Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 19 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 19 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XIX QUANH NĂM

(1V 19, 9.11-13; Rm 9, 1-5; Mt 14, 22-33)

“Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ”

Tin mừng Matthêu 14, 22-33:

h4_resizeĐức Giêsu liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng.23 Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình.24 Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió.25 Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ.26 Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy!”, và sợ hãi la lên.27 Đức Giêsu liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!”28 Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài”.29 Đức Giêsu bảo ông: “Cứ đến!”. Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giêsu.30 Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với!”.31 Đức Giêsu liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi?”.32 Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay.33 Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa!”.

Suy niệm:

Biến cố Chúa Giêsu đi trên mặt biển đến với các tông đồ liên kết với phép lạ Chúa nhân bánh và cá ra nhiều nuôi 5.000 người ăn trong bài Tin mừng tuần trước, minh chứng Đức Giêsu là Thiên Chúa và Ngài có quyền hành trên vạn vật vũ trụ, tất cả mọi sức mạnh tự nhiên và siêu nhiên. Qua sự việc đi trên mặt biển và dẹp yên sóng gió, Chúa Giêsu muốn tỏ quyền năng của Ngài để củng cố niềm tin và lòng trông cậy của các tông đồ.

Tin mừng Matthêu, Marcô và Gioan đều ghi lại sự kiện Đức Giêsu đi trên mặt biển sau phép lạ hóa bánh ra nhiều. Tường thuật của Matthêu gồm 4 phần liên kết chặt chẽ với nhau:

  1. Tương quan về việc hóa bánh nuôi 5.000 người.
  2. Việc Đức Giêsu lên núi cầu nguyện.
  3. Việc Đức Giêsu đi trên mặt nước.
  4. Việc Phêrô đi trên mặt nước và tuyên xưng đức tin.

– Tương quan với phép lạ hóa bánh là tương quan có tính thần học. Cuộc hành trình trong sa mạc, Thiên Chúa đã nuôi dân Do Thái bằng Manna từ trời và đã dẫn đưa họ qua Biển Đỏ. Cũng vậy, Đức Giêsu nuôi dân chúng và bước đi trên mặt biển để dẫn dắt các tông đồ tới bến bờ bên kia.

“Ngay sau khi đã nuôi dân trong sa mạc. Đức Giêsu bắt các môn đệ lên thuyền và chèo qua bên kia trước”. Gioan cho biết dân chúng quá cuồng nhiệt về phép lạ hóa bánh, nên muốn ép buộc Ngài làm vua (Ga 6, 15). Đức Giêsu muốn ngừa các môn đệ khỏi ô nhiễm bởi cám dỗ về thành công hão huyền.

– Sau khi giải tán đám đông, Đức Giêsu rút lui lên núi một mình để cầu nguyện. Theo Thánh kinh, núi là một địa điểm thần học hơn là địa điểm vật lý. Núi là nơi được chọn để Thiên Chúa tỏ mình ra, và để gặp gỡ Thiên Chúa, là nơi ưu tiên dành cho việc cầu nguyện. Đức Giêsu đã liên kết với Thiên Chúa Cha qua lời cầu nguyện để Ngài luôn thi hành ý của Thiên Chúa Cha, không theo ý mình.

– Đức Giêsu bước đi trên mặt biển “Vào canh tư đêm tối, Đức Giêsu đến với họ, bước đi trên mặt biển”. Cuộc đi bộ trên mặt biển trong đêm tối là một phép lạ và có nhiều ý nghĩa! Biển, theo Thánh kinh tượng trưng cho quyền lực của sự ác. Đi trên biển, Đức Giêsu tỏ mình ra là Đấng chiến thắng sự dữ. Người đến để mở cho dân cửa giao ước mới, lối đi từ sợ hãi ra tin yêu.

– Việc Phêrô đi trên biển mang ý nghĩa tượng trưng cùng với việc tuyên xưng đức tin “Lạy Chúa, nếu thật là Chúa thì xin cho con đi đến với Ngài trên mặt nước”. Lúc này, Phêrô liều mình bước đi trên mặt nước để đến với Chúa Giêsu là một hình ảnh sống động về thân phận người tín hữu. Bị giằng co bởi một bên là lòng tin, lòng tin đem ông đến với Chúa và bên kia là sự nghi ngại khiến ông chìm xuống nước. Ông đã phải kêu lên: “Chúa ơi! Cứu con với” và Đức Giêsu đã giơ tay ra để cứu ông. Mọi người trên thuyền đều xấp mình tuyên xưng Đức Tin: “Thầy thật là Con Thiên Chúa”. Đức Giêsu luôn luôn hiện diện khi chúng ta gặp gian nan, phong ba bão táp của cuộc đời, để giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách.

Hành trình Phêrô đi trên mặt biển đến với Chúa Giêsu là hình ảnh thực sống động của Giáo hội và đời Kitô hữu. Giáo hội của Chúa Giêsu đã hơn 2.000 năm với bao nhiêu thăng trầm, bao nhiêu cuộc bách đạo, chống đối, còn bao thù ghét dường như nhận chìm Giáo hội, nhưng Đức Giêsu luôn có mặt trên con thuyền Giáo hội, giúp Giáo hội vững tiến, chu toàn bổn phận Chúa trao.

Người Kitô giữa biển đời trần gian giống như Phêrô đi trên mặt nước đến với Chúa Giêsu. Sóng gió, nghi nan đã nhận chìm ông, nếu ông không kêu cầu Chúa “Lạy Thầy, xin cứu con với!”. Chúa Giêsu đã đến nắm lấy tay ông, dìu ông lên thuyền an bình. Khi gặp thử thách, khó khăn, đau khổ, bất hạnh,.. hãy kêu cầu Chúa trợ giúp, không nên chán nản, thất vọng, than trách… Thiên Chúa luôn hiện diện trong cuộc đời mỗi người chúng ta. Hãy để cho Chúa cầm tay dìu dắt chúng ta đi trong cuộc hành trình trần gian.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN