LỄ CHÚA BA NGÔI
(Ga 3,16-18)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
1.Ý NGHĨA CỦA BẢN VĂN
1.1.Con phải lên cùng Cha (11-15)
Qua những lời đối thoại giữa Đức Giêsu và Nicôđêmô, ta biết rằng để được tham dự vào Nước Thiên Chúa, phải có một khởi đầu hoàn toàn mới, do Thiên Chúa ban trong bí tích Rửa Tội, nhờ quyền năng sáng tạo của Thiên Chúa. Ở trong khởi đầu mới này, chúng ta không được thụ động, trái lại phải tin vào Con Thiên Chúa (x. 1 Ga 5,1). Thế nhưng đức tin chẳng phải là chuyện của con người. Đức Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Ngài đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi. Không có hai điều này, chúng ta sẽ sai lầm về ý nghĩa của chính bản thân chúng ta.
Làm thế nào để tránh khỏi cái chết thảm thương và bảo đảm cho cuộc sống chúng ta? Israel đã đứng trước những câu hỏi này khi mà trên đường băng qua sa mạc, họ bị rắn độc đe dọa (x. Ds 21,4-9). Thiên Chúa đã ra tay cứu trợ Dân Ngài. Ngài đã bảo Môsê đúc một con rắn đồng và treo vào cán cờ; ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đồng ấy thì được sống. Thiên Chúa vẫn trợ giúp chúng ta. Khi con người phạm tội, Thiên Chúa đã đặt định rằng Đấng Chịu Đóng Đinh là biểu tượng của ơn cứu độ, là nguồn mạch đưa tới sự sống. Đàng sau Đấng Chịu Đóng Đinh là chính Thiên Chúa. Ngài đã ban và sai Con của Ngài đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và một chiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Ngài. Ngài không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Ngài.
1.2.Tin vào Đức Giêsu là điều cần thiết (16-21)
Thiên Chúa bày tỏ một sự ân cần lạ lùng đối với loài người chúng ta, Ngài quan tâm giúp chúng ta thành công trong cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn ở trong tình trạng bấp bênh: Thiên Chúa không cung cấp ơn cứu độ không cần chúng ta, hoặc là ngược lại với ý muốn của chúng ta. Chúng ta phải mở ra với sự ân cần của Thiên Chúa, phải trân trọng tình yêu lạ lùng ấy, phải tin vào Con Thiên Chúa chịu đóng đinh. Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.
Điều cần thiết này có vẻ hiển nhiên. Tuy thế, có một hiện tượng lạ lùng, đó là loài người lại ưa thích bóng tối hơn ánh sáng (c. 19). Có những lý do để trốn tránh ánh sáng và tìm lá chắn là bóng tối; những lý do này nằm nơi lối sống của con người. Ai làm điều ác thì tự nhiên tránh ánh sáng; ai làm điều thiện thì mới dám ra trước ánh sáng, người ấy không có gì phải che giấu. Chúng ta không thể coi nhẹ tầm quan trọng của hành động để bày tỏ đức tin. “Điều thiện”, đó là những gì chúng ta làm theo ý Thiên Chúa (c. 21), bằng cách lắng nghe Ngài, chân thành tìm cách thi hành ý muốn của Ngài. “Điều ác” là những gì chúng ta làm không theo các tiêu chí đó, khi chúng ta không tìm Thiên Chúa, nhưng ích kỷ tìm cách thực hiện các chương trình và ý muốn của riêng mình, thậm chí ngược lại với ý Thiên Chúa. Ai chỉ tìm chính mình, thì khép lại với Thiên Chúa và gặp nguy cơ là cũng cứ khép lại không nhận được mạc khải xán lạn về tình yêu của Ngài. Không nghiêm túc quan tâm đến ý muốn của Thiên Chúa, làm sao có thể tin vào tình yêu của Ngài? Chính tình yêu ấy lại càng đưa người ấy xa rời khuynh hướng ích kỷ và làm cho người ấy càng cảm nhận rằng mình hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa! Ai luôn duy trì một dây liên kết với Thiên Chúa, thì mở ra với ánh sáng của tình yêu Ngài.
1.3.Kết luận
Chỉ trong mấy câu Ga 3,14-21, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi đối với loài người được khẳng định với sự tha thiết lạ lùng và điều kiện phải theo để được hưởng nhờ tình yêu đó cũng được xác nhận hết sức rõ ràng. Đứng trước mạc khải vĩ đại và trực tiếp này về Thiên Chúa, chúng ta không còn có thể tránh né mà nói rằng Thiên Chúa chỉ là một sức mạnh mơ hồ và xa cách với chúng ta. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, cũng không phải chỉ là một tư tưởng hay một lý thuyết, một giả thuyết hoặc một chuyện hão huyền trên mây trên gió, mà là một thực tại lịch sử đích thực. Do đó, tình yêu của Thiên Chúa rất thực hữu!
2.GỢI Ý SUY NIỆM
2.1.Nói đến tình yêu là nói đến sự quan tâm, sự thông dự, sự ân cần, chăm sóc, nỗ lực, vận dụng mọi sự. Tình yêu muốn điều hay điều tốt cho người mình thương. Người ấy không dửng dưng với con đường và định mệnh của người yêu, nhưng ra sức làm cho người kia được sống trong niềm vui và sự viên mãn. Đối với Thiên Chúa thì sao? Phải chăng Ngài đã tạo thành thế giới rồi bỏ mặc nó? Ngài có quan tâm đến chúng ta và đến định mệnh chúng ta không, Ngài có để ý xem chúng ta thế nào và chúng ta đi đến đâu không? Thiên Chúa đã tạo thành chúng ta, đã quan tâm đến số phận của chúng ta, đã ban Người Con Một để chúng ta được sống viên mãn ngay từ bây giờ. Chúng ta có giá đối với Thiên Chúa đến mức Ngài sẵn sàng hy sinh Con vì chúng ta (x. Rm 8,32).
2.2.Sau cuộc tạo dựng, sau Lề Luật, các Ngôn sứ và tất cả những hình thái ân cần săn sóc khác, Chúa Con là tiếng nói cuối cùng và ân huệ có giá trị tối cao được Thiên Chúa ban cho chúng ta. Người Con sẽ quan tâm đến chúng ta riêng tư từng người, sẽ chỉ cho từng người biết con đường đưa tới ơn cứu độ, sẽ đưa ta đến chỗ hiệp thông với Người và đi đến cuộc sống muôn đời. Đức Giêsu, Đấng Chịu Đóng Đinh, không phải là một tư tưởng hay là một lý thuyết, một giả thuyết hay một chuyện tưởng tượng, nhưng là một thực tại lịch sử đích thực. Từ đó, chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng tình yêu của Thiên Chúa cũng hết sức hiện thực.
2.3.Thiên Chúa, “một” (độc thần) mà cũng là “ba” (ngôi), là một mầu nhiệm rất lớn lao, mà chúng ta chẳng bao giờ ngờ tới, nếu chính Thiên Chúa không mạc khải cho chúng ta nhờ trung gian Đức Kitô. Chúng ta phải tuyên xưng các dữ kiện của mầu nhiệm này, và tiếp cận bằng những bước rất giới hạn và phiến diện, đồng thời tin tưởng tuyệt đối vào giáo huấn của Đức Giêsu Kitô.
2.4.Bản văn không nói trực tiếp đến Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta đã được mạc khải rằng Thiên Chúa và Đức Giêsu cứu độ chúng ta bằng cách ban Thánh Thần cho chúng ta (Ga 7,37-39; x. Gl 4,4-7). Dù sao mẩu đối thoại với Nicôđêmô cũng đã cho thấy những cái mốc: não trạng thiêng liêng do Thánh Thần ban cho. Thánh Thần đối nghịch lại với xác thịt (Ga 3,6), với những cái nhìn trần tục (3,12). Thiên Chúa Cha gửi Con Một của Ngài đến với chúng ta, để Người Con cứu chúng ta bằng cách thông ban Thần Khí. Và chính Thần Khí giúp ta đi lên với Chúa Cha nhờ trung gian Đức Kitô (x. Gl 4,4-7; Rm 8,15-17).[1]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Ai trong chúng ta cũng biết câu chuyện về Thánh Augustinô ngày kia gặp một cậu bé đang cố sức lấy một chiếc vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang. Thánh nhân đã chê cười cậu bé. Nhưng cậu đã đáp lại: việc tôi làm không đáng chê cười bằng việc Ngài muốn dùng trí khôn loài người để tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.
Sau một đời ăn chơi trụy lạc và chạy theo tà thuyết, Augustinô đã tìm về với Kitô giáo. Ngài được xem là điển hình của một sự khao khát và tìm kiếm không ngừng. Điều đó được thể hiện qua một giai thoại như sau: Augustinô thuộc khuynh hướng của những người cho rằng với kiến thức và nỗ lực tìm kiếm, con người có thể múc cạn chân lý về Thiên Chúa. Một hôm, đi dọc theo bờ biển, đầu óc miên man nghĩ đến những bí nhiệm về Thiên Chúa, tình cờ ngài gặp một cậu bé đang ngồi chơi trên cát. Nó dùng một mảnh sò để đào một lỗ nhỏ trên cát, rồi dùng vỏ sò múc nước biển đổ vào đó. Nhưng dã tràng xe cát Biển Đông, nó cứ đổ nước vào cái lỗ mà vẫn không bao giờ đầy. Ngạc nhiên về cử chỉ của đứa bé, thánh nhân nấn ná gợi chuyện.
Ngài hỏi nó đang làm gì, đứa bé trả lời không chút do dự: thưa ông, cháu đang dùng vỏ sò này để tát cho cạn nước bể đại dương.
Thánh nhân lắc đầu bảo nó: cháu không thể làm được chuyện đó đâu.
Đứa bé ngước lên và mỉm cười nói: múc cạn nước đại dương để đổ đầy cái lỗ này còn dễ hơn múc cạn mầu nhiệm về Thiên Chúa.
Và thánh nhân đã giật mình tỉnh ngộ.[2]
Anh chị em thân mến,
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, mầu nhiệm Một Chúa mà có Ba Ngôi. Mầu nhiệm mà chúng ta nhắc tới mỗi khi làm dấu Thánh Giá. Mầu nhiệm mà các linh mục mở đầu Thánh Lễ một cách long trọng: nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Đó là mầu nhiệm Ba Ngôi, một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm của một Thiên Chúa Tình Yêu. Làm sao chúng ta có thể hiểu được Tình Yêu của Thiên Chúa trong Thiên Chúa và làm sao chúng ta có thể hiểu được Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể cảm nghiệm được Tình Yêu của Thiên Chúa phần nào qua thế giới mà Thiên Chúa đã tạo dựng.
- Chúng ta có thể cảm nghiệm một chút về Tình yêu của Thiên Chúa qua con người chúng ta
Những tế bào trong cơ thể chúng ta yêu thương nhau. Dòng máu yêu trái tim và buồng phổi. Cột sống yêu bộ não. Cơ thể chúng ta là một “câu chuyện tình” liên diễn ngày qua ngày. Mỗi bộ phận cơ thể đều cho đi những gì các bộ phận khác cần và nhận lại những gì nó cần. Bản thân con người chúng ta chính là một câu chuyện tình yêu sống động.
- Chúng ta có thể cảm nghiệm một chút về Tình yêu của Thiên Chúa qua cây cối thực vật chung quanh chúng ta
Đây là một phần câu chuyện về tình yêu thương. Lá cây, thân cây, cành cây và rễ cây cùng yêu thương nhau. Tình yêu của chúng tiếp diễn không ngừng. Lá non đâm chồi thay thế cho lá vàng. Vỏ cây yêu rễ cây. Rễ cây yêu cành cây. Thân cây ôm giữ chúng lại với nhau, và lá cây xoà bóng phủ hết cả thân cây. Thân cây đó yêu mặt đất và yêu cả bầu trời. Ngay từ khoảnh khắc nó đâm chồi nhú lên khỏi mặt đất nó luôn cắm sâu vào lòng đất và vươn thẳng lên trời cao. Nó yêu lũ chim chóc xây tổ trên cành của mình. Nó yêu bầy thú trú ẩn dưới gốc. Nó yêu cả lũ côn trùng nương náu trong từng lớp vỏ cây. Tất cả là một gia đình.
- Và rồi chúng ta có thể cảm nghiệm một chút về Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi qua dòng chảy của một con sông
Con sông mang dòng nước phù sa đến tưới cho các cánh đồng, cho các vườn cây được tươi tốt và đơm bông kết trái. Dòng sông cũng mang sự sống đến cho con người và mọi loài. Chúng ta thử tưởng tượng nếu một ngày nào đó mình không có chút nước nào để dùng thì cuộc sống sẽ ra sao?
Thiên Chúa Cha chính là cội nguồn của dòng sông, và Người đổ vào dòng sông nguồn nước phù sa mầu mỡ là tình yêu và ân sủng của Người. Chúa Giêsu chính là dòng sông chứa đựng nguồn nước tình yêu và ân sủng ấy và Chúa Thánh Thần là sức đẩy để nguồn nước tình yêu chảy đến các tâm hồn.
Như con cá sẽ không sống được nếu nó nhảy ra khỏi dòng sông. Như cây cối sẽ không thể tươi tốt và đơm bông kết trái nếu nó không hút lấy sự sống từ dòng sông mang lại.
Càng ở xa dòng sông, cánh đồng càng dễ nứt nẻ và khô cháy. Cũng vậy, con người sẽ không thể sống được nếu tách ra khỏi dòng sông tình yêu và ân sủng của Thiên Chúa Ba Ngôi. Càng xa rời tình yêu của Thiên Chúa bao nhiêu, con người càng cằn cỗi bấy nhiêu và rồi sẽ khô héo. Bởi đó, sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là biết mở lòng mình ra để đón lấy nguồn nước tình yêu và ân sủng của Người, để ta có thể sống và được sống dồi dào. Đón nhận dòng nước là đón nhận Chúa Kitô và tin vào Người.
Lời Tin Mừng trong thánh lễ hôm nay dạy chúng ta như thế: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Mình, để những ai tin vào Người sẽ không phải chết, nhưng được sống đời đời”. Sự sống đời đời chính là quà tặng Thiên Chúa Cha ban cho con người qua cái chết của Chúa Giêsu như lời mở đầu Thánh Lễ: nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em. Amen.
Lm Giuse Đỗ Văn Thuỵ
[1] Lm. FX. Vũ Phan Long, OFM.
https://catechesis.net/ga-316-18-mot-tinh-yeu-khong-the-tin-duoc/
[2] D.Wahrheit, Tìm về cõi phúc, trg.68