NGƯỜI THẤY ĐÓI!
(Mt 4, 1-11)
Kính thưa quý vị! Chúng ta là tạo vật thấp hèn được giáo hội mời gọi bước vào Mùa Chay để cùng Chúa Giêsu, Đấng Cứu Chuộc chúng ta chiến đấu với thế lực satan. Vâng, khi và chỉ khi nào chúng ta biết tháp nhập vào Chúa Giêsu, thì chúng ta mới chiến thắng được thế gian.
Chúng ta thấy, ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu chịu do bởi satan, nhưng satan dùng điều gì để cám dỗ Chúa Giêsu? Thưa, đó là “Thế gian“. Tại sao vậy? Thưa quý vị, bởi vì, thế mạnh của satan chỉ là “thế gian”. Tức là: ”sự ăn uống, danh vọng và sự hưởng thụ.”. Ba thứ đó chính là đầu mối sinh ra tội. Nhưng ba thứ ấy được con người tôn thờ như mục đích duy nhất của họ, thì lúc bấy giờ chúng sẽ trở thành thứ kiêu ngạo, nếu đạt được, và sự thất vọng nếu không đạt được. Như vậy, cả hai điều xấu đó đều do bởi satan là đầu mối mọi cám dỗ. Vì sao vậy? Thưa, vì lãnh vực của satan, hay lãnh địa và vương quốc của nó chỉ là những thứ kể trên, mà những thứ ấy chỉ ở trên thế gian mà thôi. Ngoài những thứ ấy ra satan không có tài nào khác. Rồi đến, mục đích của satan cũng chỉ là tiền của và danh vọng hão huyền của thế gian mà thôi. Thứ đến, những thủ lãnh thế gian và những ai thuộc về chúng cũng chỉ có như vậy mà thôi. Kết cục, Satan chỉ đẩy con người vào chỗ bị diệt vong đời đời. Đó là mục tiêu của satan và thế gian.
Biết được như thế, chúng ta mới thấy Chúa Giêsu yêu thương chúng ta dường nào. Từ việc làm Người, mặc nhân tính như chúng ta, đến việc Người phải chịu khổ hình vì chúng ta, nên chi, hôm nay Người chịu satan cám dỗ vì chúng ta, cho chúng ta được giải thoát khỏi thế lực satan, nếu chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu. Để chỉ tôn thờ duy nhất một mình Thiên Chúa là Chúa chúng ta mà thôi. Khi đó, chúng ta mới thật sự là con người tự do sống trong tình yêu hằng sống của Thiên Chúa.
Vâng, chúng ta hãy cùng nhau suy niệm chủ đề Lời Chúa hôm nay trong ba bài đọc sẽ thấy được tâm tình nêu trên.
Khởi đi từ bài đọc I (St 2, 7- 9 ; 3 , 1-7). Chúng ta thấy, Thiên Chúa dựng nên con người bằng bùn đất. Và Thiên Chúa thổi sinh khi vào bùn đất ấy mà thành con người chúng ta (c 7). Như thế, satan cũng do Thiên Chúa tạo thành, nhưng thật ra Thiên Chúa không tạo thành satan, mà chính là do kẻ dữ tự nhiên muốn hãm hại loài người chống lại Thiên Chúa, và lôi kéo loài bùn đất nhưng có sinh linh, đó là con người chúng ta, phản nghịch lại Thiên Chúa, từ đó tự chuốc lấy án phạt cho đến khi Đấng Cứu Thế đến. Như vậy, sự sống của con người là do sinh khí của Thiên Chúa mà thành. Và quả nhiên, sự sống của sinh linh “ấy” là con người cũng không hoàn toàn sống bởi cơm bánh, mà còn sống bởi nhu cầu của sinh linh, đó là “Lời“ dạy của Thiên Chúa nữa. Như vậy, sự hữu hình của con người là do bởi bùn đất được Thiên Chúa tạo thành. Khi Thiên Chúa cất đi sinh khí ấy, thì sự hữu hình còn lại gọi là thân xác và trở về với bùn đất ban đầu.
Rồi thì, sinh vật đầu tiên mà Thiên Chúa dựng nên gọi là A-đam, vì bị người bạn mình dụ phản lại Thiên Chúa, và mặc nhiên phải chết. Chết là do mất đi phúc trường sinh ban đầu, vì muốn hiểu biết bằng Thiên Chúa, đó là tội kiêu ngạo. Như vậy, chúng ta thấy “Lời“ Chúa thật là quan trọng vì rất cần thiết cho sự sống của sinh linh, chứ không phải là cơm bánh. Như vậy , chúng ta thấy ba bài đọc Thánh Kinh hôm nay có tương quan rất mật thiết, rất khắn khít với nhau.
Bài đọc II (Rm 5, 12-19), thánh Phao-lô cho chúng ta biết giữa tội lỗi và ân sủng, giữa Đức Kitô và A-đam. Chúng ta thấy, tội tổ tông là tội chỉ có một người mắc phạm, nhưng mọi người phải bị vạ lây. Mầm mống tội của A-đam thật là kinh khủng, nhưng khi Đức Giêsu- Ki-tô đến thì chúng ta được giải thoát nhờ sự cứu chuộc của Người. Như vậy, cũng vì tội của một người là A-đam mà cái chết đã xâm nhập thế gian, thì nhờ ân sủng của một người là Đức Giêsu –Kitô, thì sự sống được ban tặng. Ân sủng được ban bởi Đức Giêsu Ki-tô thì lớn lao hơn gấp bội án phạt do A-đam gây ra. Bởi vì, Đức Giêsu-Kitô là Người công chính tự nguyện chết cho con người, để cứu chuộc con người. Còn A-đam là người phạm tội và kéo theo sự chết, không những cho riêng mình mà còn cho toàn thể nhân loại, bởi vì dòng dõi do ông sinh ra. Còn ai được tái sính bởi Đức Ki-tô thì mặc nhiên được nhận lãnh phúc trường sinh, bởi vì cái chết của Người vô tội thì cứu được những kẻ tin vào Người. Như thế, Đức Giêsu Kitô được gọi là A-đam mới.
Trở lại Đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, Chúa Giêsu được Thần Khí Người dẫn vào hoang địa, ở đó Người ăn chay bốn mươi đêm ngày ròng rã, chịu quỷ cám dỗ. Sau đó, Người thấy đói. (c 1-2). Vâng, đói là trạng thái thiếu lương thực trong cơ thể con người. Là trạng thái tự nhiên, vì trong sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên sự hữu hình của con người và ban cho cái để ăn. Đó là lương thực hữu hình, bên cạnh đó là lương thực siêu nhiên đó là “LờI” của Thiên Chúa.
Từ đó, chúng ta thấy chủ đề của đọan Tin Mừng hôm nay nói về ba lần Chúa Giêsu chịu quỷ cám dỗ, nhưng Chúa đã lướt thắng ma quỷ bằng nhân tính phàm nhân, chứ không phải bởi thiên tính của Người. Đây là vấn đề quan trọng, vì lần thứ nhất “Người thấy đói”, nhưng Người đã dùng Lời Thiên Chúa là lương thực siêu nhiên để lướt thắng quỷ. Tuy ba lần, là ba cơn cám dỗ về chủ đề khác nhau, nhưng Chúa Giêsu đã dùng Lời Kinh Thánh mà trả lời cho quỷ.
– Lần thứ I: Về lương thực hữu hình (miếng ăn)
Người đã trả lời, dù phần nhân tính đói lả, Người vẫn dùng “lời“ của Thiên Chúa là lương thực siêu nhiên, trả lời quỷ: ”Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, mà còn nhờ mọi lời từ miệng Thiên Chúa phán ra” (c 4).
– Lần thứ II: Về tính kiêu ngạo (danh vọng, quyền lực)
Lần này nó quỷ quyệt hơn một bước nó cũng trích dẫn Lời Kinh Thánh để đối đáp với Chúa Giêsu. Nó muốn Người biểu lộ quyền năng Thiên Tính của Người. Nhưng Người nói: “Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi“ (c7).
Hai lần trên chúng ta thấy quỷ nó cám dỗ Chúa Giêsu, vì nó biết chắc Người là “Con Thiên Chúa”, nhưng nó vẫn nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa”. Tại sao vậy? Thưa, bởi vì nó muốn Chúa Giêsu công khai quyền năng của Người, đó là Thiên Tính của Chúa Giêsu, và như vậy là Người sẽ sa chước cám dỗ. Nhưng cũng chính Người là “Con Thiên Chúa”, vì vậy, Người không mắc mưu quỷ.
– Lần thứ III: Về sự sang trọng của thế gian, vinh hoa phú quý ( ự hưởng thụ giàu sang).
Qủy biết không thể cám dỗ được Chúa Giêsu, nhưng nó vẫn ngoan cố lần cuối. Lần này, nó mạo phạm đến Thiên Chúa thẳng thừng, nó không nói “nếu” nữa, mà nó nói ngay: Sau khi nó đưa Người lên đến ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy mọi vinh hoa, phú quý của thế gian, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả mọi thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi. (c 9).
Lần nầy, quá tam ba bận, Chúa Giêsu đã đuổi satan đi: “Hãy xéo đi, hỡi satan, ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ phụng thờ một mình Ngài mà thôi!” (c10).
Ngày còn bé, khi được nghe đọc đoạn Tin Mừng Chúa Nhật thứ I Mùa Chay hôm nay, con nghĩ rằng: “Tại sao quỷ lại đến gần Chúa Giêsu mà cám dỗ Người được, vì Chúa uy quyền phép tắc, và tại sao Chúa lại để cho quỷ xúc phạm đến ba lần như vậy?”
Thiết nghĩ, điều suy tư trên lúc còn bé cũng là điều suy tư của nhiều em bé ngày nay. Xin chia sẻ rằng: Như đã nói ở trên, đây là lúc Chúa Giêsu biểu lộ mầu nhiệm nhân tính hoàn toàn của Người, để hoàn toàn cảm nghiệm thân phận con người yếu đuối của nhân loại chúng ta. Trước khi thực thi sứ vụ rao giảng công khai của Chúa Giêsu. Trong ba cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu, chịu, thì cơn cám dỗ về ăn chay là quan trọng nhất, vì Người đã ăn chay suốt bốn mươi đêm ngày, sau đó, ”Người thấy đói“. Từ câu nầy, chúng ta suy tư được ý nghĩa chính của đoạn Tin Mừng hôm nay. Như vậy, việc chay tịnh dẫn đến ý nghĩa quan trọng đối với con người chúng ta trong việc đạo đức là: Ăn chay là để hướng về tha nhân và hướng lên Thiên Chúa. Đó là việc Bố thí và Cầu nguyện, vì nếu “Ăn Chay“ mà không vì “Mến Chúa và Yêu người”, thì việc ăn chay có đem lại kết quả sao?
Lạy Chúa Giêsu, bước vào Mùa Chay là mùa luyện tập chiến đấu thiêng liêng, xìn cho chúng con biết bước theo Chúa vào hoang địa để cùng Chúa chia sẻ những ngày chay tịnh, và được thông phần vào sự Chay Thánh của Chúa khi “Chúa thấy đói”, vì đó chính là lúc kết quả Chay Thánh thật sự. Vâng, chúng con xin cảm tạ Chúa và tôn thờ việc chay tịnh của Chúa ngay trong lúc Chúa thấy đói ./. Amen.
09/02/2014
P.Trần Đình Phan Tiến