CHÚA NHẬT XXI QUANH NĂM
(Is 22, 19-34; Rm 11, 33-36; Mt 16, 13-20)
“Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”
Tin mừng Matthêu 16, 13-20:
Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?”14 Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”.15 Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”.16 Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”.17 Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.18 Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.19 Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.20 Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
Suy niệm:
Bài Tin mừng Chúa nhật XXI quanh năm hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu đặt Phêrô làm vị thủ lĩnh tối cao của Giáo hội, sau khi ông tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.
Người Do Thái thời Chúa Giêsu luôn khát mong một Đấng Thiên Sai đến để giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị đô hộ của ngoại bang. Các tông đồ cũng có quan niệm như thế về Đấng Messia có tính cách chính trị. Để có cái nhìn chính xác về dung mạo và sứ mạng của Đấng Messia, Đức Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: “Người ta nói Con Người là ai?”. Nhiều quan điểm, nhiều dư luận khác nhau: kẻ nói là Gioan Tẩy Giả, Elia, Giêrêmia hay một ngôn sứ! Tất cả nhận định này không chính xác về Đấng Messia. Đức Giêsu hỏi: “Còn anh em, anh em nói Thầy là ai?” – Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Nghĩa là Đức Giêsu là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế. Từ ngữ Kitô là tước hiệu của Đấng Thiên Sai. Câu trả lời chính xác của Phêrô nói lên ý nghĩa Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế được Chúa Cha sai xuống trần gian để ncứu chuộc nhân loại. Khi tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, có lẽ Phêrô cũng chẳng hiểu gì, vì thế Đức Giêsu mới xác nhận “Chính Cha Thầy đã mạc khải cho Con”. Tuy nhiên niềm tin này vẫn còn mong manh vì Phêrô chưa hiểu được chương trình cứu độ của Thiên Chúa, chưa chấp nhận Đức Kitô phải chịu đau khổ (Mt, 16, 23).
Để tiếp tục công việc cứu độ cho đến tận thế, Đức Giêsu đã thành lập Giáo hội trên nền tảng Phêrô và trao cho ông “chìa khóa Nước Trời”, nghĩa là Phêrô là người quản trị của Giáo hội mà chính Ngài thành lập: “Phêrô, con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy”. Việc trao trách nhiệm này có nhiều điều đáng chúng ta lưu ý:
– Phêrô được trao trách nhiệm sau khi tuyên xưng đức tin vào Đức Giêsu: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Người lãnh trách nhiệm của Chúa, trước hết phải có niềm tin vào Chúa. Tin, đồng nghĩa với bước đi theo Chúa, làm những gì Chúa muốn và muốn những gì Chúa làm.
– Đức Giêsu bảo đảm rằng Thiên Chúa sẽ luôn hỗ trợ cho trách nhiệm của Phêrô trong Giáo hội: “Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, điều con ràng buộc, trên trời cũng ràng buộc…”.
Hơn nữa Đức Giêsu còn hứa ở với Giáo hội, đồng hành với Giáo hội, bảo vệ Giáo hội luôn bền vững trường tồn: “Quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi”.
– Tuy nhiên những người được Chúa trao trách nhiệm không hẳn là những người tài giỏi, hoàn toàn xứng đáng, thánh thiện. Mười hai tông đồ đều là những thuyền chài đơn sơ, tầm thường, học thấp, bất toàn, yếu đuối. Chẳng hạn như Phêrô vừa được Chúa trao cho nhiệm vụ cao cả, đã can ngăn Chúa chịu nạn chịu chết và bị Chúa quở trách nặng lời: “Satan, hãy lui ra đằng sau Thầy”. Phêrô đã chối Chúa ba lần. Chúa chọn, gọi, trao trách nhiệm cho những người Ngài muốn. Thiên Chúa chỉ cần những ai có thiện chí và vâng phục Ngài để chính Ngài biến đổi thành những khí cụ cứu độ cho anh em.
Qua Lời Chúa hôm nay ghi nhận việc Chúa đặt Phêrô làm đầu Giáo hội, xây dựng giáo xứ, xã hội và gia đình chúng ta trở nên một cộng đoàn yêu thương, an hòa và hạnh phúc qua việc nỗ lực lắng nghe và thực hành lời Chúa.
– Giáo hội hôm nay là nước Chúa ở trần gian, vừa thánh thiện vừa mang chiều kích của nhân loại còn nhiều vết nhăn, nhiều khuyết điểm, lỗi lầm… Nhưng Giáo hội của Chúa Giêsu Kitô luôn là kho tàng ân sủng của Chúa, là cửa đưa ta vào hạnh phúc thiên đàng. Chúng ta hãy yêu mến, tin tưởng và vâng phục Giáo hội qua các vị lãnh đạo Giáo hội của Chúa.
LM Giuse Nguyễn Văn Nam