HÃY VỮNG TIN VÀO CHÚA
(1 V 19, 9.11-13; Rm 9, 1- 5; Mt 14, 22- 33)
Bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, trình thuật việc Đức Giêsu giảng dạy dân chúng, chữa lành bệnh tật và làm phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi họ. Sau đó là việc Đức Giêsu biến hình để củng cố lòng tin nơi các môn đệ và mặc khải cho các ông biết về hành trình theo Chúa thì phải trải qua đau khổ rồi mới đến vinh quang. Hôm nay, thánh Mátthêu cho biết Đức Giêsu truyền cho các ông sang bờ bên kia trước, còn Ngài ở lại giải tán dân chúng và sang sau. Đến rạng sáng thì Đức Giêsu đi trên mặt biển mà đến cùng các môn đệ.
Tại sao Đức Giêsu ở lại và các môn đệ phải đi trước? Sao không để các ông cùng giải tán và thu dọn…rồi thầy trò cùng xuống thuyền…? Và sao Đức Giêsu không đến, hiện diện ở trên thuyền ngay mà lại phải đi trên mặt nước…?
- Ý nghĩa bài Tin Mừng
Thưa, vì quá thương xót dân chúng, nên Đức Giêsu đã tìm mọi cách để giúp dân được thỏa mãn cơn đói thể xác và chữa lành sự đau đớn thể lý cho những ai đang mang trên mình bệnh tật, đui hủi, què quặt…, đồng thời ban cho họ lương thực thần thiêng chính là những lời giáo huấn.
Vì thấy, Đức Giêsu là một người: “văn võ song toàn”, từ trước đến giờ chưa có trong lịch sử, họ không hiểu được vai trò của Đức Giêsu trong chương trình cứu chuộc mà Thiên Chúa Cha muốn. Vì thế, dân chúng có ý định tôn Ngài lên làm vua.
Việc họ muốn đây không có gì khác ngoài động lực thực dụng. Họ thấy Đức Giêsu đem lại cho họ cuộc sống ấm no, làm được những chuyện phi thường, và hy vọng giúp họ thống lãnh các miền phụ cận. Đây chính là động lực duy nhất của dân khi muốn tôn Ngài làm đế vương.
Họ nghĩ rằng điều họ muốn sẽ được Đức Giêsu chấp thuận. Tuy nhiên, dân chúng đâu có biết rằng lối suy nghĩ của họ đã bị sai lầm, vì sứ mạng Thiên Sai của Đức Giêsu không phải vậy. Sứ mạng của Ngài đến để cứu và chuộc những gì đã mất bằng chính cái chết chứ không phải quyền lực theo kiểu binh đao, cho nên, mọi hành vi, lời nói của Ngài phải hiểu trong vai trò là người Tôi Trung của Giavê.
Cảm và thấy được trước những điều mà dân chúng muốn nơi mình, nên Đức Giêsu đã truyền cho các môn đệ sang bờ bên kia trước. Phần vì muốn các ông nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhọc, phần vì muốn các ông không bị cuốn theo lối suy nghĩ của dân chúng mà sai đường trật lối trong chương trình cứu độ mà Đức Giêsu muốn các ông tiếp bước.
Khi được lệnh, các ông vâng lời và trèo thuyền để sang bờ bên kia. Tuy nhiên, hành trình của các ông lần này không được suôn sẻ lắm.
Khi thuyền đã ra giữa biển thì bị sóng đánh chập chờn vì ngược gió. Các ông đang phải vật lộn với hiểm nguy. Gần sáng, Đức Giêsu đi trên mặt biển để đến với các môn đệ. Nhưng khi vừa thấy Ngài, các ông tưởng là ma nên kêu la: “Ma kìa!”.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã trấn an các ông: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”.
Thật ra thì các môn đệ cũng là những người trần mắt thịt như chúng ta thôi. Các ngài cũng đâu thoát ra được cảnh yếu đuối mặc dù đã từng được Thầy của mình dạy dỗ, căn dặn và củng cố đức tin. Vì thế, không lạ gì khi khó khăn xảy đến, họ đâu còn nhớ gì đến quyền năng của Thầy, nên đâu có thể tin được là Thầy đang đi trước dẫn đường cho mình! Điều này chúng ta thấy rất rõ khi được Đức Giêsu trấn an, Phêrô đã thử Đức Giêsu bằng cách xin với Ngài: “Lạy Thầy, nếu quả là Thầy, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến cùng Thầy”. Nhưng khi vừa được đến với Đức Giêsu để đi trên mặt biển, thì đức tin của ông đã bị thử thách, và ông đã không còn tin vào quyền năng của Thầy mình tuyệt đối nữa, vì vậy ông đã bị nhấn chìm dưới nước.
Lý do tại vì ông và ngay cả các môn đệ khác không có đủ nhạy bén để nhận ra và tin vào Chúa, bởi vì lòng các ông còn nặng trĩu những “tham, sân, si” không kém gì dân chúng.
Đó là ý nghĩa nội dung bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe. Nhưng điều mà chúng ta cùng nhau suy nghĩ, khám phá ra sứ điệp của Lời Chúa và đem ra thực hành mới là quan trọng.
- Hiểu và sống Sứ Điệp Lời Chúa
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta 5 điều:
Thứ nhất, cuộc sống trên trần gian của chúng ta chỉ là tạm bợ, vì thế, trước tiên hãy tìm kiếm Nước Trời, còn mọi sự khác Chúa sẽ lo cho sau. Sẵn sàng khước từ hết tất cả những gì đi ngược lại với ơn cứu độ và khẳng khái từ bỏ những điều bất chính, quyền hành, nếu những điều đó không có ích lợi cho phần rỗi của chúng ta và niềm hy vọng của tha nhân. Cần can đảm vứt bỏ những rào cản làm chậm trễ hành trình thi hành sứ vụ của chúng ta trong cuộc sống đức tin. Noi gương Đức Giêsu, khi dân chúng tìm cách tôn mình lên làm vua, Ngài đã từ bỏ vì đó không phải là con đường cứu độ mà Chúa Cha muốn.
Thứ hai, khi thấy những nguy hiểm đến phần rỗi của anh chị em, chúng ta phải khôn khéo để giúp cho anh chị em mình thoát ra khỏi những cạm bẫy đang rình chờ. Biện pháp này đã được Đức Giêsu sử dụng khi nhìn thấy viễn cảnh không tốt cho các môn đệ khi các ông phải chứng kiến cảnh dân chúng tôn mình lên làm vua.
Tiếp theo, phải tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, vì Chúa đã nói: “Hãy yên tâm. Thầy đây, đừng sợ!”. Tin Chúa lúc vui cũng như lúc buồn, lúc thành công cũng như khi thất bại. Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, chỉ có điều chúng ta không nhận ra hay cố tình lãng quên Ngài mà thôi.
Bên cạnh đó, hãy noi gương Đức Giêsu trong việc phục vụ. Càng làm lớn, càng phải phục vụ. Hình ảnh Đức Giêsu ở lại giải tán đám đông cho thấy: Ngài sẵn sàng phục vụ mọi người, trong khi công việc này lẽ ra phải là của các môn đệ.
Cuối cùng, Đức Giêsu nêu gương trong việc kết hợp giữa hoạt động và chiêm niệm. Nếu chỉ có hoạt động thì sẽ có nguy cơ xảy ra tình trạng “ngôn hành bất tất” và hiệu quả của công việc không cao, mặt khác rất dễ rơi vào tình trạng kiêu ngạo tự phụ và khoe khoang. Khi cầu nguyện, ta biết tìm ra thánh ý Chúa và chỉ thực hành điều Chúa muốn mà thôi. Khi cầu nguyện, ta biết mình yếu đuối và cần đến ơn Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm lòng tin cho chúng con. Xin cho chúng con biết sống khiêm tốn, quên mình để phục vụ anh chị em. Amen.
JOS. VINC. NGỌC BIỂN, SSP