Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 16 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 16 Thường niên, năm A, của LM Giuse Nguyễn Văn Nam

CHÚA NHẬT XVI QUANH NĂM

(Kh 12, 13.16-19; Rm 8, 26-27; Mt 13, 24-43)

“Dụ ngôn người gieo giống”

 

Tin mừng Matthêu 13, 24-43:

h1_resizeĐức Giêsu trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác: “Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”. Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó!”. Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”. Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.

Đức Giêsu còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.

Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men”.

Tất cả các điều ấy, Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.

Bấy giờ, Đức Giêsu bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe”. Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.

Suy niệm:

Tin mừng Matthêu ghi lại 3 dụ ngôn:

– Dụ ngôn lúa và cỏ lùng ghi nhận 2 thái độ tương phản nhau: Thái độ của con người (các đầy tớ) luôn đối đầu và muốn tiêu diệt những kẻ xấu. Thái độ của Thiên Chúa (chủ ruộng) bao dung, nhẫn nại chờ đợi cho đến ngày phán xét, ngày gặt lúa.

– Dụ ngôn hạt cải và men trong bột cho thấy sức phát triển mãnh liệt của Nước Trời và sự kiên nhẫn của Thiên Chúa. Ngài không nóng vội, nhưng khiêm tốn kiên nhẫn chờ đợi cho hạt cải thành cây to và nắm men làm dậy cả thúng bột.

Bài Tin mừng hôm nay mạc khải cho chúng ta: Thiên Chúa từ bi nhân hậu, chậm bất bình và rất mực khoan dung (Tv 35). Ngài là Đấng toàn năng, uy quyền, nhưng bao dung quảng đại với những kẻ tội lỗi để chờ đợi cho họ ăn năn hối cải. Sau đây chúng ta cùng nhau suy niệm về lòng nhân từ của Thiên Chúa qua dụ ngôn cỏ lung và lúa tốt.

Theo kinh nghiệm của người làm ruộng, phải làm sạch cỏ để cây lúa phát triển tốt, không có nhà nông nào lại để lúa và cỏ lùng tồn tại trong ruộng mình “xin ông chủ cho chúng tôi đi nhổ cỏ lùng”. Thiên Chúa là chủ ruộng đã không đồng ý, Ngài muốn cho lúa và cỏ lùng cùng mọc lên đến mùa gặt. Sự nghịch lý này nói lên sự nhân từ bao dung kiên trì nhẫn nại chờ đợi của Thiên Chúa để người tội lỗi ăn năn hối cải để được tha thứ.

Lòng nhân hậu và bao dung của Thiên Chúa luôn tha thứ và yêu thương, không báo thù, không phân biệt đối xử, không đối đầu, không tiêu diệt… “Ta đến không phải để giết chết, nhưng để cứu sống… Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào”. Tình thương tha thứ hoán cải con người nên tốt, thù thành bạn, kẻ xấu thành người tốt, kẻ lạ thành người lân cận.

“Lúa tốt và cỏ lùng cùng mọc chung trong ruộng”. Trong xã hội, kẻ lành người dữ, người lương thiện kẻ bất lương, người tốt người xấu luôn luôn sống chung với nhau. Ở đâu cũng có người tốt kẻ xấu. Chúng ta không thể tìm được một cộng đoàn toàn là những bậc thánh nhân, những người thánh thiện. Ngay trong tâm hồn chúng ta cũng luôn luôn tồn tại cỏ lung và lúa tốt, nghĩa là có nhiều cái tốt và nhiều cái xấu. Điều thiện và điều ác luôn giằng co, xung khắc nơi mỗi người chúng ta. Thánh Phaolô dạy: “Điều tốt tôi muốn làm, tôi lại không làm. Điều xấu tôi không muốn làm, tôi lại làm”. Đó là một điều rất thực tế! không ai chối cãi. Cái mà chúng ta gọi là kẻ dữ không giống như cỏ lùng: Cỏ lùng không thể biến thành lúa được vì khác chủng loại. Nhưng kẻ dữ, kẻ xấu có thể cải tà quy chánh, có thể hoán cải trở thành người tốt nếu xã hội kiên nhẫn chờ đợi và tạo điều kiện tốt cho họ cải thiện. Chẳng hạn như Augustinô, Ignatiô, Madalena, phanxico, Charle de Foucauld là những con người tội lỗi, sa đọa, trụy lạc đã thành những vị thánh… Biết bao nhiêu người bất lương, cướp của giết người sau khi ăn năn sám hối đã trở thành những con người lương thiện ntrong xã hội. Ngược lại cũng có nhiều người lành, nếu không giữ mình, không kiên tâm tu luyện, không làm điều thiện, không cầu nguyện, không siêng năng tham dự thánh lễ, lãnh các bí tích… cũng có thể trở thành kẻ dữ, kẻ xấu trong xã hội và Giáo hội. Vì thế, chẳng ai nên tự phong mình là lúa tốt rồi loại trừ, lên án anh em là cỏ lùng. Bởi vì mang thân phận con người, tất cả đều là tội nhân trước mặt Chúa. Tất cả đều là con người bất toàn trong xã hội “nhân vô thập toàn”. Chẳng ai là thánh, là thiên thần trên cõi đời này. Vì không có tinh thần bao dung, nhân từ của Chúa, chúng ta thường kết án anh em, trừng trị ngay những kẻ ác (nhổ cỏ lùng tận gốc), ai đó làm hại ta, ta trả đũa ngay, đối đầu không muốn đối thoại. Từ thái độ bất bao dung này mà đưa đến bao cuộc khủng bố dã man, bao cảnh chiến tranh tàn khốc, bao cảnh đau thương cho nhân loại.

Chúng ta phải xác nhận điều này là nơi mỗi người có cỏ lùng và lúa. Chúng ta phải phấn đấu cố gắng loại bỏ cỏ lùng là tính hư nết xấu như chúng ta: nhậu nhẹt say sưa, cờ bạc, trộm cắp, chơi bời trác táng, nói gian, nói dối, thù oán… Phải loại bỏ cỏ lùng để lúa nơi ta phát triển tốt, chúng ta mới trở nên người tốt đạo đức hơn.

Qua lời Chúa hôm nay, Đức Giêsu mời mọi người hãy sống nhân từ, bao dung và kiên trì chờ đợi, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp. Bao dung là biết nhìn nhận sự thật về mình và về anh em để chúng ta luôn biết thông cảm, yêu thương và tha thứ. Như thế gia đình, cộng đoàn, xã hội chúng ta sẽ được an hòa và hạnh phúc.

LM Giuse Nguyễn Văn Nam

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …