Sai các môn đệ đi truyền giáo
(Lc 10,1-12.17-20)
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe: Khi ấy, Chúa chọn thêm 72 người nữa và sai đi cứ từng hai người một, đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người nói rằng: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa của Người.
Con số 72 gợi lên hình ảnh một đám đông dân chúng, không xác định tên tuổi.
Họ là những tín hữu, những người đã lãnh nhận bí tích Rửa Tội.
Khi sai 72 môn đệ, Chúa muốn huy động tất cả mọi người, tất cả mọi thành phần Dân Chúa tham gia vào sứ mạng truyền giáo.
Chính vì vậy khi nói về sứ mạng truyền giáo, chúng ta cứ tưởng rằng đây là nhiệm vụ của các linh mục, của các tu sĩ, nhưng con số 72, Chúa nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay bao gồm tất cả các tín hữu trong đó có giáo dân chúng ta.
Vì khi lãnh nhận bí tích Phép Rửa Tội chúng ta trở nên Dân Thiên Chúa, và tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Chính vì vậy chúng ta phải thi hành sứ mệnh truyền giáo.
Ơn gọi của giáo dân là sống giữa trần thế, cho nên chúng ta có nhiệm vụ phải loan báo Tin Mừng cho những người trần thế, sống chung quanh chúng ta, như trong Hiến Chế về Giáo Hội đã nhắc nhở:
“Vì thế giáo dân có bổn phận tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách làm các việc trần thế và sắp xếp chúng theo ý Thiên Chúa.
Họ sống giữa trần gian, nghĩa là giữa tất cả cũng như từng công việc và bổn phận của trần thế, giữa những cảnh sống thường ngày trong gia đình và ngoài xã hội; tất cả những điều đó như dệt thành cuộc sống của họ.
Đó là nơi Thiên Chúa gọi họ, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, như men, họ thánh hóa thế giới bằng việc thi hành những nhiệm vụ gia đình; và như thế, với lòng tin cậy mến sáng ngời, và nhất là bằng đời sống, họ tỏ lộ Chúa Kitô cho người khác,
vì thế, họ có nhiệm vụ đặc biệt soi sáng và sắp đặt những thực tại trần thế có liên hệ mật thiết với họ, để chúng không ngừng phát triển và bành trướng theo thánh ý Chúa Kitô, hầu ca tụng Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Độ.(LG 31) và giáo dân cũng được đặc biệt kêu mời làm cho Giáo Hội hiện diện và hoạt động nơi và trong những hoàn cảnh mà nếu không có họ, Giáo Hội sẽ không trở thành muối của thế gian.(LG 33).
Đây chính là đời sống chứng nhân.
Anh chị em sống trong bậc gia đình, nên anh chị em là những chứng nhân xác thực nhất cho cuộc sống gia đình. Trong cuộc sống gia đình, anh chị em đã gặp biết bao khó khăn trở ngại, nhưng anh chị em vẫn trung thành với Chúa. Anh chị em vẫn trung thành với Chúa bởi vì anh chị em đã được Thiên Chúa nâng đỡ để có thể vượt qua được những thử thách mà với sức tự nhiên , anh chị em không thể vượt qua nổi. Đúng như lời Đức Phaolô VI đã nhắc nhở: “Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn thầy dạy, hoặc nếu họ có nghe thầy dạy, thì bởi vì chính các thầy dạy cũng là chứn nhân (EN 41).
Tóm lại nhiệm vụ của chúng ta là những giáo dân tham gia vào công cuộc loan báo Tin Mừng bằng cách:
– Cầu nguyện như Chúa nói trong bài Tin Mừng hôm nay: Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ gặt đến gặt lúa của Người.
– Sống đời sống chứng nhân ngay trong bậc sống gia đình. Khi anh chị em sống với lương dân, anh chị em có thể chia sẻ cuộc sống gia đình với họ, những bất ổn cũng như những niềm vui, hạnh phúc mà Thiên Chúa ban cho anh chị em. Đó chính là điểm quan trọng nhất trong việc loan báo Tin Mừng, đó là chia sẻ những cảm nghiệm về Thiên Chúa cho những người khác.
Hơn nữa, trong những miền thiếu linh mục hay khi các ngài không được tự do thi hành chức vụ, thì Giáo Hội không thể hiện diện và hoạt động hữu hiệu nếu không nhờ giáo dân cộng tác (AA 1). Dấu hiệu cho thấy nhu cầu muôn mặt và khẩn trương ấy chính là hoạt động tỏ tường của Chúa Thánh Thần đang làm cho giáo dân ngày hôm nay mỗi ngày một ý thức hơn phần trách nhiệm riêng của mình và thúc bách giáo dân mọi nơi phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội (AA 1).Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thụy