Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 TN A của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 2 TN A của Lm. Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Chiên Thiên Chúa

“Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”. Đó là lời thánh Gioan Tiền Hô giới thiệu Chúa Giêsu với dân chúng. Tại sao thánh Gioan lại dùng hình ảnh “Con Chiên” để nói về Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu đã xóa bỏ tội cho nhân loại thế nào ?

Trước hết, chúng ta biết, Chúa Giêsu có nhiều danh hiệu, một trong những danh hiệu quen thuộc là “Chiên Thiên Chúa”. Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được gọi là “Chiên Thiên Chúa” tới 31 lần : 29 lần trong sách Khải Huyền và 2 lần trong sách Tin Mừng thứ 4. Con Chiên là hình ảnh mẫu mực của sự hiền lành, khiêm hạ, nhẫn nhục, chịu đựng. Ngôn sứ I-sai-a đã tiên báo về Chúa Giêsu : “Ngài như chiên con bị đưa đến lò sát sinh, như chiên mẹ im lặng không hề kêu la trước thợ xén lông”. Thực sự Chúa Giêsu đã giữ “im lặng” trước Hội đồng Do Thái, và không trả lời gì với Phi-la-tô và Hê-rô-đê.

Đàng khác, con chiên còn là hình cảnh mẫu mực của sự hi sinh đền tội thay cho phạm nhân. Truyền thống Do Thái bắt đền tội bằng dâng con chiên. Ngày xưa, khi Thiên Chúa quyết định giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ Ai Cập, Ngài đã truyền cho mỗi gia đình phải sát tế một con chiên đực, vừa tròn một tuổi, không có tì vết, phải ăn ngay chiều hôm đó, và phải lấy máu chiên bôi lên thành cửa, làm dấu để thiên thần đi qua mà không chinh phạt. Chính nhờ máu chiên vượt qua này mà các con trai đầu lòng của người Do Thái thoát chết, và rồi thoát ách nô lệ, đi đến đất hứa, trở thành dân tộc hiến thánh của Thiên Chúa.

Thánh Gioan Tiền Hô đã mượn hình ảnh con chiên vượt qua này để ám chỉ Chúa Giêsu. Ngài là Đấng vô tội những đã gánh lấy tội lỗi nhân loại. Truyền thống Kitô giáo luôn nhìn nhận Chúa Kitô là chiên vượt qua thực sự, Ngài là chiên vô tội và hoàn hảo, Ngài dùng máu mình làm giá cứu chuộc nhân loại khỏi ách tội lỗi. Như vậy, Chúa Kitô với tính cách là “Chiên Thiên Chúa”, Ngài đã đền tội thay cho nhân loại. Tất cả tội lỗi của loài người đã được tẩy xóa nhờ cái chết đền tội của Ngài. Ngài đã tự do và tự nguyện thực hiện việc đền tội này chỉ vì yêu thương con người.

Nhưng nói Thiên Chúa đã xóa tội trần gian, mà tại sao chúng ta thấy không một nơi nào, thành thị cũng như thôn quê, chỗ hẻo lánh đến đâu chăng nữa, nếu đã có con người sinh sống, thì ở đó có tội lỗi, nơi đó bị quyền lực của tội lỗi bao trùm, chi phối, điều khiển : tội người lớn, tội trẻ con, tội người giàu, tội người nghèo, tội nam giới, tội nữ giới, tội xã hội, tội cá nhân, tội công cộng, tội riêng tư… không còn nhân đức nào cả, như Bru-nô đã thốt lên trước khi tự vận: “Đâu đâu cũng thấy tội và tội, tội tràn ngập trước mặt tôi, nhân đức và thánh thiện ở đâu ? đó chỉ là những danh từ trống rỗng”.

Phải, Thiên Chúa xóa bỏ tội chúng ta, nghĩa là Ngài đã cứu chuộc chúng ta, nhưng không có nghĩa là máu Ngài đã cất hết tội lỗi đi, vì thế, con người đã được cứu chuộc vẫn có thể phạm tội, vì Thiên Chúa không cho chúng ta khả năng không thể phạm tội, Ngài chỉ ban cho chúng ta khả năng chiến thắng tội lỗi, ban cho chúng ta khả năng chỗi dậy mỗi khi sa ngã. Cũng như cứu chuộc không có nghĩa là sẽ hết chết chóc, Chúa không cất sự chết đi, nên chính Ngài đã chết, nhưng chết để thắng cái chết. Cũng vậy, Chúa không cất tội lỗi đi, nhưng Ngài đã dạy chúng ta cách thắng tội lỗi. Vì vậy, nếu chúng ta muốn được cứu chuộc, chúng ta phải chiến đấu để thắng tội lỗi và thắng sự chết. Nếu chúng ta không muốn chiến đấu để được cứu chuộc, chúng ta hãy suy nghĩ câu chuyện sau đây :

Thánh Ma-ke tu trong rừng ở Ai Cập, một hôm, ngài gặp một cái sọ người lây lất trong rừng, ngài hỏi : “Đây là sọ của ai ?” – “Tôi là sọ của một người ngoại giáo” – “Linh hồn ngươi ở đâu ?” – “Tôi đang ở trong hỏa ngục” – “Ngươi ở chỗ nào trong hỏa ngục ?” – “Sâu lắm, xa bằng từ đất lên trời” – “Còn ai ở dưới ngươi nữa không ?” – “Thưa còn, những người Công giáo xấu, vì họ đã được cứu chuộc, nhưng họ không làm gì để được cứu chuộc, họ ở sâu nhất so với các người khác”.

Chúng ta không thể khoán trắng việc cứu chuộc cho Chúa mà không làm gì cả. Dù Chúa đã cứu chuộc, nhưng mỗi người phải cộng tác tích cực, nghĩa là ơn cứu chuộc của Chúa có giá trị phổ quát, Chúa đã hoàn thành việc cứu chuộc, nhưng hiệu quả hay sự áp dụng ơn cứu chuộc không nhất thiết phổ quát, mỗi người phải cộng tác vào ơn cứu rỗi của chính mình. Đây chính là bài học chúng ta phải luôn ghi nhớ : để được cứu chuộc, mỗi người phải cộng tác, phải đóng góp phần mình, ít nhất là một chút thiện chí.

Để diễn tả chân lý này, một nhà văn Kitô giáo đã dựng một vở kịch, diễn tả vụ hành quyết một tên trọng phạm, tại một thị trấn nhỏ thời Trung cổ. Theo luật nhà nước, chỉ có một lối thoát chết duy nhất cho tử tội, là nộp đủ 1000 đồng tiền vàng để chuộc mạng. Nhà vua tỏ ra hào hiệp, tặng hết số vàng 700 đồng mang theo trong chuyến du hành. Hoàng hậu theo gương góp 200 đồng. Các cận thần cũng dốc hết túi. Người ta đếm được 997 đồng, còn thiếu 3 đồng, công lý không thể nhân nhượng, đành phải thi hành pháp lệnh. Toán hành quyết tròng dây thừng vào cổ tên tử tội thiếu may mắn, sửa soạn rút dây. Bỗng có một tiếng kêu lớn : “Khoan đã, lục soát người nó coi, biết đâu đấy”. Tên đao phủ lục soát khắp người tội nhân, móc ra được 3 đồng hắn giấu kỹ trong dây lưng từ hồi nào mà hắn không nhớ. Thế là đủ 1000 đồng, hắn được thoát chết.

Có lẽ chúng ta đều hiểu ý nghĩa của vở kịch này ? Nhà vua là Chúa Cứu Thế, hoàng hậu là nữ vương Maria, cận thần là các thánh và các Kitô hữu chân chính, quyên góp lập thành kho báu cứu đo. Dẫu sao vẫn thiếu một ít, một ít đó là phần đóng góp của mỗi người, ít nhất là bằng thiện chí, muốn thực hiện cuộc vượt qua từ đời sống tội lỗi vượt lên đời sống thánh thiện. Nói rõ hơn, Chúa Giêsu đã giải thoát chúng ta, điều đó chắc chắn lắm rồi, không còn hồ nghi gì hết. Nhưng chúng ta có muốn được giải thoát hay không, đó là tùy ở mỗi người, như thánh Âu-tinh đã nói : “Thiên Chúa không thể cứu chuộc chúng ta, nếu chúng ta không cộng tác”.

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …