Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 2 Mùa Chay năm A của LM Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY A

St 12,1-4a ; 2 Tm 1,8b-10 ; Mt 17,1-9

 

MÙA CHAY ĐỔI MỚI TÂM HỒN

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mt 17,1-9.

(1) Sáu ngày sau, Đức Giê-su đem các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê đi theo mình. Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. (2) Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. (3) Và kìa các ông thấy ông Mô-sê và ông Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người. (4) Bấy giờ ông Phê-rô thưa với Đức Giê-su rằng: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay ! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều. Ngài một cái, ông Mô-sê một cái, và ông Ê-li-a một cái”. (5) Ông còn đang nói, thì kìa có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và kìa có tiếng từ đám mây phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !”. (6) Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất. (7) Bấy giờ Đức Giê-su lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Trỗi dậy đi, đừng sợ !”. (8) Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi. Đang khi thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giê-su truyền cho các ông rằng: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”.

2. Ý CHÍNH: MÙA CHAY BIẾN ĐỔI TÂM HỒN.

Bài Tin Mừng thuật lại việc Đức Giê-su biến hình trên một núi cao trước mặt ba môn đệ thân tín là Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Mặt Người chiếu sáng như mặt trời. Áo người trở nên trắng như tuyết. Có hai nhân vật Cựu Ước là Mô-sê và Ê-li-a hiện ra đàm đạo với Người, có tiếng Chúa Cha giới thiệu Người là Con yêu dấu và đòi các môn đệ phải vâng nghe lời Người. Ba môn đệ từ vui mừng đến khiếp sợ khi đối diện với vinh quang Thiên Chúa.

3. CHÚ THÍCH:

– C 1-2: +Các ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an là em ông Gia-cô-bê: Đây là ba môn đệ thân tín nhất của Đức Giê-su. Các ông là những người nhiệt thành yêu mến Thầy, và được trao các nhiệm vụ then chốt, nên Đức Giê-su đã cho các ông thấy trước vinh quang của Người, để thêm lòng tin, hầu đủ sức vượt qua giờ phút đau thương trong cuộc khổ nạn của Người (x. Mt 26,37). + Một ngọn núi cao: Theo truyền thống xa xưa, thì đó là núi Ta-bo. Tuy núi này chỉ cao 360 m so với Địa Trung Hải, nhưng do nằm trên cánh đồng rộng lớn Ét-rê-lon, cũng gây cho người ta cảm tưởng là một ngọn núi cao. Ngày nay nhiều người nghĩ tới ngọn Khéc-môn cao 2.795m gần thành Xê-da-rê của Phi-líp-phê. Đi từ Xê-da-rê tới nơi mất khoảng 5 ngày đường như Tin Mừng đã viết. Tuy nhiên có lẽ khi viết câu này, Mát-thêu chỉ chú trọng đến ý nghĩa tượng trưng của Núi: Núi là nơi khởi đầu và kết thúc mặc khải của Thiên Chúa đối với Mô-sê thời Cựu Ước hay với Đức Giê-su thời Tân Ước (x. Mt 5,1; 28,16). Núi cũng là nơi quy tụ muôn người nên một trong Nước Trời trong thời kỳ cánh chung hay tận thế (x. Mt 15,29; Is 2,2-3). + Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông: Đức Giê-su tỏ bày Thiên tính vinh quang của Người cho các môn đệ thấy. Trong thời Xuất Hành, sau mỗi lần đàm đạo với Đức Chúa, mặt Mô-sê sáng chói, đến nỗi dân Ít-ra-en sợ không dám lại gần ông (x. Xh 34,29-30). + Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng: “Chói lọi như mặt trời” là biểu hiện thuộc về thiên quốc (x. Mt 28,3; Cv 9,3) và thuộc về thời cánh chung (x. Kh 1,14; 4,4). Theo thể văn khải huyền thì y phục trắng tinh giống như ánh sáng là biểu hiện vinh quang thiên giới dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.

– C 3-4: + Ông Mô-sê và ông Ê-li-a: Hai ông này tượng trưng cho Luật Mô-sê và các ngôn sứ, nghĩa là cho toàn bộ Cựu Ước. Như thế tất cả Cựu Ước đều hiện diện để làm chứng và tôn vinh Đức Giê-su. Hai vị này đàm đạo với Đức Giê-su về cái chết của Người sắp được thực hiện tại Giê-ru-sa-lem như một cuộc Xuất Hành Mới (x. Lc 9,31). Qua đó cho thấy toàn bộ khung cảnh biến hình này đều qui hướng về cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Giê-su. + Dựng ba cái lều: Theo truyền thống Do thái thì Thiên Đàng được gọi là “Lều vĩnh cửu” hay “Nhà tạm đời đời” (x. Lc 16,9). Vào thời cuối cùng, Thiên Chúa sẽ ngự giữa dân Người trong lều vinh quang của Người, và dân chúng sẽ cắm lều quanh Đấng Cứu Thế (x. Ga 1,14).          

– C 5-6: + Đám mây sáng ngời bao phủ các ông: Trong Cựu Ước, khi tiếp xúc với dân Ít-ra-en, Đức Chúa thường xuất hiện trong đám mây (x. Xh 24,15-16). Ở đây, Thiên Chúa dùng mây che phủ các ông, để nói lên sự can thiệp đặc biệt như Người đã từng cho mây rợp bóng trên dân Ít-ra-en xưa (x. Xh 13,21; 14,19-20), hay “rợp bóng” trên Đức Ma-ri-a trong ngày sứ thần truyền tin sau này (x. Lc 1,35). + Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người: Lời này nhắc lại lời Chúa Cha phán khi Đức Giê-su chịu phép rửa (x. Mt 3,17). Nhưng ở đây còn thêm mệnh lệnh cho các môn đệ: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Qua đó, cho thấy Đức Giê-su chính là vị Ngôn Sứ Mới sẽ xuất hiện thay thế Mô-sê vào thời cánh chung (x. Đnl 18,15). + Các môn đệ kinh hoàng, ngã sấp mặt xuống đất: Thái độ và cử chỉ của các môn đệ là phản ứng khiếp sợ mà con người thường biểu hiện khi tiếp xúc với Thiên Chúa (x. Xh 19,21; Is 6,5).

– C 7-9: + “Trỗi dậy đi, đừng sợ!”: Đức Giê-su đã ra lệnh các môn đệ giống như khi Người phục sinh đứa bé gái con viên thủ lãnh (x. Mt 9,25). + Chỉ còn một mình Đức Giê-su mà thôi: Khi tiếng nói vừa dứt, thì mọi sự cũng tan biến theo. Từ đây, chỉ còn một mình Đức Giê-su là Thầy dạy Luật mới, Luật hoàn hảo và vĩnh viễn. + “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy”: Lệnh truyền: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy” cho thấy một mầu nhiệm lớn lao vừa được mặc khải (x. Đn 12,4.9). Có lẽ Đức Giê-su muốn tránh sự xáo trộn về chính trị, vì dân Do thái lúc bấy giờ đang trông chờ một Đấng Thiên Sai đến giải phóng họ khỏi ách thống trị của đế quốc Rô-ma. Chỉ sau khi Chúa Giê-su sống lại thì vai trò của Người mới được hiểu đúng theo thánh ý của Thiên Chúa.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ba ông Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an lại được Đức Giê-su cho chứng kiến cảnh Người biến hình ? 2) Núi cao nói đây là núi nào ? Thực ra, Núi ở đây ám chỉ điều gì ? 3) Thời Xuất Hành, nhân vật nào cũng được biến hình giống như Đức Giê-su ở đây ? 4) Việc Đức Giê-su biến đồi dung nhan và áo mặc mang ý nghĩa gì ? 5) Hai ông Mô-sê và Ê-li-a là đại diện cho ai ? Nội dung hai ông đàm đạo với Đức Giê-su xoay quanh đề tài nào ? 6) Lều là hình ảnh tượng trưng điều gì ? 7) Đám mây bao phủ các môn đệ tượng trưng cho điều gì ? 8) Lời Chúa từ đám mây khẳng định gì về sứ mạng của Đức Giê-su ? 8) Tại sao Đức Giê-su đòi ba môn đệ phải giữ kín điều họ mới chứng kiến ?

 

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2).

2. CÂU CHUYỆN:

1) VỊ HOÀNG TỬ CHIẾN THẮNG ĐƯỢC DỊ TẬT GÙ LƯNG :

Có một hoàng tử kia đẹp trai lại văn võ song toàn. Nhất là luôn khiêm tốn hòa nhã, nên rất được vua cha và bá quan trong triều nể phục. Hoàng tử chỉ có một khuyết điểm duy nhất là cái tật gù lưng từ lúc mới sinh. Chính vì mang dị tật bẩm sinh này mà chàng luôn mang mặc cảm tự ti và không dám xuất hiện trước dân chúng. Triều đình có lệ này là tạc tượng các nhân vật thuộc hoàng tộc khi họ được 20 tuổi. Bức tượng ấy sẽ được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân chiêm ngưỡng. Năm đó, hoàng tử vừa tròn 20 tuổi. Dù không muốn cho người ta tạc tượng, nhưng do không dám trái lệnh vua cha, nên chàng chỉ yêu cầu hai điều và được vua cha chấp thuận: Một là bức tượng của chàng phải được tạc trong tư thế đứng thẳng chứ không gù lưng. Hai là chỉ được đặt bức tượng ấy tại phòng riêng của chàng khi chàng còn sống.

Từ khi có bức tượng trong phòng, mỗi ngày hoàng tử đều đến trước tượng ngắm nhìn hình ảnh của mình. Chàng rất thích dáng vẻ hiên ngang của bức tượng, và cố bắt chước tư thế của bức tượng. Sau một thời gian, mọi người đều ngạc nhiên nhận thấy hoàng tử đã được biến đổi không còn bị gù lưng như trước nữa. Trái lại càng ngày chàng càng có dáng vẻ hiên ngang oai vệ giống y như bức tượng trong phòng của chàng. Sau khi đã sửa được cái tật gù lưng, hoàng tử đã đồng ý cho trưng bày bức tượng của chàng tại viện bảo tàng quốc gia cho thần dân mặc sức chiêm ngưỡng.

2) KHỎI BỆNH UNG TƯ NHỜ TIN CẬY VÀO THÁNH GIÁ CHÚA:

Năm 1982, các nữ tu Dòng Con Đức Bà Phù Hộ, quen gọi là Dòng nữ Sa-lê-siên ở thành phố Cáp tại Ha-i-ti, muốn nhờ điêu khắc gia nổi tiếng là PÊ-RI-KHÊT làm một cây thánh giá lớn để đặt trong nhà thờ mới của các chị, trong lúc ông đã bị mắc bệnh ung thư sang thời kỳ cuối.

Các nữ tu đã cử một chị cùng dòng đến gặp nhà điêu khắc để nói về yêu cầu này. Hôm đó viên bác sĩ của Pê-ri-khết cũng đang có mặt khám bệnh cho Pê-ri-khết. Ông nói với chị nữ tu:

– Lẽ ra chị đã phải đến đây từ lâu mới đúng. Còn bây giờ rất tiếc căn bệnh ung thư của ông Pê-ri-khêt đã trở nên quá nặng. Sau đó viên bác sĩ quay sang nói với nhà điêu khắc:

– Ông là tín hữu công giáo. Từ nay ông chỉ nên đặt trọn niềm tin vào Chúa để chữa bẹnh thôi. Còn những chuyện khác thì xin ông đừng quan tâm tới nữa.

Pê-ri-khêt đã nghe lời khuyên của viên bác sĩ điều trị cho mình nên từ ngày đó ông không còn thiết tha với việc cầm bút vẽ và điêu khắc để sáng tác bất cứ tác phẩm nghệ thuật nào khác. Tuy nhiên ít ngày sau, chị nữ tu kia lại xuất hiện gặp nhà điêu khắc và tiếp tục năn nỉ:

– Này ông Gio-va-ni Pê-ri-khêt. Chị em nữ tu ở nhà thờ mới tại Cáp rất mong ông làm cho nhà dòng một cây thánh giá thật đẹp, dài hai mét. Họ biết rõ khả năng Chúa ban cho ông. Hôm nay trước khi trả lời dứt khoát cho nhà dòng, tôi đến đây xin hỏi ý kiến ông thêm một lần nữa.

Nhà điêu khắc trầm ngâm suy nghĩ và cầu nguyện, rồi cuối cùng ông nói với chị nữ tu:

– Tôi xin nhận lời. Cây thánh giá này sẽ là tác phẩm cuối cùng tôi thực hiện trước khi về với Chúa, và tôi xin các chị em nữ tu cầu cùng Chúa ban ơn giúp tôi hoàn thành công việc này.

Thế là sau đó nhà điêu khắc bắt tay làm việc với tất cả nhiệt tâm của một người mong sớm được gặp Chúa. Đây quả thật là một công việc rất nặng nhọc đối với một bệnh nhân ung thu ở thời kỳ cuối như Pê-ri-khết. Nhưng chính ông lại cảm thấy có một điều gì rất lạ lùng đang diễn ra nơi mình: Mỗi nhát búa đập trên thanh sắt nóng đỏ, thay vì làm cho ông bị mất sức mệt mỏi, thì lại làm cho ông như được thêm sinh lực. Ông tiếp tục làm việc ngày này qua ngày khác như không hề bị bệnh cho đến khi hoàn thành được tác phẩm tuyệt đẹp là cây thánh giá vô giá. Ông thấy mình cũng đã hồi phục sức khỏe trở lại. Chính Chúa Giê-su đã chữa lành bệnh ung thư cho Pê-ri-khết, giải thoát ông khỏi căn bệnh quái ác nhờ lòng tin biểu lộ qua lòng cậy trông và yêu mến Chúa. Pê-ri-khêt tưởng rằng cây thánh giá ấy sẽ là tác phẩm cuối cùng ông thực hiện để chuẩn bị chết lành, nhưng với niềm tin cậy phó thác cao độ, thể hiện qua sự không ngừng cầu nguyện kết hiệp với Chúa đang khi làm việc, Pêrikhêt đã được Chúa biến đổi và chữa lành bệnh ung thư thời kỳ thứ ba cách đặc biệt. Đây là hình ảnh ơn cứu độ mà Chúa Giê-su đã, đang và sẽ còn mang đến cho nhân loại chúng ta.

Ngày nay, cây thánh giá do Pê-ri-khết thực hiện vẫn đang được treo trong gian thánh nhà thờ tu viện Sa-lê-siên thành phố Cáp và tiếp tục thu hút nhiều khách hành hương đến chiêm bái: Mỗi ngày rất nhiều người khỏe mạnh hay đau yếu đã hiện diện tại đây để kính viếng và ai nấy ra về đều nhận được hồng ân biến đổi cả phần hồn lẫn phần xác.

3. SUY NIỆM:

1) Về hoàn cảnh cuộc biến hình của Đức Giê-su :

Cuộc biến hình đã xảy ra sau khi Đức Giê-su tiên báo về cuộc hành trình của Người lên Giê-ru-sa-lem để trải qua cuộc tử nạn và phục sinh theo thánh ý Chúa Cha. Tin Mừng thuật lại cuộc biến hình này như sau: “Từ lúc đó, Đức Giê-su Ki-tô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết Người phải đi Giê-ru-sa-lem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Ông Phê-rô liền kéo riêng Người ra và bắt đầu trách Người: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy! “ Nhưng Đức Giê-su quay lại bảo ông Phê-rô: “ Xa-tan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (x. Mt 16,22-23).

2) Về cuộc biến hình của Đức Giê-su :

– Cuộc biến hình của Đức Giê-su đã diễn ra trước mặt ba môn đệ thân tín là: Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an trên núi cao khi Người đang cầu nguyện: Khuôn mặt của Người “chói lọi như mặt trời” giống như khuôn mặt sáng ngời của ông Mô-sê sau khi được gặp Đức Chúa (x. Xh 34,29-35). Y phục của Người “trắng tinh như ánh sáng” biểu hiện cho vinh quang thiên giới dành cho những người được Thiên Chúa tuyển chọn.

– Có hai nhân vật Cựu Ước là ông Mô-sê đại diện Luật Pháp và ông Ê-li-a đại diện cho các ngôn sứ hiện ra đàm đạo với Người, cho thấy Tân Ước tiếp nối Cựu Ước và Đức Giê-su đến không phá hủy Lề Luật Mô-sê hay lời sấm của các ngôn sứ, nhưng để làm cho nên hoàn thiện. Điều đáng lưu ý là trong khung cảnh vinh quang ấy, Mô-sê và Ê-li-a đã hiện ra và cùng nhau đàm đạo về cái chết của Đức Giê-su như một cuộc Vượt Qua Mới mà Người sắp trải qua tại Giê-ru-sa-lem. Qua đó cho thấy sự liên quan mật thiết giữa hai biến cố tử nạn và phục sinh mà biến hình chỉ là sự hé mở phần nào cho thấy vinh quang của Đức Giê-su sau khi sống lại, hầu giúp các môn đệ khỏi bị thất vọng khi chứng kiến cuộc tử nạn đau thương của Người trên thập tự.

– Ngoài ra còn có đám mây xuất hiện tượng trưng cho sự hiện diện của Thiên Chúa, và từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha phán rằng: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người !” (Mt 17,5). Qua đó Chúa Cha đã chính thức xác nhận Đức Giê-su là Mô-sê Mới thời kỳ Cánh Chung, đúng như Mô-sê xưa có lần đã báo trước cho con cái Ít-ra-en như sau: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Anh em hãy nghe vị ấy” (Đnl 18,15).

3) Về các điều kiện để được biến hình giống Đức Giê-su :

Mùa Chay là mùa tập luyện thiêng liêng, là thời gian thuận tiện để các tín hữu lên núi cao của lòng mình để đối diện với Thiên Chúa và cầu xin Ngài giúp biến đổi nên giống Đức Giê-su hầu chuẩn bị mừng đại lễ Phục Sinh sắp đến. Muốn thay đổi con người mình, chúng ta cần bỏ mình đi, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Người. Muốn bỏ mình đi thì việc trước hết là phải nhận biết mình có những điều tốt điều xấu, các thói hư quan trọng cần phải tu sửa, vì “Biết mình biết người, trăm trận trăm thắng”.     

– Lên núi là vào trong lòng mình để cầu nguyện: Trong mùa Chay, chúng ta cùng các môn đệ Đức Giê-su đi theo Người lên núi cao, nghĩa là siêng năng tham dự các tuần tĩnh tâm Mùa Chay. Trong bầu khí thinh lặng của lòng mình, chúng ta sẽ cầu nguyện với Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su. Cầu nguyện là điều kiện tiên quyết để được ơn biến đổi chói lọi như mặt trời như Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay (x. Mt 17,2) hoặc như ông Mô-sê được biến đổi diện mạo nên sáng ngời khi ông đang ở trên núi Xi-nai với Thiên Chúa (x. Xh 34,29-35).

Thế giới hôm nay thiếu những con người cầu nguyện, và thừa những con người lăng xăng hiếu động… Có ba môn đệ cùng ở trên núi với Đức Giê-su, nhưng chỉ mình Người mới có sự thay hình đổi dạng nhờ sự cầu nguyện đàm đạo với Chúa Cha, đang khi ba ông kia lại mê ngủ. Về sau tại núi Cây Dầu, một lần nữa ba ông này lại mê ngủ đang lúc Thầy các ông canh thức cầu nguyện. Do đó, dù cùng lên núi với Thầy, nhưng các ông vẫn trơ trơ không thay đổi để nên tốt hơn. Trong cuộc sống hiện tại đầy vất vả cạm bẫy và thử thách, chính nhờ sự chuyên cần cầu nguyện, thường xuyên đón nhận Thần Khí soi dẫn, các tín hữu chúng ta mới không bị hoang mang sợ sệt, mê ngủ hoặc trốn trách nhiệm đối với công việc chung của Hội Thánh…

– Hãy vâng nghe lời Người! :  Yếu tố thứ hai giúp các tín hữu được ơn biến đổi chính là Lời Chúa trong Thánh Kinh. Đang lúc hiển dung, Ðức Giê-su đã được Chúa Cha giới thiệu: “Ðây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người ! “ (Mt 17,5). Ngày nay muốn được ơn biến đổi nên giống Đức Giê-su, chúng ta cần tin Người là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa, chuyên cần lằng nghe Lời Người và xin Thánh Thần giúp chúng ta sống theo Lời Chúa dạy nơi bản thân, trong gia đình và ngoài xã hội.

Trong những ngày Mùa Chay cũng như trong suốt cuộc sống đời thường, mỗi tín hữu chúng ta cần siêng năng đến nhà thờ tham dự thánh lễ mỗi ngày để được nghe lời Chúa phán dạy trong phần Phụng Vụ Lời Chúa, và sau đó được hiệp thông với Chúa Giê-su Thánh Thể trong phần Phụng Vụ Thánh Thể khi rước lễ. Ngoài ra, chúng ta cũng phải chuyên cần tham dự tĩnh tâm Mùa Chay cả cộng đoàn hay riêng từng lứa tuổi, chăm chỉ tham dự các buổi Hiếp Sống Tin Mừng hay Chia sẻ Lời Chúa hằng tuần theo nhóm nhỏ của các hội đoàn tông đồ giáo dân…

– Đón nhận Thần Khí của Thiên Chúa: Tuy nhiên để có thể chuyên cần dự lễ cầu nguyện với Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su trong Tin Mừng, sẵn sàng vâng nghe Lời Chúa Giê-su như lời Chúa Cha truyền dạy, mỗi tín hữu chúng ta cần ý thức vai trò quan trọng của Thần Khí Thiên Chúa để năng cầu xin ơn Ngài trợ giúp khi đọc kinh dự lễ, biết mở lòng đón nhận các ơn Chúa và luôn theo Thần Khí hướng dẫn như Đức Giê-su xưa. Chính nhờ Thần Khí cua Chúa Phục Sinh được thổi trên các Tông đồ vào chiều ngày phục sinh và nhất là Thần Khí của Chúa Phục Sinh đã biến thành gió bão đầy sức mạnh và ngọn lửa cháy sáng đức tin… mà chúng ta sẽ hy vọng được biến đổi nên một con người trưởng thành về nhân cách, nên người tín hữu đạo đức luôn có lối sống đẹp lòng Chúa Cha noi gương Đức Giê-su, năng thực tập sông giới răn yêu thương để nên môn đệ đích thực của Người (Ga 13.34-35), tích cực dấn thân đi loan báo Tin Mừng Nước Trời và làm chứng cho Chúa Giê-su ngay trong môi trường sống và làm việc của mình x. Mt 28,19-20), luôn sống tình mến Chúa yêu người như kinh Thương Người có Mười Bốn Mối, trở nên khí cụ gieo rắc bình an hòa thuân trong gia đình cũng như khu xóm, giáo xứ và bất cứ nơi nào mình đang sông như Kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô đã ký nhận.

4. THẢO LUẬN:

1) Mùa Chay là mùa biến đổi: lọai bỏ tội lỗi xấu xa để trở nên tốt hơn. Vậy chúng ta cần biến đổi những gì trong lối sống đạo hiện tại, để xứng đáng được Thiên Chúa xác nhận là “Con rất yêu dấu” như Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay? 2) Chúa Cha đã phán với các môn đệ rằng: “Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Vậy chúng ta hôm nay phải làm gì để vâng nghe lời dạy của Chúa Giê-su ?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU. xin biến đổi con, xin biến đổi cuộc đời con từng bước qua lời cầu nguyện:

Xin biến đổi cái nhìn của con mỗi lần con chiêm ngắm khuôn mặt dịu hiền của Chúa và nghe lời Chúa phán dạy: “Anh em hãy mang lấy ách của Tôi, và hãy học với Tôi, vì Tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11,29).

Xin biến đổi môi miệng con mỗi lần con được hạnh phúc đón rước Chúa vào lòng.

Xin biến đổi tai con mỗi lần con nghe Lời Chúa trong Sách Thánh tại nhà thờ hay tư gia.

Xin làm cho khuôn mặt của con rạng ngời hơn mỗi lần con được gặp gỡ Chúa.

Ước gì mọi người thấy nét mặt tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con, thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời ăn tiếng nói và cách ứng xử của con với tha nhân chung quanh.

Lạy Chúa. Thế giới hôm nay không cần những tín hữu mang bộ mặt buồn chán thất vọng. Xin cho chúng con luôn biết nhẫn nại và can đảm đồng hành với Chúa và với các anh em trên những nẻo đường đức tin nhiều sỏi đá để cuối cùng mới đến được với Thiên Chúa là nguồn vui, niềm tin cậy và hạnh phúc Nước Trời đời đời cho chúng con.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH –  HHTM

 

 

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …