Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 2 mùa Vọng năm A của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 2 mùa Vọng năm A của Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Thánh Gioan Tiền Hô, nói và làm

Mỗi khi Mùa Vọng đến, có một nhân vật luôn được nhắc đến, một nhân vật không thể vắng bóng trong Mùa Vọng, đó là Gioan Tiền Hô, vì đời sống của ngài gắn liền với Đấng Cứu Thế. Ngài là “tiếng nói của người kêu”, là “hình bóng của một sự thật”, là “đèn đốt nóng cháy sáng”, là “ngôn sứ cuối cùng” được Thiên Chúa chọn làm người mở đường cho Chúa. Ngài sẵn sàng sống và chết cho Chúa, ước vọng và mục đích duy nhất đời ngài là làm sao danh Chúa được tôn cao. Ngài biết rằng sứ mệnh của ngài là giới thiệu Chúa Giêsu rồi lui vào bóng tối để Chúa tiến ra ánh sáng. Ngài cũng không buồn phiền, nhưng lại vui vì khi thấy số môn đệ của mình càng ngày càng giảm đi, trong khi các môn đệ của Chúa càng ngày càng tăng thêm. Những thái độ đó của Gioan chứng minh ngài yêu Chúa vô cùng. Chỉ có tình yêu như vậy, ngài mới có thể lui vào bóng tối nhường ánh sáng cho Chúa Giêsu. Với tình yêu như vậy, ngài mới có thể mở đường cho Chúa.

Vậy, Gioan Tiền Hô là ai ? Ngài là con duy nhất của một gia đình hiếm muộn, son sẻ là ông Da-ca-ri-a và bà Ê-li-sa-bét, cả hai đều đã cao  niên, già cả. Có lẽ ngài sinh ra ở A-in ka-rim, một làng gần Giê-ru-sa-lem.

Buổi thiếu thời và tráng niên của ngài chỉ được ghi lại trong một lời vắn tắt như sau : “Hài nhi lớn lần, trở nên dũng mạnh về thần trí và sống trong nơi hoang tịch cho đến ngày ra thi hành sứ mệnh cùng dân Ít-ra-en”. Tuy nhiên, chúng ta biết thêm : ngài sống đời khổ hạnh : y phục thì chỉ có một áo choàng bằng lông lạc đà, là một kiểu áo ăn chay đánh tội mà các ngôn sứ xưa thường dùng đến, ngang lưng thắt một dây da để hãm mình ép xác, còn của ăn thì lại càng bấp bênh, nhờ vào “may rủi” của Chúa quan phòng, là ăn châu chấu và mật ong rừng.

Vào mùa thu năm 27, dưới thời hoàng đế Tibêriô, ngài ra đi truyền đạo khắp vùng Giuđê, Galilê và vùng phụ cận sông Giođan. Điệp khúc rao giảng của ngài là “Hãy sửa đổi đời sống, hãy ăn năn sám hối”. Lời rao giảng của ngài “sóng gió” cho mọi tầng lớp, từ lớp “rắn lục” trở xuống. Cả vua Hêrôđê cũng bằng lòng nghe ngài giảng. Sử gia Fơ-la-vi-ô ghi rằng : “Gioan có ảnh hưởng sâu đậm trên quần chúng, đến nỗi họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì ông răn bảo”. Hết mọi hạng người đến gặp ngài, để xin ngài chỉ dạy cách phải sống. Làm thế nào Gioan Tiền Hô đã trở thành một người rao giảng đầy uy quyền, kêu gọi được người ta ăn năn sám hối và sửa đổi đời sống ? Tại sao lời giảng dạy của ngài lại được nhiều người đương thời lưu ý ? Câu trả lời là Gioan Tiền Hô đã nói sau khi làm, đã sống, đã kinh nghiệm rồi mới nói. Đây cũng là điều chúng ta đặc biệt chú ý và tìm hiểu.

Quả thực, chính Gioan đã ăn năn sám hối trước, ngài đã vào sa mạc trước để ăn chay hãm mình. Trong những năm trường ở sa mạc, ngài đã thực sự ăn năn và sống với Chúa mỗi ngày. Những ngày tháng cô đơn, buồn tẻ của sa mạc đã tinh luyện ngài thành con người hữu ích và hữu dụng cho nước trời. Chính kinh nghiệm đời sống khắc khổ của sa mạc đã làm ngài trưởng thành và kinh nghiệm mà hướng dẫn được người khác. Ngài thực là một con lạc đà khỏe mạnh, đủ sức chịu đựng, đã mang ách đời mình và dẫn anh em đến với Chúa. Vì thế, mọi bậc người đều tuốn đến với ngài. Bí quyết thành công của ngài chính là làm rồi hãy nói, việc làm không mâu thuẫn với lời nói, và lời nói không thể mâu thuẫn với việc làm. Đó là bí quyết để sống và truyền sức sống sang cho người khác. Gioan không thể kêu gọi người ta sám hối, nếu thực sự ngài không ăn năn. Gioan không thể kêu gọi khiêm nhường, nếu ngài không thực sự khiêm hạ trước mặt Chúa. Gioan không thể kêu gọi bác ái, nếu ngài chưa sống khắc khổ và hi sinh vì người khác. Ngài được người ta nghe theo, chỉ vì ngài đã làm và nói những gì ngài đã từng kinh nghiệm. Khác với những người Pha-ri-sêu thời đó, đa số là giả dối, nói mà không chịu làm, hoặc làm cái không nói. Gioan đã không đi vào con đường đó, ngài làm trước nói sau, và ngài đã hoàn tất vai trò dọn đường cho Đấng Cứu Thế.

Bây giờ nhìn về chúng ta, trong khi dọn đường cho Chúa đến lần thứ hai, mỗi người chúng ta cũng phải là một Gioan đích thực của thế hệ mình sống. Chúng ta phải dùng thời gian và khả năng của mình để dọn đường cho Chúa Giêsu trở lại. Tất cả chúng ta phải là Gioan trong đời sống, dù nhỏ bé tầm thường tới đâu, nghĩa là chúng ta phải sống đúng như lời Chúa dạy, và như lời chúng ta nói. Khi chúng ta nói mong chờ Chúa đến, thì chúng ta có sống như thế không, hay là lại làm cho Chúa đừng đến ? Biết bao nhiêu người nói về Chúa rất hay, đi nhà thờ, đi lễ rất chăm chỉ, nhưng lại thất bại trong đời sống, vì thái độ và nếp sống của họ không trình bày cho người khác biết đến Chúa. Hơn nữa, hiện giờ chúng ta đang ở trong Mùa Vọng, chúng ta có thấy mình sống khác những mùa khác trong năm không ? Chúng ta có biết sống hy sinh, hãm mình để đi theo Chúa không ? Chúng ta có ăn năn tội mỗi ngày để đón Chúa đến không ? Chúa Giêsu đang đứng trước dòng lịch sử nhân loại, nhưng Ngài chưa bước vào nếu chúng ta chưa dọn đường cho Ngài trở lại, hay ít ra chúng ta hãy dọn đường cho Ngài đến với anh em chúng ta. Bao nhiêu người đang cần đến chúng ta làm môi giới để đến với Chúa hoặc Chúa đến với họ. Chúng ta có mở đường hay bít lối ?

Cụ thể, việc chúng ta cần phải làm và làm ngay trong Mùa Vọng là quyết tâm sửa đổi đời sống, một sự quyết tâm kiên trì như một chiến sĩ La Mã kia, anh bị thương rất nặng từ chiến trường trở về. Dù hấp hối, nhưng tay anh vẫn cầm dây cương điều khiển con ngựa phi cho đến nhà. Đang khi đi ngang qua thành phố, chiến sĩ đó kêu lên : “Dù tôi chết, tôi vẫn cầm cương ngựa”. Câu nói này chứng tỏ chí khí anh hùng của người chiến sĩ, mà chúng ta cần noi gương. Trước những cám dỗ, những khó khăn, những hoàn cảnh thử thách, những nết xấu, những tội lỗi, chúng ta đừng bao giờ kéo cờ trắng đầu hàng. Chúng ta phải cố gắng để vượt qua, chúng ta phải kiên trì cầm dây cương cho đến chiến thắng cuối cùng. Nói cụ thể hơn, dù hôm nay tội lỗi chúng ta có ngập tràn, dù đời sống chúng ta có bê bối xấu xa, chúng ta cũng đừng chán nản buông xuôi, chúng ta hãy quyết tâm sửa đổi lại và hãy thưa với Chúa những lời sau đây hoặc những lời tương tự :

“Lạy Chúa, chúng con thường ngại khó, sợ khổ và dễ buông xuôi, thất vọng khi gặp khó khăn, hoặc nản lòng khi gặp thất bại. Xin cho chúng con nhận ra giới hạn đời mình và đời người để chúng con biết sửa đổi đời sống và biết tin cậy vào Chúa mà sống cho đẹp lòng Chúa”.

Lm Giacôbê Phạm Văn Phượng op

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …