(Lc 9, 28-36)
1. Bài Đọc
“Tám ngày sau (1), Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, đem theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan. Đang lúc người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa. Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê (2) và ông Êlia (3). Hai vị hiện ra rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem. Còn ông Phêrô và đồng bạn thì ngủ mê mệt, nhưng khi tỉnh hẳn, các ông nhìn thấy vinh quang của Chúa Giêsu, và hai nhân vật đứng bên Người. Đang lúc hai vị này rời xa Chúa Giêsu, ông Phêrô thưa với Người rằng:
“Thưa Thầy, chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba lều (4), một cái cho Thầy, một cái cho ông Môsê và một cái cho ông Êlia’. Ông không biết mình nói gì (5). Ông còn đang nói, thì bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ. Và từ đám mây có tiếng phán rằng: ‘Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người’.
“Tiếng phán vừa dứt, thì chỉ còn thấy một mình Chúa Giêsu. Còn các môn đệ thì nín thinh, và trong những ngày ấy, các ông không kể lại cho ai biết gì cả về những điều mình đã nghe thấy”.
2. Chú Thích
(1) Tám ngày sau: Sau khi Chúa Giêsu giảng dạy cho dân chúng và các môn đệ, Người nói về sự tỏ hiện của Nước Thiên trong vinh quang uy quyền.
(2) Môsê: Nguyên tên Do Thái là Mosché. Ông chính là một người Do Thái đã đưa dân tộc mình từ Ai Cập về Palestin, một cuộc di hành đường trường vất vả và gian nan (Chừng hơn 1.200 năm trước Thiên Chúa giáng sinh). Dân Do Thái tin ông Môsê là một vị được Thiên Chúa ủy thác sứ mạng giải thoát đồng bào ra khỏi vòng nô lệ ở Ai Cập, và hướng dẫn họ theo luật pháp Thiên Chúa.
(3) Êlia: Theo Thánh Kinh Do Thái, sinh chừng hơn 800 năm trước Chúa Cứu Thế,ông báo tin cho vua Acap biết sẽ có đại hạn để phạt dân chúng về tội thờ thần ngẫu tượng. Rồi ông đến ở bên bờ thác Kêrớt, phía Đông sông Giođan, hằng ngày có quạ tha bánh đến buổi sáng và thịt đến buổi chiều. Ông nhận tiên tri Êligiê làm môn đệ kế vị. Hai thầy trò đi đến Bêten. Sau khi qua sông Giođan, bỗng có xe ngựa lửa xuất hiện đưa ông Êlia lên trời (xem 1 V 1,17-19; 2 V 2,1-18).
(4) Ba lều: Kiểu lều trại dựng tạm trong khi ở giữa trời, lợp bằng vải hay bằng da thú.
(5) Không biết mình nói gì: Có lẽ Thánh Phêrô khiếp sợ, nói ra một câu như thế. Nhưng theo lối phân tâm, có thể nói trong vô thức của người, vẫn muốn ở với Chúa Giêsu và các thánh trên trời, còn riêng mình thế nào cũng được, miễn là được ở với Thiên Chúa.
3. Suy Niệm
(1) Cả ba thánh sử Mattheu, Marcô và Luca đều không được chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, lại kể câu chuyện đầy đủ chi tiết. Còn Thánh Gioan là chứng nhân lại không hề nói gì, thật là một điều đáng suy nghĩ. Không biết chính ngài hay Thánh Phêrô hoặc Thánh Giacôbê đã thuật lại cách nào chăng? Câu chuyện này, tin chắc đây là câu chuyện có thật. Thiên Chúa muốn cho ai nghe thấy thế nào, thì được nghe thấy thế ấy, dù là những chuyện rất họa hiếm lạ lùng. Có lẽ Chúa Cứu Thế muốn cho ba môn đệ chứng kiến tận mắt và nghe tận tai, trước là để cho các ngài và nhiều người khác mai sau xác tín lời Thánh Phêrô đã quả quyết, sau là được an tâm về việc tương lai khi Chúa Cứu Thế thụ nạn. Càng nghe biết câu chuyện này, dù là người chưa tin rõ ràng Chúa Cứu Thế là Thiên Chúa giáng sinh, nhưng ai là người có chút suy nghĩ lý luận cũng phải công nhận Chúa Cứu Thế là một bậc siêu phàm, thương người ta đến nỗi sẵn sàng chịu đau đớn để cứu giúp; chứ tự mình Người vốn thánh thiện đạo đức, đẹp lòng Thiên Chúa vô cùng.
(2) Trông thấy quang cảnh đó, Thánh Phêrô tràn ngập lòng sung sướng, không còn nghĩ đến chuyện ra về và nơi ăn chốn ở của mình, chỉ lo cho Thiên Chúa và các thánh. Đó là tâm trạng của người đạo đức, cảm thấy sung sướng, chứ không lo gì cho mình. Vẫn hay bao lâu còn sống ở dưới đất, nhất là những người ở giữa trần gian, lâm vào tình cảnh thiếu thốn, có bữa mai lo bữa hôm, lo cho thân phận của mình, lại còn phải lo cho gia đình, nào cha già mẹ yếu, nào vợ dại con thơ; nhưng cũng nên để một vài phút sáng tối nghĩ đến Thiên Chúa chiếu sáng, nhớ đến Thiên Chúa và các thánh, tin chắc Thiên Chúa vẫn trông thấy và giúp đỡ mình, miễn là chính mình và cả gia đình cương quyết theo Thiên Chúa như ba Tông Đồ. Còn những người có được đủ ăn đủ mặc, có chút địa vị ngoài đời hay là trong đạo, càng phải nhớ, chính hai vị như ông Môsê và ông Êlia còn phải đến thưa chuyện với Thiên Chúa; phương chi mình lại không đến hỏi han Thiên Chúa cho biết nên làm gì, nên nói làm sao, để tránh cho khỏi sai lầm. Đừng tưởng mình có bằng cấp, có địa vị, là biết đủ rồi, là có quyền thế, là giỏi giang rồi; nên nhớ chính mình là người luôn luôn phải tìm học hỏi với Thiên Chúa.
(3) Cần phải học hỏi hàng ngày. Vì đã quên lơ phế trễ thế nào, thì ít nữa là trong Mùa Chay, không những vào tĩnh tâm với Chúa Cứu Thế trong sa mạc, nhưng còn theo Chúa Cứu Thế lên núi, nhìn Chúa Cứu Thế chiếu sáng để thấy những đen tối mù quáng của mình. Nhìn áo Chúa Cứu Thế chói lòa, để thấy những dơ bẩn trong đời mình. Nghe tiếng Đức Chúa Cha, càng thấy phải đọc cẩn thận Phúc Âm để tìm hiểu Con Cha yêu dấu xem Người đã dạy bảo những gì và Người đã cư xử làm sao. Đừng vội vàng thiển cận tưởng mình đã biết rồi, hay đã đủ rồi, vì mình có học một vài sách, theo một vài lớp và nghe một vài người, nhưng lại nghe và đọc những lời giải thích sai lầm. Cần phải cẩn thận đọc chính Lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm, và biết lắng tai nghe Chúa Thánh Thần. Sau đó, cũng như ba Tông Đồ đi xuống núi với Chúa Cứu Thế, còn phải suy nghĩ riêng mình, không nên vội vàng nói gì với ai, bao lâu chưa chắc Chúa Cứu Thế đã sống lại nơi mình, nghĩa là chính mình chưa bỏ tính xấu, chưa tránh tội lỗi, chưa thực hiện lời Thiên Chúa./-
@Thiên Phong-Trần Minh Đức Bảy
niemtinm@aol.com