Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 1 Mùa Vọng, năm B của LM Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 1 Mùa Vọng, năm B của LM Đan Vinh

 

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG B

Is 63,16b-17.19b.64,2b-7 ;

1 Cr 1,3-9 ; Mc 13,33-37

 

CANH THỨC VÀ CẦU NGUYỆN ĐỂ ĐÓN CHÚA

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Mc 13,33-37

(c 33) Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ: “Anh em phải coi chừng, phải tỉnh thức và cầu nguyện, vì anh em không biết khi nào thời ấy đến”. (c 34) Cũng như người kia trẩy đi phương xa để nhà lại, trao quyền cho các đầy tớ của mình, chỉ định cho mỗi người một việc, và ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức. (c 35) Vậy anh em phải canh thức, vì anh em không biết khi nào chủ nhà đến: Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng. (c 36) Anh em phải canh thức, kẻo lỡ ra ông chủ đến bất thần, bắt gặp anh em đang ngủ. (c 37) Điều Thầy nói với anh em đây, Thầy cũng nói với hết thảy mọi người là: Phải canh thức !”

2. Ý CHÍNH:

Mùa Vọng là thời kỳ các tín hữu chuẩn bị tâm hồn đón mừng đại lễ Giáng Sinh, kính nhớ Con Thiên Chúa xuống thế lần thứ nhất. Đồng thời, đây cũng là thời kỳ Hội Thánh hướng lòng trí các tín hữu trông đợi Đấng Cứu Thế sẽ đến lần thứ hai vào ngày tận thế. Trong Tin mừng hôm nay, Đức Giê-su kêu gọi các môn đệ phải luôn tỉnh thức và canh thức, để đợi chờ Người sẽ trở lại ban ơn cứu độ trong ngày tận thế.

3. CHÚ THÍCH:

– C 33-34: + Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ: Đây là lúc Đức Giê-su đang ngồi trên núi Cây Dầu đối diện với Đền Thờ, để giảng dạy các môn đệ. Tin Mừng trước đó có kể tên bốn môn đệ là các ông: Phê-rô, Gia-cô-bê, Gio-an và An-rê (x. Mc 13,3). + Coi chừng: Là cảnh giác đề phòng. Các môn đệ phải đề phòng những tien tri giả sẽ mạo danh Chúa đến để lừa gạt họ (x. Mc 13,6.22). Phải đề phòng trước những tình huống khó khăn sẽ xảy ra trong thời cuối cùng như: Sẽ bị người thân bắt nộp cho quan quyền, bị hành hạ đánh đòn, và có thể còn bị giết chết nữa (x. Mc 13,9-13). + Tỉnh thức và cầu nguyện: Là thái độ phải có của người môn đệ. Họ không được mê ngủ, nhưng phải luôn canh thức và kết hiệp với Chúa bằng việc chuyên cần cầu nguyện, để khỏi bị bất ngờ khi Chúa đến. + Cũng như người kia trẩy đi phương xa: Trẩy đi phương xa ám chỉ việc Đức Giê-su sau khi sống lại sẽ lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha và sẽ trao sứ mệnh rao giảng tin mừng cho các môn đệ (x Mc 16,15). + Ra lệnh cho người giữ cửa phải canh thức: Người giữ cửa ám chỉ các môn đệ hay các tín hữu. Mỗi người chúng ta có bổn phận phải canh thức, luôn ở trong tư thế sẵn sàng bằng cách chu toàn các việc bổn phận được trao phó cách nghiêm túc.

– C 35-37: + Vậy anh em phải canh thức: Canh thức là tỉnh thức và sẵn sàng đón chủ về vào bất cứ giờ nào. + Lúc chập tối hay nửa đêm, lúc gà gáy hay tảng sáng: Các môn đệ Chúa phải tránh ngủ mê khi Chúa đến vào mọi thời điểm trong đêm. + Nói với hết mọi người: Qua các môn đệ, Đức Giê-su muốn nhắn nhủ mọi người cũng phải biết canh thức thì mới được ơn cứu độ. Canh thức cụ thể là phải tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa; Phải được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trong bí tích Rửa Tội; Phải lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng tuân theo ý Chúa; Phải sống giới răn yêu thương cụ thể như Kinh Thương người đã dạy.

4. CÂU HỎI: 1) Trong Mùa Vọng, Hội thánh dạy các tín hữu phải làm gì? 2) Đối với người tín hữu hôm nay, canh thức cụ thể đòi chúng ta phải làm gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Hãy canh thức và cầu nguyện” (Mc 13,33):

2. CÂU CHUYỆN: PHẢI CHUẨN BỊ SẴN SÀNG ĐÓN CHÚA ĐẾN BẤT NGỜ

1) Giờ chết đến bất ngờ:  Mới đây các nhà khảo cổ đã tìm ra một thành phố cổ xưa đã bị chôn vùi trong lòng đất hàng ngàn năm, do núi phun lửa bất ngờ trút nham thạch xuống thành phố. Rất nhiều người đã bị chôn vùi trong lớp nham thạch nóng bỏng và chết ngay lập tức. Nhiều xác chết đã được đào thấy bị chết cứng trong những tư thế khác nhau: Có người chết khi đang nằm trên giường, người khác chết khi đang ngồi chung quanh bàn ăn. Đặc biệt người ta cũng đào được xác của một người lính chết trong tư thế đứng gác, tay anh đang cầm một cây giáo dài.

2) Phải sẵn sàng đón Chúa đến: Tại một trường dòng kia, một hôm thầy giám thị muốn kiểm tra lòng đạo đức của học trò, nên trong lúc nghỉ giải lao giữa giờ chơi, thầy đã tập trung các em học sinh lại và hỏi: “Giả như có một vị thiên thần từ trời hiện đến cho biết chỉ còn đúng một giờ nữa là sẽ tới tận thế mà mọi người chúng ta đều phải chết, thì ngay bây giờ các em phải làm gì để được hưởng ơn cứu độ?”. Các em học sinh lần lượt trả lời. Em thì nói: “Thưa thầy, em sẽ vào nhà nguyện để dọn mình xưng tội chung lần sau hết thật sốt sắng !”. Em khác nói: “Thưa thầy, em sẽ đem số tiền dành dụm bấy lâu đi phân phát cho các bệnh nhân nghèo trong khu xóm cạnh nhà trường”… Đến lượt Lu-i Gông-gia-ga khi được hỏi, đã trả lời như sau: “Còn em ư? Em cứ tiếp tục cuộc chơi !”. Cậu nói thêm: “Sở dĩ em cứ chơi dù sắp bị chết là vì em đã luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng ngay từ lúc sáng sớm khi vừa thức dậy. Đã từ lâu em vâng lời mẹ dạy là khi nghe chuông báo thức, em phải lập tức trỗi dậy qùi gối xuống đất để dâng ngày mới cho Chúa như sau: “Lạy Thiên Chúa Cha của con. Con xin tạ ơn Cha đã cho con qua đêm bình an. Con xin dâng ngày mới hôm nay cho Cha. Xin Cha ban ơn Thánh Thần giúp con luôn chu tòan công việc bổn phận và phục vụ Chúa Giê-su hiện thân trong mọi người.-AMEN”.

3. SUY NIỆM:

Trong Tin Mừng hôm nay, có tới bốn lần Đức Giê-su đã kêu gọi các môn đệ phải canh thức. Lời kêu gọi này càng tha thiết hơn nữa khi nó được nói với chúng ta trong khung cảnh của ngày Chúa Nhật thư nhất Mùa Vọng hôm nay, ngày mở đầu cho một Năm Phụng Vụ mới của Hội thánh. Vậy canh thức là gì và tại sao phải canh thức ? Canh thức đòi chúng ta phải làm những việc gì cụ thể để đón Chúa đến ban ơn cứu độ ?

1) Thực sự cái chết luôn rình rập và thường đến cách bất ngờ:

Đọc báo chí, xem truyền hình, chúng ta thấy cái chết dường như luôn hiện diện ở khắp nơi và có thể xảy đến trong mọi lúc:

– Ngày 28/09/2014 vừa qua, núi lửa Ontake nước Nhật bất ngờ phun trào làm ít nhất 40 người bị thương và nhiều người mất tích. Vào cuối năm 2013 một cơn siêu bão là Hai-yan đã gây ra thiệt hại khủng khiếp cả về người và tài sản, sau khi quét qua miền trung nước Philippines. Cách đây ít hôm, vào tối 22/11/2014 một trận động đất mạnh 6,3 và 6,8 độ richter đã tấn công Nhật Bản và Trung Quốc gây nhiều thương vong. Chỉ sau 12 giờ, trận động đất đã làm ít nhất 4 người thiệt mạng, 54 người bị thương, 25.765 ngôi nhà bị hư hại, hơn 6.200 người phải sơ tán.

– Rồi cuộc chiến tranh triền miên giữa Ít-ra-en và Pa-lét-tin cũng gây bao đau thương cho hai dân tộc: Vào trung tuần tháng 8/2014 vừa qua đã có gần 2.000 người thiệt mạng. Những cuộc pháo kích mưa bom liên tiếp dội xuống giải Ga-da làm hơn 9 567 người thương vong, hơn 400.000 người Pa-lé-tine phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Nhiều tòa nhà và đường xá bị san bằng và đổ nát, có gia đình nọ gồm 8 người đã bị bom giết sạch khi đang ẩn núp trong nhà mình. 

– Dẫu vậy không có mấy người trong chúng ta lại nghĩ mình cũng có thể bị chết bất ngờ để canh thức và sẵn sàng đón điều tệ hại ấy. Lời Chúa hôm nay cảnh báo chúng ta: Hãy canh thức để đón giờ chết đến bất ngờ của riêng mỗi người và chung của toàn thể nhân loại trong ngày tận thế.

– Canh thức hay tỉnh thức không phải là không ngủ, vì trái với tự nhiên. Nhưng canh thức là ngủ trong tình trạng sẵn sàng thức giấc và kịp thời xử lý khi có tình huống bất lợi xảy ra, giống như ông chủ nhà ban đêm phải cảnh giác để tránh không cho trộm đào ngạch khoét vách nhà mình (x Mt 24,43). Canh thức cũng là phải biết tiên liệu để chuẩn bị kịp thời ứng phoc hữu hiệu với những tình huông bất ngờ như năm cô trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị đầy dầu cho cây đèn của mình (x Mt 25,4).

2) Canh thức luôn đi đôi với lời cầu nguyện:

– Canh thức là nhận ra Chúa Giê-su và phục vụ Người đang hiện thân nơi những kẻ đói khát, rách rưới, yếu đau, lỡ đường, ở tù… sẽ được Người xếp vào hạng chiên ngoan. Còn những kẻ không thực thi bác ái cụ thể sẽ bị xếp vào loại dê độc ác, sẽ ra đi để chịu cực hình muôn kiếp, còn những người công chính ra đi để được hưởng sự sống muôn đời (x. Mt 25,31-46).

– Nhưng nguyên thái độ tỉnh thức cũng chưa đủ, tâm tình tỉnh thức còn đòi mỗi tín hữu chúng ta phải biết năng cầu nguyện như Chúa Giêsu đã kêu gọi: “Hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa cơn cám dỗ” (Mc 14,38). Chúng ta thường bị cám dỗ ngủ quên trong những thành công, trong các tiện nghi hưởng thụ, mà quên đi giờ chết sẽ đến bất ngờ. Bước vào Mùa Vọng, người tín hữu cần mang tâm tình thức tỉnh và cầu nguyện như Chúa Giêsu đã mời gọi để chờ đợi Chúa đến vào giờ chết mỗi người, hoặc đến chung trong ngày cùng tận của thế giới. Chúa sẽ đên bất ngờ, nên thái độ chờ đợi Chúa đến đúng nghĩa nhất là phải luôn canh thức và cầu nguyện, kẻo lỡ khi Chúa đến bắt gặp chúng ta đang mê ngủ (x. Mc 13,33-37).

– Nói cách cụ thể: Chúng ta phải luôn mang cây đèn đức Tin trên tay. Nhưng cây đèn ấy cần chứa đầy dầu ân sủng đức Cậy nhờ chuyên cần thực hành Lời Chúa và năng dự lễ và rước lễ mỗi ngày. Nhờ đó, chúng ta mới có thể tỏa sáng đức Mến qua thái độ năng nghĩ đến người khác, lời nói dễ thương, hành động quên mình phục vụ tha nhân vô vụ lợi, sẵn sàng quảng đại chia sẻ cơm bánh thuốc men cho người nghèo đói bệnh tật… Nhờ đó ánh sáng của chúng ta sẽ chiếu tỏa ra trước mặt thiên hạ, để họ thấy những việc tốt lành chúng ta làm mà ngợi khen Cha chúng ta trên trời” (x Mt 5,16).

3) Chúng tôi phải làm gì ? :

– Mỗi người sẽ quyết tâm dấn thân hy sinh để chu toàn việc bổn phận, như người đầy tớ được chủ trao trách nhiệm quản gia để đúng giờ phân phát lương thực cho gia nhân (x. Lc 12, 42-46). Nếu ông chủ trở về mà thấy người quản gia đang cần mẫn làm việc như vậy thì ông sẽ cất nhắc anh ta lên làm việc lớn là coi sóc gia sản của ông. “Nhưng nếu tên đầy tớ xấu xa ấy nghĩ bụng : “Chủ ta còn lâu mới về. Thế rồi hắn bắt đầu đánh đập các đồng bạn và chè chén với những bọn say sưa. Chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không chờ, vào giờ hắn không biết. Và ông sẽ loại hắn ra, bắt chung số phận với những tên đạo đức giả: Ở đó, người ta sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (x. Mt 24,47-50).

– Canh thức là cố gắng làm lợi thêm những nén bạc Chúa trao, cụ thể là sử dụng các tài năng Chúa ban như ca hát, nói hay, khéo tay… để làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích cho phần rỗi các linh hồn. Kẻ chỉ biết đào lỗ chôn giấu nén bạc được chủ trao, thể hiện qua thái độ lười biếng làm việc lành… thì khi giờ chết đến anh ta sẽ bị chủ thu lại tất cả những tài năng và sẽ bị loại khỏi Nước Trời đời đời.

– Canh thức là sống đức tin trong giây phút hiện tại: Mỗi tín hữu chúng ta cần sống tình con thảo với Chúa Cha từ lúc sáng sớm khi vừa thức giấc đến tối trước khi nghỉ đêm. Luôn tỉnh thức như người tôi tớ luôn thao thức để tìm làm theo ý Thiên Chúa muốn như lời cầu trong kinh Lạy Cha: “Chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, y Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (Mt 6,9).

– Trong những ngày này, chúng ta cần tham dự các buổi tĩnh tâm và dọn mình lãnh bí tích giao hòa với quyết tâm khử trừ tội lỗi ra khỏi cuộc sống của mình và tích trữ một kho tàng quý giá là các việc bác ái yêu thương, để bất kỳ lúc nào Chúa kêu gọi, chúng ta cũng thưa được với Người: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Chúa”.

– Thánh Phao-lô khuyên các tín hữu Rô-ma như sau: “Anh em thân mến. Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy hãy loại bỏ những việc làm đen tối và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đúng đắn như người đang sống giữa ban ngày: Không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giê-su Ki-tô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13,12-14). Chân phước SÁC-ĐỜ PHU-CÔ (Charles de Foucault) cũng khuyên các tu sĩ của ngài như sau: “Bạn hãy sống như thể bạn sẽ phải chết vào đêm hôm nay”.

– Cây siêu ngả theo chiều nào sẽ đổ theo chiều ấy: Người ta thường nói:Sống sao chết vậy”. Muốn có được một cái chết bình an lành thánh, muốn cho giờ chết không phải là giờ đau khổ bất hạnh thì ngay từ bây giờ, chúng ta phải lo sống thật nghiêm túc tốt lành. Đối với những ai không tin có đời sau, hãy nghe lời khuyên khôn ngoan của nhà tư tưởng Pascal: “Có đời sau hay không, điều ấy thật khó chứng minh rõ rệt. Tuy nhiên tôi vẫn tin có đời sau là hơn. Vì dù không có, thì tin như vậy cũng không gây thiệt hại gì. Còn giả như có, thì thái độ không tin quả là bất hạnh. Cho nên tin và sống niềm tin ấy, chính là thái độ của một người khôn ngoan”.

Tóm lại: Trong Mùa Vọng này, mỗi người chúng ta sẽ vừa thực hành các bác ái kèm theo lời càu nguyện như sau: “Maranatha, Lạy Chúa, xin hãy đến!” (Kh 22,20).

4. THẢO LUẬN: Giả như ngay lúc này mà mọi người chúng ta đều bất ngờ phải chết, thì chúng ta sẽ chết trong tư thế nào: đang cầu nguyện hay đang làm việc bổn phận? đang đánh bài, đang lo kiếm tiền hay đang hưởng thụ khoái lạc xác thịt bất chính?

5. LỜI CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. chúng con là những người yếu đuối và bất toàn. chúng con thường tỏ ra ích kỷ, tự mãn và hay khinh thường khích bác tha nhân, nhất là đối với bạn bè đồng trang lứa nhưng lại có nhiều ưu điểm hơn chúng con. chúng con cũng thường hay ganh tị và kết án bất công những ai chúng con không ưa thích.

– LẠY CHÚA. trong những ngày Mùa Vọng này, xin cho chúng con biết luôn tỉnh thức và kết hiệp với Chúa. cho chúng con luôn chiếu tỏa ánh sáng tin yêu trước mặt người đời, hầu bất cứ khi nào Chúa đến, cũng thấy chúng con đang canh thức, đang chu toàn nhiệm vụ Chúa trao, đang có sẵn dầu ơn thánh trong cây đèn đức tin của mình, đang thực thi thánh ý Thiên Chúa… nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ được Chúa thương đón nhận vào dự tiệc vui muôn đời trong Nước Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

LM ĐAN VINH-HHTM

 

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …