Chúng ta đang ở trong tuần cầu cho Hiệp nhất. Cùng với Giáo Hội hoàn vũ, chúng ta xin cho các kitô hữu là những người tin vào Đức Kitô được hiệp nhất với nhau.
Bài Phúc Âm hôm nay giới thiệu Chúa Giêsu là một nhân vật có sức lôi kéo người ta đến với Người. Nói cách khác, sự hiệp nhất nơi các kitô hữu chính là qui tụ về Đức Kitô, là Thầy duy nhất và là Đấng cứu độ duy nhất của nhân loại.
Bài Phúc Âm kể lại việc Đức Giêsu đi ngang qua và Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa”. Lời giới thiệu ấy đưa đến việc hai môn đệ của Gioan Tẩy Giả đi theo Chúa Giêsu. Hai môn đệ ấy đã bỏ Gioan mà đi theo Chúa vậy mà Gioan không ngăn cản cũng không hỏi tại sao lại bỏ đi. Điều đó chứng tỏ Gioan rất bằng lòng và còn muốn cho các môn đệ mình đi theo Chúa Giêsu. Đúng như cương vị của một tiền hô, Gioan muốn giới thiệu cho mọi người tìm tới Chúa Giêsu chứ không giữ họ lại cho mình như lời Gioan đã nói: “Ngài cần phải được lớn lên, còn tôi thì phải nhỏ bé đi” (Ga 3, 30).
Tiếp sau đó, chúng ta có câu hỏi của Chúa Giêsu khi thấy hai ông lẽo đẽo theo Người: “Các ông tìm gì?”. Đây là lời đầu tiên của Đức Giêsu theo Tin Mừng Gioan. Lời đó đụng tới bề sâu của người muốn theo Chúa. Họ cần thấy rõ mình ước ao điều gì và cần diễn tả lòng ước ao đó một cách cụ thể ra bên ngoài.
Ước ao đó được diễn tả bằng câu hỏi: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?” Câu hỏi xem ra tầm thường nhưng cho thấy điều quan trọng là ước muốn biết Đức Giêsu ở đâu để đến ở lại với Người. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp mà chỉ nói: “Hãy đến mà xem”. Họ đã tới và ở lại luôn với Người (Ga 1, 39).
Câu trả lời đó cho thấy Đức Giêsu không lý thuyết dài dòng mà rất cụ thể, rất thực tế: “Hãy đến mà xem”. Và kết quả là: “Chúng tôi đã thấy Đấng Mêsia”. Đức Giêsu quả là một nhà sư phạm đại tài, biết cách chinh phục người khác. Vì nghe một trăm lần không bằng nhìn thấy một lần. Lời rao giảng chưa hẳn tạo nên hiệu quả nhanh như thế.
Câu trả lời “Hãy đến mà xem” cũng cho thấy Chúa Giêsu mời kẻ theo Người đi sâu vào mối tương quan thân mật với Người. Ban đầu, họ đã đến nơi Người đang ở rồi ở lại với Người. Về sau, họ còn được mời tiến xa hơn nữa để ở lại trong Người như nhành nho phải gắn liền với thân nho thì mới sinh được hoa trái (Ga 15, 4-5).
Để làm môn đệ Chúa, cần phải bỏ hết mọi sự kể cả cha, mẹ, vợ con và tức khắc đi theo Chúa, để Chúa ở đâu, đi đâu, thì cũng ở đó, đi đó: “Có sướng cùng hưởng có họa cùng chịu”. Có họa cùng chịu vì như Chúa đòi buộc: “Ai muốn theo Ta thì phải bỏ mình vác Thánh giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). “Kẻ nào đến với Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh chị em và cả mạng sống mình nữa thì không thể làm môn đệ Ta” (Lc 14, 26). Có sung sướng cùng hưởng vì: “Phàm ai bỏ cha mẹ vợ con ruộng vườn vì Ta thì sẽ lại được gấp trăm” (Mt 19, 29). Và “khi Con người được vinh hiển thì sẽ được ngồi trên mười hai ngai vinh hiển mà xét xử 12 chi tộc Israel” (Mt 19, 28).
Thiên Chúa luôn mời gọi con người đến với Ngài. Bài đọc thứ nhất ghi lại việc Chúa gọi Samuel. Đang đêm trong giấc ngủ, Đức Chúa gọi Samuel. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, Thầy gọi con”. Thiên Chúa luôn có cách, có phương thế, có những nẻo đường để mời gọi con người đi theo Ngài.
Thiên Chúa có thể đích thân hiện đến, kêu gọi đích danh, như trường hợp của cậu Samuel, nhưng hầu hết các trường hợp, Chúa dùng những cách thế thông thường, như lời khuyên nhủ của các vị đại diện Chúa, lời giảng dạy của một vị giảng thuyết, một ơn soi dẫn trong tâm hồn, một giấc chiêm bao hay một biến cố nào đó của cuộc đời. Người nào nhận ra Thánh Ý Chúa, người nào đáp lại tiếng Chúa, người ấy ở lại bên Chúa, sống thân mật với Chúa.
Trong bài đọc thứ hai, Thánh Phaolô nhấn mạnh rằng ơn kêu gọi của Chúa là làm cho chúng ta sống lại như Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế thân xác của chúng ta là Đền thờ của Chúa Thánh Thần và thánh Phaolo khuyên chúng ta hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác chúng ta.
Nói tóm lại, các kitô hữu không thể nào gặp nhau hay hợp nhất với nhau nếu không sống bên Chúa, nếu không ở lại bên Chúa Giêsu, nếu không cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa.
Nhìn vào thế giới hiện nay, thế giới đầy những chia rẽ bất công, chia rẽ ngay trong những người xưng mình là kitô hữu. Chúng ta có thể tuyên xưng cách mạnh mẽ niềm tin của mình, chúng ta có thể kết án những ai tin khác với mình. Tuy nhiên điều quan trọng là ở nơi chúng ta niềm tin và cuộc sống có một khoảng cách. Tin trên lý thuyết và đời sống trong thực tế không trùng hợp với nhau, lý và sự, chủ trương và hành động, nói và làm khác xa nhau. Điều đó chứng tỏ chúng ta chưa thật sự là môn đệ của Đức Kitô.
Bởi vì, làm sao chúng ta có thể đi đến hiệp nhất với nhau khi cõi lòng chúng ta vẫn còn muốn trả thù giết hại người khác? Làm sao chúng ta có thể đi đến hiệp nhất với nhau khi các kitô hữu vẫn không ngừng rình mò tìm cách hạ uy tín của nhau và vui mừng vì người kitô hữu khác bị mất uy tín? Làm sao kitô hữu có thể rao giảng tình yêu khi vẫn còn những tính toán có lợi cho phe phái mình?
Đức Kitô vẫn luôn là điểm qui tụ chúng ta lại như qui tụ đàn chiên tản mác khắp nơi về. Càng xa Đức Kitô, các kitô hữu càng xa nhau. Càng gần Đức Kitô, kitô hữu càng hiệp nhất với nhau. Vì thế nhân dịp tuần Hiệp nhất chúng ta cùng hướng về đời sống kết hợp với Chúa Kitô. Chính tại nơi Đức Kitô mà mỗi kitô hữu chúng ta có thể hiệp nhất với nhau và cùng lên đường tiến về đời sống vĩnh hằng cùng với Đức Kitô.
Xin cho chúng ta biết buông mình theo sự hướng dẫn của Chúa.
LM Ernest Nguyên Văn Hưởng