CN 8A PS CTT
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(Ga 20,19-230)
I.TÀI LIỆU GỢI Ý
Cùng Hiệp Hành Với Chúa Thánh Thần
1.Chúa Thánh Thần, Ngôi Vị thường bị lãng quên
Trong hơn ba năm họp Công Đồng Vatican II (11/9/1962 – 8/12/1965) các quan sát viên của các Kitô giáo anh em như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo thường trách cứ rằng: trong Giáo Hội Công Giáo Roma, rất ít chỗ dành cho Chúa Thánh Thần. Thánh Thần Thiên Chúa hầu như bị coi là Vị Thần vô tri (Deus ignotus). Nền thần học Roma trước Vatican thường chỉ nhấn mạnh vai trò của Chúa Ki-tô và hầu như quên bẵng Chúa Thánh Thần[1]. Lời trách cứ trên đây quả không phải là vô căn cứ. Phụng vụ Giáo Hội Roma trước Vatican II rất ít đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần ra bên ngoài mặc dầu bên trong vẫn tin và vẫn tuyên xưng: tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra (kinh tin kính). Tuy dù bị lãng quên, nhưng Thánh Thần vẫn luôn là Thánh Thần của Chúa Giêsu (Spiritus Christi): “Người không tự mình mà nói, nhưng sẽ nói mọi điều Người nghe… Người sẽ tôn vinh Thầy, vì sẽ lấy của Thầy mà thông cho các con” (Ga 16,13-14). Dù bị lãng quên nhưng Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Giáo Hội và luôn hướng dẫn Giáo Hội. Ở đâu có Giáo Hội, ở đấy có Thần Linh của Chúa hiện diện và ngược lại, ở đâu có Thần Linh Chúa, ở đấy có Giáo Hội và nguồn ân sủng. Thánh Thần chính là chân lý[2]. Chính những lời trách cứ của các giáo hội anh em đã nhắc nhở cho các nghị phụ. Với Vatican II và từ sau Vatican II, Giáo Hội Công Giáo đã phổ biến và quảng diễn rất nhiều về Chúa thánh Thần.
2.Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh Cựu Ước
Trong Cựu Ước, Thánh Thần được trình bày như hơi thở của Chúa Giavê: “Thần Khí Chúa bay lượn trên mặt nước” (Kn 1,2). Hơi thở của Thiên Chúa nói lên một mãnh lực siêu hình, nhưng vô cùng hiệu nghiệm, nó cũng nói lên sự hiện diện, quyền năng tạo dựng và sức sống mà Thiên Chúa ban phát cho vạn vật, vũ trụ :
“Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;
lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.
Sinh khí của Người, Người gởi tới,
Là chúng được dựng nên,
Và Người đổi mới mặt đất này” (Tv 104,29-30).
Chính Thánh Thần của Thiên Chúa đã ngự xuống và tác động trên dân Israel, trên những người có trách nhiệm lãnh đạo và coi sóc dân Israel. Chính nhờ những ân huệ và sự trợ giúp của Thánh Thần, các nhà lãnh đạo đã có thể chu toàn sứ mạng mà Thiên Chúa đã giao phó, như trường hợp của Mô-sê và 70 vị cố vấn của ông: “Ta sẽ rút thần khí ở trên ngươi và đặt trên họ, như thế họ sẽ chung vai gánh vác việc dân, ngươi không còn phải đơn phương độc mã nữa” (Ds 11,16-17).Thần Linh của Thiên Chúa được đổ trên Đavít ngày ông chịu xức dầu (x. 1Sam 16,13); đã đậu trên đầu tiên tri Elisê (x. 2V. 2,14-15); đã được ban xuống dồi dào trên những người có nhiệm vụ may lễ phục cho Aaron (x. Xh 28,3); trên ông Bêsalêel thuộc dòng tộc Giuđa, giúp cho ông này có những sáng kiến chế tạo những dụng cụ trang hoàng Đền thánh (x. Xh 31,16); đã soi sáng cho ông Giuse để ông được đầy khôn ngoan điều hành quốc sự tại Ai Cập (x. Kn 41,38). Nhất là các tiên tri luôn được Thần Linh Chúa ở cùng (x. Aggeô 2,5). Chính Thần Linh Chúa loan báo trước cho các ngài nhiều điều bí ẩn qua những thị kiến và gợi lên trong tâm trí các ngài nhiều cảm hứng lạ lùng (x. Is 63,10-13). Chẳng hạn tiên tri Isaia, được Thần Khí Chúa linh ứng, ông nói tiên tri về Đấng Messia như sau :
“Thần Khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này:
Thần khí khôn ngoan và minh mẫn,
Thần khí mưu lược và dũng mãnh,
Thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,2)…
Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ,
Là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến,
Ta cho thần khí Ta ngự trên người;
Người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân.(Is 42,1).
Sau này, chính Đức Kitô đã khẳng định những lời tiên tri trên nhằm tiên báo về chính mình Người: “hôm nay đã ứng nghiệm lời Thánh Kinh quý vị vừa nghe” (Lc 4,16-21).
3.Chúa Thánh Thần trong Thánh Kinh Tân Ước
Tân Ước nói rất nhiều về Chúa Thánh Thần, chẳng hạn để diễn tả sức linh hoạt tuy thầm lặng nhưng vô cùng kỳ diệu của lễ Hiện Xuống, thánh Luca trong sách Công Vụ Tông Đồ cho thấy sức mạnh lạ lùng của những ai được Đầy Chúa Thánh Thần (x. Cvtd 2,1-4). Đối với các Tông Đồ, chưa nhận lãnh Thánh Thần là một thiếu xót nghiêm trọng đối với các Kitô hữu (x. Cvtd 19,2-6). Thánh Phaolô, trong các thư mục vụ, luôn luôn nhắc đến vai trò và sự cần thiết của Chúa Thánh Thần trong đời sống của các Kitô hữu (x. Rm 8,15-18; Gal 4,5; Rm 5,5; Eph 4,4-5; 1Cor 4,16-17; Rm 8,9-11…).
Chính Đức Giêsu đã luôn công khai nói đến sự hiện hữu và hoạt động của Chúa Thánh Thần: Chúa Thánh Thần chính là nguồn của sự sống mới, là sự tái sinh các tín hữu (x. Ga 3,5). Người là sức mạnh giúp các Kitô hữu kiên trì, bình an và kiên cường khi bị bách hại, khi bị điệu ra trước tòa án trần gian vì danh Đức Giêsu Kitô : “…anh em đừng lo phải bào chữa làm sao, hoặc phải nói gì, vì ngay trong giờ đó, Thánh Thần sẽ dạy cho anh em biết những điều phải nói” (Lc 12,11-12). Chúa Thánh Thần còn là Đấng An Ủi, là Thần Chân Lý (x. Ga 14,16-26). Đức Giêsu có lúc chủ động, sai Chúa Thánh Thần đến với các môn đệ (x. Ga 15,26-27).
4.Chúa Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội
4.1.Hai chiều kích của Giáo Hội
Nói đến Giáo Hội, người ta thường nghĩ ngay đến Giáo Hội định chế tức Giáo Hội như một xã hội có phẩm trật, hoàn hảo về mặt pháp lý, với đủ mọi quyền lực, một Giáo Hội rập khuôn theo một xã hội dân sự, thậm chí quân sự, với một phẩm trật có trên có dưới, lấy sự đồng dạng làm lý tưởng, tuân theo một kỷ luật gắt gao đến tận chi tiết, điều hành cả giáo sĩ lẫn giáo dân và áp đặt một loạt những gò bó quan liêu lên cả hàng giám mục[3]. Đó là Giáo Hội dưới khía cạnh xã hội học, với những thực tế lịch sử muôn màu và bất chừng.
Tuy nhiên, đối với các tín hữu, Giáo Hội không chỉ là một Giáo Hội cơ chế hay định chế, nhưng còn là một thực thể thuộc một trật tự hòan toàn khác. Giáo Hội thiết yếu là một mầu nhiệm hữu hình lẫn vô hình một cách bất khả phân ly, là trung gian giữa Đức Giêsu và nhân loại chúng ta. Giáo Hội ấy có nhiệm vụ sống Tin Mừng và làm chứng Tin Mừng ấy cho từng thế hệ. Giáo Hội của Tin Mừng này bao gồm những con người, vì thế phải chịu đủ thứ bấp bênh gây ra do sự yếu đuối của con người, nhưng dù sao, Giáo Hội đó vẫn được Thánh Thần điều động, hướng dẫn, ban quyền năng và đảm bảo về sự trung tín. Một Giáo Hội duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền. Giáo Hội đó chính là kết quả sứ mệnh của hai Ngôi Vị Thiên Chúa: sứ mệnh của Ngôi Con nhập thể và sứ mệnh của Ngôi Thánh Thần được gởi đến cho Ngôi Con để cộng đồng nhân loại của các tín hữu trở nên thân thể Đức Kitô và nên bí tích phổ quát của ơn cứu độ.
4.2. Giáo Hội luôn lắng nghe Chúa Thánh Thần
Giáo Hội, dân Thiên Chúa, gồm tất cả những người đã được rửa tội, kể cả giáo hoàng, giám mục, linh mục, tu sĩ và cả giáo dân. Giáo Hội này đang lắng nghe và đang được chính Thánh Thần tác động và hướng dẫn. Tuy nhiên, mỗi một thành phần dân Chúa đều có những phận vụ riêng. Các vị chủ chăn có một phận vụ đặc biệt. Các Ngài được tấn phong không phải để chỉ huy mà để liên kết, để đảm bảo sự hiệp thông giữa các cá nhân và để duy trì sự liên tục trong thời gian và sự hài hòa trong không gian. Mất đi khả năng tự điều chỉnh, Giáo Hội sẽ bị rơi vào cá nhân chủ nghĩa. Để có thể chu toàn tốt đẹp ơn gọi và sứ mệnh của mình, các vị chủ chăn cần phải sống trong Thánh Thần, phải đặc biệt quan tâm tới toàn bộ các “dấu chỉ thời đại” và tới các chứng từ mang tính ngôn sứ được biểu lộ từ nhiều phía và từ nhiều nguồn khác nhau. Những chứng từ ấy cần được lắng nghe, cần được tiếp nhận để Giáo Hội càng ngày càng trở nên nhân chứng tốt hơn cho Nước Trời đang đến. Trong Giáo hội, luôn có sự hiện diện ngôn sứ của Thánh Thần. Sự hiện diện ngôn sứ này có thể rõ ràng hoặc kín đáo. Đôi khi sự hiện diện ngôn sứ, vì muốn thức tỉnh lương tâm mọi người bằng cách công bố một sứ điệp đanh thép, nhưng có phần nào phiến diện, dễ tạo ra những cú sốc trong Giáo Hội. Tuy nhiên, không phải vì thế mà các chủ chăn làm ngơ, coi thường, không muốn lắng nghe. Bổn phận của chủ chăn là phải phân biệt để nhận ra điều gì tốt và đón nhận nó, đồng thời hướng dẫn nó hoà nhập vào một lối nhìn rộng rãi và quân bình hơn (thí dụ : hiện tượng Đức Mẹ khóc, sự than phiền của giáo dân đối với một vài vị mục tử…). Tác động của Thánh Thần giúp cho các mục tử luôn luôn đi đúng hướng, giúp cho những gì các Ngài quyết định được phù hợp với Tin Mừng, với đức tin và phong hóa. Thánh Thần đòi buộc các vị mục tử phải biết lắng nghe và đón nhận tất cả những cách thức biểu hiện của Người. Người luôn ngăn cản không để Giáo Hội tự coi mình là cùng đích. Người gìn giữ Giáo Hội để Giáo Hội luôn hướng về mục tiêu cuối cùng là Nước Trời đang đến và hướng về Đức Kitô là Đầu và là Thủ Lĩnh của Gia1o Hội.
4.3.Thánh Thần gíup Giáo Hội mở lòng đón nhận sự phê phán của Tin Mừng
Vì phải hòa nhập vào bối cảnh lịch sử của mỗi thời đại, nên Giáo Hội cần phải thường xuyên tự phê và tự xét để có thể luôn trung thành và cập nhật với sứ mạng của mình. Thánh Thần không ngừng giúp Giáo Hội tránh xa những quan niệm chật hẹp, lỗi thời, tránh xa những thỏa hiệp bất chánh và tránh xa tội lỗi. Việc lắng nghe người khác phê phán, kể cả việc lắng nghe những phê phán về phía những đối tượng thù nghịch và không có thiện cảm với Giáo Hội và việc tự phê giúp Giáo Hội ngày càng trở nên tốt hơn, tinh tuyền hơn và thánh thiện hơn. Ngoài ra, Giáo Hội còn phải biết lắng nghe những góp ý của mọi thành phần dân Chúa. Phải dám kịp thời nhận lãnh trách nhiệm trước những đòi hỏi cần thiết phải xét lại, phải sửa đổi khi thực sự cần, để tránh cho mình bị dồn vào thế cùng khi mọi sự đã quá trễ. Giáo Hội cần phải nghiêm túc tự phê bình, tự lượng định một cách vô tư và nghiêm túc về phương pháp làm việc, điều hành và lượng định cách vô tư, khách quan kết quả sinh hoạt của mình. Một thí dụ, chúng ta thường thấy các chủ xí nghiệp biết mời những nhà chuyên môn đến nghiên cứu từ bên trong tất cả các bộ phận thuộc tổ chức của họ, để phát hiện ra những điểm yếu về kỹ thuật hay tâm lý, hầu chấn chỉnh và sửa đổi những gì gây hại hoặc đang kềm hãm và cản trở xí nghiệp không vận hành tốt đẹp được. Giáo Hội cũng cần phải thường xuyên kiểm tra như vậy để việc phục vụ của Giáo Hội ngày một tốt hơn và phù hợp với những đòi hỏi của Tin Mừng hơn. Một khi cởi mở đón nhận mọi phê phán xây dựng (chứ không phải những lời chỉ trích bừa bãi, vô trách nhiệm, nói được mà không làm được), Giáo Hội đang thực sự nhằm làm cho Giáo Hội ngày càng trung thành hơn với chính mình, tức là trung thành với Đức Kitô. Giáo Hội cần phải luôn luôn tự nhìn lại lịch sử của mình và tự nhìn ngắm mình trong tấm gương nguyên thủy để tìm lại “khuôn mặt từ thuở chào đời” của mình để khỏi quên đi khuôn mặt ấy như lời khuyên của Thánh Giacôbê (x. Gac 1,23). Lịch sử của Giáo Hội chính là trường dạy đức khiêm nhường cho tất cả chúng ta. Lịch sử của Giáo Hội cũng là trường dạy hy vọng. Nó dạy cho ta biết rằng những thời kỳ đảo điên nhất thường chuẩn bị cho những đột phá gây bất ngờ và hiệu quả nhất.
4.4.Giáo Hội cần phải mở lòng đón nhận hoạt động tự do của Chúa Thánh Thần
Giáo Hội cần phải lắng nghe tiếng nói và sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Giáo Hội của Đức Kitô, theo như Đức Kitô mong muốn, phải vâng phục Thánh Thần trong mọi chiều kích. Là một xã hội hữu hình và tại thế, Giáo Hội hiển nhiên cần phải có những luật lệ và có guồng máy (phẩm trật). Giáo Hội không coi thường luật lệ, nhưng cũng phải cẩn thận để tránh rơi vào tình trạng câu nệ pháp lý hay vị lề luật. Lời Chúa và Thánh Thần của Đức Giêsu phải là nguyên lý tối cao hướng dẫn Giáo Hội và mọi phẩm trật đều phải phục tùng Lời Chúa và Thánh Thần. Để minh họa cho những gì vừa trình bày, chúng ta cùng nghe lời mời gọi của Giáo Chủ Ignatios de Lattaquie, mời gọi chúng ta nhìn nhận quyền ưu thắng của Thánh Thần như là hơi thở sống động của Giáo Hội :
“Không Thánh Thần, Thiên Chúa quả thực xa xôi.
Đức Kitô chìm quên trong quá khứ,
Tin Mừng chỉ là văn tự chết khô.
Giáo hội có gì khác hơn một tổ chức trần thế.
Quyền bính chỉ để cai trị.
Truyền giáo chỉ là tuyên truyền.
Phụng tự có khác gì đồng bóng,
Và cuộc sống Kitô hữu èo ọp trong luân lý chủ-nô.
Nhưng trong Thánh Thần:
Vũ trụ vươn cao, rên siết vì Nước Trời sinh hạ.
Đức Kitô phục sinh cư ngụ cõi người ta.
Tin Mừng đổ tràn sức sống.
Giáo hội thể hiện mối thông hiệp của Ba Ngôi.
Giáo quyền là phục vụ giải phóng.
Truyền giáo là một lễ Hiện Xuống mới.
Phụng vụ sống lại quá khứ và mở cửa tương lai.
Sinh hoạt của con người trở nên thần thiêng cao cả”[4]
5.Phải luôn lắng nghe tiếng Chúa Thánh Thần qua Giáo Hội
Chúa Thánh Thần luôn họat động trong Giáo Hội và hướng dẫn Giáo Hội. Do đó, vâng nghe Giáo hội là vâng nghe Chúa và vâng phục Chúa Thánh Thần. Yêu mến Giáo Hội, vâng lời Giáo Hội, trung thành với Giáo Hội, cộng tác với Giáo Hội và luôn cầu nguyện cho Giáo Hội, đó phải là thái độ của các Kitô hữu và đặc biệt, của các anh em linh mục, tu sĩ chúng ta. Vâng phục Giáo Hội (phổ quát cũng như địa phương) bằng cách tích cực góp phần, cộng tác và góp ý xây dựng Giáo Hội. Tránh phê bình chỉ trích một cách chủ quan, vô trách nhiệm. Cần nghiên cứu tìm hiểu và học hỏi những giáo huấn của Giáo Hội để có thể hiểu và đồng cảm với Giáo Hội nhiều hơn. Hãy luôn cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, xin Chúa Thánh Thần giúp cho các Kitô hữu, các linh mục, các tu sĩ nam cũng như nữ, được dũng cảm kiên trì trong bậc sống và ơn gọi của mỗi người, dám chấp nhận những phê bình, chỉ trích, ganh tị. Xin Chúa Thánh Thần giúp cho mỗi người chúng ta : các linh mục, tu sĩ, cũng như tất cả giáo dân, được tự do, không bị ràng buộc, biết từ bỏ những quyến rũ bất chính, sống thánh thiện và nêu gương cho những người sống quanh ta. Hãy luôn lắng nghe sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Hãy xin cho được trở nên giống Chúa Thánh Thần mỗi ngày một hơn, biết quên mình, biết giảm nhẹ sự đề cao cái tôi của mình, dám hăng say, dấn thân phục vụ mọi người, để trở nên những chứng nhân của Tin Mừng cứu độ và để qua đó, mọi người nhận biết chúng ta chính là những môn đệ đích thật của Đức Kitô. Amen.[1]
II.CHIA SẺ TIN MỪNG
Hiện nay trong các hội nghị quốc tế chẳng hạn như hội nghị Minh Ước Bắc Đại Tây Dương ở Paris, hay tại Liên Hiệp Quốc ở New York, các đại biểu trong hội nghị chỉ cần đưa máy nghe lên tai thì tức khắc họ sẽ nghe diễn giả đang nói tiếng Ba Tư nói thành tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Ý… toàn thể bài diễn văn được dịch ra và chuyền lại cho các thính giả nghe.
Nhưng cách đây hơn hai ngàn năm chính Chúa Thánh Thần đã làm được công việc này trong ngày lễ Hiện Xuống. Lúc các tông đồ còn đang lo âu sợ sệt vì Đức Giêsu đã chết và lên trời. Họ đóng cửa ở lại trong phòng. Rồi một buổi sáng nọ, bỗng nhiên Chúa Thánh Thần hiện xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu các ngài. Các tông đồ trở nên vững tâm và mạnh dạn. Các ông mở cửa ra ngòai và bắt đầu rao giảng.Trước mặt họ là một đám đông dân chúng hỗn độn, từ 15 nước và nói 15 thứ tiếng khác nhau, thế mà khi tông đồ nói, mỗi người đều nghe như các tông đồ đang nói tiếng bản xứ của mình.
Cha Ronald Rolheiser, OMI kể về cha Lorenzo Rosebaugh như sau: lúc đó cha Lorenzo vừa trở về sau một chuyến đi truyền giáo dài ở châu Mỹ La Tinh, nơi mà trong nhiều năm cha đã sống với người nghèo trên đường phố của Recife. Sau đó cha được gởi qua Pháp nhưng lại không nói được tiếng Pháp. Thế mà chưa đầy một tháng, người ta đã thấy cha ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ gần khu dân cư với hơn chục người vô gia cư xúm quanh. Họ đang chia sẻ bữa ăn và đang trò chuyện với nhau, trông giống như một cuộc pícníc trong công viên vậy.
Cha Lorenzo không nói được một từ tiếng Pháp và những người quây quần quanh cha cũng không nói được tiếng Anh, tiếng Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha, nhưng rõ ràng họ đang giao tiếp với nhau, và giao tiếp một cách thân tình và sôi động. Làm thế nào mà họ có thể làm được như thế? Đó chính là Chúa Thánh Thần.
Lần đầu tiên mô tả Lễ Hiện Xuống, thánh Luca kể cho chúng ta rằng sau khi lãnh nhận Chúa Thánh Thần, các môn đồ đầu tiên của Chúa Giêsu đi ra ngoài công chúng và bắt đầu nói, và tất cả mọi người, hết thảy mọi người, dù sắc tộc hay ngôn ngữ của họ thế nào, đều nghe những lời các tông đồ nói như nghe bằng ngôn ngữ của họ. Hàng rào ngôn ngữ ngăn cách cũ không còn cản trở việc nghe thấy hay hiểu được. Ngôn ngữ cất lên từ tâm hồn đã vượt lên trên mọi sắc tộc và tiếng mẹ đẻ.
Như vậy ngôn ngữ có nhiều cấp độ khác nhau
– Ở cấp độ rõ ràng nhất, ngôn ngữ phụ thuộc vào từ ngữ nói ra, mà lời nói thì luôn luôn phải là một ngôn ngữ cụ thể, ví dụ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha, hay tiếng Việt Nam.
Ở cấp độ này, lời nói chỉ có một sức mạnh tương đối, nhưng chúng cũng có thể trở thành lừa dối và gian trá. Lời nói không phải lúc nào cũng chính xác phản chiếu tâm hồn. Và có lúc chúng ta không thể diễn tả bằng lời như trước cảnh đau thương chết chóc hay khi bị phản bội trắng trợn.
– Nhưng chúng ta còn có một thứ ngôn ngữ khác: ngôn ngữ của cơ thể. Cơ thể của chúng ta còn có thể diễn tả được nhiều hơn và trung thực hơn lời nói của chúng ta. Qua cơ thể, qua điệu bộ, qua cử chỉ và từng dáng vẻ của cơ thể, chúng ta nói một cách sâu sắc hơn và chân thực hơn so với khi chúng ta nói bằng lời.
– Và chúng ta còn một thứ ngôn ngữ sâu sắc hơn nữa: đó là ngôn ngữ của tâm hồn, ngôn ngữ của con tim, ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, một thứ ngôn ngữ xuyên qua lời nói và ngôn ngữ của cơ thể chúng ta.
Chúa Thánh Thần không chỉ là một bản vị thiêng liêng trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Trái lại Thánh Kinh nói với chúng ta rằng Chúa Thánh Thần lại rất cụ thể như niềm vui, bình an, kiên nhẫn, lòng tốt, đức chịu đựng, trung tín, dịu dàng và trong sạch. Dù có mặt hay vắng mặt, tất cả cất tiếng nói với chúng ta rất to và rõ ràng hơn bất kỳ lời nói hay cử chỉ, điệu bộ nào của chúng ta. Đó chính là ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, ngôn ngữ đó đã được thể hiện trong trường hợp của cha Lorenzo. Khi làm việc ở châu Mỹ La-tinh, cha Lorenzo Rosebaugh chỉ bập bẹ nói thứ tiếng Tây Ban Nha sai bét và thứ tiếng Bồ Đào Nha cũng sai bét. Vậy mà người nghèo ở đó vẫn nghe được và hiểu những gì cha Lorenzo nói. Cha không hề biết tiếng Pháp mà cha vẫn có thể ngồi trên bậc tam cấp nhà thờ ở Pháp và quây tụ quanh mình những người vô gia cư chỉ nói được tiếng Pháp – và họ hiểu cha một cách rõ ràng như thể đang nghe ngôn ngữ mẹ đẻ của mình.
Đó là ngôn ngữ của con tim, Ngôn ngữ của Chúa Thánh Thần, Ngôn ngữ của Tình Yêu Thiên Chúa. Đó chính là ngôn ngữ của Lễ Hiện Xuống mà chúng ta mừng kính hôm nay. Amen
LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ
[1] https://gpcantho.com/cung-hiep-hanh-voi-chua-thanh-than/
—
[1] X. Yves CONGAR, Je crois en l’Esprit Saint, I, Paris 1979, tr. 218-235
[2] x. Yves CONGAR, Nt. Tr. 208.
[3] X. Hồng Y L.J. Suenens, Thánh Thần, hơi thở sống động của Giáo Hội, Editions de l’Association FIAT, Định Hướng Tùng Thư chuyển dịch, tr. 16.
[4] Rapport d’Upsal 1968. Conseil oecuménique des Eglises. Genève 1969. Tr. 297.