Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 20 Thường niên, năm A, của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 20 Thường niên, năm A, của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 20 THƯỜNG NIÊN A

Is 56,1.6-7; Rm 11,13-15.19-32; Mt 15,21-28

 

CÁC PHẨM CHẤT CỦA MỘT ĐỨC TIN MẠNH

 I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mt 15,21-28

(21) Ra khỏi đó, Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đon. (22) thì này có một người đàn bà Ca-na-an, ở miền ấy đi ra, kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !”. (23) Nhưng Người không đáp lại một lời. Các môn đệ lại gần xin với Người rằng: “Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !”. (24) Người đáp: “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi”. (25) Bà ấy đến bái lạy mà thưa Người rằng: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (26) người đáp: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”. (27) Bà ấy nói: “Thưa Ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. (28) Bấy giờ Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy”. Từ giờ đó, con gái bà được khỏi.

  1. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊ-SU CHỮA CON GÁI NGỪƠI ĐÀN BÀ XỨ CA-NA-AN:

Khi nghe người đàn bà ngoại giáo xứ Ca-na-an kêu xin giúp con gái của bà đang bị quỷ ám, Đức Giê-su im lặng và khi môn đệ cầu bầu cho bà thì Người giải thích lý do là “chỉ được sai đến với chiên lạc nhà It-ra-en mà thôi”. Tuy nhiên các lời bà đối đáp đã chứng tỏ bà có một đức tin mạnh mẽ, nên cuối cùng bà đã được Đức Giê-su khen là có đức tin mạnh và đã ban cho bà được như ý.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 21-22: + Đức Giê-su lui về miền Tia và Xi-đon: Tia va Xi-đon là hai thành phố của dân ngoại. Khi âm thầm lui về miền đất ngoại giáo này (x. Mc 7,24), có lẽ Đức Giê-su muốn tránh sự dòm ngó của nhóm Pha-ri-sêu, cũng như tránh sự nồng nhiệt của quần chúng muốn tôn Người lên làm vua sau phép lạ nhân bánh ra nhiều (x. Ga 6,15). Ngoài ra, điều này còn tiên báo: Vì dân Do thái đã từ chối ơn cứu độ ưu tiên cho họ, nên dân ngoại sẽ được thừa hưởng ơn cứu độ ấy. + “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”: Sở dĩ người đàn bà ngoại giáo biết và tuyên xưng Đức Giê-su bằng danh hiệu Con Vua Đa-vít là do bà đã ra khỏi miền đất dân ngoại và được nghe nhiều người Do Thái truyền đạt đức tin về Đức Giê-su (x. Mc 3,8).

– C 23-24: + Nhưng Người không đáp lại một lời: Khi không đáp lại lời cầu xin của người đàn bà này, Đức Giê-su muốn thử để biết về tình trạng đức tin của bà, và thêm lòng tin cho bà. + Xin Thầy bảo bà ấy về đi, vì bà ấy cứ theo sau chúng ta mà kêu mãi !: Các môn đệ muốn Đức Giê-su thỏa mãn lời cầu xin để khỏi tiếp tục bị quấy rầy. Còn Đức Giê-su lại muốn chứng tỏ Người ban ơn cho ai là còn tùy vào lòng tin yêu của họ. Ở đây không những Người ban cho con gái bà khỏi bị quỷ ám, mà còn ban cho chính bà đức tin vào Người là điều kiện để bà được hưởng ơn cứu độ. + Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc của nhà Ít-ra-en mà thôi: Sinh thời, Đức Giê-su chỉ rao giảng cho người Do Thái, là những người được thừa kế các lời hứa cho họ là con cái Thiên Chúa (x Rm 9,5; 15,8). Do đó, khi sai các môn đệ đi giảng đạo, Đức Giê-su cũng chỉ giới hạn trong lãnh thổ dân Ít-ra-en (x. Mt 10,5-6). Nhưng rồi thực tế cho thấy: dân Do Thái đã từ chối ơn ấy, nên cuối cùng họ đã bị mất quyền ưu tiên vào Nước Trời (x. Cv 18,17).

– C 25-26: + “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi”: Người đàn bà tỏ ra kiên trì trong lời cầu xin: xin một lần chưa được, bà xin hai, rồi ba lần. Khi cầu xin mà chưa được nhận lời, bà vẫn bền đỗ chứ không nản lòng bỏ cuộc (x Lc 18,1). + “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”: Không nên lấy Nước Trời được hứa ban cho con cái trong nhà là dân It-ra-en, để đem cho người ngoài là dân ngoại, là dân bị người Do thái khinh khi như loài vật. Từ chó con ở đây là để làm dịu bớt sự khinh miệt theo quan điểm của dân Do thái.

– C 27-28: + Chó con: là con vật nuôi trong nhà và được mọi người cưng chiều. + Cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống: Câu nói của người đàn bà cho thấy bà có lòng khiêm tốn. Bà công nhận dân Do thái có quyền ưu tiên hơn dân ngoại trong chương trình cứu độ. Điều này cho thấy đức tin của bà thật vững mạnh. + Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy: Khi thấy người đàn bà có lòng khiêm hạ và phó thác cậy trông là biểu hiệu của một đức tin chân chính, Đức Giê-su đã khen đức tin của bà mạnh mẽ và đã ban cho bà được như ý là cho con gái bà được khỏi bệnh quỷ ám.

  1. CÂU HỎI:

1) Người đàn bà ngoại giáo kêu xin Đức Giê-su bằng danh hiệu nào ? Tại sao bà ta biết được danh hiệu ấy ? 2) Tại sao Đức Giê-su làm ngơ như không biết không nghe lời kêu xin khẩn thiết của người đàn bà này ? 3) Các môn đệ yêu cầu Đức Giê-su thuận theo ý người đàn bà nhằm mục đích gì ? 4) Đức Giê-su cho môn đệ biết sứ mệnh của Người là gì ? 5) Tại sao Đức Giê-su khen đức tin của người đàn bà ngoại giáo và cuối cùng đã ban theo ý bà xin ?

HỎI: TẠI SAO CHÚA IM LẶNG TRƯỚC NHỮNG LỜI CẦU XIN CỦA CHÚNG TA ?       

ĐÁP: Khi ta cầu xin mà Chúa vẫn im lặng không nhậm lời thường do mấy nguyên nhân chính như sau:

+ Có thể Chúa đang thử thách để xem đức tin của ta mạnh hay yếu ? Trưởng thành hay ấu trĩ ? Ta cần noi gương người đàn bà xứ Ca-na-an ngoại giáo trong Tin Mừng hôm nay: Một là : phải kiên trì và không ngã lòng cậy trông: Xin một lần chưa được, hãy xin thêm nhiều lần nữa. Hai là cầu xin với lòng xác tín chắc chắn Chúa sẽ ban sự tốt lành cho ta, như Đức Giê-su phán: “Cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ được mở cho” (Mt 7,7).

+ Có thể lời cầu xin của ta chỉ mang tính cá nhân. Ta hãy xin cộng đoàn hợp ý cầu nguyện thêm cho ta như lời Đức Giê-su: “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho” (Mt 18,19). Ta cũng cần xin các thánh trên trời và các linh hồn trong chốn luyện hình cầu bầu cùng Chúa cho ta, theo tín điều “Các Thánh Cùng Thông Công”.

+ Có thể lời cầu xin của ta chưa khiêm tốn đủ: Do ta phô trương lòng đạo đức để tìm tiếng khen nơi người đời (x. Mt 6,5-6). Có thể do ta đòi Chúa phải ban ơn theo ý riêng của ta, thay vì ta phải “xin vâng” theo ý Thiên chúa như lời cầu của Đức Giê-su trong vườn Cây Dầu: “Ba ơi ! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39).

