Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 22 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 22 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XXII QUANH NĂM

(Gr 20, 7-9; Rm 12, 1-2; Mt 16, 21-27)

“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình,

vác thập giá mình mà theo”

h1_resizeTin mừng Matthêu 16, 21-27:

Từ lúc đó, Đức Giêsu Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại.22 Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!”23 Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người”.

24 Rồi Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.25 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm được mạng sống ấy.26 Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?

27 “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm.

Suy niệm:

Phụng vụ lời Chúa hôm nay trình bày chủ đề: Muốn theo Chúa thì phải từ bỏ mình và vác thập giá. Bài đọc I được các nhà chú giải Thánh kinh gọi là “Lời tự thú của tiên tri Giêrêmia”. Vị ngôn sứ than thở về những đau khổ ông phải chịu trong sứ vụ Chúa trao phó: bị chống đối, chế nhạo, lên án, nhiều lần bị mưu sát khiến ông chỉ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Sau cùng, Giêrêmia đã bị giết chết để trung thành với sứ mạng tiên tri. Bài đọc II, thánh Phaolô kêu gọi tín hữu hãy “Hãy hiến thân làm của lễ sống động và thánh thiện” cho Thiên Chúa. Nói cách khác phải chấp nhận hy sinh, gian khổ trên con đường theo Chúa.

Trong bài Tin mừng, sau khi Đức Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, Phêrô đã ngăn cản Thầy. Đức Giêsu đã quở trách Phêrô nặng lời, Người gọi ông là satan. Ngay sau đó, Đức Giêsu đưa ra điều kiện cho ai muốn đi theo Ngài, muốn làm môn đệ Ngài.

“Ai muốn đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”.

Điều kiện thứ nhất là từ bỏ mình. Theo nghĩa thần học, từ bỏ mình không có nghĩa là tha hóa, đánh mất chính mình, nhưng là chúng ta hóa nên giống như Đức Giêsu, đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô. Như vậy, từ bỏ chính mình để nên giống Chúa là một lý tưởng tuyệt vời, là tìm lại chính mình. Đây là một nghịch lý của niềm tin Kitô giáo: “Ai mất mạng sống vì Thầy, thì sẽ được mạng sống ấy”. Chính lúc chết đi là lúc sống muôn đời.

Điều kiện thứ 2 là vác thập giá mà đi theo Chúa: vác thập giá là đón nhận mọi vất vả, cực nhọc, đau khổ, hy sinh trong đời để vươn lên trong niềm hy vọng với một tương lai tốt đẹp hơn. Theo luật Rôma, người bị kết án đóng đinh phải tự vác lấy thập giá của mình ra pháp trường. Như thế “vác thập giá mình” coi như là mình bị kết án tử, chấp nhận cả cái chết để trung thành với Thiên Chúa, với Đức Giêsu Kitô.

Khi nói đến việc hy sinh từ bỏ, đa số chúng ta không muốn như Phêrô, coi sự từ bỏ như một điều bất thường. Thực vậy, từ bỏ là một quy luật rất bình thường trên phương diện tự nhiên, sinh học. Có nhiều thứ ta phải loại bỏ mới bảo vệ sự sống được. Khúc chân bị hoại tử phải cắt bỏ, ung thư bướu cổ cần phải được cắt bỏ, cành cây sâu cũng phải chặt bỏ đi, cây mới tốt và sinh hoa kết trái. Trên phương diện luân lý, cải thiện cuộc sống là từ bỏ nếp sống cũ, những tật xấu, những gì không tốt để tiếp nhận những cái tốt hơn mới trở nên con người mới, đạo đức, lương thiện. Như thế từ bỏ là quy luật sinh tồn, phát triển của cuộc sống xã hội và luân lý. Cuộc sống là phải biết lựa chọn, lựa chọn là từ bỏ, phải biết bỏ cái này, bỏ cái kia mà nhiều khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả. Chẳng hạn chiếc xe máy hư quá nặng, nếu tiếp tục sửa có ngày sẽ gây tai nạn. Vì thế tôi cần bỏ hẳn để mua xe khác, mới bảo đảm an toàn.

Làm môn đệ của Đức Kitô là phải từ bỏ tất cả, hy sinh tất cả để nên giống Đức Kitô, sống như Đức Kitô. Các Thánh tử đạo Việt Nam đã dám bỏ tất cả, bỏ cả mạng sống mình vì danh dự Đức Giêsu Kitô. Đối với các ngài, bỏ nhưng không mất, mà lại được tất cả. Trong kinh Hòa Bình, thánh Phanxicô Assisi đã khẳng định:

“Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân, mchính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Con đường từ bỏ mình, con đường thập giá, là con đường của người môn đệ Đức Kitô, con đường của ơn cứu độ, của sự phục sinh và là con đường vinh quang giúp chúng ta thành công trong cuộc sống.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …