Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này nêu bật những viễn cảnh thời Mê-si-a.
Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật này nêu bật những viễn cảnh thời Mê-si-a: viễn cảnh xa: sấm ngôn của I-sai-a vào thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên; viễn cảnh gần: lời loan báo của thánh Gioan Tẩy Giả vào thời Đức Giê-su. Hai viễn cảnh này sẽ được thực hiện ở nơi Chúa Ki-tô và bởi Chúa Ki-tô, như thánh Phao-lô giúp chúng ta hiểu điều này.
Is 11: 1-10
Ngôn sứ I-sai-a tiên báo rằng một vị vua công chính, thuộc dòng dõi Đa-vít, sẽ đến trong tương lai. Ngài sẽ quan tâm đến những người khiêm hạ, sẽ làm cho sự công chính hoàn hảo ngự trị và sẽ thực hiện sự hòa giải giữa muôn loài thọ tạo.
Mt 3: 1-12
Tin Mừng Mát-thêu, qua lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả, giới thiệu cho chúng ta một biến cố được chờ mong và chuẩn bị trong suốt nhiều thế kỷ: Đấng đến, Ngài sẽ tuyển lựa giữa thóc mẩy được đưa vào kho và thóc lép bị thiêu đốt. Không có lối thoát nào có thể ngoài tấm lòng hoán cải, đó là điều kiện tất yếu.
Rm 15: 4-9
Thánh Phao-lô mời gọi những người tín hữu Rô-ma phải nên tâm đầu ý hợp với nhau, theo tinh thần Chúa Ki-tô, Đấng đã hiệp nhất và hòa giải người Ki-tô hữu gốc Do thái với người Ki-tô hữu gốc lương dân; người đầu tiên là con cái của Lời Hứa, người thứ hai, con cái của Lòng Xót Thương.
BÀI ĐỌC I (Is 11: 1-10)
Bản văn này là một trong ba sấm ngôn về Đấng Mê-si-a được gặp thấy ở đầu sách I-sai-a, ở các chương 7, 9 và 11. Trong Năm Phụng Vụ, Năm A này, chúng ta đọc cả ba sấm ngôn này, vào Chúa Nhật II Mùa Chay, vào Chúa Nhật IV Mùa Vọng và vào ngày lễ Giáng Sinh.
1. Bối cảnh:
Cả ba sấm ngôn của ngôn sứ I-sai-a đều nêu bật “Đấng Mê-si-a vương đế”, vì chúng được định vị vào trong sự nối dài của sấm ngôn Na-than cho vua Đa-vít: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi…Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2Sm 7: 12-16). Vì thế, cả ba sấm ngôn này đều hướng đến cuộc sinh hạ của một con trẻ thuộc hoàng tộc Đa-vít, mà tên của con trẻ này là“Em-ma-nu-en” (Is 7: 14-17), nghĩa là, “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Con trẻ này sẽ giải thoát dân Thiên Chúa khỏi cảnh đời tối tăm và áp bức (Is 9: 1-6), sẽ thiết lập triều đại công minh chính trực và kiến tạo một nền hòa bình viên mãn (Is 11: 1-9).
Cả ba sấm ngôn này được công bố cho dân thành Giê-ru-sa-lem vào hậu bán thế kỷ thứ tám trước Công Nguyên. Đối với toàn dân Ít-ra-en, đây là thời kỳ bi thảm: thế lực của đế quốc Át-sua đang bành trướng, bắt triều cống và cuối cùng tiêu diệt vương quốc miền Bắc vào năm 721 trước Công Nguyên. Vương quốc miền Nam cũng không thể tránh khỏi, phải chịu số phận chư hầu và nhận biết những đột biến đầy bi thảm.
Bản văn chúng ta đọc vào Chúa Nhật này là sấm ngôn thứ ba trong ba sấm ngôn này; niên biểu của nó thật khó xác định; chắc chắn phải đặt nó vào một trong những giờ phút lịch sử nghiêm trọng này (có thể vào cuối thế kỷ thứ tám khi vua Xan-khê-ríp, vua Át-sua, xâm lăng và bao vây thành đô Giê-ru-sa-lem?). Dù hoàn cảnh lịch sử có nghiêm trọng đến mấy đi nữa, sấm ngôn này là bài ca tràn đầy niềm hy vọng.
2. Một niềm hy vọng lớn lao:
“Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non”. Hình ảnh này chắc chắn gợi lên tình trạng bi thương của vương tộc Đa-vít được ví như một cây bị chặt cả thân lẫn cành chỉ còn trơ trọi một gốc cây; nhưng vương tộc này sẽ sống lại, như gốc rễ mà người ta tưởng là đã chết lại đâm chồi nẩy lộc. Trong sấm ngôn, vị ngôn sứ tránh nêu tên Đa-vít, thậm chí cả tước hiệu vương đế nữa; ông chỉ kể một tên duy nhất: Gie-sê.
3. Gốc tổ Gie-sê:
Việc không nêu tên Đa-vít có thể xem ra khác thường. Nhưng nếu khảo sát Kinh Thánh, chúng ta nhận ra rằng ông Gie-sê luôn luôn được gọi là “người Bê-lem”, trong khi vua Đa-vít gắn liền tên tuổi mình vào thành thánh Giê-ru-sa-lem. Về phương diện lịch sử, ông Gie-sê vẫn là một nông dân khiêm tốn của làng Bê-lem. Có thể qua cách phác họa đạm bạc này, vị ngôn sứ có một linh cảm: hậu duệ tương lai của ông Gie-sê sẽ là một con trẻ Bê-lem khiêm tốn.
4. Thánh Thần xức dầu tấn phong:
“Thần Khí Chúa sẽ ngự trên vị này”. Những ân huệ của Chúa Thánh Thần được liệt kê từng cặp, theo lối sê-mít:
– thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
– thần khí mưu lược và dũng mãnh,
– thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa.
Như vậy tổng cộng là sáu ân huệ. Bản Bảy Mươi, bản dịch Hy lạp, đã thêm vào “lòng xót thương” để cho có bảy ân huệ, bởi vì con số bảy là con số chỉ sự viên mãn. Đây là nguồn gốc bảy ơn Chúa Thánh Thần của chúng ta.
Việc nhấn mạnh đến những ân huệ phong phú và thường hằng của Chúa Thánh Thần thật đáng chú ý. Nhân vật thuộc hậu duệ Gie-sê sẽ lãnh nhận ơn phù trợ, không phải tùy dịp, nhưng thường hằng. Chúng ta biết rằng Đấng mà Chúa Thánh Thần xức dầu tấn phong này bắt nguồn từ chữ Hy bá “Mê-si-a”, được dịch sang Hy ngữ “Christos” và được phiên âm“Ki-tô” nghĩa là “Đấng được xức dầu” phong vương.
4. Triều đại của vua công chính:
“Người sẽ không xét xử theo dáng vẻ bên ngoài, cũng không phán quyết theo lời kẻ khác nói, nhưng xét xử công minh cho người thấp cổ bé miệng, và phán quyết vô tư bênh kẻ nghèo trong xứ sở”. Chân dung của vị vua lý tưởng trước hết là chân dung của vị vua công chính: đức công chính của vua được thể hiện ở nơi việc bênh vực những kẻ nghèo hèn trong xứ sở, vốn là những kẻ thấp cổ bé miệng không có tiếng nói trong xã hội, những nạn nhân của những kẻ quyền cao chức trọng, giàu có.
Được cai trị theo lẽ công minh, vương quốc của Ngài sẽ được hưởng một nền hòa bình chân thật và viên mãn. Những bất công xã hội mà các ngôn sứ không ngừng tố cáo và lên án sẽ không còn nữa. Sẽ không còn cảnh người bốc lột người, sẽ không còn cảnh áp bức và cấu xé lẫn nhau như lang sói, thiên hạ sẽ vui hưởng cảnh thái bình. Cảnh thái bình này được vị ngôn sứ diễn tả bằng những hình ảnh rất sống động: “Bấy giờ sói sẽ ở với chiên con, beo nằm bên dê nhỏ. Bò tơ và sư tử non được nuôi chung với nhau, một cậu bé sẽ chăn dắt chúng. Bò cái kết thân cùng gấu cái, con của chúng nằm chung một chỗ, sư tử cùng ăn rơm như bò. Bé thơ còn đang bú giỡn chơi bên hang rắn lục, trẻ thơ vừa cai sữa thọc tay vào ổ rắn hổ mang”.
Phải chăng ở nơi bức tranh diễm tình này chúng ta thấy chủ đề vườn địa đàng đã mất nay được tái lập? Thực ra, đề tài này thì hiếm tại các văn sĩ kinh thánh, họ quan niệm lịch sử thánh theo chiều hướng đi lên: nhân loại tiến bước đến một trật tự mới của các tạo vật, họ hướng đến một Đấng. Cuộc trở về “thời hoàng kim” thuộc văn chương ngoại giáo hơn, ở đó lịch sử được quan niệm như một chu trình: “hết hồi bĩ cực lại sinh thời thái lai”.
Vì thế, chắc chắn đề tài được đề cập ở nơi sấm ngôn này là đề tài Kinh Thánh, đề tài về sự liên đới của thiên nhiên với vận mệnh của con người. Chúng ta có thể trích dẫn nhiều ví dụ về đề tài này. Chẳng hạn như vào Chúa Nhật tới chúng ta sẽ đọc thấy rằng sa mạc tưng bừng nở hoa hân hoan chào đón bước chân của những người lưu đày Ba-by-lon trở về cố hương (Is 35: 1-10).
5. Sự hiểu biết Thiên Chúa:
Thiên hạ sẽ vui hưởng cảnh thái bình chân thật, bởi vì mọi người đều được hiểu biết Thiên Chúa cách sung mãn: “Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta, vì sự hiểu biết Đức Chúa sẽ tràn ngập đất này, cũng như nước lấp đầy lòng biển”. Đó là những dấu chỉ của thời đại Mê-si-a, thời mà sự hiểu biết Thiên Chúa sẽ tràn ngập giữa con người. Đó sẽ là công trình của chồi non Gie-sê. Không có sấm ngôn nào tốt hơn sấm ngôn này về việc mặc khải Chúa Cha mà Chúa Con đem đến.
Câu cuối cùng này đã được ngôn sứ I-sai-a đệ nhị, vị ngôn sứ thời hậu lưu đày, lấy lại hầu như theo sát từng từ, và đặt vào trong viễn cảnh cánh chung: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa…Sói với chiên con sẽ cùng ăn cỏ, sư tử cũng ăn rơm như bò, còn rắn sẽ lấy bụi đất làm lương thực. Sẽ không còn ai tác hại và tàn phá trên khắp núi thánh của Ta” (Is 65: 17 và 25).
6. Cờ hiệu cho các dân tộc:
“Đến ngày đó, cội rễ Gie-sê sẽ đứng lên làm cờ hiệu cho các dân. Các dân tộc sẽ tìm kiếm Người, và nơi Người ngự sẽ rực rỡ vinh quang”. Đề tài này rất gần với chủ đề mà ngôn sứ đã khai triển ở chương 2, chương nói về thành thánh Giê-ru-sa-lem và Đền Thờ, thật sự lôi cuốn tâm trí của toàn thể nhân loại.
BÀI ĐỌC II (Rm 15: 4-9)
Trong đoạn trích thư gởi cho các tín hữu Rô-ma này, thánh Phao-lô đề cập đến hai chủ đề: tầm quan trọng của Kinh Thánh trong việc nâng đỡ đức tin và đức cậy của người Ki-tô hữu và lời kêu gọi hãy đồng tâm nhất trí với nhau giữa người Ki-tô hữu gốc Do thái và người Ki-tô hữu gốc lương dân.
1. Tầm quan trọng của Kinh Thánh:
Ở đoạn văn trước, thánh Phao-lô đã trích dẫn Thánh Vịnh 69 mô tả những nỗi đau khổ của người công chính bị bách hại: “Lời kẻ thóa mạ Ngài, này chính con hứng chịu”. Đây là một ví dụ tuyệt vời cho thấy một sấm ngôn đã được chứng thực ở nơi con người và sứ vụ của Đức Ki-tô. Đây cũng là dịp để thánh nhân nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đọc Kinh Thánh: “Quả thế, mọi lời xưa đã chép trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiễn nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trông cậy”.
Chúng ta lưu ý rằng trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu Cô-rin-tô, khi nói về người Do thái đọc Kinh Thánh, thánh Phao-lô viết: “Cho đến nay, khi họ đọc Cựu Ước, tấm màn ấy vẫn còn, chưa được vén lên, vì chỉ trong Đức Ki-tô, tấm màn ấy mới được vứt bỏ” (2Cr 3: 14). Đây là lần đầu tiên thuật ngữ “Cựu Ước” xuất hiện trong văn chương Ki-tô giáo. Thánh Phao-lô biết Kinh Thánh rõ hơn bất cứ ai, vì trước kia khi còn là một người Do thái nhiệt thành với niềm tin của cha ông, thánh nhân đã nghiên cứu Kinh Thánh một cách cẩn trọng qua việc thọ giáo với kinh sư Ga-ma-li-en danh tiếng; bây giờ đã là môn đệ của Chúa Ki-tô, thánh nhân thích thú đọc và chiêm niệm những mầu nhiệm loan báo cuộc đời của Đức Ki-tô trong Kinh Thánh.
Lời khuyên bảo của thánh nhân cho ông Ti-mô-thê-ô, vừa là người môn đệ vừa là cộng tác viên thân tín của mình, chứng thực điều đó: “Tất cả những gì viết trong Kinh Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành” (2Tm 3: 16-17). Giờ đây, lời khuyên bảo tương tự như thế được gởi đến cho các tín hữu Rô-ma: “Quả thế, mọi lời xưa đã chếp trong Kinh Thánh, đều được chép để dạy dỗ chúng ta. Những lời ấy làm cho chúng ta nên kiên nhẫn, và an ủi chúng ta, để nhờ đó chúng ta vững lòng trong cậy”. Lời khuyên này chứng thực rằng những người Ki-tô hữu gốc lương dân đã bắt đầu học Kinh Thánh mà không cần phải học tiếng Hy-bá, vì họ đã có trong tầm tay bản Bảy Mươi, bản dịch Kinh Thánh bằng Hy ngữ.
Thật có ý nghĩa biết bao khi mà trong các sách Tin Mừng những lời trích dẫn Cựu Ước hầu như luôn luôn được trích dẫn từ bản Bảy Mươi chứ không từ bản Hy-bá. Sự kiện này ghi nhận một điều rất quan trọng theo đó, ngay từ khởi đầu Giáo Hội, những Ki-tô hữu gốc lương dân đã được Lời Chúa quy tụ và hiệp nhất với nhau nhờ bản văn Kinh Thánh bằng tiếng Hy-lạp. Hiện nay cũng thế, các Ki-tô hữu thuộc mọi dân mọi nước trên thế giới được quy tụ và hiệp nhất với nhau nhờ các bản dịch Kinh Thánh sang tiếng mẹ đẻ của mình. Bởi lẽ đối với mỗi người Ki-tô hữu, trước hết Kinh Thánh chính là Lời Thiên Chúa, và trên tất cả là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể. Thứ nữa, khi đọc Kinh Thánh, họ ý thức với một niềm xác tín sâu xa rằng không đơn thuần đọc lại những lời nói và những hành động của Thiên Chúa trong quá khứ mà cốt yếu là nhận ra rằng vị Thiên Chúa, Đấng đã phán: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”, vẫn tiếp tục nói và hành động trong Giáo Hội và trong cuộc đời hiện nay của họ qua từng biến cố nhỏ to.
2. Lời kêu gọi hãy đồng tâm nhất trí với nhau:
“Xin Thiên Chúa là nguồn kiên nhẫn và an ủi, làm cho anh em được đồng tâm nhất trí với nhau, như Đức Giê-su Ki-tô đòi hỏi”. Lời khẩn cầu này khai mào chủ đề thứ hai và nói lên nỗi bận lòng sâu xa của vị Tông Đồ: sự hiệp nhất của cộng đồng gồm những người Ki-tô hữu gốc Do thái và những người Ki-tô hữu gốc lương dân, mà biết bao những đối kháng ngay từ đầu có nguy cơ dẫn đến sự đối lập giữa họ.
Đây không là một vấn đề đặc thù mà cộng đoàn Rô-ma gặp phải, tất cả thế hệ Ki-tô hữu đầu tiên đều đã nhận biết những căng thẳng như thế. Tuy nhiên, trong thủ đô của đế quốc, tình trạng đã trở nên trầm trọng hơn vì hoàn cảnh lịch sử. Hoàng đế Claudius đã ban chiếu chỉ vào năm 49 ra lệnh trục xuất những người Do thái khỏi kinh thành Rô-ma, lấy cớ những rối loạn “do bởi ông Ki-tô”. Có lẽ lời rao giảng của Ki-tô giáo đã gây nên những xáo trộn trong cộng đồng Do thái, một cộng đồng quan trọng trong thủ đô Rô-ma. Và vì không thể phân biệt giữa những người Do thái trung thành với luật Mô-sê và những người Do thái theo Ki-tô giáo, nên chiếu chỉ này được áp dụng cho cả hai (chính vì thế mà ông bà A-qui-la và Pơ-rít-ki-la rời Rô-ma và đến lánh nạn ở Cô-rin-tô: Cv 18: 2-3).
Sau khi hoàng đế Claudius băng hà vào năm 54, những Ki-tô hữu gốc Do thái trở lại Rô-ma. Ấy vậy, chỉ sau vài năm, Giáo Đoàn Rô-ma chỉ còn toàn những người Ki-tô hữu gốc lương dân. Những xích mích khó mà tránh khỏi giữa những người Ki-tô hữu gốc Do thái và những người Ki-tô hữu gốc lương dân. Thánh Phao-lô đã viết thư này vào mùa xuân năm 57. Những sự cố vẫn còn hiển hiện trong bức thư này.
“Vậy, anh em hãy đón nhận nhau, như Đức Ki-tô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”. Lời khuyên bảo của thánh Phao-lô chủ yếu gởi đến những người Ki-tô hữu gốc lương dân, họ phải cho thấy mình là anh em đối với những người con của Lời Hứa, tức người Ki-tô hữu gốc Do thái; vì chính họ, những lương dân, nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa, đã trở thành những người con mới của Lời Hứa, nhờ đó họ cũng có thể tôn vinh Thiên Chúa chân thật.
Và như để nhắc lại lời khẳng định ban đầu về giá trị của Kinh Thánh, thánh Phao-lô kết thúc bằng lời trích dẫn Tv 18: “Vì thế giữa muôn dân con cất lời cảm tạ, dâng điệu hát cung đàn ca mừng danh thánh Chúa”. Qua hình thức đóng khung này, thánh Phao-lô một lần nữa nhắc cho họ nhớ rằng không phải lời giáo huấn của thánh nhân, nói cách chính xác lời khuyên bảo của thánh nhân chỉ là phục vụ Lời Chúa mà thôi, nhưng chính Lời Chúa quy tụ và hiệp nhất tất cả các tín hữu, dù người Ki-tô hữu xuất thân từ Do thái hay từ lương dân, và thậm chí cả người Do thái nữa. Đó cũng là phương sách mà Đấng Phục Sinh đã vận dụng khi đồng hành với hai môn đệ trên đường Em-mau “bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Ngài trong tất cả Sách Thánh” (Lc 24: 27).
TIN MỪNG (Mt 3: 1-12)
Thánh Mát-thêu dẫn đưa chúng ta vào lãnh vực hoạt động của Gioan Tẩy Giả mà không có bất kỳ lời mào đầu nào. Chính nhờ một tác giả Tin Mừng khác, thánh Lu-ca, mà chúng ta nhận biết nhân cách của Gioan Tẩy Giả, gia đình của ông, hoàn cảnh chào đời của ông, vân vân (Lc 1: 5-25, 57-80). Như vậy, chắc hẳn khoa giáo lý tiên khởi bắt đầu với sự xuất hiện đột ngột của vị Tiền Hô và sứ điệp của ông. Sách Tin Mừng Mác-cô và sách Tin Mừng Gioan xác nhận lời chứng này, theo cùng một hướng đi như phần mở đầu đột ngột của Tin Mừng Mát-thêu. Phân đoạn mà chúng ta thường gọi là “Tin Mừng Thời Thơ Ấu” theo Thánh Mát-thêu (ch. 1-2) đã được thêm vào sau như Tựa Ngôn.
1. Hoang địa miền Giu-đê-a:
Việc thánh Gioan Tẩy Giả chọn hoang địa làm khung cảnh cho lời rao giảng của ông không phải là chuyện ngẫu nhiên. Đối với dân Ít-ra-en, hoang địa gợi lên biết bao kỷ niệm sống động trong tâm trí của họ. Hoang địa là nơi dân Ngài gặp gỡ Thiên Chúa của mình, là nơi Thiên Chúa kết giao đính ước với dân Ngài và cũng là nơi dân Ngài đã trải qua kinh nghiệm tôn giáo trong những gian nan thử thách. Đã có một khoa thần bí về hoang địa, mà sự hiện diện của cộng đoàn Qumran trong vùng đất này làm chứng. Cộng đoàn này chuẩn bị tâm hồn trong đời sống khổ chế, cầu nguyện và thanh tẩy để chờ đón kỷ nguyên Mê-si-a. Mặt khác, hoang địa ban cho “nước” ý nghĩa tròn đầy của nó: hơn bất cứ nơi nào khác, ở đây nước là sự sống, đồng nghĩa với ơn cứu độ. Sau cùng, hoang địa còn mang biết bao giá trị biểu tượng: chính hoang địa khô khan cằn cỗi của những tâm hồn mà Gioan Tẩy Giả mời gọi biến thành những mảnh đất tâm linh phì nhiêu.
2. Nước Trời đã đến gần:
“Anh em hãy ăn năn sám hối, vì Nước Trời đã đến gần”. “Ăn năn sám hối” được dịch từ động từ Hy lạp, có nghĩa: suy nghĩ lại, thay đổi tâm tư tình cảm, thay lòng đổi dạ, thay đổi cách ăn nếp ở, hoán cải, tức là từ bỏ đàng tội lỗi mà quay trở về cùng Thiên Chúa. Nguyên do của việc hoán cải là vì “Nước Trời đã đến gần rồi”.
Động từ Hy ngữ được dùng trong câu: “Nước Trời đã đến gần” ở thì hiện tại hoàn thành, vì thế, phải hiểu: “Nước Trời đã đến và hiện có mặt ở đây rồi”. Thánh Mát-thêu hầu như luôn luôn dùng diễn ngữ: “Nước Trời”, khác với thánh Mác-cô và thánh Lu-ca: “Nước Thiên Chúa”. Đây là kiểu nói sê-mít để tránh gọi tên cực thánh của Thiên Chúa. Ngoài ra, từ Hy-lạp “basileia” có nghĩa, “nước” hay “vương quốc”, hoặc “triều đại”. Thuật ngữ “triều đại” thích hợp hơn, vì trong Tin Mừng thuật ngữ này được dùng để chỉ không là một thực thể địa lý: một nước, một quốc gia, hay một vương quốc, nhưng là thời điểm thánh ý Thiên Chúa sẽ được thực hiện ở dưới đất cũng như ở trên trời. Đó là mục đích mà Thiên Chúa nhắm đến cho toàn thể vũ trụ như trong lời kinh Chúa dạy: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”.
Thánh Gioan Tẩy Giả cất tiếng kêu gọi sự hoán cải. Nhiều ngôn sứ đã cất cao lời mời gọi như thế rồi. Nhưng từ lâu, đã không còn có ngôn sứ nào xuất hiện trong dân Ít-ra-en kể từ ngôn sứ Ma-la-khi, Gioan Tẩy Giả là ngôn sứ cuối cùng, ông công bố Đấng Mê-si-a sắp đến rồi, ông là vị Tiền Hô mà ngôn sứ I-sai-a đã loan báo: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẳn con đường của Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”. Trong bối cảnh của mình, vị ngôn sứ I-sai-a đệ nhị loan báo cuộc hồi hương trở về của những người lưu đày Ba-by-lon sắp đến và mời gọi những người lưu đày này hãy chuẩn bị chờ đón Đức Chúa, Ngài sẽ thực hiện một cuộc xuất hành mới để dẫn dân Ngài hồi hương trở về quê cha đất tổ.
Như thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, thánh Mát-thêu trích dẫn Is 40: 3 theo bản Bảy Mươi chứ không theo bản gốc Hy bá. Có hai điểm khác nhau giữa bản văn Hy bá và bản văn Hy lạ về cách ngắt câu và về từ ngữ. Về cách ngắt câu, trong bản văn Hy bá cụm từ chỉ nơi chốn: “trong hoang địa” đi theo với câu sau và có một sự khác biệt của dụng ngữ giữa bản Bảy Mươi và bản Hy bá: thay vì “hãy mở một con đường” và “hãy vạch một con lộ”, bản Bảy mươi lại viết: “hãy dọn sẵn một con đường” và “hãy sữa cho thẳng những nẻo đường”. Như vậy, bản Hy-bá viết: “Có tiếng người hô: ‘Trong hoang địa, hãy mở một con đường cho Đức Chúa, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”, thì bản văn Bảy Mươi điều chỉnh lại: “Có tiếng người hô trong hoang địa: ‘Hãy dọn sẵncon đường cho Đức Chúa, hãy sữa cho thẳng những nẻo đường của Thiên Chúa chúng ta”. Vì thế, qua việc ngắt câu khác và qua các việc sữa đổi vài từ ngữ, bản Bảy Mươi đem lại cho sấm ngôn I-sai-a một chiều kích tâm linh hơn.
Các sách Tin Mừng Nhất Lãm trích dẫn Is 40: 3 theo bản Bảy Mươi, tuy nhiên các tác giả Tin Mừng có vài sữa đổi cho phù hợp với bối cảnh hiện nay của mình. Thay vì kiểu nói mơ hồ không xác định: “Có tiếng hô trong hoang địa” của bản Bảy Mươi, Tin Mừng Nhất Lãm thêm từ “người”: “Có tiếng người hô trong hoang địa”, nhờ đó Tin Mừng Nhất Lãm có thể áp dụng câu này vào sứ mạng của Gioan Tẩy Giả, vị Tiền Hô của Đấng Mê-si-a. Và thay vì kiểu nói: “sữa lối cho thẳng những nẻo đường của Thiên Chúa chúng ta” của bản Bảy Mươi, thì Tin Mừng Nhất Lãm lại thay từ “Người” cho từ “Thiên Chúa”: “sữa lối cho thẳng đểNgười đi”, nhờ đó Tin Mừng Nhất Lãm dể dàng quy chiếu đến Đức Giê-su.
3. Cách sống của thánh Gioan Tẩy Giả:
Cách ăn mặc quá đạm bạc của Gioan Tẩy Giả cho thấy mẫu gương của đời sống khổ chế và tấm lòng sám hối: mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da. Cách ăn mặc này gợi nhớ cách ăn mặc của các ngôn sứ nhiều lần được mô tả trong các bản văn Kinh Thánh, nhất là ngôn sứ Ê-li-a, vị ngôn sứ đã chọn cách ăn mặc như thế để bày tỏ sự phản kháng của mình chống lại thói xa hoa và hư hỏng của vương quốc Ít-ra-en (2V 1: 8). Ấy vậy, rõ ràng ngôn sứ Ê-li-a là vị ngôn sứ mà dân chúng đang mong đợi sự trở lại của ông vào thời đại Mê-si-a. Còn về châu chấu và mật ong rừng, mà vị Tiền Hô dùng làm lương thực, là những thức ăn được gặp thấy trong hoang địa này.
4. Phép rửa tỏ lòng sám hối:
Nghi thức phép rửa mà thánh Gioan Tẩy Giả đề xướng như dấu chỉ bày tỏ sự hoán cải là nghi thức rất phổ biến vào thời đó. Các vị lãnh đạo tôn giáo đòi hỏi các tân tòng muốn gia nhập vào cộng đoàn Ít-ra-en phải lãnh nhận phép rửa, ngoài phép cắt bì. Người Do thái thực hành nhiều nghi thức thanh tẩy, và họ còn thêm một số lượng lớn vào thời hậu lưu đày. Những nghi thức này được thực hành hằng ngày tại cộng đoàn Qumran. Tuy thế, phép rửa mà thánh Gioan Tẩy Giả đề xướng là một nghi thức thanh tẩy độc nhất vô nhị; bởi vì ngoài việc thanh tẩy bên ngoài, nghi thức này là dấu hiệu của việc thanh tẩy nội tâm: chuẩn bị tâm hồn để đón nhận ơn tha thứ tội lỗi, nhưng chưa có quyền năng tha thứ tội lỗi.
5. Khắp miền Giu-đê-a:
“Bấy giờ, người ta từ Giê-ru-sa-lem và khắp miền Giu-đê-a, cùng khắp vùng ven sông Gio-đan, kéo đến với ông”. Việc Gioan Tẩy Giả rao giảng thành công là điều chắc chắn. Sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta biết rằng có những cộng đoàn tự nhận mình là môn đệ của vị Tiền Hô lâu sau khi Gioan Tẩy Giả qua đời. Những cộng đoàn này đã được hình thành thậm chí vượt ra bên ngoài miền Giu-đê-a nữa, như ở Ê-phê-sô (Cv 19: 1-7) và ở A-lê-xan-ri-a (Cv 18: 24-25). Nhưng kiểu nói của thánh Mát-thêu “khắp miền Giu-đê-a” là kiểu nói phóng đại có chủ ý để nhấn mạnh trước sự tương phản mà sau này đám đông dân chúng căm thù Đức Giê-su bày tỏ ra.
6. Những người Pha-ri-sêu và những người Xa-đốc:
Đây là lúc tác giả Tin Mừng cất cao giọng: qua Gioan Tẩy Giả, thánh ký lớn tiếng tố cáo thói giả hình của những người Pha-ri-sêu và những người Xa-đốc, như sau này Chúa Giê-su cũng sẽ làm như vậy. Những người này đến chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối, nhưng tự thâm tâm, họ tự hào tự phụ rằng mình chẳng có gì phải sợ sự phán xét của Thiên Chúa cả, vì mình là “con cháu ông Áp-ra-ham” (x. Ga 8: 33-40; Rm 9: 7-8).
Thánh ký liên kết trong cùng một tiến trình hai nhóm người rất đối lập với nhau, bất đồng sâu xa về thái độ tôn giáo, xã hội và chính trị; nhưng họ đại diện những đối thủ tiêu biểu của Chúa Giê-su cũng như của Giáo Hội tiên khởi sau này. Những lời chỉ trích sinh động được đặt trên môi miệng của Gioan Tẩy Giả, tiên báo hoàn cảnh căng thẳng mà Chúa Giê-su và Giáo Hội tiên khởi sẽ trải qua.
– Phái Xa-đốc cốt yếu là giai cấp giáo sĩ; họ đại diện khuynh hướng bảo thủ tôn giáo: chỉ chấp nhận truyền thống văn tự mà các tư tế là những người chú giải duy nhất, chứ không các kinh sư giải thích Luật; họ thuộc vào giai cấp giàu có và tán thành cuộc chiếm đóng của đế quốc Rô-ma. Phái này biến mất sau năm 70, tức là, sau khi kinh thành Giê-ru-sa-lem bị sụp đổ và Đền Thờ bị phá hủy.
– Phái Pha-ri-sêu, đông hơn phái Xa-đốc nhiều, đại diện yếu tố sống động của Do thái giáo. Ngoài truyền thống văn tự, họ còn chấp nhận các truyền thống miệng. Nhưng lòng nhiệt thành của họ đối với Lề Luật đã sinh ra muôn vàn luật cảnh huống nghiêm nhặt; họ hình thành nên một tầng lớp trung lưu; họ không là những người phục vụ Đền Thờ nhưng phục vụ các hội đường; chính qua các kinh sư thuộc phái của họ mà họ có ảnh hưởng trên dân chúng. Những kinh sư danh tiếng nhất đều thuộc phái Pha-ri-sêu, như kinh sư Ga-ma-li-en, thầy của thánh Phao-lô sau này.
Gioan Tẩy Giả chỉ trích nặng lời hai nhóm này bằng ba câu. Trước hết, “Nòi rắn độc kia, ai đã chỉ cho các ngươi cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống vậy?”. “Ai”được ám chỉ ở đây nếu không là quỷ? Do đó, việc kể ra con rắn độc là ám chỉ đến con rắn của sách Sáng Thế, con rắn dẫn đưa con người đến chỗ xa rời Thiên Chúa.
Thứ đến, thánh Gioan nhắc nhớ rằng đừng tự hào tự phụ mình là con cháu ông Áp-ra-ham vì “Thiên Chúa có thể làm cho những viên đá này trở nên con cháu ông Áp-ra-ham”. Câu nói lạ lùng này dựa trên lối chơi chữ không thể dịch được: theo ngôn ngữ A-ram, từ “con cái ” là “benê” và “những viên đá” là “abênê”; tuy nhiên, ý nghĩa thì rất rõ ràng, thánh Gioan nhắc cho họ nhớ rằng đừng tự hào tự phụ mình là con cháu ông Áp-ra-ham, vì không có gì Thiên Chúa không làm được.
Và cuối cùng, “Cái rìu đã đặt sát gốc cây: bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa”. Trong Cựu Ước, dân Ít-ra-en được ví như cây không sinh quả tốt như lòng Thiên Chúa mong đợi. Như vậy, hành vi sám hối mà thánh Gioan mời gọi không đơn giản đón nhận nghi thức phép rửa mà phải phát sinh những việc lành phúc đức. Đó là điều Thiên Chúa chờ đợi ở nơi từng người tín hữu.
Theo văn mạch, chắc chắn những lời này nhắm đến tính phụ tự mãn của những người Pha-ri-sêu và những người Xa-đốc, nhưng bài học cũng được gởi đến cho bất cứ những ai lấy cớ này hay cớ nọ để ru ngủ tiếng lương tâm mình.
7. Đức khiêm hạ của vị Tiền Hô:
Gioan Tẩy Giả có một cảm thức sâu xa về sự cao cả của Thiên Chúa, đồng thời ông có một ý thức sắc bén về tội lỗi. Hai thái độ này chung chung được liên kết với nhau trong con người của Gioan: ông nhận ra sự nhỏ bé của mình trước Đấng đến sau ông đến mức ông không xứng đáng xách dép cho Ngài. Hình ảnh so sánh này rất sinh động: những hối nhân cởi dép để bước xuống sông Gio-đan. Quả thật, truyền thống dạy rằng không được bắt những nô lệ gốc Do thái làm những việc quá nặng nhọc hay thấp kém, như “cởi dép cho chủ hay rửa chân cho chủ”. Như vậy, thánh Gioan Tẩy Giả tự đặt mình vào hàng nô lệ rốt hết để ghi nhân một khoảng cách quá lớn giữa thánh nhân, vị Tiền Hô, và Đấng Mê-si-a mà thánh nhân có sứ mạng loan báo.
Sau cùng, thánh nhân tuyên bố phép rửa mà ông làm thì chưa đủ, bởi vì phép rửa trong nước này chỉ để giục lòng ăn năn sám hối chuẩn bị đón nhận ơn tha thứ mà Đấng Mê-si-a đem đến. Còn Đấng mà ông loan báo đến sau ông, Ngài sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa. Phép rửa của Ngài mới có quyền năng tha thứ tội lỗi.
8. Đấng Mê-si-a Thẩm Phán:
Gioan Tẩy Giả thoáng thấy Đấng Mê-si-a đến như một vị Thẩm Phán. Quả thật, đây là một chủ đề thường hằng của trào lưu ngôn sứ, các ngài loan báo “Ngày của Chúa” như Ngày Chung Thẩm và trình bày kỷ nguyên Mê-si-a như tham dự trước kỷ nguyên cánh chung. Đức Giê-su thật sự sẽ là vị Thẩm Phán của thời cuối cùng: sự hiện diện của Ngài sẽ đòi buộc một sự chọn lựa dứt khoát.
Hình ảnh mùa gặt là hình ảnh kinh điển để chỉ về cuộc tụ họp vĩ đại của ngày cánh chung, ví dụ như Is 27: 12: “Rồi ngày kia Đức Chúa sẽ đập lúa từ sông Cả cho tới suối Ai-cập. Và anh em, hỡi con cái Ít-ra-en, từng người một, anh em sẽ được Chúa mót nhặt về”. Chủ đề“lửa” xuất hiện ở đây với hai giá trị: lửa thanh luyện người công chính và ngay lành, vì thế, tác dụng của lửa gần với tác động của Chúa Thánh Thần: “Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thần Khí và lửa”; đồng thời cũng là lửa trừng phạt không hề tắt sẽ thiêu hủy những kẻ bất chính và bất lương.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã thấy sự xuất hiện của Đức Giê-su như vị Thẩm Phán: thưởng những người lành thánh và phạt những kẻ gian ác. Vì thế, thánh nhân so sánh hành động của Ngài như một người tiều phu dùng rìu hạ những cây nào không sinh trái tốt và như một người nông dân sàng sẩy sân lúa, lúa tốt thì chất vào khó lẫm, còn lúa xấu thì sẽ dùng lửa không hề tắt mà thiêu hủy.
Lm Inhaxiô Hồ Thông