+ Có thể lời cầu xin của ta còn thiếu hy sinh: Muốn cho lời cầu xin được chấp nhận, ta phải có lễ vật kèm theo là các việc lành như xưng tội rước lễ, hy sinh hãm mình, lòng tha thứ sẵn sàng làm hòa với tha nhân như lời Đức Giê-su: “Nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ đó lại trước bàn thờ, đi làm hòa với người anh em đã, rồi mới trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

+ Có thể ta xin những điều có hại cho phần rỗi mà ta không biết: Đừng đòi Chúa phải ban theo ý mình, nhưng hãy tin cậy vào lượng từ bi của Chúa, Đấng hằng muốn ban ơn cứu độ cho ta như Đức Giê-su: “Vậy nếu anh em là những kẻ xấu, mà còn biết cho con cái mình những thứ tốt lành. Phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời. Người sẽ ban những của tốt lành cho những kẻ xin người” (Mt 7,7-11; Lc 11,13).

+ Có thể do ta cầu nguyện với lòng ích kỷ: Do ta chỉ xin những điều có lợi cho mình mà hại cho người, như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an đã cùng mẹ đến xin Đức Giê-su cho được ngồi hai bên tả hữu của Thầy trong Nước Thầy sắp thiết lập (x. Mt 20-21); hoặc có thể ta đã xin Chúa thực hiện những điều sai trái như hai anh em Gia-cô-bê và Gio-an xin Thầy sai lửa trời xuống thiêu hủy làng Sa-ma-ri vì họ dám từ chối đón tiếp Thầy trò vào ở trọ (x. Lc 9,53-54)… nên những lời cầu xin ấy đã không đựơc Chúa chấp nhận (x. Mt 20,23; Lc 9,55).

+ Có thể ta đã chú trọng xin ơn vật chất thể xác liên quan đến tha nhân: Có lợi cho ta nhưng lại bất lợi cho người khác. Chẳng hạn xin Chúa cho ta buôn bán thuốc đắt hàng, đang khi những bệnh nhân lại xin Chúa ban sớm khỏi bệnh để khỏi tốn tiền mua thuốc. Tốt nhất ta nên xin những ơn tinh thần như kinh Lạy Cha: xin cho danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện, xin tha tội nợ, xin chớ để phải sa chước cám dỗ. Về phần xác chỉ xin cho hôm nay lương thực hằng ngày (x. Mt 6,9-14).

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Một người đàn bà Ca-na-an kêu lên rằng: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi !”… “Lạy Ngài xin cứu giúp tôi !” (Mt 15, 22a.25b). Đức Giê-su đáp: “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy” (Mt 15,28a).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) TÌNH YÊU VÀ ĐỨC TIN LUÔN ĐỒNG HÀNH VỚI NHAU:

Trong tác phẩm: “Anh em nhà Ka-ra-ma-dốp” (the Brothers Karamazov) của Đớt-tốp-ki (Dostoevski) có kể câu chuyện về một bà lão kia. Bà cảm thấy đức tin của bà bị suy thoái theo với sự suy yếu sức khoẻ về thể xác. Ngày nọ bà đến gặp một vị linh mục già tên là DỐT-SI-MA (Zossima). bà đã tâm sự về tình trạng đức tin của bà như sau: “Thưa cha, kỳ này con thường hoài nghi về sự hiện hữu của Thiên Chúa. Không biết Người có quan tâm đến hết mọi loài do Người dựng nên, trong đó có con hay không ? Sau khi chết rồi con sẽ đi đâu ? Ngoài thế giới đời này còn có đời sau không ?…” Vị linh mục già chăm chú nghe bà nói và cuối cùng ông đã trả lời rằng: “thực ra chẳng có cách nào chứng minh cụ thể về những điều mà bà đang hoài nghi kia. Tuy vậy tôi đề nghị bà hãy áp dụng một phương pháp giúp bà luôn vững tin vào những chân lý ấy”. Bà lão ngạc nhiên hỏi: “Thưa cha, bằng cách nào vậy ?” Vị linh mục liền đáp: “Bằng tình yêu. Phải, Bà hãy yêu thương người khác cách thành thật. Càng yêu thương người khác bao nhiêu thì bà lại càng vững tin vào Thiên Chúa bấy nhiêu và sẽ tin vào đời sau hơn. Càng yêu nhiều, thì đức tin của bà càng lớn lên, và các sự ngờ vực kia cũng tự nhiên tan biến hết. Đấy là một phương pháp đã được nhiều người áp dụng và tất cả đều chứng thực là rất hữu hiệu để củng cố đức tin”.

2) TƯƠNG QUAN GIỮA HIỂU BIẾT VÀ ĐỨC TIN:

Một luật sư luôn tự hào về kiến thức uyên bác của mình. Một hôm ông huênh hoang tuyên bố trước mặt đám đông như sau : Chúng ta có trí khôn có thể hiểu biết suy luận, nên chúng ta chỉ nên tin vào những điều mắt thấy và trí khôn hiểu được mà thôi”.

Trong đám đông có một em nhỏ thông thạo về giáo lý giơ tay xin phát biểu:

– Thưa luật sư. Vậy là ông sẽ không tin những điều chưa thấy và chưa hiểu phải không ạ ?

– Đúng thật như vậy.

– Vậy xin ông nói cho cháu biết : ông có thể cử động được các ngón tay của ông không và tại sao ông lại cử động được chúng ?

– Ta có thể cử động được các ngón tay của ta vì ta trông thấy nó, hiểu biết sự vận hành của nó và ta ra lệnh cho các ngón tay ấy cử động theo ý ta. Thế thôi.

– Vậy ông có thể cử động được đôi tai không, dù ông nhìn thấy, hiểu biết sự vận hành của nó và ông cũng ra lệnh cho nó cử động ?

Ông luật sư bí không thể trả lời được câu hỏi ấy liền nói :

– Thằng nhỏ ngu ngốc này lại đòi tranh cãi với ta hay sao ?

Nghe vậy mọi người đều cười lên thích thú.

                (Viết theo “Tìm hiểu ít thắc mắc” của Trần công Hoán).

3) VÌ BỐ EM CHÍNH LÀ THUYỀN TRƯỞNG ĐANG CẦM LÁI CON TÀU NÀY :

Ông Byron, một thi sĩ Anh, có viết một câu truyện như sau :

Hôm ấy, một con tầu đang rẽ sóng lướt đi trên mặt biển bao la. Phía chân trời xa, một luồng mây đen nổi lên. Bầu trời quang đãng chẳng mấy chốc đã bị mây đen phủ kín, rồi một cơn giống tố ầm ầm kéo tới, sấm chớp nổ vang ầm ầm. Mưa mỗi lúc một lớn, gió rít ngày càng mạnh hơn. Các hành khách trên tàu đều bị hoảng loạn kêu la thất thanh. Duy chỉ có một đứa trẻ 8 tuổi cứ tiếp tục ngồi chơi trên ban công, bình tĩnh nhìn con tầu đang chòng chành nghiêng ngửa giữa muôn sóng to gió lớn như không có việc gì xẩy ra chung quanh.

Thấy lạ ! Một anh thủy thủ đến bên em và hỏi : “Này em bé kia. Em không sợ chết sao ?”

Em bé liền trả lời rằng: “Mà tại sao em lại phải sợ, khi chính ba em là thuyền trưởng cừ khôi nhất đang cầm lái của con tầu này mà !”

Ước chi mỗi tín hữu chúng ta đều có thể trả lời được như em bé nói trên, khi chúng ta gặp phải các cơn thử thách gian nan trong cuộc sống. Chúng ta sẽ luôn an tâm vui sống dù đang gặp nhiều tai ương tật bệnh : “Phúc bất trùng lai. Họa vô đơn chí !”… Vì tin rằng chính Thiên Chúa là Cha chúng ta luôn quan phòng gìn giữ chúng ta khỏi mọi nguy hại, che chở chúng ta trong vòng tay yêu thương của Ngài, như Đức Giê-su sđã dạy về tình thương của Chúa Cha: “Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” (Mt 7,11).

4) ĐỨC TIN ĐƯỢC TÔI LUYỆN NHỜ THỬ THÁCH GIAN NAN:

Thánh nữ Mo-ni-ca luôn khóc lóc, ăn chay và hãm mình để cầu xin cho đứa con hoang đàng của bà là Au-gút-ti-nô được ơn sám hối. Bà là một người phụ nữ bất hạnh vì có ông chồng khô khan, và đứa con trai ăn chơi trác táng. Đã có lần đức tin của bà bị lung lay và bà muốn thôi không cầu xin nữa. Nhưng bà dã được giám mục Am-brô-si-ô khuyên như sau: “Bà hãy yên tâm, đứa con của bao giọt nước mắt sẽ không thể bị hư mất”.

Thực vậy, nhờ niềm tin của người mẹ mà Thiên Chúa đã thay đổi số phận của người con bà: Au-gút-ti-nô về sau đã từ bỏ con đường tội lỗi để sống tốt lành thánh thiện, đã từ bỏ công danh sự nghiệp trần thế để tận hiến cuộc đời phụng sự Thiên Chúa. Đã không còn đi tìm thú vui thể xác bèo bọt để đi tìm kiếm hạnh phúc tồn tại muôn đời là Nước Trời đời sau.

5) THIÊN CHÚA KHÔNG THIÊN VỊ NHƯNG BAN ƠN CỨU ĐỘ CHO HẾT MỌI NGƯỜI:

Ngày nọ, Chúa Giê-su cải trang đến thăm một hội chợ Tôn giáo. Ngài thấy những người đứng đầu các gian hàng đều tỏ thái độ hung hãn và huênh hoang tuyên truyền về Tôn giáo của mình.

Tại quầy hàng của Do thái giáo, người chủ quầy nói : “Đức Chúa là Thiên Chúa duy nhất quyền năng, công minh và chỉ có dân tộc Do thái mới được Ngài tuyển chọn làm dân riêng. Ngoài dân Do thái ra, không có dân tộc nào khác được Đức Chúa ban ơn cứu độ”.

Tại quầy hàng của người Hồi giáo, người bán hàng rêu rao : “Vạn tuế Thánh A-la vĩ đại và đầy quyền năng và vạn tuế Mô-ha-mét. Người ta chỉ được cứu độ nếu vâng lời Tiên tri Mô-ha-mét là vị Tiên tri tối cao và duy nhất của Thánh A-la”.

Tại quầy hàng của người Kitô giáo, thì trưng một biểu ngữ : “Thiên Chúa là Tình Yêu và không có ơn cứu độ nào bên ngoài Giáo hội. Người ta phải nhập vào Giáo hội mới được cứu độ”.

Trên đường ra về, một bạn đồng hành hỏi Đức Giê-su : “Ngài đánh giá thế nào về những điều người ta nói trong Hội chợ Tôn Giáo vừa qua ?” Người trả lời : “Ta không chủ trương tổ chức Hội Chợ Tôn giáo này, và ta cảm thấy vô cùng xấu hổ vì đã lỡ đến thăm viếng nó !!!”

6) THẾ NÀO LÀ MỘT ĐỨC TIN PHÓ THÁC:

Cách đây ít lâu, báo chí tường thuật lại một sự kiện: Vào một đêm nọ, một đám cháy đã bùng lên từ nhà bếp của một căn nhà. Bấy giờ ông bố bà mẹ đã bế mấy đứa con trong nhà ra sân và buồn bã đứng nhìn ngôi nhà đang cháy rất to, chứng kiến căn nhà là kết quả của bao năm ăn tằn hà tiện giờ đang bốc cháy. Bất chợt bà mẹ phát hiện ra còn thiếu thằng con trai út năm tuổi nằm ngủ ở tầng trên. Đứa bé này nghe tiếng báo cháy và khói bốc vào phòng đã thức giấc và chạy ra khỏi phòng về phía cầu thang xuống nhà. Nhưng khói lửa lại đang từ cầu thang bốc lên khiến em không thể xuống dưới nhà với gia đình, em đành đứng khóc ngoài ban công lầu một. Cha mẹ em hiểu rằng không thể liều mình vào trong nhà đang bốc cháy như một lò lửa rất lớn. Bấy giờ cha mẹ em thấy con đang đứng khóc bên ngoài ban-công. Nhìn thấy con, ông bố đứng dưới sân hét to: “Con mau nhảy xuống đi”. Đứa bé nhìn đâu cũng chỉ thấy khóí lửa mịt mù và đang bị ho vì hít phải khói độc. Em nghe thấy tiếng nói của bố liền đáp: “Bố ơi, con không nhìn thấy bố”. Ông bố lại quát lớn: “Bố đứng dưới này nhìn thấy con rất rõ. Con hãy nhảy xuống đi có bố đỡ”. Khi thấy lửa sắp cháy tới nơi, em bé liền vâng lời nhảy xuống đất và đã nằm an toàn trong vòng tay của bố, vì ông đang đứng chờ đón nó ngay ở phía dưới.

Đứa bé trong câu chuyện trên chính là hình ảnh của các tín hữu chúng ta hôm nay. Trong cơn cùng khốn, chúng ta được nghe tiếng Chúa phán : “Anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Chắc đã có lần chúng ta thưa : “Chúa ơi, con chẳng nhìn thấy Chúa đâu cả”, và chúng ta tưởng Chúa đã bỏ rơi mình rồi, mà không biết rằng Chúa luôn ở bên chúng ta và sẵn sàng dang tay cứu giúp chúng ta, như Người đã từng nói với các môn đệ : “Cứ yên tâm. Chính Thầy đây. Đừng sợ !” (Mc 6,50).

7) TÔI MUỐN CHO CON TÔI ĐƯỢC SỐNG:

Câu  truyện này xẩy ra vào tháng 12 năm 1987. Một cơn động đất đã xẩy ra ở Armenia thuộc Liên xô cũ đã giết chết hàng ngàn người. Trong số những người bị chôn dưới đống gạch vụn có hai mẹ con  bà Su-zan-na. Hai mẹ con đã may mắn nằm lọt trong một khoảng trống nhỏ khi cơn động đất làm sụp đổ ngôi nhà đang ở.  Tất cả lương thực hai mẹ con có lúc này chỉ là một hũ mứt nhỏ. Nhưng chẳng bao lâu hũ mứt cũng đã hết sạch. Lúc đó đứa con 4 tuổi liền nói : ”Mẹ ơi, con khát quá”.  Bà Su-zan-na không biết phải tìm đâu ra nước cho con uống. Rồi tình mẫu tử đã gợi cho bà một sáng kiến táo bạo : bà dùng một miếng kính vỡ cắt đầu ngón tay của mình cho máu chảy ra và đưa vào miệng con cho nó mút.  Một lúc sau nữa nó lại kêu khát, bà lại cắt một đầu ngón tay nữa. Cứ như thế cho đến khi người ta đào bới tới nơi và cứu thoát được hai mẹ con. Khi được hỏi lý do tại sao bà làm điều nguy hiểm như thế, bà mẹ đã trả lời như sau : ”Lúc đó tôi nghĩ chắc mình sắp chết, nhưng tôi lại muốn cho con tôi được sống”.

  1. SUY NIỆM:

Một người đàn bà ngoại giáo Ca-na-an có đứa con gái bị quỷ ám đã đi tìm Đức Giê-su để xin Người chữa cho con gái bà được lành bệnh. Nhờ đức tin mạnh mà bà đã được Người ban như ý. Vậy để lời cầu xin của chúng ta xứng đáng được Chúa chấp nhận, chúng ta cần phải tin cậy cầu nguyện như thế nào ?

1) CẦN CẦU NGUYỆN VỚI MỘT ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH: Người đàn bà này đã kêu to lên để xin Đức Giê-su thương cứu con gái bà đang bị quỷ ám. Bà nói: “Lạy Ngài là Con Vua Đa-vít, xin dủ lòng thương tôi ! Đứa con gái tôi bị quỷ ám khổ sở lắm !” Nhưng Đức Giê-su im lặng không đáp lại một lời ! (22-23). Thực ra không phải Người thờ ơ lãnh đạm trước nỗi khổ đau của người khác. Nhưng Người muốn thử thách để xem đức tin của bà ra sao ? Nếu bà không xin nữa thì đức tin nơi bà chỉ là thứ đức tin vụ lợi: “Tin Chúa để được ơn theo ý riêng mình” như người ta thường nói: “Theo đạo lấy gạo mà ăn”; “Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi. Cho tôi được vợ tôi thôi nhà thờ !”… Ngày nay nhiều lần người tín hữu chúng ta cũng cầu xin và cũng gặp phải sự im lặng của Chúa như thế. Khi ấy, có người sẽ biểu lộ sự hồ nghi qua lời than trách: “Thiên Chúa có hiện hữu hay không ? Ngài có nghe thấy lời cầu xin của con không ? Có nhìn thấy những khó khăn của con và ra tay cứu giúp không ?”.

2) CẦN MỘT ĐỨC CẬY VỮNG VÀNG: Người đàn bà Ca-na-an trong Tin Mừng hôm nay đã không ngã lòng trông cậy, dù bị Đức Giê-su im lặng như đang giả điếc làm ngơ. Bà luôn vững tâm và kiên trì nhiều lần kêu xin Người thương cứu giúp: “Lạy Ngài, xin cứu giúp tôi !” (23b-25) Cuối cùng bà đã được như ý. Nhiều tín hữu chúng ta khi cầu xin mà không được nhậm lời ngay, đã vội chán nản ngã lòng trông cậy, thôi không cầu nguyện nữa và “hữu sự vái tứ phương”: chạy đến với thầy bói, thầy bùa ngải hay làm những điều mê tín dị đoan khác…

3) CẦN MỘT ĐỨC MẾN KHIÊM TỐN: Nghe Đức Giê-su trả lời: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con”, bà ta thưa: “Thưa ngài, đúng thế, nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống”. Bà vì thương con sẵn sàng chịu đựng những lời nói miệt thị của dân Do Thái, vì họ luôn coi dân ngoại như loài chó hạ cấp. Chính sự khiêm tốn của bà đã khiến bà được Chúa Giê-su yêu mến khen ngợi và ban cho bà được như ý.

Như vậy, tin không phải là đòi Chúa luôn phải ban ơn theo ý riêng mình, nhưng do lòng yêu mến thôi thúc, chúng ta hãy nêu ra ý cầu nguyện cho mình và tha nhân, phó thác để Chúa toàn quyền quyết định ban hay không ban, và ban như thế nào, rồi sẵn sàng xin vâng ý Chúa, vì biết rằng mọi sự xảy ra đều tốt và hữu ích cho phần rỗi đời đời của ta.

4) TƯƠNG QUAN GIỮA ĐỨC MẾN VÀ ĐỨC TIN:

– Một điều hiển nhiên mà ta có thể khẳng định, đó là tình yêu thương của người đàn bà ngoại giáo dành cho con thật dạt dào. Vì thương con, chị ta đã kiên trì đi theo kêu xin Đức Giê-su. Cũng vì thương con, chị đã vượt qua sự tự ái, đồng thời bày tỏ lòng tin khiêm nhu: “Vâng, thưa Ngài, dẫu sao, chó con cũng được hưởng những mảnh vụn từ bàn rơi xuống” (Mt 15,27).

– Như vậy: tin phát sinh từ con tim hơn là từ khối óc. Quả thật. lịch sủ Hội Thánh minh chứng rằng nhiều người đã có đức tin do cảm nhận một tình thương, do nhận được một nghĩa cử cao đẹp của một ai đó hơn là vì biết giáo lý. Xét theo chiều ngược lại, khi niềm tin của một tín hữu bị ngả nghiêng, chao đảo hay khô khan nguội lạnh, thường là do đời sống luân lý bị sa sút hơn là do sự thiếu hiểu biết đức tin. Nói như vậy không có nghĩa loại trừ hay giảm nhẹ vai trò quan trọng của lý trí trong việc tìm hiểu giáo lý, gìn giữ và củng cố đức tin của mình.

– Trong thời gian rao giảng tin mừng Nước Trời, Đức Giê-su cũng luôn biểu lộ tình thương của Người qua việc thi ân giáng phúc trước, rồi mới mời gọi người ta tin theo Người. Phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no, cũng như chữa lành người mù từ thuở mới sinh… là một minh chứng ( Ga 6,35; 9,35 ). Là những người đã có đức tin, ước gì chúng ta biết củng cố niềm tin bằng những hành động bác ái yêu thương, như lời thánh Gia-cô-bê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17 ). Việc làm nói đây chính là các việc bác ái yêu thương, khiêm nhường phục vụ những kẻ nghèo hèn bệnh tật và đau khổ.

Có nhiều cách thế để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng, tuy nhiên phương cách thiết thực và hữu hiệu nhất, là quảng đại chia sẻ tinh thần vật chất cho người nghèo, bệnh tật và bất hạnh… Việc bác ái phát xuất từ một tấm lòng yêu thương chân thật của chúng ta sẽ có sức thuyết phục rất lớn như lời Chúa dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5 16).

  1. THẢO LUẬN: 1) Khi gặp tai ương họan nạn, bạn thường cầu xin với Thiên Chúa, với Chúa Giê-su hay với Đức Mẹ và các thánh làm phép lạ ? 2) Qua kinh Lạy Cha, bạn thấy lời cầu nguyện do chính Đức Giê-su dạy có những đặc điểm nào ? 3) Từ nay bạn quyết tâm sẽ cầu nguyện ra sao từ khi thức dậy ban sáng đến lúc đi ngủ ban đêm ?
  2. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA CHA NHÂN ÁI. Con xin cảm tạ Cha vì biết bao hồng ân Cha đã đổ xuống trên con. Rất nhiều ơn Cha ban mà con cứ tưởng là chuyện tự nhiên như: khí trời con thở, cơm bánh con ăn, áo quần con mặc, đồ dùng con sử dụng… Thế mà con lại đau khổ khi không được Cha ban theo điều con xin, hay những khi Cha để con gặp phải những sự rủi ro trái ý. Con đã quên rằng đời con luôn được Cha bao bọc bằng muôn ngàn hồng ân lớn lao cả hồn lẫn xác.

– LẠY CHA. Con xin cảm tạ Cha vì những gì Cha đã không ban, vì con tin chắc rằng Cha biết điều ấy có hại cho phần rỗi đời đời của con, hoặc vì Cha muốn ban nhiều ơn khác có ích cho phần rỗi của con hơn. Xin cho con luôn vững tin vào tình thương quan phòng chở che của Cha giống như “gà mẹ ấp ủ gà con dưới cánh”. Nhờ đó khi vui cũng như lúc buồn, khi thành công cũng như lúc thất bại, khi đuợc may lành như ý cũng như khi bị những điều trái ý cực lòng… Xin cho con luôn biết cậy trông và phó thác trọn vẹn nơi tình thương quan phòng của Cha.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH –  HHTM

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …