Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến
(Mt 3,1-12)
Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần đến (Mt 3,1-12). Thánh Gioan Tẩy Giả kêu gọi mọi người ăn năn sám hối để đón nhận nhận Phép Rửa của Chúa Giêsu: Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa, còn Đấng đến sau tôi, Người sẽ rửa trong Thánh Thần. Ngài cầm nia trong tay mà sẩy sân lúa của Ngài, rồi thu vào kho, còn rơm thì đốt đi trong lửa không hề tắt.
Sám Hối được dịch từ chữ metanoia, có nghĩa là quay trở lại. Thế nên người ta nhấn mạnh đến động tác quay trở lại. Từ Hy Lạp metanoia ghi rõ sự lật ngược đó, sử dụng hai gốc từ, meta nhấn mạnh đến sự đảo lộn, lộn ngược, gốc từ thứ hai cho biết cái gì đã bị đảo lộn (nous), nghĩa là phần thiêng liêng sâu nhất, đáy lòng con người. Đây là một cuộc cách mạng bên trong chúng ta. Đây là một sự xáo trộn tận gốc rễ làm cho một người quay gót trở lại để dấn bước trong một hướng mới.
Tiến trình của Sám Hối được chia làm ba giai đoạn:
– Giai đoạn thứ nhất: sa ngã phạm tội
– Kế đó là bước quyết liệt của sự trở lại với Chúa
– Sau cùng là tiến lên đi tìm sự trọn lành
Thực tế thì không đơn giản cũng không phức tạp như vậy vì ân sủng là chính sự đơn sơ. Khó khăn ở chỗ là đời sống trong Chúa Thánh Thần đâu dễ gì nhìn thấy, những con đường xung yếu lại đan chéo vào nhau không phải lúc nào cũng dễ phân biệt được những con đường đó.
Quả vậy, tội lỗi, sám hối, và ân sủng đâu phải chỉ là ba giai đoạn nối đuôi nhau.
Trong cuộc sống thường nhật, chúng rối rắm, đôi khi khó gỡ. Chúng lớn lên chung với nhau. Tôi không bao giờ hoàn toàn ở bên này hay bên kia. Tôi không ngừng ở trong cả ba. Tội lỗi, sám hối và ân sủng là cơm gạo và thân phận hằng ngày của tôi. Thậm chí cả trong Nước Trời đang hiện diện trên trần thế cũng vậy, chính Đức Giêsu đã nói, nơi đó những người tội lỗi cũng không thiếu vắng. Trái lại, những người thu thuế và gái điếm lại vào trước và dẫn đầu những người khác (Mt 21,28-32).
Ba giai đoạn này không phải là ba bậc thang giá trị, chúng ta không bước từ bậc này lên bậc kia như thể bước lên bậc tam cấp. Cũng không phải là ba quân hàm mà chúng ta gắn liền với nhau trên vai áo. Không, trước giờ chết, chúng ta sẽ không bao giờ vĩnh biệt hẳn trạng thái này hay trạng thái kia trong ba trang thái. Chúng ta luôn luôn là những người tội lỗi không ngừng đang sám hối, và trong sự sám hối đó chúng ta đang không ngừng được Thần Khí của Thiên Chúa thánh hoá.
Thật là ảo tưởng khi nghĩ rằng chỉ cần sám hối một lần là đủ.
Không, muôn đời chúng ta luôn là những con người tội lỗi, nhưng là những người tội lỗi được thứ tha, đang sám hối. Không thể có thứ thánh thiện nào khác tại thế, vì ân sủng không thể hoạt động cách khác.
Sám hối là luôn bắt đầu trở lại sự đảo ngược nội tâm, qua đó, sự nghèo nàn của con người chúng ta – cái mà thánh Phaolô gọi là xác thịt – quay về với Thiên Chúa. Công việc đó không bao giờ hoàn tất vì nó luôn ở giai đoạn bắt đầu.
Antôn vĩ nhân, thượng phụ và là cha của mọi đan sĩ, đã nói cách vắn gọn: “mỗi buổi sáng tôi tự nhủ: hôm nay tôi bắt đầu”. Và tu sĩ Poimon, người tu rừng thứ hai trong danh sách, nổi tiếng sau thánh Antôn, người ta kể rằng, trên giường chết khi sắp xuôi tay lìa đời, người ta ca ngợi ông đã sống qua một cuộc đời hạnh phúc, đức độ và có thể tiến ra trước mặt Chúa thì ông trả lời: “tôi còn phải bắt đầu, tôi mới bắt đầu sám hối thôi”. Và ông khóc than cho số phận mình.
Thật vậy, sám hối luôn là vấn đề thời gian, con người cần thời gian và Thiên Chúa cũng cần thời gian với chúng ta. Chúng ta sẽ xuất phát từ một hình ảnh hoàn toàn sai lệch về con người nếu chúng ta nghĩ rằng, những chuyện đại sự trong cuộc sống con người có thể thực hiện ngay và vĩnh viễn một lần. Con người là như thế đó, phải có thời gian để lớn lên, để chín mùi và để triển khai tất cả những khả năng của mình. Thiên Chúa biết điều đó hơn ta, cho nên Ngài chờ đợi, chờ đợi và Ngài không bỏ cuộc.[1]
Ngày hôm nay, thời gian được ban cho chúng ta để mỗi ngày biết Thiên Chúa nhiều hơn, đó luôn là thời gian sám hối và ân sủng, quà tặng của lòng từ bi nhân hậu của Ngài. Ở đây cũng cần nói rõ điều này: không nơi nào, không một tôn giáo nào, lại có thể nói đến sự thống hối như truyền thống Kitô Giáo vẫn hiểu, chỉ có trong Tin Mừng. Lòng thống hối Kitô Giáo không thể so sánh với bất cứ kinh nghiệm tự nhiên nào, mọi cố gắng để “bắt chước”, sẽ trở thành lố bịch. Lòng thống hối là hoa quả của Thánh Thần và là dấu vết chắc chắn nhất Ngài đang hoạt động trong tâm hồn chúng ta.Amen.
LM Giuse Đỗ Văn Thụy
[1] André Louf, Au gré de sa grâce (buông theo ân sủng), trg.13-16