Chúa Nhật Nước
Suy niệm Chúa nhật III Mùa Chay – năm A
(Ga 4, 5 – 42)
Phụng vụ lời Chúa hôm nay từ bài đọc I trích sách Xuất hành đến bài Tin Mừng đều nói về Nước, ám chỉ Nước Rửa tội. Trong thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô cũng giúp chúng ta hiểu về Bí tích Thánh Tẩy, nên Chúa nhật này có thể gọi là Chúa nhật Nước giúp chúng ta suy nghĩ về Nước trong Cựu Ước nơi Tân Ước và tại Giếng Rửa tội.
Lộ trình tới Nước Đêm Vọng Phục Sinh
Trong sách Nghi Thức Khai Tâm từ số 133 đến số 135 ghi : “Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay cử hành nghi thức “Ghi Danh” hay “Tuyển Chọn” các dự tòng. Các số từ 152 đến 180 ghi là : “Chúa Nhật hôm nay (tức Chúa nhật III, IV, V Mùa Chay) cử hành Nghi Thức Khảo Hạch Các Dự Tòng lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho những người lớn sẽ lãnh nhận Bí Tích Khai Tâm vào đêm Vọng Phục Sinh sắp tới (Nghi Thức Khai Tâm, số 152-166). Như vậy, lộ trình phụng vụ Mùa Chay năm A từng bước dẫn đưa chúng ta sống con đường của anh chị em dự tòng đang chuẩn bị lãnh nhận bí tích Rửa Tội, làm sống dậy trong chúng ta ơn Thánh Tẩy chúng ta đã lãnh nhận.
Giáo Hội luôn kết hợp lễ Vọng Phục Sinh với việc cử hành bí tích Rửa tội, hiện thực hóa mầu nhiệm cao cả của đời sống người kitô hữu là : chết đi cho tội lỗi, tham dự vào sự sống mới trong Chúa Kitô Phục Sinh và nhận lấy Chúa Thánh Thần, Ðấng đã cho Ðức Giêsu từ cõi chết sống lại (x. Rm 8,11). Thế nên, Chúa Nhật thứ nhất Mùa Chay gọi là Chúa Nhật cám dỗ. Chúa Nhật thứ hai gọi là Chúa Nhật của tổ phụ Abraham và Chúa Nhật Chúa Biến Hình. Bí Tích Rửa tội là bí tích của đức tin và thiên chức làm con Thiên Chúa: theo Abraham tin tưởng vào Chúa và ra đi để trở nên con cái Chúa.
Bước vào Chúa Nhật thứ ba, kể về cuộc đối thoại nổi tiếng của Ðức Giêsu với người thiếu phụ Samaria bên giếng nước cổ xưa có từ thời của tổ phụ Giacóp. Và ngày hôm ấy, chị gặp Ðức Giêsu đang ngồi trên bờ giếng, mệt mỏi sau một chặng hành trình (x. Ga 4,5-42). Chúa Giêsu chính là Nước Hằng Sống, Người làm cho con người đỡ khát, Nước Chúa Thánh Thần.
Nước trong công trình của Chúa
Sáng Sáng Thế mô tả, Nước đã có trong công trình sáng tạo thế giới và vũ trụ muôn loài (x.St 1,1-2). Chúa đã tạo ra nước để làm cho ruộng đất phì nhiêu. Nước tưới vườn Êđen địa đàng trần gian. Nước làm cho vạn vật sinh sôi nảy nở (x.St 1, 6 – 9), cho thân xác con người được mát mẻ sạch sẽ. Chúa còn tạo ra nước như dụng cụ của lòng từ bi Chúa : Chúa đã làm cho Nước Biển Ðỏ và Nước sống Giorđan dựng lên thành tường để Dân Chúa thoát ách nô lệ và đi vào Đất Hứa. Và lời Chúa hôm nay minh chứng nhờ nước Chúa đã làm dịu cơn khát của Dân Chúa trong sa mạc (x. Xh 17,3-7); các tiên tri đã dùng hình ảnh nước mà loan báo giao ước mới Chúa sẽ thiết lập với loài người; sau hết nhờ nước mà Đức Kitô đã thánh hóa trong sông Gioađan (x. Mt 3,13-17; Mc 1,7-11; Lc 3,15-16.21-22), Chúa đã đổi mới bản tính hư hỏng của ta con trong giếng nước tái sinh.
Chúa đã dùng Nước để sửa phạt Dân Chúa, như cho Nước lụt Đại Hồng Thủy phủ lấp toàn cõi địa cầu tội lỗi (St 7,17-24), hoặc không cho mưa rơi để dân tội lỗi ăn năn thống hối. Chúa đã dùng Nước để cứu sống khi truyền cho Môsê cầm cây gậy đập Nước Biển Ðỏ để nó rẽ ra cho Dân đi qua, rồi sau khép lại giết hết quân quốc Aicập (x. Xh 14,15-31). Trên núi Horeb, Chúa cũng bảo Môsê đập đá để Nước chảy ra cho Dân uống.
Cây gậy Môsê cầm đập vào đá, Nước ở đá chảy ra để Dân uống cho khỏi khát nhắc cho những người uống nước hôm nay nhớ đến cây gậy Môsê cầm đập Nước Biển Ðỏ rẽ ra thành hai bên tả hữu để Dân Chúa đi qua ráo chân ngày Chúa đã giải thoát họ khỏi đất nô lệ. Vậy nếu cuộc vượt qua Biển Ðỏ thường được dùng để nói về Ơn Nước Rửa tội trong mầu nhiệm Vượt qua của Ðức Kitô, thì câu chuyện Môsê đập đá để có Nước chảy ra cho Dân uống, cũng thích hợp để đưa tâm trí chúng ta nghĩ tới Ðức Giêsu Kitô là Môsê mới sẽ ban Nước cứu sống và cứu độ cho những ai đến gần Người.
Chúa Giêsu là Nước Hằng Sống
Vào những thế kỷ đầu của Kitô giáo, Các Giáo phụ đã sớm nhận ra nơi “Nước Hằng Sống“ biểu tưởng của phép Rửa tội, mà Đức Kitô chính là Nguồn Nước ấy. Chúa Giêsu xin người đàn bà xứ Samaria nước uống, không phải lý do khát về thể lý cho bằng khát đức tin, khát sự sống đời đời, khát một linh hồn khô héo. Đấng Cứu Thế giả vờ khát nước đến xin người đàn bà nước để trao ban thứ nước ân sủng khỏi khát đời đời. Đó chính là nguồn nước mà Tin Mừng nói tới khi Người xin nước của người đàn bà xứ Samaria… Thực ra, nguồn nước ấy không bao giờ cạn, Đấng là Nước Hằng Sống không thể uống nước bị ô nhiễm ở vùng đất này.
Đức Kitô, Đấng ngồi nghỉ trên miệng giếng chính là Nguồn Nước, từ cạnh sườn bên phải Người, tuôn trào dòng nước xót thương; một phụ nữ có sáu đời chồng đã được tẩy sạch bằng dòng Nước Hằng Sống ấy. Một người phụ đến giếng Samaria kín nước, bà lấy nước từ dòng Nước Giêsu ! Tìm được Nước, bà ra đi với sự tiết hạnh. Ngay lập tức bà xưng thú các lỗi mà Chúa Giêsu ám chỉ, bà nhận ra Đức Kitô và loan báo Đấng Cứu Thế. Bà để vò nước xuống, mang ơn sủng vào thành ; vai nhẹ bớt, bà trở về tràn đầy sự thánh thiện… Đúng là ai đến trong tội lỗi sẽ trở về với sứ mạng tiên tri.
Nước hằng sống này đối với chúng ta là nguồn suối dâng trào sự sống đời đời, nước này là nước hòa với Máu Chúa Kitô, đã chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu trên cây Thánh giá. Nước tuôn chảy từ tảng đá do Môsê đập ra (Xh 17, 3-7) là hình ảnh tiên trưng của Nước chẩy ra từ cạnh sườn Đấng Cứu Thế bị đóng đinh.
Lạy Chúa Giê su, xin ban cho chúng con chính Chúa là Nước Hằng Sống, để chúng con khỏi còn khát Nước Chúa ơi.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