Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 21 Thường Niên, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 21C TN 

Hãy Vào Cửa Hẹp

(Lc 13,22-30)

8-20-2019 9-17-23 PMĐức Giêsu nói với chúng ta: “hãy cố gắng vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24), “vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó”(Mt 7,13). Hãy chọn con đường nhỏ hẹp, vì “cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy”(Mt 7,14).

Nhưng thế nào là con đường rộng? Và thế nào là con đường hẹp?

Cửa Hẹp là gì ?           

Hình ảnh về cửa hẹp được Đức Giêsu sử dụng rất quen thuộc với dân chúng vào thời của Ngài. Dân chúng thời đó sống ở bên trong thành phố được bao bọc bằng vách tường. Vì không có đèn đường, các cửa và các cổng dẫn vào thành phố phải được đóng chặt vào ban đêm để tránh trộm cướp, hay kẻ thù cưỡi ngựa xâm nhập, tấn công thành phố. Nếu dân chúng đi ra khỏi thành và trở về trễ  khi cổng đã đóng thì những người về trễ phải khép mình chui qua một cái cửa hẹp. Cửa hẹp này còn được gọi là “lỗ kim” (the eye of the needle), cửa chỉ vừa vặn cho một người đi qua thôi, và không thể mang theo hành lý. 

Khi nói đến “cửa hẹp”, nhiều người trong chúng ta cho rằng Thiên Chúa hẹp hòi với chúng ta. Khi đề cập đến “cửa hẹp’ ở đây, Chúa Giêsu muốn nói rằng không phải vì Thiên Chúa hẹp hòi, khắt khe với chúng ta mà vì con người chúng ta không đủ nhỏ để dễ dàng đi vào.

Nói khác đi, cửa Nước Trời không hẹp mà chính vì chúng ta quá cồng kềnh, cồng kềnh với những hành lý mang trên vai như tiền bạc, của cải, danh vọng, thú vui khoái lạc… khiến chúng ta bị vướng ở ngoài cửa. Đó là sự cồng kềnh của cái tôi: cái tôi kiêu căng tự mãn, cái tôi cứng cỏi tham lam… chính vì vậy, cánh cửa Nước Trời mà nhiều người thiện chí đã vào được dễ dàng, thì đã trở thành khung cửa hẹp đối với những người khác.

Chúa Giêsu đề nghị chúng ta đi vào « cửa hẹp », nhưng nhiều người trong chúng ta lại phá banh « cửa hẹp » cho thông thoáng để dễ qua lại. Và khốn nỗi nhiều người lại muốn đi vào lối ấy vì trên con đường đó, người ta có thể sử dụng những loại xe lớn, mắc tiền, tốc độ cao, có thể phóng xe thoải mái, đỡ mệt trí. Không mấy ai thích đi đường hẹp, đường nhỏ, vì chỉ có thể đi bằng xe nhỏ hay đi bộ, vừa mệt lại vừa chậm.

Cũng vậy, để đạt tới sự thánh thiện, theo tâm lý tự nhiên, ai cũng thích đi trên con đường rộng, vừa làm những việc lớn lao, tiếng tăm lừng lẫy, được mọi người coi là vĩ đại, tôn là thần thánh, vừa đỡ phải hy sinh, đỡ chịu thiệt thòi, vừa có danh lợi, quyền chức, nhờ đó được hưởng biết bao ưu đãi, đặc quyền đặc lợi mà thế gian dành cho… Biết bao người muốn nên thánh bằng con đường “siêu xa lộ” này. Họ chủ trương rằng phải nên thánh làm sao để được hưởng hạnh phúc cả đời này lẫn đời sau. Quả là một tính toán hết sức khôn ngoan… kiểu trần gian!

Quả thật chúng ta luôn bị cám dỗ đi vào con đường rộng, ở đó chúng ta được hưởng ít nhiều những thứ mà người thế gian mong ước: quyền lực, tiếng tăm, địa vị, tiền bạc,

được ca tụng, tôn vinh, quí trọng, được thần thánh hóa, được mọi người coi là đạo đức thánh thiện, được ưu đãi trong Giáo Hội cũng như ngoài xã hội bất chấp tài đức hèn mọn của mình, được ăn ngon mặc đẹp, và những thú vui trần tục khác.

Quả thật, nhiều khi chúng ta tưởng mình rất tốt lành trước mặt Thiên Chúa, chỉ vì ta đã làm được biết bao việc tốt lành, nhiều hơn biết bao người khác! Vì những việc tốt đẹp ấy, biết bao người đã nể phục, kính trọng ta, khen ta là thánh thiện, tốt lành, đạo đức. Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: trước con mắt của Thiên Chúa, ta cũng được đánh giá tốt lành như người chung quanh ta đánh giá không? Ta làm được biết bao việc tốt lành, nhưng động lực nào thúc đẩy ta làm những việc ấy? Vì Chúa, vì người khác hay vì chúng ta. Nếu thành thực với lòng mình, nhiều khi ta thấy mình vì Chúa, vì người khác rất ít, mà vì mình thì rất nhiều.

Hãy coi chừng kẻo ta đang muốn nên thánh bằng con đường rộng rãi thênh thang, tuy được người trần gian ca tụng là thánh thiện, được thế gian tôn trọng ưu đãi, nhưng trước mặt Chúa lại là con số không!

Coi chừng, chúng ta đang sống trong thế giới ảo, chính vì vậy Chúa cảnh báo chúng ta “sẽ có kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu và những kẻ đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót hết”, tức là sẽ có những bất ngờ trong Nước Chúa. Những người nổi danh ở thế gian này có thể sẽ rất thấp kém trong đời sau. Những người chẳng ai biết đến trong đời này có thể sẽ là những vương tử ở đời sau.

Có câu chuyện về một người phụ nữ giàu sang được thế gian rất mực tôn trọng. Bà ta chết và khi tới thiên đàng thì có một thiên sứ đưa bà đến nhà bà sẽ ở. Bà ta thấy nhiều ngôi nhà xinh đẹp và mỗi lần đi qua bà cứ tưởng nhà đó dành cho bà. Khi đi qua các dãy phố chính ở trên trời, tới khu ngoại ô, tại đó các nhà nhỏ hơn nhiều, và đến cuối phố, gặp một cái nhà chỉ hơn cái lều một chút.

Thiên sứ bảo: “đây là nhà của bà”.

Bà nói: “cái gì vậy? tôi không thể nào sống trong đó”.

Thiên sứ đáp: “tôi rất tiếc, nhưng đó là tất cả những gì chúng tôi có thể kiến thiết với những vật liệu bà đã gửi lên đây!”

Các tiêu chuẩn trên trời không giống các tiêu chuẩn dưới đất. Hạng nhất của thế gian thường sẽ là hạng bét và hạng bét của thế gian là hạng nhất ở trên trời.

Một câu chuyện để chúng ta suy nghĩ và lựa chọn.Amen.

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …