Lc 14,1.7-14
Mới nghe qua bài Phúc âm hôm nay, chúng ta dễ dàng nghĩ đến việc Chúa Giêsu dạy một kiểu khôn ngoan của người đời. Theo đó, người khôn ngoan là người tuy muốn chỗ cao trong đám tiệc, tuy muốn được người ta nâng lên nơi chỗ đông người nhưng họ luôn phải thận trọng, vì biết đâu có người cao trọng hơn, xứng đáng hơn ngồi vào chỗ cao mà mình đang ngồi. Ðể tránh việc sẽ phải đi xuống ghế ở thứ bậc thấp hơn trong ô nhục, người khôn ngoan sẽ tìm nơi ít quan trọng hơn với hy vọng là sẽ được người ta mời ngồi ở ghế cao hơn và được vinh dự hơn.
Nếu hiểu như thế thì chưa hẳn là đã hiểu được Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay. Ðiều quan trọng không phải là đi tìm chỗ thấp hơn người khác để rồi được nâng cao, nhưng điều quan trọng là đừng quá tự kiêu, đừng tự cho rằng mình là số một, đừng thủ đoạn xấu để hạ bệ người khác, và nhờ đó mình có dịp lên cao. Tất cả những điều đó đều do tà tâm của con người mà ra. Người nào chọn chỗ thấp để mong cho người ta mời lên cao, người ấy cũng không thoát khỏi tà tâm đó. Bởi vì, thực chất của lối sống đó là giả hình. Bên ngoài thì tỏ vẻ khiêm tốn, chọn chỗ rốt hết, nhưng bên trong lại nuốn được người ta nâng lên cao.
Nếu hiểu như vậy thì không phù hợp, vì Lời Chúa Giêsu không thể mời gọi chúng ta đi tới chỗ giả hình nhưng mời gọi một lối sống thật. Một lối sống khiêm tốn phục vụ cho dù làm chức vị cao trong cộng đoàn. Bài đọc thứ nhất dạy: «Càng làm lớn con càng phải hạ mình trong mọi sự». Sống hạ mình hay nói khác đi sống khiêm tốn là để diễn tả một sự hiểu biết thâm sâu về con người cá nhân mình. Ai có thể tự hào về mình về tài năng của mình vì như bài đọc 1 viết: «chỉ có một mình Thiên Chúa có quyền năng cao cả».
Thực ra người kiêu ngạo, khoe tài là người không biết rõ sự thật con người mình. Và điều đó gây nên một tai họa khôn lường: «Tai họa dành cho kẻ kiêu căng thì vô phương cứu chữa, vì mầm mống tội lỗi đã ăn sâu vào lòng chúng mà chúng không biết» Chính vì thế bài đọc thứ nhất khuyên: «Hỡi con, con hãy thi hành công việc con cách hiền hòa, thì con sẽ được người đẹp lòng Chúa quí chuộng».
Những người sống được cuộc sống khiêm tốn cách khôn ngoan như thế thì cũng giống như người mà bài đọc thứ hai nhắc tới: «Anh em tiến đến núi Sion và thành trì của Thiên Chúa hằng sống là Giêrusalem trên trời». Nói khác đi, theo ngôn ngữ của Kinh thánh, thì đó là những người tham dự tiệc trên trời. Ý niệm nầy quan trọng bởi vì những điều Chúa Giêsu nói trong bài Phúc âm hôm nay không thực sự dừng lại ở sự khôn ngoan của người đời. Phần sau của bài Phúc âm cho thấy rõ hơn về điều đó. Chúa Giêsu nói đến một thứ bữa ăn mà người được mời không thể đáp trả lại được. Ðó là bữa ăn mang tính miễn phí, bữa ăn cho người nghèo. Chúa Giêsu nói : « khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù. Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới thật có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại. » Bữa tiệc theo kiểu đó hầu như chỉ xảy ra trên Nước Trời, nơi đó mọi người đều có thể tham dự, nơi đó mọi người đều bình đẳng cùng ngồi chung bàn với nhau, cùng ‘no đủ’ theo sức hưởng dùng của mình.
Bữa tiệc lý tưởng đó được Chúa Giêsu đặt làm gương mẫu cho mọi bữa tiệc ở trần gian. Nếu thế gian thường mời những người có thể mời lại mình, nếu thế gian thường mong được người khác trả lại những gì mình giúp đỡ họ, thì Chúa Giêsu cho thấy cần phải phục vụ người khác mà không cần phải so đo tính toán hơn thiệt. “Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì có ân nghĩa gì đâu? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. »
Chúa Giêsu mời gọi sống một lối sống khác hẳn. Người nói : « Trái lại, anh em hãy yêu thương kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Ðấng tối cao vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác ». (Lc 6,32-35). Ðó là cuộc sống mô phỏng theo Thiên Chúa Cha trên trời là Ðấng làm cho mưa, nắng trên kẻ lành người dữ.
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta luôn sống khiêm tốn phục vụ. Chính nhờ khiêm tốn phục vụ mà chúng ta có thể phục vụ hết mọi người, không phân biệt nghèo giàu, danh giá hay không. Ðức Giêsu đã lợi dụng cơ hội được mời ăn tiệc để nói về Nước Thiên Chúa, là Nước mà Người được phái đến để thiết lập. Nước đó chỉ được thành tựu nơi Thiên Chúa là Ðấng cho kẻ lành sống lại trong ngày sau hết (c.14). Ðể được như vậy, cần phải hoán cải để trở nên con cái của Thiên Chúa như lời Ðức Giêsu dậy về các mối phúc thật. « “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó, vì Nước Thiên Chúa là của anh em. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói, vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc, vì anh em sẽ được vui cười… »
Chúa Giêsu không khuyến khích chúng ta phải phấn đấu trở nên nghèo theo nghĩa nghèo tiền, nghèo của. Nhưng Người không thể chấp nhận một kiểu làm giàu bằng bất cứ giá nào. Ðồng thời Người cũng cảnh giác chúng ta đừng quá dính bén đến của cải bời vì những dính bén đó thường làm chúng ta xa Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đi vào trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, nhất là đừng để cho sự ác có thể đảo lộn mọi sự và làm chúng ta đi ngược lại với chương trình tình thương của Thiên Chúa. Chương trình đó là : Ðức Giêsu đến thiết lập Nước Thiên Chúa là nhằm hồi phục lại trật tự mà Thiên Chúa muốn cho loài người. Trật tự ấy là tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho người nghèo, người bị xã hội áp bức và bóc lột. Ðó cũng là điều Chúa mời gọi chúng ta hôm nay.
Xin cho chúng ta biết sống khiêm tốn phục vụ mọi người để tình yêu thương của Thiên Chúa ngày càng tỏ lộ ra giữa trần gian.
Ernest Nguyễn Văn Hưởng