Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 10 Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 10 Thường niên, năm B, của Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Lễ Mình và Máu Chúa Kitô

Hôm nay là Giáo Hội mừng kính trọng thể lễ Mình và Máu Chúa Kitô. Trong bữa Tiệc Ly, Đức Giêsu đã muốn để lại cho chúng ta Thân mình và Máu Người, hiến tế cho toàn thể nhân loại. Vì thế, trong khi cử hành lễ Vượt Qua với các môn đệ, Đức Kitô đã dâng hiến chính mình cho chúng ta và mời gọi chúng ta việc tưởng niệm về cuộc khổ nạn của Người: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em… Chén này là giao ước mới… đổ ra vì anh em” (Lc 22,19-20).
Chúa Giêsu còn nói : “Anh em hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy” (Lc 22, 19): những lời của Chúa Kitô có liên quan đến toàn thể Giáo Hội. Chúa Giêsu mời gọi làm lại những cử chỉ mà Ngài vừa mới làm “để nhớ đến Người”; chi tiết nầy thật quan trọng. Việc cử hành Thánh Thể do các linh mục thực hiện, sẽ làm Chúa Giêsu hiện diện cho tất cả mọi thế hệ, và ở khắp mọi nơi trên mặt đất. Việc cử hành Thánh Thể sẽ làm hiện diện công việc đã được Chúa Kitô hoàn tất. Bất cứ nơi nào Bí Tích Thánh Thể được cử hành, thì ở đó, một cách không đổ máu, hy tế đẩm máu trên đồi Calvariô sẽ hiện diện, và chính Chúa Kitô, Đấng Cứu Rỗi thế gian cũng sẽ hiện diện. 
Câu Chúa Giêsu nói “Hãy làm việc nầy mà nhớ đến Thầy” cũng làm chúng ta nhớ đến tâm tình của Chúa Kitô vào những giờ phút bi thảm trước cuộc Thương Khó. Thánh Gioan gợi lên những tâm tình của Thầy Giêsu, khi đang chuẩn bị cho các Tông Đồ biết cách đối phó với cái chết của Người. Thật là u buồn biết bao nơi ánh mắt của các tông đồ: “Vì Thầy đã nói với chúng con điều nầy, nên tâm hồn chúng con đầy u buồn” (Ga 16, 6). Nhưng Chúa Giêsu trấn an các ông : “Thầy sẽ không để chúng con mồ côi, Thầy sẽ trở lại với chúng con” (Ga 14,18). Nếu Mầu Nhiệm Phục Sinh làm cho các tông đồ không còn nhìn thấy Chúa cách hữu hình nữa, thì Chúa sẽ còn hiện diện hơn bao giờ hết trong đời sống của họ, và Chúa hiện diện với họ “tất cả mọi ngày cho đến tận cùng” (Mt 28, 20) nơi bí tích Thánh Thể .
Như thế khi xuống thế làm người, Chúa Giêsu đã cho nhân loại thấy tình yêu thương của Người đối với nhân loại và khi lập Bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu chứng tỏ Người yêu thương nhân lạoi đến cùng như lời Phúc âm đã nói “Vì đã yêu thương các môn đệ của mình còn sống trong trần gian, nên Người yêu thương họ cho đến cùng”. Phúc âm của Thánh Gioan không kể lại việc Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể, nhưng mô tả chi tiết Chúa Giêsu rửa chân cho các môn đệ. Sáng kiến của Chúa Giêsu làm cho thánh Phêrô bở ngở vì đây là một mạc khải về tính cách tuyệt đối hạ mình của Đức Giêsu : Chúa Giêsu trở nên người tôi tớ của chúng ta.
Trong Đức Kitô, chính Thiên Chúa đã “tự rời bỏ mình” và đã mặc lấy “hình thể người tôi tớ”. Người hạ mình đến nổi chịu chết trên Thập Giá (x. Phil 2, 7), để làm cho nhân loại được bước vào trong thân tình chia sẻ sự sống Thiên Chúa. Những lời Chúa Giêsu dạy tiếp sau biến cố Rửa Chân đã giải thích cho biến cố nầy và hướng chúng ta đến mầu nhiệm hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa Cha mời gọi chúng ta tham dự mầu nhiệm hiệp thông ấy bằng cách ghép chúng ta vào Chúa Kitô nhờ hồng ân Chúa Thánh Thần. 
Sự hiệp thông nầy mời gọi chúng ta sống một cách phù hợp với mệnh lệnh mới: “Như Thầy đã yêu thương chúng con, thì chúng con cũng phải yêu thương nhau” (Ga 13, 34). Chúa Kitô hiệp nhất với Chúa Cha, sẵn sàng trở về cùng Cha qua hy tế chính mình và không muốn gì khác hơn là làm cho các môn đệ của Người được tham dự vào trong sự hiệp nhất của Người với Chúa Cha : “Như Cha ở trong Con và con trong Cha, ước chi họ được nên Một trong chúng ta” (Ga 17, 21).
Như thế, chúng ta thấy Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể là để giúp chúng ta hiệp thông với Chúa Giêsu, với Thiên Chúa và hiệp thông với nhau. Thánh Tông đồ Phaolô khi nói về Hội thánh, đã cho biết đây là cộng đoàn các kẻ tin được tụ tập lại với nhau trong sự hiệp nhất của một thân thể, được trở nên sống động nhờ cùng một Thần Khí và được nâng đỡ nhờ việc chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Thánh Phaolô nói về thân thể mầu nhiệm Đức Kitô là chính Hội Thánh. Hội Thánh tìm thấy nơi Mình Máu Chúa Giêsu sự sống cho chính mình, từ đó sinh lực của ân sủng tuôn chảy đến tất cả mọi thành viên.
Thánh Tông đồ nói: “Khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao ? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10,16-17). Vì thế, tất cả chúng ta, những người đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy, trở thành chi thể của thân thể đó và vì vậy liên đới với nhau (x. 1 Cr 12,27; Rm 12,5). Với lòng biết ơn chân thành, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa, Đấng đã lập nên Bí tích Thánh Thể để chúng ta hiệp thông với Người và với anh chị em chúng ta.
Nói về Bí tích Thánh Thể thì Công đồng Vat 2 đã cho biết Chúa Giêsu đã thiết lập Bí tích Thánh Thể để nối dài Hy tế Khổ giá và để cho Hội Thánh tưởng niệm sự chết và sống lại của Người. Bí tích Thánh Thể là Bí tích Tình Yêu, dấu chỉ hiệp nhất, mối dây bác ái.
Như thế, Bí tích Thánh Thể là nguồn suối và chóp đỉnh đời sống Hội thánh. Nếu sứ mệnh của Hội Thánh là loan báo và xây dựng Nước Thiên Chúa nghĩa là loan báo và xây dựng sự hiệp thông giữa Thiên Chúa với con người và vũ trụ vạn vật thì Bí tích Thánh Thể vừa là dấu chỉ hiệp thông, vừa thực hiện sự hiệp thông với Thiên Chúa, và sự hiệp nhất trong Dân Thiên Chúa.
Bí tích Thánh Thể vừa là hành động của Thiên Chúa thánh hóa thế giới, vừa là việc tôn thờ mà loài người dâng lên Chúa Cha nhờ Đức Kitô. Vì thế các bí tích khác cũng như các hoạt động trong Hội Thánh đều liên kết và qui hướng về Bí tích Thánh Thể vì ở đây chứa đựng kho tàng thiêng liêng là chính Chúa Kitô.
Sự hiện diện của Chúa Kitô trong Thánh Thể đã trải qua hai ngàn năm lịch sử Giáo Hội và sự hiện diện nầy sẽ còn đồng hành với Giáo Hội cho đến tận cùng lịch sử. Đây là một niềm vui lớn cho chúng ta, vì được liên kết chặt chẽ với mầu nhiệm Thánh Thể. Thế nhưng việc liên kết nầy cũng phát sinh trách nhiệm. Hằng ngày, chúng ta cùng nhau tham dự thánh lễ. Chén rượu, tấm bánh mà linh mục dâng trên bàn thờ là hoa trái của bao nhiêu mồ hôi nước mắt của biết bao nhiêu người. Hoa trái đó được biến đổi trở nên nhựa sống từ gốc nho là Đức Kitô. Chúng ta cùng quây quần bên bàn thờ để tiếp nhận nhựa sống đó từ nơi Đức Kitô.
Xin cho chúng ta biết tiếp nhận nhựa sống đó một cách hiệu quả nhất tức là sinh hoa trái tình yêu trong cuộc đời chúng ta.

Lm Ernest Nguyễn Văn Hưởng

 

Xem thêm

20-1-2025 10-55-07 AM

Lời Chúa – Thứ Hai Tuần II Thường Niên Năm C | 20/01/2025

Nguồn: Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN