Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 19 Thường niên, năm C, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 19 Thường niên, năm C, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

indexTheo một nguồn tin, cứ trung bình mỗi ngày trên thế giới có khoảng 270 ngàn người chết. Như thế mỗi giờ có trên 10 ngàn người, và mỗi phút có gần 200 người phải rời khỏi thế gian. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: “Rời thế gian để đi đâu?” và chúng ta đã làm gì để chuẩn bị cho chuyến đi đó. Chính vì thế Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tỉnh thức.
Trước tiên, đời sống của người tỉnh thức là đời sống không dính bén đến của cải trần gian, nói một cách tích cực là phải sắm những “túi không hư nát”, phải sắm những “kho tàng trên trời”. Nghĩa là phải sắm những của cải bền vững hơn là của cải hay kho tàng ở trần gian, là những thứ nay còn mai mất. 
Vậy mà người ta thường hay chạy theo những thứ không vững bền. Báo chí vẫn thường cho thấy nhiều người bị xử án tử hình vì có hành vi tham nhũng, buôn bán ma túy hay buôn lậu… Những người đó là những người thu góp của cải hư nát: hư nát vì do hành vi xấu của mình; hư nát vì rồi của cải ấy cũng bị sang tay người khác, cũng bị tịch thu; hư nát vì của cải đó không thể mua nước Thiên Chúa.
Chúa Giêsu mời gọi có lối sống khác. Lý luận của Thiên Chúa ngược lại với lý luận của loài người. Nói chung, người ta thường có chiều hướng sở hữu càng thêm nhiều càng tốt, tích trữ và thâu lượm báu vật nhiều chừng nào tốt chừng ấy. Còn Chúa Giêsu, Người mời gọi làm giàu đời sống thiêng liêng bằng cách “Hãy bán những của các con có mà bố thí”. Làm giàu đời sống thiêng liêng bằng cách cho đi: càng cho đi, chúng ta càng trở nên giàu có; càng chia sẻ, chúng ta càng có thêm vì cái chúng ta cho đi chính là cái chúng ta giữ lại được cho mình.
Chia sẻ của cải vật chất quan trọng, nhưng còn chia sẻ cả những của cải thiêng liêng mà chúng ta có, tức là những ơn mà Thiên Chúa ban cho chúng ta. Chia sẻ khi chúng ta trao đổi để biết nhau một cách thâm sâu hơn, tạo nên sự hiệp nhất gắn bó hơn. Chia sẻ cuộc sống thần linh, cuộc sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn sống sự sống liên vị giữa Ba Ngôi: Mọi sự đều là của chung giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta cũng được mời gọi có một lối sống siêu thoát hơn với của cải vật chất để đi vào cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Tiếp theo là hãy tỉnh thức như Chúa Giêsu mời gọi: “Hãy thắt lưng, thắp đèn cho sẵn sàng để khi chủ về tới gõ cửa là mở ngay”. Cần mở cửa ngay cho chủ khi ông về tới nhà, đó là điều quan trọng. Chúa Giêsu nhắc đi nhắc lại việc phải tỉnh thức. Đối với Chúa Giêsu, tỉnh thức có nghĩa là thể hiện mục đích cơ bản của đời chúng ta. Nếu người đầy tớ nghĩ bụng “chủ ta còn lâu mới về và bắt đầu đánh đập tớ trai tớ gái và chè chén say sưa” (c.45). Nếu chúng ta nghĩ rằng sinh ra là để hưởng sự sống thân xác, là để sống một đời đầy đủ tiện nghi, là để thành công trên đường đời, là để trở nên giàu có và có uy quyền trên người khác,… nghĩa là để sống qui về mình nhằm lợi ích cho mình thì chúng ta đã chọn một cuộc đời không tỉnh thức. 
Chúa Giêsu không chấp nhận lối sống đó vì “Ông chủ sẽ loại hắn ra.”(c.46). Với Chúa Giêsu, mục đích đời người là gia nhập Nước Thiên Chúa, để được đồng bàn cùng Thiên Chúa và được Thiên Chúa phục vụ: “Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn và đến bên từng người mà phục vụ” (c.37). Như thế cuộc đời tỉnh thức là cuộc đời luôn luôn sẵn sàng đến trước mặt Chúa bất cứ lúc nào khi Chúa gọi. Ðến với tâm hồn trong sáng và đầy yêu mến. Một người luôn sống đẹp lòng Chúa, yêu thương mọi người, thì luôn luôn cảm thấy mình sẵn sàng đến trước mặt Chúa, ở trong Nước Thiên Chúa, tức là: được ở bên Chúa, được ngồi ăn với Ngài. Ðó là hạnh phúc và là mục đích của cuộc đời chúng ta. 
Sách Gương Phúc dạy: “Trong mọi hành động, mọi ý nghĩ, bạn hãy xử sự như thể bạn sẽ chết hôm nay. Hôm nay bạn chưa sẵn sàng thì đến mai bạn sẵn sàng thế nào được? Mà ngày mai có gì là chắc. Bạn có chắc bạn sẽ sống đến ngày mai không? Sáng thức dậy, bạn nên nghĩ, bạn sẽ không sống đến sáng mai. Vậy hãy sẵn sàng luôn, hãy sống thế nào để giờ chết khỏi đến lúc bạn chưa sẵn sàng. Hạnh phúc người luôn để giờ chết trước mặt và ngày dọn mình sẵn sàng luôn”.
Tuy nhiên, tỉnh thức đối với chúng ta không phải là một tâm trạng bất an của người phải luôn canh chừng kẻ trộm hay kẻ cướp tới nhà. Tỉnh thức ở đây là một tâm trạng luôn luôn bình an, vì mọi sự đã được xếp đặt an toàn, dù kẻ trộm có đến bất ngờ thì cũng bó tay, chẳng lấy được mình cái gì và đây là kiểu tỉnh thức khôn ngoan nhất.
Người ta kể câu chuyện về vị còn rất trẻ tuổi là Ðaminh Saviô. Một hôm, vào giờ chơi thể thao, Saviô đang chơi với chúng bạn ngoài sân. Cha Boscô bèn gọi thánh nhân ra hỏi: “Giả như 15 phút nữa Chúa gọi con về với Chúa, thì bây giờ con làm gì?”. Saviô trả lời : “Con vẫn tiếp tục chơi!”. Gioan Boscô hỏi: “Con không đi xưng tội hay cầu nguyện để dọn mình chết sao?” “Bây giờ là giờ chơi, mọi người có bổn phận phải chơi để thân thể khỏe mạnh. Vì thế, con nghĩ cứ chơi là đẹp ý Chúa nhất. Dọn mình chết không gì tốt bằng làm điều đẹp lòng Chúa nhất. Vả lại, lúc nào tâm hồn con cũng sẵn sàng trở về với Chúa!” Thánh nhân chứng tỏ cho chúng ta thấy tỉnh thức là cuộc sống bình thường trước mặt Thiên Chúa.
Thiên Chúa mời gọi ta sống với Người, trở nên những chi thể của gia đình Người. Ðó thật là điều hạnh phúc nhất khiến cho mọi sự khác đều chẳng đáng kể. Như thế, chỉ có một điều duy nhất để làm: đó là yêu thương vì yêu thương là thực thi thánh ý Chúa và làm mọi việc theo ý Chúa là ta phải yêu thương (x. Rm 13,8-10). Nói cách khác, ai yêu thương, người đó tỉnh thức. Cách tốt nhất để tỉnh thức là biết yêu thương và cho đi. Yêu thương là con đường duy nhất đưa ta đến với Cha. 
Xin cho chúng ta biết tỉnh thức bằng đời sống tích trử kho tàng trên trời qua những việc lành phúc đức.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN