Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 7 MÙA PHỤC SINH- LỄ THĂNG THIÊN, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 7 MÙA PHỤC SINH- LỄ THĂNG THIÊN, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 7APS

LỄ THĂNG THIÊN

leThangThien1(Mt 28,16-20)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

      1.Để cứu con người, Thiên Chúa cần họ cộng tác với Ngài

Hôm lễ Giáng Sinh, chúng ta đọc bài Tin Mừng nói về việc Đức Giêsu giáng trần, bắt đầu cuộc đời làm người của Ngài. Hôm nay chúng ta đọc bài Tin Mừng nói về việc Ngài thăng thiên, kết thúc cuộc đời tại thế của Ngài. Ngài đến thế gian – vừa với tư cách một vị Thiên Chúa vô hạn và toàn năng, vừa với tư cách một con người đầy giới hạn và bất lực – để phục vụ con người, hầu trả lại cho con người thứ hạnh phúc vĩnh cửu đã bị nguyên tổ con người đã làm mất. Nhưng Ngài không thể làm chuyện này một mình được.

Khi dựng nên con người và cùng lúc ban hạnh phúc nguyên thủy cho con người (lúc ấy con người chưa có), Thiên Chúa không cần ý kiến hay sự cộng tác của con người. Nhưng khi con người đã hiện hữu, nhất là khi họ đã lạm dụng chính tự do Thiên Chúa ban để chống lại Ngài và làm mất đi hạnh phúc của mình, thì Ngài không thể tự mình chuộc lại hạnh phúc ấy cho con người mà không cần đến sự cộng tác tự nguyện của họ. Tương tự như khi sinh ra ta, cha mẹ không cần đến ta, nhưng một khi đã có ta, thì có rất điều ích lợi cho ta các ngài không thể làm một mình mà không cần ta cộng tác vào. Chẳng hạn các ngài có thể đem đồ ăn đến tận miệng ta, giúp chúng ta đủ mọi phương tiện để học hành, nhưng ta có ăn uống học hành hay không thì hoàn toàn do ta. Cha mẹ không thể ăn uống, học hành thay cho ta được. Cũng vậy, Thiên Chúa không thể cứu chuộc ta, lấy lại hạnh phúc đã mất cho ta mà không cần đến sự hợp tác của ta. Để cứu chuộc con người, Thiên Chúa đã làm tất cả những gì Ngài có thể làm được qua Đức Giêsu. Tuy nhiên, vẫn còn lại một phần rất nhỏ mà chính con người phải làm, không ai làm thay được.

Nhưng làm sao con người ý thức được điều đó để cộng tác với Ngài hầu được cứu rỗi và hạnh phúc? Đức Giêsu có làm được điều ấy không? Làm sao Ngài làm được điều ấy cho từng người trên thế giới từ thế kỷ này sang thế kỷ khác?

      2.Để loan báo ơn cứu độ, phục vụ con người, Đức Giêsu mời gọi ta cộng tác tiếp tay

      với Ngài

Đức Giêsu đến thế gian với mục đích ở với con người, chia sẻ thân phận đầy đau khổ của họ, xoa dịu những nỗi đau, săn sóc và chữa lành mọi căn bệnh cho họ, nhất là đem lại nguồn ủi an, hạnh phúc cho họ. Ngài muốn phục vụ toàn thể con người, đem ơn cứu rỗi đến cho họ không trừ một ai. Nhưng thế giới của con người thì bao la trải dài suốt mấy chục thế kỷ, còn Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm thật ngắn ngủi, tại đất nước Do Thái quá chật hẹp. Làm sao Ngài có thể đến với từng người, phục vụ từng người không trừ ai như Ngài mong muốn được? Ngài có phương cách của Ngài, đó là mời gọi những người theo Ngài, những môn đệ của Ngài trong mọi thế kỷ, mọi thế hệ loài người cộng tác tiếp tay cho Ngài, trong đó có bạn, có tôi, cùng bao nhiêu Kitô hữu khác. Ngài lại mời gọi và đòi hỏi sự cộng tác.

Vì thế, trước khi từ biệt các môn đệ để về với Chúa Cha, Đức Giêsu đã trăn trối cho các ông di chúc này: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở nên môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy cho họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Đó không phải chỉ là lời mời gọi, mà là một lệnh truyền không chỉ cho 12 môn đệ đầu tiên của Ngài, mà cho tất cả những môn đệ thuộc tất cả những thế hệ sau, nghĩa là cho tất cả những ai theo Ngài. Vì thế, việc loan báo Tin Mừng hay phúc âm hóa môi trường mình sống, làm cho mọi người theo Đức Giêsu, thành môn đệ của Ngài, rửa tội cho họ, nhất là sống tinh thần yêu thương mà Ngài đã truyền dạy là bổn phận của mọi Kitô hữu.

      3.Đức Giêsu mong được tiếp tục yêu thương và phục vụ con người qua bản thân và đôi

      tay của ta

Sứ mạng của Đức Giêsu thật vĩ đại, để hoàn tất sứ mạng ấy, Ngài muốn hiện diện một cách cụ thể bằng xương bằng thịt tại trần gian để sống với mọi người, chia sẻ đau khổ với mọi người thuộc mọi thời đại, mọi dân tộc, mọi quốc gia. Ngài muốn trực tiếp nói với mỗi người, phục vụ, săn sóc, an ủi, xoa dịu và chữa lành những nỗi đau, những căn bệnh của mỗi người, nhất là đem lại nguồn ủi an và hạnh phúc cho họ. Nhưng trong thực tế, Ngài chỉ sống tại trần gian một thời gian hết sức ngắn ngủi. Vì thế, để tiếp tục công việc ấy, Ngài muốn hiện diện ở trần gian một cách khác, một cách gián tiếp, qua sự hiện diện của ta. Nghĩa là Ngài muốn yêu thương mọi người bằng trái tim ta, suy nghĩ tìm ra giải pháp cho mọi vấn đề của con người bằng khối óc của ta, phục vụ mọi người bằng đôi tay của ta, đến với mọi người bằng đôi chân của ta, nói với mọi người, báo tin vui cứu độ cho mọi người bằng miệng lưỡi của ta. Ngài mong ta trở nên một dụng cụ của Ngài, tùy ý Ngài sử dụng hầu thực hiện chương trình của Ngài. Nếu Ngài đã là hiện thân của Thiên Chúa Cha giữa con người, thì Ngài cũng muốn ta là hiện thân của Ngài giữa những người sống chung quanh ta, trong gia đình ta, giữa xã hội, trong lòng thế giới. Nếu cách đây hơn 2000 năm, Ngài đã là Em-ma-nu-en, tức Thiên Chúa ở giữa loài người qua con người Đức Giêsu, thì hiện nay, Ngài cũng muốn tiếp tục làm như thế, nhưng lần này qua con người mỗi chúng ta.

      4.Hãy trở nên hiện thân của Đức Giêsu ở trần gian, giữa những người sống chung quanh ta

Chúng ta có thể trở nên hiện thân của Đức Giêsu ở trần gian, miễn là chúng ta có tình yêu đối với Ngài, với mọi người, và muốn trở nên hiện thân của Ngài giữa thế giới. Để làm được điều ấy, chúng ta chỉ cần ý thức rằng mình chính là hình ảnh của Thiên Chúa, được tạo dựng giống như Thiên Chúa (St 1,26.27; 9,6; Ep 4,24), là con cái Thiên Chúa (Lc 20,36; Rm 8,14.16; Gl 3,26), và mang trong mình bản tính thần linh của Ngài (2Pr 1,4). Vì thế, ngay từ bản chất, một cách nào đó, chúng ta đã là hiện thân của Thiên Chúa rồi. Chỉ có một điều đáng tiếc là nhiều khi chúng ta chưa sống đúng với bản chất cao cả đó. Chúng ta còn sống một cách hèn hạ, nhát đảm, bần tiện, ích kỷ, chỉ vì chúng ta chưa ý thức được phẩm chất thần linh cao quí của mình. Chúng ta giống như một hoàng tử con ruột của một ông vua, nhưng vì sống trong môi trường dân giã lâu năm nên đã quên đi nguồn gốc cao quí của mình, nên sẵn sàng đem thân làm tôi tớ người khác, làm những điều không xứng hợp với phẩm giá mình.

Đức Giêsu muốn mỗi người chúng ta ý thức được phẩm chất cao cả của mình, đồng thời mời gọi ta trở nên hiện thân của Thiên Chúa, của Ngài nơi những người chung quanh chúng ta, để qua chúng ta, Ngài yêu thương họ, phục vụ họ. Chúng ta sẽ trở nên hiện thân của Thiên Chúa khi những người chung quanh cảm nghiệm được tình yêu thương của ta đối với họ, qua việc quan tâm, chăm sóc, hy sinh vì hạnh phúc của họ.

Lời mời gọi ấy, trước khi về trời, Đức Giêsu đã nói với chúng ta dưới một hình thức khác, một lệnh truyền, một sứ mạng được trao phó: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em”. Làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa, cũng là giúp họ ý thức được họ là hình ảnh của Thiên Chúa, là con cái Ngài, và là anh em của nhau. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Đức Giêsu truyền dạy chính là tìm cách làm cho họ yêu thương nhau, phục vụ nhau. Vả lại yêu thương nhau chính là nét đặc trưng nhất, là tiêu chuẩn bảo đảm nhất chứng tỏ mình là môn đệ đích thực của Đức Giêsu. Chính khi chúng ta sống như thế, sống như những hiện thân của Đức Giêsu ở giữa anh chị em ta, thì ta đã làm cho câu nói sau đây của Đức Giêsu trở thành hiện thực và cụ thể: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”. Chúng ta hãy trở nên Giêsu hay Em-ma-nu-en ở giữa anh chị em mình!

Cầu Nguyện

Tôi thường nghe Thiên Chúa nói qua lương tâm tôi:

“Cách đây hơn 2000 năm, Cha đã rao truyền chân lý, bày tỏ tình yêu và phục vụ săn sóc cho một số rất ít người Do Thái thời ấy qua con người Giêsu, Con của Cha. Cha vẫn muốn tiếp tục làm công việc yêu thương săn sóc ấy cho tất cả mọi người không trừ ai ở trần gian này. Nhưng lần này không phải qua con người Giêsu nữa, mà qua bản thân con và nhiều người khác như con. Con có đồng ý để Cha yêu thương họ bằng trái tim con, và phục vụ họ bằng đôi tay của con không?”[1]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Báo Tuổi trẻ Chủ Nhật 25/07/1999, có đưa ra những nghịch lý của thời đại chúng ta:

Ngày nay chúng ta có những tòa nhà cao hơn, nhưng tính cách những người cư ngụ trong đó thì lại nhỏ hơn.

Ngày nay chúng ta có những con đường cao tốc rộng hơn, nhưng quan điểm của con người thì lại hẹp hòi hơn.

Chúng ta có những căn hộ to hơn, nhưng gia đình lại nhỏ hơn.

Nhiều tiện nghi hơn nhưng lại ít thời gian hơn.

Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn, nhưng lại kém ý thức hơn.

Nhiều kiến thức hơn, nhưng lại kém suy xét hơn.

Nhiều chuyên gia hơn, nhưng cũng lắm vấn nạn hơn.

Nhiều thuốc men hơn, nhưng lại kém sức khỏe hơn.

Chúng ta tăng số của cải, nhưng lại giảm những giá trị của bản thân.

Chúng ta đã đi lên mặt trăng, nhưng lại cảm thấy phiền hà khi băng qua đường để gặp người hàng xóm.

Chúng ta làm trong sạch không khí, nhưng lại gây ô nhiễm tâm hồn của nhau.

Chúng ta đã phân tách được hạt nhân nguyên tử, chứ không hề đá động đến óc thành kiến của mình.

Chúng ta dự tính nhiều hơn, nhưng thực hiện thì ít hơn.

Chúng ta chỉ biết vội vã, mà không biết chờ đợi.

Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng đaọ đức lại thấp hơn.

Chúng ta có nhiều thức ăn ngon hơn, nhưng vẫn không giảm bớt được những cơn đói.

Chúng ta có nhiều máy tính hơn để lưu trữ nhiều thông tin hơn, nhưng chúng ta lại ít liên lạc với nhau.

Chúng ta trở nên thừa về số lượng, nhưng lại quá thiếu về chất lượng.

Đây là thời của thức ăn nhanh, nhưng tiêu hóa lại chậm.

Lưng dài thêm mà chí thì ngắn đi.

Lợi nhuận quá cao nhưng các mối quan hệ với nhau thì hời hợt vô cùng.

Chúng ta có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, nhưng ít thú vui lành mạnh hơn.

Đây là thời của hòa bình thế giới, nhưng nội chiến thì triền miên.

Đây là thời có tới hai nguồn thu nhập từ cả hai vợ chồng trong gia đình, nhưng ly dị thì nhiều hơn.

Thời của những căn nhà sang trọng, nhưng tổ ấm thì lại tan vỡ…

Tóm lại, ở đời, ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp và được sống trong một căn nhà đầy đủ tiên nghi, nhưng chúng ta đã thấy gì ? Tôi chỉ xin nhắc lại một vài điểm mà tác giả đã đề cập ở trên :

Chúng ta có nhiều thức ăn ngon hơn, nhưng vẫn không giảm bớt được những cơn đói.

Chúng ta có nhiều thức ăn nhanh, nhưng tiêu hóa lại chậm

Chúng ta có nhiều thuốc men hơn, nhưng sức khỏe lại kém hơn.

Chúng ta vó nhiều tiện nghi hơn nhưng lại ít thời gian hơn.

Chúng ta có những căn hộ to hơn, nhưng gia đình lại nhỏ hơn.

Chúng ta có nhiều căn nhà sang trọng hơn, nhưng tổ ấm thì lại tan vỡ nhiều hơn.

Rồi chúng ta có nhiều chuyên gia hơn, nhưng cũng lắm vấn nạn hơn.

Cuộc sống hiện tại của chúng ta là như thế đấy, nên mừng ngày Chúa lên trời hôm nay muốn nhắn nhủ chúng ta: cuộc sống trên trần thế này không làm thỏa mãn chúng ta và trần gian này chỉ là nơi tạm bợ, chưa phải là nơi ở vĩnh viễn của con người. Quê hương đích thực của chúng ta là ở trên trời. Hiểu như thế chúng ta mới thấy được cuộc sống trần gian này chỉ là một giai đọan, một sự chuyển tiếp dẫn chúng ta về quê trời, nơi Chúa Giêsu đã về trước để chuẩn bị cho chúng ta.

LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

[1] Suy niệm của JKN

https://giaophanlongxuyen.org/tin-tuc/cac-bai-suy-niem-chua-nhat-chua-len-troi-nam-a.html

Xem thêm

Lc 2, 1-14

SUY NIỆM TIN MỪNG LỄ ĐÊM GIÁNG SINH, CỦA LM ANTÔN NGUYỄN VĂN ĐỘ

Cửa Thánh mở – Niềm vui Chúa ra đời SUY NIỆM ĐÊM GIÁNG SINH (Lc …