HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT LỄ LÁ A
– KIỆU LÁ : Mt 21,1-11
-THÁNH LỄ : Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 27,11-54
CON ĐƯỜNG VINH QUANG NGANG QUA THẬP GIÁ
I- HỌC LỜI CHÚA
1A. TIN MỪNG KIỆU LÁ : Mt 21,1-11
(1) Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ (2) và bảo : “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. (3) Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng. Người sẽ gởi lại ngay. (4) Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ : (5) Hãy bảo thiếu nữ Xi-on : Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. (6) Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. (7) Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên : (8) Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. (9) Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy : “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”. (10) Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : “Ông này là ai vậy ?” (11) Đám đông trả lời : “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”.
1B. TIN MỪNG TRONG THÁNH LỄ : Mt 27,11-54
- Ý CHÍNH PHỤNG VỤ CN LỄ LÁ :
Phụng vụ CN Lễ Lá gồm hai phần :
– Phần đầu lễ, bài Tin Mừng diễn tả cuộc khải hoàn của Đức Giê-su như một ông vua ngồi trên lưng lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, giữa những tiếng hoan hô tưng bừng của mọi người : ” Hoan hô con Vua Đa-vít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”.
– Nhưng rồi đến bài Tin mừng trong thánh lễ thuật lại buổi xử án Đức Giê-su và cuộc khổ hình của Người, khi phải vác cây thập giá lên Núi Sọ, chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp như một kẻ tội đồ. Người vô tội nhưng đã chịu hình phạt thập giá đau thương nhục nhã của một tử tội để đền tội thay cho mọi người chúng ta.
- CHÚ THÍCH :
– C 1-6 : + Thầy trò đến gần Giê-ru-sa-lem : Theo Tin Mừng Gio-an (x Ga 12,1), sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su tới Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khỏang gần 3 cây số vào buổi chiều, và thầy trò đã đến ở trọ qua đêm tại Bê-ta-ni-a trong nhà ba chị em Mác-ta Ma-ri-a và La-da-rô. + Tới làng Bết-pha-ghê : Giữa Bê-ta-ni-a và Giê-ru-sa-lem có làng Bết-pha-ghê, nằm dưới chân núi Ô-liu về phía Đông. + Sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó… : Câu này nói lên tính siêu việt nơi con người Đức Giê-su: Ngài có cái nhìn thấu suốt không gian thời gian, thấu suốt tâm can con người (x. Mt 9,4; Lc 7,39-40). + Một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh : Chỉ Tin Mừng Mát-thêu mới nói đến con vật là lừa mẹ và lừa con. Còn ba Tin Mừng kia chỉ nói đến một con lừa tơ chưa một lần sử dụng, như dành riêng cho công việc linh thánh này. + “Chúa cần đến chúng” : Chủ lừa chắc là chỗ quen biết trước nên Đức Giê-su căn dặn môn đệ trả lời như vậy. Từ “Chúa” ở đây ám chỉ ông chủ lừa này đã tin Người là Đấng Thiên Sai.
– C 7-9 : + Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường : Dân chúng ở đây phần lớn là những người từ xứ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Họ nghỉ trong các quán trọ trên đường vào Thành, hoặc tạm trú trên sườn núi Cây Dầu. Những người này phấn khởi ra đón vị Vua Thiên Sai mà họ hy vọng sẽ giúp họ chống lại ách thống trị của ngoại bang. Họ lấy áo lót đường và chặt cành cây Ô-liu trải trên lối đi để bày tỏ lòng trọng kính Đức Giê-su như một vị Vua Thiên Sai theo phong tục Cận Đông thời bấy giờ. + Con vua Đa-vít : Dân chúng đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, là “Con Vua Đa-vít” khi họ thấy Người làm cho hai người mù được sáng mắt (x. Mt 20,30), và truyền cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại (x. Ga 11,45). Đó là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Is 29,18-19; 25,7-9). + Hoan hô : Dân chúng nô nức theo sau và phấn khởi hoan hô Người bằng lời hoan hô được ghi trong Thánh Vịnh 118 (x. Tv 118,25-26).
- HỎI ĐÁP :
– HỎI 1 : Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mấy lần trong đời của Người ?
ĐÁP : Đọc Tin Mừng Mát-thêu, ta có cảm tưởng Đức Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần duy nhất trong cuộc sống trần gian. Nhưng thực ra, Người đã lên Đền thờ ít là 5 lần quan trọng : Lần 1 khi mới sinh được 40 ngày (x. Lc 2,22-24). Lần 2 năm 12 tuổi, trẻ Giê-su theo cha mẹ lên Đền thờ (x. Lc 2,42). Lần 3,4,5 : Trong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng, mỗi năm Đức Giê-su đều lên Đền thờ dự lễ Vượt Qua (x. Ga 2,13; 5,1; 12,12), và vào nhiều lễ khác (x. Ga 7,10.14; 10,22-23).
– HỎI 2 : Tại sao Người không cưỡi ngựa mà lại dùng lừa ?
ĐÁP : Đức Giê-su ngồi trên lừa con chưa mang ách và chưa ai cưỡi cho thấy Người là Đấng Thiên Sai. Vì lừa mẹ ám chỉ dân Do thái đã từng mang ách của Luật Mô-sê (x. Cv 15,10), còn lừa con ám chỉ dân ngoại chưa từng mang ách, giờ đây sẽ được mang ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Đức Ki-tô (x. Mt 11,29-30). Người cưỡi trên mình lừa thay ngựa để nói lên sự khiêm tốn và hiếu hòa của Vua Thiên Sai. Bên Do thái, các bậc vua chúa quan quyền thường dùng lừa thay vì dùng ngựa. Như hoàng tử Áp-sa-lon đã chết thảm khi đang cưỡi lừa (x. 2 Sm 18,9).
II- SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA : “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5).
- CÂU CHUYỆN :
1) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG TỘT ĐỈNH CỦA CHÚA GIÊ-SU :
Vào một ngày Chúa Nhật nọ, BOB lái xe đưa vợ đi mua sắm một số đồ cần dùng. Hai vợ chồng bàn nhau vào một tiệm cầm đồ bình dân để tìm mua hàng rẻ. Bà chủ tiệm chỉ cho họ một số hàng quá hạn cần thanh lý. Bà vợ của BOB cầm lên xem một cây Thánh giá đã cũ, rồi ghé tai chồng nói nhỏ: “Đây là cây Thánh giá bằng bạc đắt tiền mà sao bà chủ tiệm lại để giữa các món hàng rẻ tiền này ?” Sau đó, hai vợ chồng đã mua được cây Thánh giá ấy với giá chỉ một đôla ! Về đến nhà, BOB liền mang cây Thánh giá ra lau chùi sạch sẽ. Một lát sau, cây Thánh giá cũ kia đã trở nên bóng lộn và giá trị đã tăng lên cả trăm đôla ! Rồi BOB trân trọng đặt cây Thánh giá kia lên bàn. Sau đó cậu con trai của BOB đi học giáo lý về. Cậu chăm chú nhìn cây Thánh giá và tự nhiên hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. BOB rất ngạc nhiên trước thái độ của con trai và hỏi cậu nguyên nhân tại sao khóc như thế ? Bấy giờ cậu bé trả lời như sau : “Thưa ba, hôm nay ở nhà thờ con học giáo lý về cây Thánh giá của Chúa Giê-su. Con biết Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại, nên đã sẵn lòng chịu chết trên cây Thánh giá, để đền tội thay cho chúng ta. Vì thế khi nhìn thấy cây Thánh giá này, con liền nghĩ đến tình thưong của Chúa thật quá lớn lao, và dù con đã cố kìm nén lại mà tự nhiên nước mắt cứ chảy ra !”.
2) MỖI NGƯỜI ĐỀU GÓP PHẦN VÀO VIỆC ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU :
Danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đã để lại nhiều bức tranh nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh “Ba cây thập giá”.
Chiêm ngưỡng tác phẩm, hầu như ai cũng chú ý vào ba cây thập giá ở trung tâm : giữa hai cây thập giá của hai tên gian phi, thập giá của Chúa Giê-su đã nổi bật. Dưới chân thập giá là một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ sự hận thù ganh ghét… tác giả như muốn nói rằng : mọi người đều góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giê-su trên cây thập giá.
Khi quan sát đám đông, người ta thấy một gương mặt dường như bị mất hút trong bóng tối, nhưng chỉ cần một vài nét cũng đủ để các nhà chuyên môn nhận ra đó là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt là tác giả bức tranh.
Tại sao giữa đám đông đằng đằng sát khí muốn thảm sát Chúa Giê-su, mà Rembrandt lại chèn thêm khuôn mặt của mình vào ? Câu trả lời duy nhất có lẽ là do ông đã ý thức về tội lỗi của mình. Rembrandt như muốn thú nhận chính ông khi phạm tội cũng đã gián tiếp hành hình và treo Chúa Giê-su trên cây thập giá.
3) TÌNH YÊU CỦA CHÚA TRỔI VƯỢT HƠN TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI PHÀM :
Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta xem ra còn quyến luyến với tình cảm gia đình nên nói với đạo sĩ : “Vợ con của con rất thương yêu con, nên chắc sẽ không bằng lòng cho con thoát tục theo thầy đâu”.
Nghe vậy, vị đạo sĩ muốn chứng minh cho anh chàng biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ năng chết giả. Sau khi thực tập thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy về nhà áp dụng kỹ thuật chết giả này. Quả thật, anh ta đã áp dụng tuyệt vời bài học chết giả bằng việc nhắm mắt xuôi tay và ngừng thở, nhưng vẫn có thể nghe được tiếng khóc than của vợ con và người thân trong gia đình.
Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng tang quyến. Sau giây phút tưởng niệm người quá cố, ông bảo với vợ con đang khóc thương người mới qua đời như sau : “Tôi có bí quyết để cứu sống người này, nếu có ai sẵn lòng chết thay thì anh ta sẽ sống lại”.
Bấy giờ anh chàng giả chết rất ngạc nhiên khi nghe từng người trong gia đình anh nêu ra các lý do để từ chối chết thay anh. Sau cùng anh lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe chính người vợ nghĩa thiết của anh đã tóm lại quyết định của mọi người trong gia đình như sau : “Tôi nghĩ là không ai đồng ý chết thay cho chồng tôi đâu. Thực ra dù không có anh ta, thì chúng tôi vẫn có thể sống được ! “.
- LOÀI NGƯỜI LUẬN TỘI THIÊN CHÚA :
Tôi có một giấc mơ. Tôi mơ thấy ngày tận thế. Hàng tỉ tỉ người tập trung tại một cánh đồng rộng lớn trước toà Thiên Chúa để chờ Ngài xét xử. Nhiều người sợ hãi. Nhưng nhiều người khác lại nổi giận.
Một phụ nữ nói : “Sao Chúa có thể xét xử chúng tôi được ? Ngài có biết gì về đau khổ đâu ! Chúng tôi đã phải chịu khủng bố, đánh đập, tra tấn và giết chết.” Vừa nói bà vừa vạch tay áo cho thấy một con số do một trại tập trung Đức quốc xã xâm vào cánh tay bà.
Tiếp theo, một người đàn ông da đen cúi đầu xuống, để lộ một sợi dây thừng đang quấn quanh cổ ông : “Tôi đã bị buộc cổ như thế này chỉ vì tội làm người da đen, bị rứt khỏi những người thân yêu, rồi bị dẫn xuống chiếc tàu chật cứng như nêm, bị bán làm nô lệ, làm việc nặng nhọc cho đến chết”.
Sau đó, một cô gái với dòng chữ “con hoang” khắc trên trán lên tiếng : “Tôi phải chịu đựng sự sỉ nhục này vượt sức… vượt sức…”. Cô nghẹn ngào không nói tiếp được.
Nhiều tiếng nói khác tiếp theo… Mọi người đều trách Chúa vì những khổ đau họ đã gánh chịu khi còn sống. Ngài sung sướng quá vì cứ sống ở trên trời chỉ toàn ngọt ngào và sáng láng, chẳng hề có một chút mồ hôi, nước mắt, đói khát, sợ hãi, hận thù. Bởi vậy Ngài có biết gì về những nỗi khổ của loài người đâu !
Thế rồi họ nhất trí bắt Ngài phải xuống sống ở trần gian. Tuy nhiên phải làm sao cho Ngài sống y như một người thường để không ai biết Ngài là Thiên Chúa, và cũng không cho Ngài được sử dụng quyền phép Thiên Chúa của Ngài. Rất nhiều góp ý được đưa ra :
– Hãy cho Ngài trở thành một tên Do thái.
– Làm sao để người ta nghĩ Ngài là một đứa con hoang, để không ai biết Cha thật của Ngài là ai.
– Ngài phải làm việc bận rộn đến nỗi bà con Ngài tưởng Ngài bị mất trí.
– Ngài phải nếm nỗi đau bị những người bạn thân nhất phản bội.
– Ngài phải bị đưa ra toà án để phải chịu quan tòa luận tội cách bất công.
– Ngài phải bị kết án là một tay lừa đảo và bị xử tử ô nhục trên cây thập tự.
– Trước khi chết, Ngài còn phải nếm mùi bị tra tấn và lăng nhục.
– Cuối cùng phải cho Ngài nếm mùi chết cô đơn và bị người thân bỏ rơi khủng khiếp đến mức nào.
Lời góp ý cuối cùng đưa ra xong, mọi người im lặng… Và bỗng nhiên họ nhận ra rằng chính Chúa đã thi hành bản án ấy từ lâu ! (Flor McCarthy)
- SUY NIỆM :
1) ĐẠO CÔNG GIÁO LÀ CON ĐƯỜNG VINH QUANG QUA THẬP GIÁ :
Người tín hữu là người chấp nhận đi trên Con Đường của Chúa Giê-su : Là đòi phải bỏ đi ý riêng của mình để vâng theo ý Thiên Chúa muốn như lời cầu của Chúa Giê-su với Chúa Cha : “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha”, và như Người đã dạy các môn đệ : “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Mỗi người tín hữu chúng ta cần ý thức rằng : Ai đi Con Đường Giê-su sẽ không được dừng lại lúc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem với cành lá, quần áo trải thảm trên đường, và đám đông hoan hô… nhưng phải trung thành theo Chúa trên đường thập giá, kết thúc trên Núi Sọ, chịu chết ô nhục giữa hai tên trộm cướp như một kẻ đại gian đại ác.
– Trên đường lên Giê-ru-sa-lem mọi người đều đi theo Chúa và đều là môn đệ của Chúa. Nhưng trên đường lên Núi Sọ thì chỉ còn ít người đi theo Chúa. Có những người đã phản nộp Thầy như Giu-đa, có người chối bỏ Thầy như Phê-rô. Còn những môn đệ còn lại thì đều hèn nhát bỏ Thầy mà chạy trốn…
2) TÔN VINH CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI :
– Bài Tin Mừng khi rước lá thuật lại việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị Vua Thiên Sai, được dân chúng theo sau hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Gia-ca-ri-a. Vào thời Đức Giê-su, nhiều người Do thái đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến để lãnh đạo dân đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi Do thái và thiết lập một Triều Đại Mới, giống như triều đại của vua Đa-vít và vua Sa-lô-mon xưa. Nhưng thực ra sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su không phải như dân Do thái đang trông đợi. Người là Đấng Thiên Sai nhưng là ông Vua “Mục Tử tốt lành, hiền hậu và khiêm nhường”. Người đã xưng mình là Vua trước mặt quan Tổng Trấn Phi-la-tô, khi hai tay đang bị trói, thân thể bị đòn đánh tan nát; khi phải đứng trước tòa án như một tội nhân. Danh hiệu Vua của Chúa Giê-su được ghi bằng dòng chữ viết tắt “INRI” gắn trên cây thập giá, nghĩa là : “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”.
– Đức Giê-su chính là Vua nhưng không phải như một ông Vua trần tục, đòi được người khác hầu hạ, nhưng là ông Vua Mục Tử Tốt Lành, hiền hậu và khiêm nhường :
+ Là Vua Mục Tử : Người biết rõ đàn chiên, yêu thương mọi con chiên và chăm sóc từng con, nhất là sẵn sàng đi tìm những con đi hoang, băng bó những con bị thương tích, âu yếm và vác chúng trên vai mà đưa về đàn. Ngày nay Người yêu thương đàn chiên Hội Thánh và yêu đến tột cùng, khi thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với Hội Thánh mọi ngày và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng Hội Thánh. Người cũng nêu gương khiêm nhường cho chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy học nơi Người sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.
+ Là Vua Hòa Bình : Người không ngồi trên ngựa chiến uy quyền khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng khiêm tốn ngồi trên con lừa. Người đến không để kết án và trừng phạt tội nhân, nhưng để yêu thương, tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối ăn năn như tha tội người trộm lành trên cây thập tự. Người là Vua Mục Tử bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng chịu chết để cho chiên được sống và sống dồi dào.
Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Vua Giê-su ?
3) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA VUA GIÊ-SU :
Một số việc các tín hữu chúng ta cầm thực hiện để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su và xứng đáng được Chúa Cha đón nhận vào Nước Trời đời sau :
+ Siêng năng cầu nguyện : Lý do Tông đồ Phê-rô sa ngã và hèn nhát chối Thầy ba lần là vì quá tự tin vào sức riêng hơn tin cậy vào ơn Chúa, đã ăn uống no say và không theo lời Thầy dạy :” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.
+ Luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha : Khi gặp rủi ro, bệnh tật và những điều trái ý cực lòng, chúng ta hãy xin vâng theo ý Chúa Cha. Tránh đi coi bói toán, tin vào bùa phép và các thứ mê tín khác… Hãy xin Chúa thêm sức mạnh giúp chúng ta chấp nhận những đau khổ không thể tránh khỏi, coi đau khổ gặp phải như phương thế để đền tội mình và góp phần cứu rỗi anh em.
+ Tránh cố tình phạm tội như Giu-đa, vì sẽ bị phạt chung số phận với ma quỷ như lời Chúa phán : “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.
+ Sẵn sàng tha thứ cho những kẻ có lỗi với mình như lời kinh Lạy Cha, noi gương Chúa Giê-su đã tha thứ cho Phê-rô sau khi ông chối Thầy ba lần; Hãy năng cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ làm hại mình noi gương Chúa Giê-su đã xin Cha tha cho những kẻ làm khốn mình.
+ Luôn giữ bình tĩnh và dùng tình thương để hoán cải kẻ thù, noi gương Chúa Giê-su đã ứng xử với Giu-đa khi anh ta hôn mặt để nộp Người cho kẻ thù.
+ Kiên nhẫn chịu đựng khi bị khích bác, noi gương Chúa Giê-su đã im lặng chịu đựng trước những lời hò hét đả đảo của đám đông cuồng nộ.
+ Thực lòng sám hối và tin yêu Chúa noi gương kẻ trộm lành trên cây thập tự khi trách bạn : “Mi chịu cùng một án, mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao ? Phần chúng ta, bị như thế này là đích đáng, vì xứng với tội ta đã làm. Còn ông Giê-su này đâu có làm điều gì xấu ?” và cầu xin Chúa Giê-su : “Lạy ông Giê-su. Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng”. Chúa Giê-su đã lập tức tha tội và ban ơn cứu độ cho anh khi phán: “Ta bảo thật. Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta”.
+ Quyết tâm loại trừ tính ganh ghét : Sau cùng, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm loại trừ tính ganh ghét những ai hơn mình, để tránh phạm thêm tội ác khác như các đầu mục Do Thái xưa đã ganh ghét và giết hại Chúa Giê-su.
- THẢO LUẬN :
Trước đau khổ thập giá gặp phải do bản thân, người khác và do hoàn cảnh tự nhiên gây ra, chúng ta phải ứng xử thế nào để thể hiện đức tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su ?
- NGUYỆN CẦU :
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong những ngày Tuần Thánh này :
Vì Chúa đã lấy thịt mình mà nuôi dưỡng chúng con, xin giúp chúng con năng nhớ đến những người nghèo khó gần bên để nhường cơm xẻ áo cho họ.
Vì Chúa đã xao xuyến buồn sầu trong vườn Cây Dầu, xin giúp chúng con sẵn lòng chấp nhận chén đắng đau khổ gặp phải trong cuộc sống.
Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin giúp chúng con dám lên tiếng bênh vực công lý. Vì Chúa đã bị xỉ nhục nhạo cười, xin giúp chúng con nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân.
Vì Chúa đã vác cây thập giá nặng nề, xin giúp những ai đang đau khổ trên giường bệnh, biết sẵn sàng vác Thánh giá đời mình mà theo chân Chúa.
Vì Chúa đã bị lột áo và chịu đóng đinh tay chân vào thập giá, xin giúp chúng con biết đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa.
Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin giúp chúng con biết cầu nguyện điều tốt cho tha nhân.
Vì Chúa đã phục sinh vinh quang, xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự trái ý xảy đến với niềm cậy trông phó thác vào tình thương quan phòng của Chúa…
Nhờ đó, sau này chúng con hy vọng sẽ được tham phần vào hạnh phúc với Chúa trong Nước Trời muôn đời.- AMEN.
LM ĐAN VINH – HHTM