Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

Suy niệm Tin mừng Chúa Nhật 20 Thường Niên, Năm C, của LM Giuse Đỗ Văn Thụy

CN 20C TN

 Thế nào là hòa bình của thế gian?

Thế nào là hòa bình của Thiên Chúa

(Lc12,49-53)

8-16-2019 9-14-54 PMĐức Giêsu nói: “các con tưởng Thầy đến  để đem sự bình an đến thế gian ư? Không phải thế đâu, Thầy đến để đem sự chia rẽ”

Chúng ta cần phải hiểu cho đúng hai chữ  hòa bình và chia rẽ mà Chúa Giêsu muốn nói ở đây. Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5), Đức Giêsu xác nhận là đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng mang hòa bình (Is 9,tt; Dcr 9,10; Lc 2,14; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm: chữ “hòa bình” có nhiều nghĩa: hòa bình kiểu thế gian và hòa bình của Thiên Chúa.

Đức Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Vâng, Đức Giêsu chính là người mang lại hoà bình. Nhưng không phải là thứ hoà bình dễ dãi. “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. Hoà bình đích thực chỉ có thể đạt được khi chúng ta lựa chọn theo Đức Giêsu. Tuy nhiên lựa chọn theo Đức Giêsu là bao hàm cả thập giá, chính là sự chia rẽ trong một cộng đoàn sống chung thân thiết nhất là gia đình huyết tộc.

Trong cuộc đời của chúng ta, sự hiện diện của Đức Giêsu và Lời của Ngài không phải là một sự hiện diện trung lập, vô thưởng vô phạt. Không. Tin Mừng của Đức Giêsu là một loại thuốc nổ, một loại thuốc nổ bắt chúng ta phải thay đổi, biến chúng ta trở thành chứng nhân của Tin Mừng. Nhưng con đường của lòng tin, con đường theo Chúa và cách sống Tin Mừng triệt để, đòi chúng ta phải can đảm và kiên trì như con đường cô Mai Tâm đã trải qua:

– Mai Tâm là một Phật Tử, nhưng được gởi học ở trường Công Giáo

“… vì là con gái đầu lòng trong một gia đình Việt Nam có 9 người con, tôi phải hy sinh rất nhiều cho các em tôi, bố mẹ tôi lại được giáo dục theo nhân sinh quan truyền thống Khổng – Phật. Để chúng tôi có được một nền giáo dục và tư cách tốt, cha mẹ chúng tôi đã gửi chúng tôi vào học các trường Công Giáo: trường thánh Maria ở Hà Nội và sau này trường Thánh Phaolô ở Sài Gòn. Một môn giáo lý đã lôi cuốn tôi. Cuộc đời Đức Giêsu Nadarét, gương sáng và những giáo huấn của Ngài cho quần chúng làm tôi thích thú.

Chúa Giêsu đã chết vì yêu thương chúng ta trên thập giá. Tôi bị đánh động bởi những lời của Người: “hãy yêu thương người khác như chính mình” (Mc 12,31).

Muốn được Rửa Tội khi lên 8, nhưng phải đợi đến năm 21 tuổi

Lên 8 tuổi, tôi xin cha mẹ cho phép tôi được Rửa Tội nhưng cha mẹ tôi đã từ chối bởi các ngài không hiểu nhiều về giáo lý của đạo Công Giáo. Đối với các ngài, đạo Công Giáo hình như là một sản phẩm nhập cảng từ Phương Tây. Song tôi vẫn đợi. Tôi vẫn học Kinh Thánh và 12 năm sau tôi trở thành sinh viên phân khoa giáo dục. Rồi tôi lại được một học bổng của UNESCO cho đi học về phát triển cộng đồng ở Mêhicô. Thật đúng là Thiên Chúa đã hoạt động trong đời tôi. Tôi có cơ hội vắng nhà hai năm. Tôi giải thích hoàn cảnh của tôi cho một linh mục ở Mêhicô và bày tỏ ước nguyện muốn trở thành Kitô hữu.

Tôi đã 21 tuổi, tuổi trưởng thành để quyết định mà không cần phải có sự ưng thuận của bố mẹ. Vì vậy, ước mơ của tôi đã thành hiện thực. Tôi đã được Rửa Tội. Xin cảm tạ Chúa! tại Mêhicô tôi đi dự lễ mỗi Chúa Nhật và sống đời Kitô Hữu.

Trở về Việt Nam, bị cha mẹ làm khó dễ

Nhưng rồi  hai năm trôi qua nhanh chóng, tôi trở lại Việt Nam sống với bố mẹ. Chúa Nhật nào các ngài cũng thấy tôi vắng nhà. Mẹ tôi đâm ra lúng túng. Mẹ tôi đã yêu cầu tôi bỏ đạo. Tôi lại bắt đầu đau khổ nhiều hơn và ban đêm tôi cảm thấy như bị Satan quấy phá qua lời nói của mẹ tôi. Một hôm bố tôi thấy tôi đeo Thánh Giá ở cổ, ông giật lấy và yêu cầu tôi phải bỏ đạo. Tôi thưa lại là tôi có thể làm mọi việc trừ việc bỏ đức tin. Thế là ba năm liền bố tôi không hề trò chuyện với tôi. Tôi kiên nhẫn chịu đựng đau khổ này.

Xin đi phục vụ chương trình Phát Triển tại Á Châu

Tôi bày tỏ tình yêu và lòng biết ơn Thiên Chúa bằng cách suốt nhiều năm tôi làm việc cho các đồng bào nghèo của tôi trong những giai đoạn chiến cuộc khó khăn. Tôi đã đi nhiều nơi giữa nguy hiểm và muôn vàn khó khăn. Với sự giúp đỡ của các cha dòng Tên, tôi được các ngài giới thiệu về Phong Trào Đoàn Kết Tin Tưởng tại Việt Nam (the Credit Union Movement) và tôi trở thành người giáo dân đầu tiên gia nhập tổ chuyên môn của dòng Tên chuyên về Đời Sống Phát Triển Kinh Tế Xã Hội tại Á Châu (Socio-Economic Development Life in Asia, gọi tắt là SELA). Trong tư cách là một nhân viên xã hội tôi cũng cố gắng đẩy mạnh sự phát triển cộng đồng và các hợp tác xã nông nghiệp.

Đã 20 năm tôi đấu tranh để sống đức tin của mình giữa một xã hội không phải là Kitô Giáo. Lúc đó, Việt Nam chỉ có 10% dân số là người Công Giáo. Dù vậy, tôi vẫn tìm thấy một ý nghĩa mới cho cuộc đời. Giáo Lý Công Giáo giúp người ta trở nên lạc quan. Hy vọng, tình yêu, bình an, phục vụ cho công bằng và đem lại bình an cho thế giới.[1]

LM Giuse Đỗ Văn Thụy

[1] Jess S.Bren, Lay Spirituality today – Mai Tâm, Việt Nam, trg.278-280

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN