Ai là người thân cận của tôi ?
(Lc 10, 25-37 )
Bài tin Mừng hôm nay ghi lại câu chuyện Đức Kitô trả lời cho một vị thầy thông luật trong dân Israel khi ông hỏi Người “ Tôi phải làm gì để được sống đời đời ?”. Lại một cách trả lời khôn khéo của Đức Giêsu, Người không trực tiếp cho ông biết phải làm gì, bởi Chúa biết ông là người am hiểu luật lệ cả đạo lẫn đời. Ông ta uyên bác về lề luật, về Kinh Thánh nên thừa biết phải làm gì, trên lý thuyết. Nếu cần trả lời cho ai đó hỏi ông câu này, hẳn ông sẽ chỉ ra: nào là phải, nào là phải . . .
Đức Giêsu thuật cho ông ấy nghe một câu chuyện, xem ra là chuyện thường ngày. Chuyện về một người đi đường bị đánh đập và cướp tài sản xảy ra như cơm bữa trên đọan đường từ Giêrusalem xuống Giêricô, tương tự như những con đường vắng vẻ của ngày hôm nay, không có gì lạ. Có chăng tình huống lạ kì mà Chúa muốn nhắm đến để trả lời cho nhà thông luật. Chuyện về ba người đi trên cùng con đường ấy, cùng thấy nạn nhân đau đớn trên đường. Trong ba người ấy, trớ trêu thay, một người là Tư tế, nghĩa là người cao trọng, được trao cho việc tế lễ như hàng giáo sĩ hôm nay. Người thứ hai là một trợ tế, phụ tá cho hàng tư tế. Cả hai đều trông thấy, nhưng cả hai đều lẳng lặng đi qua. Chúa không nêu lý do, lý lẽ mà các vị này có thể vin vào đó biện minh cho việc làm của họ. Chỉ đến khi một người Samaria, còn gọi là người “ ngoại” đi qua, trông thấy và động lòng thương, băng bó vết thương. Ông gửi người bị nạn nơi quán trọ và chăm lo tiền bạc, thuốc thang giúp người ấy vượt qua cơn nguy nan. Một câu chuyện vẫn có thực trên đời, ngày xưa lẫn ngày nay, ta quen gọi là chuyện kết thúc có hậu. Ai nghe cũng hiểu, ai cũng cảm thương cho người bị nạn. Ai cũng khen ngợi người Samaria ấy là nhân hậu và chê bai hai vị chức sắc trong đạo Do Thái ngày xưa ( ?!). Đức Giêsu hỏi vị thông luật và hẳn Người biết ông sẽ trả lời ra sao. “Theo ông nghĩ, ai trong ba người đó là anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp “ (tức người bị nạn ? ). Câu trả lời mà hôm nay nếu Chúa hỏi mỗi con người thời đại, ai cũng trả lời được, đó là “Kẻ đã có lòng thương xót với người ấy “.
Có người cho rằng đây là một câu chuyện Chúa muốn nhắc khéo hàng giáo sĩ, tu sĩ mọi thời đại, hãy xem lại cách sống của mình. Giảng dạy thì rất hay nhưng lại không làm như vậy. Cũng có người cho rằng ý của Chúa là nhắc nhở người kitô hữu đừng nên phân biệt những người sống bên ngòai Giáo hội, không phải tất cả họ là những người xấu. Những người này cho rằng những người không tin Chúa, không được nghe Lời Chúa, không được học Giáo lý, học đạo đức nhà đạo sẽ không thể có lòng bác ái ? Vậy người tự nhận là tin Chúa, hãy kiểm điểm mình xem có được như người Samaria ấy ? Cũng có ý kiến cho rằng câu chuyện muốn minh họa điều Chúa thường nhắc “Không phải anh em cứ thưa lên rằng: Lạy Chúa, Lạy Chúa mà được vào nước trời đâu. Nước trời chỉ dành cho những ai nghe , tuân giữ lời Chúa và đem ra thực hành “.
Lạy Chúa,
Tất cả những suy diễn, chú giải, chú thích như thế đều có lý cả. Phần con, con chú ý đến câu hỏi của Chúa “Ai là người anh em của người bị rơi vào tay bọn cướp ? “, hay cách khác “Ai là anh em tôi ? “, “Ai là người thân cận ?” mà con vẫn nghe . Bởi thường theo suy nghĩ hạn hẹp của con thì anh em với con phải là người đáp ứng những yêu cầu của con, những người làm vui lòng con, Những người giúp đỡ con về tinh thần lẫn vật chất. Con đã từng nghĩ như thế.
Nhưng dưới ánh sáng của Lời Chúa, con phải tự hối lỗi về cách sống của con bấy lâu nay. Con có thực là” Anh em của những người bị nạn” ? anh em của những người bất hạnh? của những người bị bỏ rơi trên đường đời ? Con có dám làm những việc làm như người Samaria, mà hôm nay được gọi là người nhân hậu?
Xin Chúa cho con đừng đi tìm người thân cận với con với suy nghĩ là những người làm lợi cho bản thân, mà hãy biết tìm cách trở nên người thân cận, người có lòng thương xót với những người bị lâm nạn vì tai nạn, vì bệnh tật, vì đói nghèo, bị bỏ rơi, bị loại trừ. . . AMEN.
Fx .Đỗ Công Minh