thánh giá con đã mang từ nhà ra đây”.

Trên đường về nhà thiên thần đã nói với ông rằng: “Thiên Chúa luôn trao thánh giá cho mỗi người phù hợp với sức của họ và Người luôn ban ơn giúp họ vác thánh giá cuộc đời đến cùng”. Có điều lạ là từ ngày chấp nhận vác cây thánh giá là chịu đựng các thói hư của vợ, ông lại thấy bà không còn xấu tính khó ưa như trước. Nhờ đó cuộc sống chung giữa hai người hòa hợp hạnh phúc trở lại như hồi mới cưới.

3. SUY NIỆM:

Tin Mừng Mát-thêu đã ghi lại con đường Người sắp trải qua như sau: “Con người sắp phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Mt 16,21), thì Phê-rô, một người vừa được Đức Giê-su khen có phúc vì đã tuyên xưng đức tin, đã lên tiếng can Người rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy !”. Nhưng ông đã bị Đức Giê-su nặng lời quở trách: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy ! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà của loài người” (Mt 16,22-23). Đức Giê-su đã có phản ứng quyết liệt trước tư tưởng sai lạc của Phê-rô khi xua đuổi ông như đã từng xua đuổi ma quỷ cám dỗ. Về sau Phê-rô đã dần dần hiểu được thánh ý Thiên Chúa, và đã sẵn sàng chấp nhận đi con đường thánh giá để được cùng chết và cùng sống lại với Thầy. Trong dịp này, Đức Giê-su cũng cho biết điều kiện để trở thành môn đệ của Người như sau: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24).

1) TỪ BỎ CHÍNH MÌNH:

Muốn theo Chúa thì phải từ bỏ chính mình, nghĩa là bỏ các trở lực bên ngoài như người thân,  nghề nghiệp, nhà cửa, ruộng nương… và cả những trở lực bên trong  như các thói hư, tội lỗi, lòng ham mê địa vị quyền hành, lòng tham lam của cải bất chính, thói xấu ích kỷ, thích phô trương thành tích để tìm tiếng khen nơi người đời… Đức thánh Cha Phao-lô VI trong buổi triều yết chung ngày 11.03.1970 đã nói :”Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được ưa thích nhất trong đời sống công giáo là sự từ bỏ chính mình”. Từ bỏ chính mình nghĩa là phải loại bỏ ý riêng để vâng theo thánh ý Thiên Chúa. Thánh ý Thiên Chúa được biểu lộ qua ý của cha mẹ trong gia đình, thầy cô giáo ở nhà trường, luật pháp trong xã hội, đặc biệt là gương sáng và lời dạy của Chúa Giê-su do các mục tử trong Hội thánh rao giảng. 

Quan sát các nhà điêu khắc, ta thấy đàu tiên họ lựa ra một phiến đá cẩm thạch ưng ý rồi chọn kiểu mẫu và sơ phác trên phiến đá. Sau đó họ kiên nhẫn đục đẽo, mài dũa cho tới khi hoàn thành một bức tượng mỹ thuật.  Cũng thế, trong việc từ bỏ bản thân, chúng ta cần phải loại trừ lòng tham lam ích kỷ, thanh luyện thói hư và những gì rườm rà để tập trung lo việc nhà Chúa như lời Thánh kinh: ”Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69,10).

2) VÁC THẬP GIÁ MÌNH MÀ THEO CHÚA:

Đây là khía cạnh tích cực của việc đi theo làm môn đệ của Chúa Giê-su. Ngoài việc từ bỏ chính mình, chúng ta còn phải chấp nhận chịu đau khổ là vác thánh giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa. Có hai loại đau khổ cần phải mang vác là thập giá và thánh giá:

Thập giá là khổ hình người Roma dùng để trừng trị nô lệ hay lê dân phạm trọng tội chống lại đế quốc. Đức Giê-su đã bị quan Tổng trấn Rô-ma là Pông-xi-ô Phi-la-tô lên án tử hình thập giá do bị áp lực của người Do thái. Đức Giê-su đã biến khổ hình thập giá trở nên thánh giá để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Người mời gọi các tín hữu chúng ta hãy vác cây thập giá của mình hằng ngày mà theo Người để được hưởng ơn cứu độ như lời thánh Phao-lô đã dạy: “Nếu chúng ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sông với Người” (2 Tm 2, 11).

          Ai trong chúng ta cũng đều phải vác thánh giá là các đau khổ gặp phải trong cuộc sống. Giáo lý Công Giáo dạy đau khổ là hậu quả của tội lỗi, bắt đầu là tội Tổ tông và các tội riêng của loài người. Chẳng hạn: Uống rượu nhiều sẽ gây ra ung thư gan… Chúng ta có thể bị chấn thương sọ não trong tai nạn giao thông do tài xế ngủ gục đâm xe vào giải phân cách… Hoặc do chiến tranh đi đường bị trúng bom đạn hoặc do thiên tai như lũ lụt, lở đất, sóng thần… Tuy nhiên vấn đề nói đây là thái độ chúng ta phải có khi gặp đau khổ: Ta sẽ can đảm chịu đựng phấn đấu vượt qua cơn đau hay chỉ biết than thân trách phận ? 

3) VỮNG LÒNG CẬY TRÔNG PHÓ THÁC KHI GẶP ĐAU KHỔ:

          Các tín hữu thực sự tin vào cuộc sống vĩnh hằng đời sau, thì sẽ sẵn sàng chấp nhận thua thiệt mất mát và ngay cả mất mạng sống ở đời này, vì tin rằng Chúa sẽ đoái thương bù đắp gấp bội là hạnh phúc Nước Trời đời sau. Một bạn trẻ muốn lên đại học, nhưng lại thi rớt, cũng đừng nản lòng thất vọng. Hãy chấp nhận thập giá là sự thất bại nhất thời và hy vọng Người sẽ ban một cuộc sống mới tốt đẹp hơn. Một người muốn có một gia đình hòa hợp hạnh phúc và làm ăn tấn tới, nhưng chẳng may gia đình luôn bất hòa và công việc làm ăn không mấy suông sẻ… thì cũng đừng nản lòng, vì Thiên Chúa cha giàu lòng từ bi thương xót có thể rút từ sự dữ ra sự lành. Người luôn ban ban cho chúng ta những điều tốt lành như lời Chúa Giê-su: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha trên trời, Người sẽ ban Thánh Thần cho những kẻ xin Người” (Lc 11,13).

Thiên Chúa để cho chúng ta phải chịu các đau khổ trong cuộc sống là để thử thách đức tin của chúng ta. Người muốn chúng ta vui vẻ đón nhận những điều trái ý cực lòng để chúng ta học tập nơi Đức Giê-su: Luôn vâng theo ý Cha như Người đã cầu nguyện trong vườn Cây Dầu: “Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

Thánh Phao-lô tông đồ cũng chia sẻ kinh nghiệm chịu đau khổ như sau: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái “dằm” đâm vào, một thủ hạ của Xa-tan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: “Ơn của Thầy đã đủ cho anh. Vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối. Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. Vì vậy tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuôi, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh” (2 Cr 12,9-10).

4. THẢO LUẬN: 1) Muốn trở thành môn đệ Đức Giê-su người ta phải hy sinh từ bỏ. Vậy cụ thể bạn cần từ bỏ những gì ngay từ hôm nay ? 2) Thập giá hằng ngày ta phải vác theo chân Chúa là những gì ? 3) Gặp một người đau khổ tuyệt vọng vì bị thất bại tán gia bại sản không còn thiết sống, bạn sẽ động viên họ thế nào để vui sống trở lại ?

5. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng con thấy Chúa luôn có thái độ bình thản trước cuộc khổ nạn sắp xảy đến. Chúa đã vui lòng chấp nhận thua thiệt để nêu gương can trường cho chúng con. Hiện nay, vẫn đang có nhiều tu sĩ nam nữ tận hiến phục vụ những người bệnh tật, đau khổ bất hạnh và bị bỏ rơi.

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Khi nhìn lại bản thân, chúng con cảm thấy xấu hổ khi thấy mình quá ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân và bịt tai nhắm mắt trước những cuộc đời bất hạnh gần bên. Xin Chúa giúp chúng con biết luôn “bỏ mình”: nghĩa là bỏ đi cái tôi ích kỷ tự mãn, để khiêm tốn phục vụ Chúa đang hiện thân nơi những người đau khổ. Xin cho chúng con chấp nhận những tai nạn rủi ro gặp phải trong cuộc sống, và bước theo chân Chúa lên Núi Sọ,  để cùng chịu chết, cùng được an táng với Chúa và ngày thứ ba sẽ được cùng sống lại với Chúa trong vinh quang.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

 

Xem thêm

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

PHÂN ĐỊNH TRONG ĐỜI THƯỜNG – PHẦN 1

  Làm sao biết được ý Chúa?  Đó là câu hỏi mà nhiều bạn trẻ …