Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 2 mùa Vọng năm A của Lm FX Vũ Phan Long, ofm

Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật 2 mùa Vọng năm A của Lm FX Vũ Phan Long, ofm

LỜI LOAN BÁO CỦA GIOAN TẨY GIẢ 

Trong cuộc dấn thân đức tin, con người cứ phải liên tục rà soát lại bản thân để có thể đáp trả trọn vẹn hơn những đòi hỏi của Thiên Chúa.


Lm FX Vũ Phan Long, ofm


1.- 
Ngữ cảnh

Phần Mở của Tin Mừng Mt đi từ 1,1–4,16. Về nội dung, trong bốn chương mở đầu này trước khi Đức Giêsu xuất hiện công khai, có hai người khám phá ra Đức Giêsu là ai, theo hai đường song song và riêng tư: Giuse (ch. 1–2) và Gioan Tẩy Giả (ch. 3–4). Giuse thì được thiên thần Chúa báo tin trong giấc mơ rằng Đức Giêsu là con (cháu) vua Đavít, còn Gioan thì được một tiếng từ trời cho biết Đức Giêsu là Con Thiên Chúa. Cả hai vị đều muốn tránh né ơn gọi đặc biệt các vị được mời đảm nhận trong liên hệ với Đức Giêsu, vị đầu sẽ đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua Đavít, vị sau sẽ trở thành khí cụ để tấn phong làm Đấng Mêsia trong phép rửa. Trong cả hai trường hợp, cảm thức về sự bất xứng của hai vị đã là động lực khiến các vị có thái độ như thế (chính theo nghĩa này mà ta phải hiểu sự “bối rối” của Giuse). Nhưng sự băn khoăn bối rối của các vị đã được thiên thần hoặc chính Đức Giêsu đánh tan. Cuối cùng, cũng như Giuse, khi chấp nhận đưa Đức Giêsu vào trong dòng dõi vua Đavít, đã kéo theo cuộc bách hại của vua Hêrôđê, Gioan Tẩy Giả, khi chấp nhận ban phép rửa cho Đức Giêsu và tạo cho Người cơ hội được tấn phong làm Đấng Mêsia, đã kéo theo những đợt tấn công của Satan.

Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là phân đoạn đầu thuọc nửa hai của Phần Mở.

Phần hai của phần Mở dường như  làm thành một bức tranh bộ đôi: ba đoạn liên hệ đến Gioan, và ba đoạn liên hệ đến Đức Giêsu. Về Gioan: giới thiệu tổng quát về bản thân và sứ vụ của ông (3,1-6); lời rao giảng sự sám hối (3,7-10); lời rao giảng về Đấng Mêsia (3,11-12). Về Đức Giêsu: phép rửa (3,13-17); các cám dỗ (4,1-11); các lời mào đầu về sứ vụ (kết thúc sứ vụ của Gioan, Đức Giêsu trở về Galilê, Người cư ngụ ở Caphácnaum: 4,12-16).

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành ba đơn vị:

1) Những chi tiết tổng quát về bản thân và sứ vụ của Gioan (3,1-6);

2) Lời rao giảng sự sám hối (3,7-10);

3) Lời rao giảng về Đấng Mêsia (3,11-12).

 

3.- Vài điểm chú giải

– Hồi ấy, ông Gioan Tẩy Giả đến (1): Động từ paraginomai có nghĩa là “đến, xuất hiện [trên sân khấu]”. Sau này, Đức Giêsu cũng được TM I giới thiệu như thế ở 3,13. Gioan Tẩy Giả chính là người giới thiệu trước Đức Giêsu. Cả hai đều hoạt động tại hoang địa, loan báo Nước Trời và sự hoán cải (3,2 // 4,17), và có làm một phép rửa (c. 11a // c. 11c). Chỉ có điều Đức Giêsu “mạnh hơn” (c. 11), nên Gioan không xứng đáng xách dép cho Người (c. 11), càng không xứng đáng làm phép rửa cho Người (c. 14). 


– hoang địa
 (1): Đây là một ghi chú địa lý (thung lũng sông Giođan), nhưng hơn thế nữa, còn là một ghi chú thần học. Trong truyền thống Kinh Thánh, “hoang địa” là nơi lý tưởng để gặp gỡ Thiên Chúa (x. Hs 12,16-22; Gr 2,2-3; Ed 16,23; Đnl 8,2). Trong hoang địa, Đức Chúa (Yhwh) đã nói với Môsê (Xh 3), với Israel (Xh 19), với ngôn sứ Êlia (1 V 19).


– Ông rao giảng
 (1): Động từ Hy Lạp kêryssô, “làm người tiền hô; rao giảng; loan báo”. Đây là một động từ chuyên biệt của Tân Ước (61 lần) để chỉ công việc công bố Tin Mừng. Các chủ từ của động từ này luôn luôn là Gioan (3,1), Đức Giêsu (4,17) và các Tông Đồ (10,7). Đối tượng của việc công bố này luôn luôn là Tin Mừng, Nước Thiên Chúa. Vì được vay mượn từ Cựu Ước (38 lần, theo Bản LXX. Xem chẳng hạn Is 61,1tt), như thế động từ này nối kết Gioan Tẩy Giả vào truyền thống các ngôn sứ, thiên sai và khải huyền.


– hối cải 
(2): Động từ metanoeô, “suy tưởng sau”, “suy nghĩ tiếp đó”; “thay đổi ý kiến”; “hối tiếc”, “hối hận”, “hoán cải” (động từ Híp-ri shub). Đây là việc chuyển đi từ tình trạng này sang một tình trạng khác, tức là thay đổi trọn vẹn lối sống. Sự thay đổi này có một phương diện tiêu cực (bỏ [apo, from] con đường tội lỗi: x. Cv 8,22; Dt 6,1) và một phương diện tiêu cực (quay về [eis, epi, to] với Thiên Chúa: Cv  20,21; 26,20).

Trong TM Mt, danh từ metanoia được dùng 2 lần (3,8.11) và động từ metanoeô được dùng 5 lần (3,2; 4,17; 11,20; 11,21; 12,41). Xin so sánh: metanoiaMc một lần, Lc 5 lần, Ga 0 lần, Cv 6 lần, Phaolô 4 lần, Dt 3 lần, 2 Pr một lần; metanoeôMc 2 lần, Lc 9 lần, Ga 0 lần,Cv 5 lần, Phaolô một lần, Kh 12 lần. Tác giả chỉ áp dụng động từ metanoeô cho hoạt động của Gioan Tẩy Giả (3,2) và Đức Giêsu (4,17) mà thôi, tức là chỉ liên kết vị Tiền Hô và Đức Giêsu với nhau.


– Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi
 (3): Câu này trích ở đầu “Sách Yên Ủi” (Is 40–55). Bản văn Híp-ri là: “Có tiếng người hô: Trong hoang địa, hãy dọn sẵn một con đường cho Yhwh (Đức Chúa); trong hoang giao, hãy san bằng một lối đi cho Thiên Chúa chúng ta”. Bản LXX: “Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, hãy sửa cho thẳng những nẻo đường của Thiên Chúa chúng ta”. Các bản văn đều không xác định ai là “người hô”; phải chăng một thiên thần? Các Tin Mừng đã trích Bản LXX, và gán cho Gioan là “người hô”, và thay thế “Thiên Chúa” bằng đại từ “Người” để áp dụng cho Đức Giêsu.       


– mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da, lấy châu chấu và mật ong rừng làm thức ăn
(4): Trichas kamêlou, “lông lạc đà”, không có nghĩa là “da” lạc đà; đây là cái áo dài và rộng dệt bằng lông lạc đà. Zônê, “dây thắt lưng”, không phải là dây thắt lưng của người Tây phương, nhưng là một thứ như cái “ruột tượng” của ta. “Châu chấu” là thức ăn của các dân trong sa mạc (rang với muối hay phơi khô, ăn với dấm và mật ong rừng hoặc làm nhân bánh đa). Kiểu mô tả Gioan khiến độc giả nhớ đến ngôn sứ Êlia (x. 2 V 1,8); thật ra Mt mặc nhiên nói rằng Gioan là ngôn sứ Êlia.


– nhiều người thuộc phái Pharisêu và phái Xađốc đến chịu phép rửa
 (7): dịch sát là “đến với (giới từ epi + đối-cách[1]: “trên; về phía; nhằm mục đích”) phép rửa”. Câu văn có phần hàm hồ: có thể hiểu là họ đến nhận phép rửa hoặc đến nơi có ban phép rửa. Một đàng, chúng ta được biết là họ không tin vào Gioan và không chấp nhận phép rửa của ông (x. Mt21,32), nên có thể cho rằng họ đến là để điều tra về ông (x. Ga 1,19-28). Nhưng đàng khác, vì có lời trách của Gioan: “Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ…”, nên rất có thể họ đến nhận phép rửa thật sự, dù lòng họ không tin. 

Phái Pharisêu (= những người “tách biệt”) phát sinh vào thời dòng họ Macabê (x. 1 Mcb2,42). Sử gia Gioxép cho biết vào lúc đó, họ có khoảng 6.000 thành viên (Ant. J., 18,42), trong đó có một vài tư tế, còn đa số là giáo dân, được chiêu mộ trong số các kinh sư hoặc tiến sĩ Luật. Là những người trung thành với Lề Luật và truyền thống truyền miệng nhận từ các tiền nhân, họ đã trở thành những người linh hoạt đời sống thiêng liêng của dân Chúa vào thời Đức Giêsu. Về mặt chính trị, họ bảo vệ quyền tự quyết của dân tộc Do Thái và tỏ ra dè dặt trong các quan hệ với người Rôma.

Phái Xađốc, là hậu duệ của thượng tế Xađốc (thời vua Salômôn: 1 V 2,35), chính là phái các tư tế, vì quy tụ các gia đình tư tế giàu có. Họ chấp nhận các thói tục Hy Lạp và thích nghi với nền đô hộ Rô-ma. Về phương diện tôn giáo, họ nhìn nhận Tôra, tức Bộ Ngũ Thư, loại bỏ truyền thống khẩu truyền, không tin vào sự sống lại, sự hiện hữu của các thiên thần và sự quan phòng của Thiên Chúa. 


– Nòi rắn độc
 (6): nghĩa là dòng dõi của Satan. St 3 đã coi con rắn là loài “rất tinh khôn” (phronimôtatos). Nó là biểu tượng của sự “khôn khéo” (như rắn: 10,16), nhưng hơn nữa là biểu tượng của sự gian tà xấu xa, do nó cắn và giết người ta bằng nọc độc (x. 12,34; 23,33). Sau này, con rắn được kết nối với Satan (x. Kh 12,9). Lời mắng của Gioan hoàn toàn ngược lại với niềm tự hào của người Pharisêu về bản thân họ (“Chúng ta có tổ phụ [cha] là ông Ápraham”, c. 9; x. Ga 8,3).


– cơn thịnh nộ 
(7): “Cơn thịnh nộ [orgê]” ở dạng tuyệt đối[2] có nghĩa là cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, được tỏ ra trong “Ngày của Đức Chúa” (x. Is 13,6-9; Xp 2,2; Ml 3,2.23-24). Các ngôn sứ khẳng định “cơn giận” này sẽ được giáng xuống trên những kẻ tội lỗi (x. Am3,2), nhưng Do Thái giáo thời Tân Ước lại dạy rằng cơn giận này chỉ được giáng xuống trên Dân Ngoại, đặc biệt trên những kẻ áp bức Israel: như thế là bắt đầu quan niệm về Đấng Mêsia chính trị.


– những hòn đá này trở nên con cháu
 (9): Có lẽ ở đây có một kiểu chơi chữ bằng tiếng A-ram: hai từ số phức abenyyâ’, “những hòn đá” và benayyâ’, “những con cháu”, nghe gần giống nhau.


– gốc cây
 (10): Trong Cựu Ước, “cây” là hình ảnh chỉ “dân chúng” (cây vân hương: Is 6,13; cây hương bá: Ed 31,10-13; một cây [= đế quốc Babylon]: Đn 4,7-12).


– quăng vào lửa 
(10): Lửa thiêu đốt tượng trưng hình phạt Thiên Chúa giáng xuống trên kẻ vô đạo (x. Am 1,4–2,5; Ed 22,18-22; Xp 1,18; Ml 3,2-19; Is 66,15-16).


– quyền thế 
(11): dịch sát là “mạnh hơn” (ischyroteros, do danh từ ischys, “sức mạnh; quyền lực; quyền thế”).


– trong Thánh Thần và lửa
 (11): Trong Cựu Ước, lửa đôi khi được dùng với ý nghĩa là mộtphương tiẹn để thanh luyện (Lv 13,52; Ds 31,23; Ml 3,2; Dcr 13,9), để biện phân hoặc tách biệt (Gr 23,29; Is 33,14), và để xét xử (St 19,24; Xh 9,24; Tv 66,12; Is 43,2). Vậy có thể hiểu là Chúa Thánh Thần tẩy luyện như lửa (Khi đó, liên từ  có vai trò giải thích). Nhưng ở c. 10 và đến c. 12, “lửa [không hề tắt]” lại là “hình phạt, tức là “cơn thịnh nộ” của Thiên Chúa (x. c. 7). Vậy hợp lý là cho rằng không lý gì mà tác giả thay đổi quá nhanh ý nghĩa của một từ như thế từ c. 10 sang 11 rồi lại trở về nghĩa cũ ở c. 12 mà không báo trước gì cả, nên “lửa” ở cc. 11-12 đều có nghĩa là “cơn thịnh nộ” con người gánh chịu khi đối diện với sự thánh thiện của Thiên Chúa (Khi đó, liên từ và thêm vào một sắc thái đặc biệt). Xem dụ ngôn “Cỏ lùng” (Mt 13,37-42). 

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Giới thiệu tổng quát về bản thân và sứ vụ của Gioan (1-6)

Các ghi chú của Mt về Gioan không phải là một bản tiểu sử, nhưng là một bản văn mang tính thần học và biện giáo. Các ghi chú này không nhắc đến hoàn cảnh gia đình ông, cuộc chào đời, ơn gọi (như Lc 1–2), nhưng chỉ nêu ra những điểm liên hệ đến con người và hoạt động của ông, nơi chốn, đề tài và nội dung lời ông rao giảng, các nghi thức kèm theo.

Gioan xuất hiện trong hoang địa, nơi gặp gỡ với Thiên Chúa, nơi đã là sân khấu cho mộtthời kỳ hồng ân, khi dân Israel đang tiến về Đất hứa, sống trong tình trạng thân mật với Thiên Chúa (Đnl 2,7; Gr 2,2t; Hs 2,16). Ông xuất hiện như là nhà rao giảng về Đấng Mêsia (cc. 1-3) với dáng vẻ một ngôn sứ (c. 4); đặc biệt với y phục của ông, ông giống với ngôn sứ Êlia (x. 2 V 1,8) là vị ngôn sứ mà dân chúng chờ đợi đến để khai mạc thời đại thiên sai (x. Ml 3,23; Mt 11,10). Quả thật, vào thời ấy, người ta tin rằng Êlia chưa chết thật, nên ông sẽ tái xuất hiện để giới thiệu Đấng Mêsia cho thế giới. Nhưng Mt cho biết rằng ngôn sứ Êlia mà người Do Thái vẫn trông mong chính là Gioan (x. Mt 11,14; 17,13). Mt giới thiệu Gioan như một ẩn sĩ (x. 11,8), ăn mặc thô sơ, ăn uống kham khổ (3,4) và so sánh lời rao giảng của ông với một lời than vãn trong đám tang (x. 11,17). Ông đã loan báo một sứ điệp được tóm tắt là: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần” (c. 2).

Ông Gioan không nói cho biết “Nước Trời” nghĩa là gì; nhưng chúng ta biết những nỗi niềm chờ mong của dân chúng thời Đức Giêsu. Israel đã được những vị vua bất trung và bất xứng cai trị lâu quá rồi. Ho nghĩ, nay đã đến lúc Thiên Chúa nắm lấy mọi sự và thay đổi. Có những nhà thuyết giảng đến bảo dân chúng đừng mất tinh thần, họ bảo rằng thế giới cũ sắp chấm dứt rồi, và một thế giới mới sẽ đến. Khi đó, những buồn phiền đau khổ không phải là dấu chỉ của sự chết, mà là của sự sống, giống như những đau đớn của người mẹ sắp sinh con. Đấng Mêsia sẽ chà đạp những kẻ áp bức và một vương quốc mới sẽ được thiết lập, trong đó Thiên Chúa trực tiếp cai quản. Dân chúng sẽ làm bất cứ đòi hỏi nào để được vào trong vương quốc ấy.

Dân chúng “từ Giêrusalem và khắp miền Giuđê, cùng khắp vùng ven sông Giođan, kéo đến” với Gioan. Ghi chú này có phóng đại nhưng không phải là không có phần đúng, bởi vì vào những thời điểm có những căng thẳng trầm trọng về tôn giáo và chính trị, một ngôn sứ thường thành công. Gioan làm một nghi thức diễn tả lòng thống hối kèm theo lời rao giảng (c. 6). Cách làm của Gioan hoàn toàn phù hợp với bối cảnh thời ông, khi mà người ta vẫn cử hành các nghi thức thanh tẩy được Lề Luật quy định (x. Lv 14–15). Nhưng cách làm của ông cũng có phần khác: phép rửa của ông được ban dưới dấu chỉ metanoia, của sự hoán cải luân lý, tức là lấy lại điểm cốt yếu trong giáo huấn của Cựu Ước, nhưng đặt vào viễn tượng của Nước Thiên Chúa đang đến gần. Không có chỗ nào nói rằng nhờ nghi thức này, người ta được tha các tội, nhưng nghi thức này đánh dấu việc thay đổi đã xảy đến hoặc sắp xảy đến nơi người nhận phép rửa.

 

* Lời rao giảng sự sám hối (7-10)

Lời rao giảng của Gioan mà Mt ghi lại là những lời đe dọa hơn là một lời loan báo đầy tính an ủi. Giọng điệu của bài là giọng châm biếm, nội dung thì mang tính khải huyền. Thay vì nói đến ơn cứu độ gần kề, hay là giảng về phép rửa, Gioan cho thấy “ngày của Đức Chúa” (ngày phán xét) đã gần bên, ngày chất chứa cơn thịnh nộ đổ xuống dân Chúa (x. Am 5,18-20; Hs 6,1-3; 9,7-9; Mk 4,6-7).

Có những người thuộc phái Pharisêu và Xađốc đã đến có lẽ để nhận phép rửa dù không tin, Gioan đã gọi họ bằng một tên rất nặng: “nòi rắn độc”, họ là những đứa con thoái hóa của tổ phụ Abraham (c. 9), những cây không sinh quả (c. 10). Không một ngôn sứ nào trong Cựu Ước đã nói với cử tọa nặng lời như thế. Và Gioan khẳng định rằng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sẽ giáng xuống trên mọi kẻ tội lỗi, dù là Dân Ngoại hay Do Thái; do đó, mọi người phải hoán cải và nhận phép rửa để được tái tháp nhập vào dân Israel chân chính. Sau này tư tưởng này được hỗ trợ bằng các hình ảnh “cái rìu”, “lửa” và “công việc sàng sảy lúa” (cc. 10.12). Đứng trước cái khối người kiêu ngạo và phản loạn này, Gioan nói như thể để phản đối và thách thức: “Ai đã chỉ cho các anh cách trốn cơn thịnh nộ của Thiên Chúa sắp giáng xuống?” Câu hỏi này là kiểu nói hùng biện nhằm nhấn mạnh rằng không thoát được án phạt. Dù thế vị Tiền Hô cũng nói với họ một lời khích lệ. Để tránh được “cơn thịnh nộ gần kề”, chỉ có một con đường duy nhất, con đường hoán cải, được chứng thực không phải bằng lời nói suông, mà bằng những công việc tốt lành (c. 8; x. 5,16). Người hoán cải là một cây mới đang cho thấy có sự thay đổi tích cực (“quả”). Dân Do Thái tưởng rằng họ sẽ thoát khỏi án phạt bởi vì họ là thành viên của dân Thiên Chúa tuyển chọn (“con cháu tổ phụ Abraham”); chính sự yên tâm này đã đưa một số người đến chỗ sống buông thả về luân lý và giải thích thái độ tự mãn tự phụ của người Pharisêu. Gioan khẳng định rằng tư cách đó không bảo đảm gì cả và có là “con cháu” (benayyâ’) hay là “các hòn đá” (abenyyâ’) thì cũng như nhau. Người Do Thái tưởng có thể kết luận rằng vì Thiên Chúa đã hứa, thì Ngài cần có Israel để trung thành với lời hứa. Gioan phản ứng để khẳng định sự tự do hoàn toàn của Thiên Chúa: Ngài có thể hoàn tất lời hứa khi loại trừ con cháu Abraham về xác thịt, nếu họ từ chối hoán cải, bởi vì Ngài có thể tạo thành một Israel mới (x. Mt 8,11-12; 21,43; Rm 9,6-8). Israel là một cây, nếu không sinh hoa kết trái tốt lành thì chỉ đáng chặt đi mà quăng vào lửa.

 

* Lời rao giảng về Đấng Mêsia (11-12)

Bây giờ bản văn giới thiệu dung mạo Đấng Mêsia. Ở đây nổi rõ những bận tâm Kitô học, nhưng cũng có bận tâm biện giáo: tác giả giới thiệu Đức Giêsu nhưng cũng xác định khoảng cách giữa Đức Kitô và vị Tiền Hô. Gioan đi trước Người, nhưng chỉ như người nô lệ đi trước chủ mình, để dọn đường. Gioan làm phép rửa, nhưng chỉ là phép rửa trong nước để thôi thúc đi tới hoán cải. Đấng Mêsia (“Đấng đang đến”: erchomenos) thì “mạnh [quyền thế]” hơn (ischyroteros) và làm một phép rửa “trong Thánh Thần và lửa”. “Quyền lực” (ischys) là một phẩm tính của Thiên Chúa; nhưng đối với Is (9,6), đây là một đặc điểm của Đấng Emmanuel, và đối với Mt, đây là một đặc điểm của Đấng Mêsia (x. 12,29). Đứng trước Người, Gioan không xứng đáng làm công việc của một người nô lệ thông thường là xách dép cho chủ. Điểm này cho thấy vị Tẩy Giả hoàn toàn lệ thuộc vào Đấng Mêsia.

Đấng Mêsia được giới thiệu như là Vị thẩm phán cánh chung: Người sẽ đến với sức mạnh của Thánh Thần Thiên Chúa để loại trừ các kẻ bất chính và bất lương. Lịch sử Israel đã đến lúc kết thúc. Thời gian thu hoạch đã gần kề. Lúa đã được gặt về và đập rồi, nay chỉ con chờ được rê để tách vỏ trấu ra khỏi hạt gạo. Nhưng người nông phu (Đức Kitô) đã cầm nia trong tay mà rê sạch gạo. Rơm và trấu thì cháy nhanh, nhưng lửa sẽ thiêu đốt người gian ác thì sẽ cháy mãi cũng như sự gian ác của họ vẫn còn đó.

 

+ Kết luận

Như thế, bằng ba cách, Gioan đã khẳng định sự trổi vượt của Đức Giêsu: 1) Người là Đấng mạnh hơn, Người vượt xa Gioan bằng sức mạnh thực thụ. 2) Người có phẩm giá cao vời: ngay đến việc xách dép cho Người, Gioan cũng không xứng đáng. 3) Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, trong khi Gioan chỉ làm phép rửa trong nước.    

Tuy nhiên, lời rao giảng của Gioan Tẩy Giả còn giúp chúng ta ở nhiều điều khác nữa. Đây không chỉ là một hồi niệm, nhưng còn là một lời khuyến cáo nghiêm khắc cho mọi người mọi thời. Qua bút pháp của Mt, lời rao giảng của Gioan cũng phản ánh cuộc bút chiến giữa các Kitô hữu tiên khởi với hội đường. Tuy nhiên, Mt cũng muốn gửi đến cho giáo đoàn Kitô hữu một sứ điệp. Lời mời gọi “hãy sinh hoa quả xứng với lòng hối cải” hẳn là nhắm đến các Kitô hữu hơn là đến người Pharisêu. Các Kitô hữu có thể nhìn vào người Pharisêu như nhìn vào một tấm gương để điều chỉnh đời sống mình.

Lời đe dọa bị kết án cũng liên hệ đến các Kitô hữu nào chỉ bằng lòng với việc nhận bí tích thánh tẩy mà không quan tâm sống phù hợp với những cam kết đã lấy. Vẫn còn đó ảo tưởng cho rằng mình là môn đệ của Đức Giêsu, là thành viên thực thụ của Họi Thánh, thì đã được bảo đảm hạnh phúc muôn đời. 

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Chúng ta được mời gọi tin vào sự trung tín của Thiên Chúa: Ngài đã lên kế hoạch cứu độ, thì khi đến thời Ngài đã định, Ngài sẽ ban gửi các vị loan báo Tin Mừng Cứu Độ đến. Sứ điệp Gioan loan báo mang lại cả nỗi sợ hãi lẫn niềm vui, bởi vì ông nói cho dân chúng biết rằng họ bị thất sủng, tương quan của họ với Thiên Chúa đã bị rối loạn, nhưng đồng thời ông khẳng định rằng Thiên Chúa đầy lòng thương xót đối với họ và Ngài muốn thắng vượt tình trạng thất sủng của họ.

2. Giống như các ngôn sứ tiền bối, Gioan tố giác một nếp sống đạo giả hình, chỉ hoàn toàn ở bên ngoài (x. Am 5,21-27; Is 1,10-20; Gr 7,1–8,3…), dần dần đưa tới một tình trạng cứng cỏi. Đức tin không phải là một di sản quốc gia hay dòng tộc, nhưng là một dấn thân của trọn vẹn con người. Trong cuộc dấn thân này, con người cứ phải liên tục rà soát lại bản thân để có thể đáp trả trọn vẹn hơn những đòi hỏi của Thiên Chúa.   

3. Người Kitô hữu cũng có một vai trò tiền hô đối với anh chị em mình. Muốn thế, cần xác định rõ ràng quan hệ của mình với “Đấng đang đến”, để khiêm tốn và trung thực giới thiệu về Người như là Đấng đã đang có mặt trong lịch sử loài người.

4. Các lời Gioan trách giới lãnh đạo Israel cũng liên hệ đến các nhà hữu trách của cộng đoàn Mt, cũng như tất cả các vị hữu trách của mọi cộng đoàn Kitô hữu mọi thời. Các ngài cũng được mời gọi “sinh hoa quả tốt”. Và đây chính là tiêu chí giúp biện phân ra các ngôn sứ thật với các ngôn sứ giả.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN