Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 6 MÙA PHỤC SINH, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 6 MÙA PHỤC SINH, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 6A PS

Chúa Giêsu Hứa Ban Thánh Thần

(Ga 14,15-21)

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Hứa ban Thánh Thần (Ga 14:15-17) (Trước 7 giờ tối)

15Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. 16Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. 17Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em.

Chúa Thánh Thần: Đấng Bảo Trợ và An Ủi

Đối với Gioan, thì chỉ có một trắc nghiệm cho tình yêu là vâng lời. Bằng vâng lời, Chúa tỏ ra Người yêu mến Thiên Chúa. Vậy ta cũng phải tỏ ra yêu mến Chúa Giêsu bằng vâng lời Người. C.K. Barrett nói ‘Gioan không hề để tình yêu cuốn hút vào những xúc động, cảm tình lôi cuốn. Tiếng nói của tình yêu luôn luôn là tiếng nói của luân lý mạc khải sự vâng lời’. Bao người tuyên bố yêu thương chỉ bằng lời nói vì trong hành động họ lại làm đau lòng những kẻ họ nói họ yêu thương; bao con cái trong nhà, bao nhiêu ông chồng, bà vợ … và Chúa Giêsu không để chúng ta đơn côi. Người sẽ sai Đấng Bảo Trơ đến. Đấng trợ giúp, tiếng Hy Lạp là paraklètos, danh từ không thể dịch. Bản chính thức dịch là Đấng Yên Ủi (Comforter), mặc dầu vào lúc dùng và cách dùng là thánh, nhưng không phải là cách dịch tốt. Moffatt dịch là Đấng Trợ Ggiúp (Helper). Chỉ khi sát hạch danh từ paraklètos chi tiết, ta mới thấy sự giầu có về đạo lý của Thánh Thần. Paraklètos, tiếng Hy lạp, có nghĩa là một người được gọi đến; gọi đến để làm chứng trước tòa, bênh vực bị cáo. Có thể đó là một luật sư; có thể là một chuyên viên, có thể là một chiến sĩ khích lệ đoàn quân đang nản chí. Thánh Thần (Paraklètus) luôn là người được gọi đến trợ giúp trong trường hợp khó khăn, trong lúc cần thiết. Đấng Yên Ủi, Khích Lệ là lối dịch tốt. Wicliffe là người dùng danh từ này trước nhất. Nhưng vào thời ông, Đấng Yên Ủi có nghĩa nhiều hơn bây giờ. Danh từ do tiếng Latinh là fortis có nghĩa là mạnh bạo, và đấng khích lệ là người khích lệ những kẻ nản chí. Ngày nay khích lệ hầu như chỉ dùng cho người sầu muộn, và người khích lệ là người có thiện cảm với ta khi ta buồn bã. Không hồ nghi Thánh Thần là thế, nhưng hạn chế chức năng Người vào điều đó là hạn hẹp chức vụ của Người. Ta thường nói đến đương đầu với hoàn cảnh. Đó chính là việc của Thánh Thần. Người bỏ đi những sở đoản bất xứng của ta và cho vào khả năng đương đầu với cuộc đời. Thánh Thần thay thất bại bằng chiến thắng. Vậy điều Chúa Giêsu nói là ‘Thầy trao cho chúng con một công việc khó khăn, sai chúng con vào cuộc chiến đấu rất khó khăn. Nhưng Thầy sẽ sai Thánh Thần đến trợ giúp để chúng con hoàn thành’. Người nói tiếp: thế gian không thể nhận biết Thánh Thần vì thế gian là loạt người sống như không có Thiên Chúa. Điểm Chúa Giêsu muốn nói là: chúng ta chỉ có thể thấy những điều chúng ta xứng hợp để thấy. Nhà thiên văn thấy điều ta không thấy, nhà thực vật học thấy cây cỏ rõ hơn ta, nghệ sĩ, nhạc sĩ… loại bỏ Thiên Chúa thì làm sao có thể lắng nghe Người. Không thể lãnh nhận Thánh Thần bao lâu không chờ đợi, không cầu xin Thánh Thần. Chúa Thánh thần không phá cửa lòng người. Người đợi để ta đón nhận. Vì thế, nếu nghĩ đến những gì tuyệt diệu Thánh Thần có thể làm, chắc chắn ta phải để thời giờ yên lặng, chuẩn bị đón chờ Người. [1]

1.Thầy không để anh em mồ côi

Môn đệ linh cảm thấy có gì dễ sợ trước mắt, có thể là một thảm kịch, nhưng Chúa nói ‘Thầy không để anh em mồ côi’. Mồ côi nghĩa là con mất cha; nhưng cũng dùng cho trường hợp trò mất thầy. Plato nói rằng ‘khi Socrates chết, các học trò của ông nghĩ họ sẽ phải mồ côi như con không cha, và họ không biết phải làm thế nào’. Nhưng Chúa nói với môn đệ ‘chúng con không phải như vậy’; Người nói ‘Thầy sẽ đến cùng anh em’. Người nói về việc Người sẽ sống lại và sẽ hiện ra với họ. Họ sẽ thấy Người vì Người còn sống, và vì họ cũng sẽ còn sống. Chúa muốn nói là họ cũng sẽ còn sống cách thiêng liêng. Lúc ấy họ bàng hoàng câm lặng như trước một thảm kịch. Nhưng ngày kia mắt họ sẽ mở ra, trí họ sẽ hiểu và lòng họ sẽ sáng lên, và lúc đó họ sẽ nhìn thấy Người. Người sống lại và quả thực điều đó thực sự đã xẩy ra. Sự sống lại của Chúa biến đổi thất vọng của họ thành hy vọng và lúc ấy họ hiểu chắc chắn không nghi ngờ rằng Người là Thiên Chúa.[2]

Trong đoạn này, Gioan nói về những những tư tưởng luôn luôn có trong đầu óc ông

1.1.Trước tiên và trên hết là tình yêu

Với Gioan, tình yêu là nền tảng mọi sự. Thiên Chúa yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu Thiên Chúa; Thiên Chúa yêu con người. Chúa Giêsu yêu con người. Con người yêu Thiên Chúa qua Chúa Giêsu; con người yêu thương nhau; trời, đất, con người, Thiên Chúa, con người và con người gắn bó với nhau trong tình yêu.

1.2.Gioan lại nhấn mạnh đến sự cần thiết của vâng lời, bằng chứng duy nhất của tình yêu

Chúa chỉ hiện ra với những ai yêu mến Người chứ không hiện ra với những người Biệt Phái, Kinh Sư và những người Do Thái thù nghịch.

1.3.Vâng lời tín thác này đưa lại:

1.3.1.An toàn tối hậu. Vào ngày Chúa khởi hoàn, những ai yêu mến vâng lời Người, sẽ được an toàn trong một thế giới đổ vỡ.

1.3.2.Càng ngày càng được mạc khải. Mạc khải là điều đắt giá, luôn luôn dựa trên nền tảng luân lý. Nghĩa là Chúa Kitô tỏ mình ra cho những ai tuân giữ giới răn, chứ không cho người độc ác. Thiên Chúa có thể dùng họ, song họ không liên hệ gì với Thiên Chúa. Chỉ những ai tìm kiếm Thiên Chúa, Thiên Chúa mới tỏ mình cho họ; chỉ những ai, mặc dầu sa ngã, vẫn ngửa trông lên, Thiên Chúa mới không nề hà ngó xuống. Tình bằng hữu với Thiên Chúa và mạc khải của Thiên Chúa lệ thuộc vào tình yêu và tình yêu lệ thuộc vào vâng lời. Càng vâng lời Thiên Chúa, ta càng hiểu biết Người, và ai đi trong đường lối Thiên Chúa người ấy chắc chắn cùng đi với Thiên Chúa.[3]

Đoạn này đầy ắp những chân lý, Chúa nói đến

1.Chúa Thánh Thần, Đấng sẽ:

1.1.Dạy ta mọi điều

Suốt đời, người Kitô hữu luôn luôn phải là người học hỏi. Vì cho đến tận thế, Thánh Thần sẽ dẫn ta hiểu hơn những chân lý của Thiên Chúa. Người Kitô hữu, đóng kín tâm trí, không thể bào chữa vì không biết những chân lý đức tin. Người Kitô hữu nào cho rằng không còn gì để học, không cần học hỏi, người đó không hiểu Chúa Thánh Thần là Đấng nào.

1.2.Nhắc nhở ta những gì Chúa Giêsu đã dạy

1.2.1.Về đức tin

Thánh Thần sẽ hằng nhắc nhớ ta về những gì Chúa Giêsu đã dạy. Ta có bổn phận phải suy nghĩ, tìm tòi, học hỏi, nhưng phải đối chiếu những kết quả với lời Chúa. Không phải chân lý ta tìm được cho bằng chân lý Thánh Thần soi sáng cho ta. Những gì ta phải khám phá là ý nghĩa của chân lý. Thánh Thần sẽ giúp ta khỏi kiêu căng và lầm lẫn trong tư tưởng.

1.2.2.Về tác phong

Thánh Thần sẽ giúp ta sống cách đúng đắn. Hầu hết ta đều cảm biết những kinh nghiệm này; có những khi bị cám dỗ và đang trên đường thực hiện thì tâm trí ta nhớ đến một câu Thánh vịnh, đến hình ảnh Chúa Giêsu, đến lời của một người thân, đạo lý học từ thuở nhỏ… và nhờ đó ta biết dừng chân; đó là công việc của Thánh Thần. [4]

2.Ban quà tặng

Quà tặng của Thánh Thần là sự bình an. Bình an, theo ngôn ngữ Kinh Thánh, không đơn thuần có nghĩa là không có vấn đề mà còn có nghĩa tích cực, là mọi sự đều giúp ta nên tốt và tốt nhất. Bình an của thế gian là tránh né còn bình an của Thánh Thần là vượt thắng, mà không gì trong đời sống có thể tước đoạt được: sầu muộn, nguy hiểm, đau khổ… đó là bình an độc lập khỏi những hoàn cảnh bên ngoài.

3.Nói đến đích điểm của Người

Đích điểm Chúa đến, đó là nhà Cha. Người nói nếu các môn đệ thực tình yêu Người, họ phải vui mừng vì điều đó. Người sẽ được giải thoát khỏi mọi hữu hạn của thế gian, để được trả lại vinh quang. Nếu thực sự hiểu ý nghĩa của chân lý đức tin, ta sẽ luôn luôn vui mừng khi những người ta yêu, ra đi về nhà Cha. Nói thế không phải là không cảm thấy đau xót buồn phiền vì mất người thân, vì phải đơn côi, mà chỉ muốn nói là vui vì người thân được tới nơi tốt hơn, hạnh phúc hơn. Họ ra đi không phải để chết mà để hưởng hạnh phúc muôn đời. Như thế ta không bao giờ miễn cưỡng vì sự chết của họ mà phải nhớ họ đã không đi về cái chết mà là về hạnh phúc. Như thế là mừng chứ không buồn (khi chết).

4.Nói đến tranh đấu của Người

Thập Giá là cuộc vật lộn sau cùng Chúa đấu với toàn lực Xatan. Người không sợ, lại còn đi đón Thập Giá. Người đi đón cái chết không phải để thất bại mà để chiến thắng.

5.Nói đến biện hộ

Lúc ấy, trên Thập Giá, người ta chỉ thấy Người bị sỉ nhục, lăng mạ, nhưng sẽ đến lúc người ta thấy nơi Thập giá sự vâng lời Thiên Chúa và lòng thương yêu con người của Người. Chính những gì là nòng cốt trong cuộc đời của Chúa Giêsu đều được biểu lộ ở mức độ cao nhất trên Thập Giá. [5]

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi. Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ (Ga 14,15-21)

Mỗi khi đi tham dự đám tang của một người cha, của một người mẹ trẻ vừa mới nằm xưống, nhìn giải khăn xô buộc hờ hững trên mái đầu xanh, chúng ta cảm động như muốn khóc lên được. Đứa bé ngây thơ nhìn những nắm đất được ném xuống lòng huyệt. Nó chẳng hiểu gì cả. Nó đâu có biết rằng chết là ra đi vĩnh viễn, hai bờ bến ngàn trùng xa cách. Nó tưởng rằng ba nó hay mẹ nó đi thăm ông bà nội ngoại, mai mốt sẽ về và cho nó thật nhiều quà. Người khác nhìn vào sẽ cảm thấy chua xót và khóc thầm cho cuộc đời của nó. Ngày mai nó sẽ ra sao?

Chúa Giêsu của bài Tin Mừng hôm nay cũng sắp lìa bỏ thế gian mà về cùng Ðức Chúa Cha. Ngài cũng hết sức lo lắng cho các kẻ Ngài yêu. Và Ngài tiên báo về những khó khăn họ sắp phải gánh chịu nhưng Ngài cũng cho biết Ngài vẫn tiếp tục chăm sóc họ, ngay cả khi vắng mặt. Ðây là lời hứa cuối cùng Ngài nói với họ trước khi ra đi. Ngài muốn để lại một kỷ niệm có giá trị thật to lớn. Với kỷ vật này họ không còn phải sợ hãi chi. Tương lai hoàn toàn được bảo đảm. Kỷ vật đó không phải là vàng bạc hoặc tài sản hay hư nát, hoặc điều chi có thể gây nên cãi cọ, tranh giành, mà là một bảo đảm vững chắc cho tương lai. Nó là một kho báu lưu truyền cho mãi muôn ngàn đời. Không có nó chẳng ai có thể sống tốt lành, thánh thiện, chẳng ai có thể đẹp lòng Thiên Chúa: đó chính là Chúa Thánh Thần mà tiếng Hy Lạp gọi là Paracletos.

Paracletos có nghĩa là Trạng Sư và Đấng An Ủi

  1. Paracletos là Trạng Sư

Paracletos là trạng sư là người bênh vực, nói thay, biện hộ cho phạm nhân. Ông ta có nhiệm vụ che chở phạm nhân trước tòa án. Nếu phạm nhân thực sự có tội, thì ông xin tòa giảm án với những lý do ông thấy là hợp lý. Tiếng La Tinh gọi là “advocatus”, người được triệu đến để làm chứng cớ, đưa ra những bằng chứng rõ ràng hay đứng bên tội nhân để biện hộ cho tội nhân.

  1. Paracletos là Đấng An Ủi

Người yên ủi là người giúp kẻ mất tinh thần trở thành dũng cảm. Ngày nay, chữ yên ủi hầu như chỉ còn có nghĩa là làm cho khỏi đau buồn. Người an ủi là người thông cảm khi ta có chuyện buồn khổ. Chắc chắn Chúa Thánh Thần đã làm công tác đó, nhưng giới hạn công tác của Ngài vào nhiệm vụ đó thôi, quả là đánh giá Ngài quá thấp một cách đáng buồn. Chúng ta vẫn thường nói đến khả năng đối phó với mọi hoàn cảnh. Đó đúng là công tác của Chúa Thánh Thần, Ngài đến với chúng ta, cất đi mọi khuyết điểm, yếu đuối của chúng ta, giúp chúng ta đủ sức đối phó với cuộc sống.

Tuy nhiên chúng ta cần phải thay đổi cách nhìn. Theo Phúc Âm thánh Gioan, nhất là bài diễn từ cuối cùng, Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần để đưa chúng ta vào hợp nhất với Thiên Chúa, không phải bằng sợ hãi, nhưng bằng tình yêu, không phải bằng lề luật, hình phạt, nhưng bằng ơn thánh, phúc trường sinh. Chúa Giêsu gởi trạng sư của Ngài đến không phải để giãi bày tình huống của chúng ta trước tôn nhan Thiên Chúa cho bằng mạc khải chương trình yêu thương của Ngài cho nhân loại, giúp chúng ta thương yêu người khác, như Ngài đã thương yêu họ. Ðấng bảo trợ sẽ khuyên nhủ, ban khả năng cho chúng ta để có thể thi hành điều Chúa Giêsu đã nói với các Môn đệ: “nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy tuân giữ những điều Thày truyền dạy.” Ðiều Ngài truyền dạy là chúng ta phải yêu thương nhau. Ngài làm gương trước bằng hành động rửa chân cho các Tông đồ và ban chính sự sống của Ngài là giá chuộc tội nhân loại. Tình yêu này đòi hỏi một tấm lòng bao la, một tâm trí mở rộng vô biên và một sự dấn thân bền bỉ không mệt mỏi với một tình yêu cao độ: các con hãy yêu thương nhau như chính Thầy đã yêu thương các con.

Cách đây không lâu, một bác sĩ giải phẫu người Mỹ đã vâng theo tiếng gọi của Chúa Giêsu, yêu thương tha nhân bằng cách ban tặng chính bản thân mình cho họ. Ông đã trở nên một nhà truyền giáo phục vụ trong ngành y khoa. Từ bỏ quê hương, ông đi tới một hòn đảo xa xôi trên biển Thái Bình Dương, nơi dân chúng sống nghèo khổ, bệnh tật vì thiếu thuốc. Sau một thời gian, để tạo sự bất ngờ cho bác sĩ, vị mục sư ở Mỹ đã đến thăm ông mà không báo trước. Khi mục sư đến, ông bác sĩ đang sửa soạn giải phẫu cặp mắt của một em bé gái 8 tuổi. Vị mục sư đã quan sát cuộc giải phải xảy ra qua cái cửa sổ của một căn chòi nhỏ. Sau ba giờ đồng hồ, bác sĩ đi ra khỏi phòng mổ và nói: “đôi mắt của cô bé rất tốt, em sẽ mau khỏi bệnh”. Rồi ông đi ra gặp mục sư của mình.

Khi bàn về cuộc giải phẫu vừa mới xảy ra, mục sư hỏi: “ông được trả bao nhiêu tiền cho cuộc giải phẫu đó nếu ông giải phẫu ở Mỹ?”

Thưa “chừng 3000 đô la”.

Mục sư hỏi tiếp: “vậy ở đây người ta trả ông bao nhiêu?”

Vị bác sĩ trả lời: “chỉ vài xu và nụ cười của Thiên Chúa”.

Rồi đặt tay lên vai mục sư, ông lay nhẹ và nói, “nhưng lạy Chúa, cuộc sống ở đây thật tuyệt vời!”

LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.371-372

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.373

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.374

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.374-375

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.375

Xem thêm

lc194548

Suy niệm Tin Mừng Thứ Sáu Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  KHÔNG GIAN CHO CHÚA “Nhà Ta sẽ là nhà cầu nguyện, thế mà các …