Home / Suy Niệm Lời Chúa / Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 1 Mùa chay, năm C, của Lm Đan Vinh

Suy niệm Tin mừng Chúa nhật 1 Mùa chay, năm C, của Lm Đan Vinh

HIỆP SỐNG TIN MỪNG

CHÚA NHẬT I MÙA CHAY C

Đnl 26,4-10; Rm 10,8-13; Lc 4,1-13

QUYẾT TÂM VƯỢT QUA THỬ THÁCH TRONG CUỘC SỐNG

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 4, 1-13

h9(1) Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về, và được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa (2) bốn mươi ngày, chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. (3) Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!”. (4) Nhưng Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”. (5) Sau đó, quỷ đem Đức Giêsu lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. (6) Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tùy ý. (7) Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông. (8) Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời chép rằng: “Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”. (9) Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem và đặt Người trên nóc Đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi! (10) Vì đã có lời chép rằng: “Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn”. (11) Lại còn chép rằng: “Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. (12) Bấy giờ Đức Giêsu đáp lại: “Đã có lời rằng: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”. (13) Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ.

  1. Ý CHÍNH: ĐỨC GIÊSU CHIẾN THẮNG MA QUỶ CÁM DỖ

Tin mừng thuật lại việc Thánh Thần hướng dẫn Đức Giêsu vào sa mạc ăn chay cầu nguyện bốn mươi ngày, sau đó Người đã dùng Lời Thánh Kinh chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ như sau:

– Một là cán dỗ về thú vui nhục dục.

– Hai là cám dỗ về quyền lực lợi lộc.

– Ba là cám dỗ về danh vọng thế gian.

  1. CHÚ THÍCH:           

C 1-2: + Được Thánh Thần dẫn đi vào hoang địa: Thánh Luca hay nói tới tác động của Thánh Thần trong cuộc đời Đức Giêsu (x. Lc 1, 35 ; 3, 16.22). Hoang địa là vùng sa mạc Giu-đa, một giải đất rộng nằm giữa vùng núi gần thành Giê-ri-cô. + Bốn mươi ngày: Con số bốn mươi này gợi lại bốn mươi năm dân Ít-ra-en đi trong sa mạc. + Chịu quỷ cám dỗ: Trong tiếng Do thái, cám dỗ nghĩa là thử thách, giống như một cuộc thi cử. Đứng trước cơn cám dỗ, ta phải lựa chọn giữa sự thiện và sự ác, ánh sáng và bóng tối, sự sống và sự chết. + Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó thì Người thấy đói: Nhịn ăn là một trong những hình thức chay tịnh của dân Do thái.    

C 3-4: + “Nếu ông là Con Thiên Chúa”: Quỷ đã nhắc lại lời Chúa Cha phán sau khi Đức Giêsu chịu phép Rửa: “Này là Con Ta yêu dấu” (x Lc 3, 22). + Truyền cho hòn đá này hóa bánh đi!: Đây là cơn cám dỗ về của ăn. Quỷ đã nhận ra điểm yếu của Đức Giêsu là bị đói sau thời gian dài ăn chay, nên nó xúi Người làm phép lạ biến đá thành bánh để thỏa mãn nhu cầu của bản thân! Đây là sự cám dỗ chiều theo các đam mê lạc thú xác thịt. + “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”: Đức Giêsu dùng câu nói của Môsê dạy dỗ dân Ít-ra-en ngày xưa để chống trả cơn cám dỗ này của ma quỷ (x. Đnl 8, 3).

C 5-8: + Quỷ đem Đức Giêsu lên cao: Có lẽ đây là một vị trí cao hơn mặt đất, như thường ghi trong các Khải huyền Do thái. + Trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ: Câu này cho thấy cơn cám dỗ chỉ xảy ra trong tâm trí của Đức Giêsu. + Nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này.”..: Ma quỷ đề nghị chia sẻ quyền cai trị để biến Đức Giêsu thành vị Mê-si-a trần thế theo kiểu vua Đa-vít ngày xưa. Người sẽ liên kết với nhóm Do thái cực đoan để chiếm lại quyền hành và vinh quang, đánh đuổi quân Rô-ma đang cai trị ra khỏi đất nước (x. Gioan 6, 15). Điều mong ước này không nằm trong chương trình cứu độ và không phải là sứ vụ của Đức Giêsu (x. Lc 10, 22). + Đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi”: Bái lạy là thái độ của loài thụ tạo phục tùng Đấng Tạo Hóa (x. Mt 2, 5; 8, 2). Dân Do thái khi xưa đã sa ngã phạm tội khi tôn thờ bò vàng, nên đã bị phạt (x. Xh 32, 1.31-35). Còn nay Đức Giêsu nhắc lại điều luật Môsê truyền cho dân Do thái chỉ được tôn thờ một mình Thiên Chúa mà thôi (x. Đnl 6, 13).

C 9-13: + Quỷ đem Đức Giêsu đến Giêrusalem: Luca kết thúc bản tường thuật các cơn cám dỗ tại Giêrusalem. + Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng dậy mà gieo mình xuống đi”: Sau này trong cuộc khổ nạn tại Giêrusalem, các đầu mục Do thái, bọn lính canh và tên gian phi cũng lặp lại cơn cám dỗ này: “Hãy bước xuống khỏi thập giá để chúng ta thấy mà tin” (x. Mt 27,42b-44). + “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi”: Thử thách Thiên Chúa có hai nghĩa: một là như xưa ma quỷ đã cám dỗ dân Do thái lẩm bẩm kêu trách và phản đối Đức Chúa, Đấng đã giải phóng họ thoát khỏi ách nô lệ cho dân Ai cập, đang khi lẽ ra họ phải tạ ơn và phó thác cậy trông nơi Người. Hai là quỷ cám dỗ Đức Giêsu lợi dụng lòng tốt của Thiên Chúa để tìm kiếm lợi lộc cho bản thân. Tội này cũng giống tội “trông cậy quá lẽ”, nghĩa là đòi Chúa phải làm phép lạ để thỏa mãn đòi hỏi theo ý riêng mình. + Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi chờ đợi thời cơ: Thời cơ là cuộc thương khó của Đức Giêsu tại Giêrusalem (x. Lc 22, 3). Trong vườn cây Dầu, Người đã bị ma quỷ cám dỗ từ chối uống chén đắng đau khổ, nhưng Người đã chiến thắng cơn cám dỗ đó bằng lời cầu xin với Chúa Cha: “Tuy vậy, xin đừng làm theo ý Con, mà xin theo ý Cha” (Lc 22, 42). Trên cây thập giá, Người bị ma quỷ cám dỗ nghĩ mình đã bị Chúa Cha bỏ rơi! (x. Mt 27, 46), nhưng Người đã chiến thắng nó qua lời cầu nguyện phó thác hòan tòan vào sự quan phòng của Chúa Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).

  1. CÂU HỎI: 

1) Cám dỗ là gì? Khi chỉ bị ma quỷ cám dỗ làm điều xấu trong tâm trí thì đã có tội chưa? 2) Đức Giêsu đã dùng phương thế nào để chống lại ma quỷ khi bị chúng cám dỗ? 3) Tội “thử thách Thiên Chúa” có đồng nghĩa với tội “trông cậy quá lẽ” không? Hãy nêu một vài ví dụ cụ thể để minh họa về tội “trông cậy quá lẽ” hay tội “thử thách Thiên Chúa”.

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: “Đức Giêsu được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa bốn mươi ngày và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4, 1b).
  2. CÂU CHUYỆN: SA CHƯỚC CÁM DỖ

Ngày xưa có một thanh niên tính tình hiền lành, luôn cư xử hiếu thảo với cha mẹ, và rất yêu thương vợ mình. Một hôm, một con quỷ đã hiện ra và cám dỗ anh ta phạm tội. Quỷ cho anh được quyền chọn làm một trong ba điều xấu: Một là chửi mắng cha mẹ. Hai là giết chết cô vợ thân yêu. Ba là uống rượu. Bấy giờ chàng thanh niên liền suy nghĩ: Chửi mắng cha mẹ là bất hiếu, nên ta quyết không làm. Giết chết người vợ thân ỵêu là bất nghĩa, ta cũng không thể làm được. Chỉ có uống rượu là ta có thể làm được thôi, vì uống rượu đâu phải quá xấu! Thế là anh ta chọn uống rượu. Quỷ liền sai người cung cấp cho anh ta đủ các thứ rượu ngon trên đời. Lúc đầu chàng thanh niên còn uống hạn chế mỗi bữa một ly nhỏ, nên không có điều gì xảy ra. Nhưng dần dần việc uống rượu trở thành thói quen, mỗi bữa anh ta phải tăng “đô” lên và uống gấp nhiều lần mới thấy “phê”. Cuối cùng, anh đã trở thành một tên bợm nhậu: lúc nào cũng say xỉn! Một hôm, anh ta say đến nỗi không biết trời trăng gì nữa. Trong cơn say, anh ta đập bể tất cả chén bát và vất đồ đạc trong nhà ra đường. Bị cha mẹ ngăn cản rầy la, anh ta liền to tiếng cãi lại và buông ra những lời thô tục xúc phạm đến cha mẹ. Cô vợ thấy chồng vô lễ và bất hiếu như vậy liền chạy tới khuyên can liền bị anh đâm một nhát dao khiến cô ngã lăn ra chết. Thế là từ việc uống rượu tưởng chừng vô hại lúc đầu, về sau đã thành nguyên nhân dẫn đến hai tội ác lớn lao là bất hiếu xúc phạm nặng đến cha mẹ, và bất nghĩa giết chết người vợ thân yêu của mình.

  1. THẢO LUẬN:

1) Ma quỷ đã tấn công vào chỗ yếu của Đức Giêsu là bụng đói sau khi đã nhịn ăn bốn mươi ngày. Còn chỗ yếu của bạn hiện nay là gì? 2) Để chống lại cơn cám dỗ của ma quỷ cách hữu hiệu, bạn cần sử dụng các phương thế nào noi gương Đức Giêsu như trong Tin Mừng hôm nay?

  1. SUY NIỆM:

1) Con người “nhân vô thập toàn” và dễ sa ngã phạm tội:

Đây là hậu quả của tội tổ tông truyền, như thánh Phaolô đã phải thú nhận: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7, 19). Ngoài ra con người còn bị ma quỷ cám dỗ xúi giục phạm tội như nó đã cám dỗ Ađam Evà và con cháu ông No-e phạm nhiều thứ tội đáng bị trừng phạt. Nó cũng cám dỗ con cháu Gia-cóp vừa được ơn Chúa cứu thoát khỏi ách nô lệ cho người Ai cập, đã nói những lời xúc phạm đến Đức Chúa và tỏ ra vô ơn đối với ông Môsê.

2) Các cơn cám dỗ xưa và nay:

Sau khi được Thánh Thần xức dầu thiêng liêng phong làm Đấng Thiên Sai, Thánh Thần đã dẫn đưa Đức Giêsu vào trong sa mạc ăn chay cầu nguyện suốt bốn mươi ngày và trải qua cơn cám dỗ của ma quỷ về ba phương diện như sau:

* Về THÚ VUI XÁC THỊT: Xưa ma quỷ đã xúi giục Đức Giêsu làm phép lạ để thỏa mãn cơn đói khát cơm bánh vật chất và các đam mê lạc thú bất chính. Ngày nay ma quỷ cũng cám dỗ chúng ta ước muốn được “ngồi bên nồi thịt và được ăn bánh thỏa thuê”…. như dân Ít-ra-en trong sa mạc khi xưa (x. Xh 16, 2tt). Ma quỷ xúi chúng ta ăn uống no say thừa mứa, vui hưởng lạc thú xác thịt bên cạnh những người đói khát bệnh tật và đau khổ.

* Về LỢI LỘC VẬT CHẤT: Xưa ma quỷ đã hứa ban lợi lộc và quyền lực vinh quang cho Đức Giêsu nếu Người tôn thờ nó. Nay ma quỷ cũng cám dỗ nhiều người bán linh hồn cho nó, tình nguyện làm tay sai cho nó để được hưởng lợi như buôn bán sì ke ma túy, kinh doanh hàng gian hàng giả, buôn bán thân xác phụ nữ và trẻ em…

* Về DANH VỌNG TRẦN GIAN: Xưa ma quỷ cám dỗ Đức Giêsu nhảy từ nóc Đền thờ xuống, để tìm hư danh, vì tin chắc Thiên Chúa sẽ can thiệp kịp thời cứu Người khỏi bị té ngã (x. Lc 4, 10-11). Trong cuộc tử nạn, ma quỷ cũng xúi giục thách thức Đức Giêsu qua các đầu mục dân Do Thái: “Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!” (Mc 15, 29-32). Cả tên trộm cũng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người: “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với !” (Lc 23, 39). Nay ma quỷ cũng cám dỗ chúng ta thử thách Thiên Chúa khi tự đặt mình vào tình huống hiểm nghèo và buộc Thiên Chúa phải ra tay làm phép lạ để cứu mình khỏi chết. Đó chính là tội “trông cậy quá lẽ” dễ đi đến chỗ mất đức tin. Đành rằng Thiên Chúa quyền năng có thể làm được mọi sự (x. Lc 1, 37), nhưng Người chỉ làm phép lạ khi nào Người muốn và nếu điều đó thực sự hữu ích cho phần rỗi đời đời của chúng ta. Còn những ai muốn thử thách Người như dân làng Nadarét không tin nên đòi Đức Giêsu làm phép lạ để chứng minh thân phận Cứu Thế của Người (x. Mc 6, 1-6), hoặc vua Hêrôđê muốn Đức Giêsu làm phép lạ cho ông ta xem thì Người giú thái độ im lặng

Nhưng Đức Giêsu đã chiến thắng cơn cám dỗ về thú vui, về lợi lộc và danh vọng bằng nhừng lời như sau: “Người ta không chỉ sống nhờ cơm bánh”, mà Người còn khẳng định thêm: Lời Chúa cũng cần thiết không kém để nuôi dưỡng đức tin. người tín hữu không được vì lợi lộc tiền tài vật chất mà bỏ bổn phận ưu tiên tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, rồi phó thác nhu cầu cuộc sống trong tay Chúa quan phòng (x. Mt 6, 33). Đức Giêsu đã không chấp nhận thái độ thử thách quyền năng Thiên Chúa như thế khi trưng dẫn lời Kinh thánh: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (x Đnl 6, 16). Người muốn chúng ta phải có một đức tin đơn sơ phó thác, như đứa con thơ nép mình trong vòng tay bà mẹ và không bao giờ nghi ngờ đòi cha mẹ phải chứng minh tình thương ấy.

Trong lịch sử thế giới, bao nhà độc tài quyền thế, bao đế quốc hùng mạnh đã xuất hiện và đã lần lượt bị diệt vong. Còn Đức Giêsu chỉ nhận quyền lực từ nơi Chúa Cha (x. Lc 1, 32b). Chỉ công nhận một mình Chúa Cha là Thiên Chúa duy nhất đáng tôn thờ (x. Lc 4, 8). Chỉ Chúa Cha mới ban quyền cai trị cho Chúa Con là Người, và quyền lực ấy sẽ kéo dài mãi mãi, như lời sứ thần Gáp-ri-en nói với Đức Maria: “Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận” (Lc 1, 33).

Trong Mùa Chay này, noi gương Đức Giêsu, chúng ta hãy vâng theo ơn Thánh Thần hướng dẫn đi vào sa mạc tâm hồn. Hãy cùng với Đức Giêsu giữ sự thinh lặng, siêng năng cầu nguyện và hãm mình chay tịnh, để gia tăng nội lực thiêng liêng. Rồi nhờ việc chuyên cần học sống lời Chúa và được ơn Thánh Thần trợ giúp, chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng các cơn cám dỗ của ma quỷ.

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊSU. Bị cám dỗ là thân phận của con người. Nhưng chúng con chỉ thắng được cơn cám dỗ khi biết cậy nhờ vào ơn trợ giúp của Chúa. Cuộc sống hôm nay cho chúng con bao điều cám dỗ ngọt ngào, làm khuấy động những dục vọng thầm kín trong chúng con như: Muốn chiếm đoạt của cải người khác cách bất chính và muốn thống trị tha nhân, muốn được sống buông thả theo tính xác thịt tự nhiên. Cám dỗ nào cũng hứa cho chúng con được hoan lạc hạnh phúc đang khi thực ra chúng chỉ mang lại những âu sầu thất vọng.

LẠY CHÚA. Xin cho chúng con chiến thắng được các cơn cám dỗ của ma quỷ nhờ ơn Thánh Thần, nhờ biết tỉnh thức và cầu nguyện luôn, nhờ sự chay tịnh và luôn làm chủ bản thân. Xin cho chúng con dám lội ngược dòng để  đi con đường hẹp và leo dốc của Chúa: Con đường nghèo khó khiêm nhu và hy sinh phục vu tha nhân như Chúa. Ước gì sau những lần chiến đấu vất vả cam go, chúng con sẽ được lớn lên trong tình yêu mến Chúa. Và ngay cả khi chúng con lỡ sa ngã phạm tội, xin cho chúng con biết lập tức trỗi dậy để cậy trông vào lòng thương xót bao dung của Chúa và trở về làm hòa với Chúa qua bí tích giải tội.

  1. X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬN LỜI CHÚNG CON.

 LM ĐAN VINH – HHTM

Xem thêm

VIRGIN MARY

Suy niệm Tin Mừng Lễ Đức Mẹ Dâng Mình, Thứ Năm Tuần XXXIII Thường Niên, của Lm Minh Anh

  TÒNG THUỘC “Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ …