Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 5A MC

Lazrô Sống Lại

(Ga 11,1-45)Ga 11,1-45b

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Tại Bêtania, có nhà của chị em Ladarô cho Chúa nghỉ chân

Một trong những điều quí nhất trên đời là có nhà để ở, có chỗ nương thân, lui tới bất cứ khi nào, để nghỉ ngơi, hiểu biết nhau, an bình và yêu thương… đó là điều thật, gấp đôi đối với Chúa Giêsu vì Người không có nhà riêng, mà chỉ là ‘Người không có chỗ dựa đầu’ (Lc 9,58). Tại Bêtania, có nhà của chị em Ladarô đón Chúa, cho Chúa trọ. Ba người yêu mến Chúa; tại đó Chúa có thể tìm được nơi nghỉ trong những lúc căng thẳng. Quà lớn nhất có thể tặng nhau là cảm thông, an bình và thương yêu. Để có người mình có thể gặp bất cứ lúc nào, vì biết rằng họ sẽ không cười vì những giấc mơ của mình, không hiểu lầm những kín nhiệm của mình, là một điều tuyệt diệu nhất. Chúng ta có thể gầy dựng nhà mình như thế. Không tốn tiền của, không cần tiếp đãi vung vãi. Chỉ cần tấm lòng am hiểu.

Khi đến Bêtania, Chúa Giêsu biết dầu Ladarô bị bệnh gì, Người cũng có quyền cứu chữa, nhưng Chúa lại nói ‘Ladarô bị bệnh là dịp để bày tỏ vinh quang Thiên Chúa’. [1]

2.Có thể ngạc nhiên khi Gioan nói Chúa Giêsu chần chừ hai ngày sau khi được tin. Các nhà chú giải đưa ra nhiều lý do:

2.1.Để khi đến thì chắc chắn Ladarô đã chết.

2.2.Để phép lạ gây ấn tượng hơn. Chết đã bốn ngày mà sống lại được.

2.3.Lý do thực sự Gioan muốn nói là Chúa luôn luôn tự do hành động, chứ không bị lệ thuộc.

Khi làm cho nước hóa rượu, Chúa đã nói với mẹ ‘giờ của tôi chưa đến’ (Ga 2:4). Khi gia đình dám thôi thúc Chúa lên Giêrusalem, đầu tiên, Người không nghe, nhưng rồi Người lại lên (Ga 7,1-10). Gioan có ý cảnh cáo chúng ta, vì nhiều lần ta cũng muốn Chúa Giêsu hành động theo ý ta, theo đường lối của ta; không, hãy để Chúa hành động theo ý, theo lối của Người.

2.4.Sau cùng, khi loan báo sẽ đi Giuđêa, Chúa làm các môn đệ choáng váng. Vì họ nhớ, lần sau cùng ở Giuđêa, người Do Thái đã tìm cách giết Người. Với họ, đi Giuđêa bây giờ, chẳng khác gì đi tự tử. Thế rồi Chúa nói một sự thật trường cửu. [2]

3.Danh từ ‘ngủ’ thường có ý nghĩa sâu xa và quan trọng hơn

Trong Tin Mừng Thứ Tư, những cuộc truyện trò của Chúa Giêsu thường theo một khuôn mẫu. Đó là Chúa nói rất bình thường. Người bị hiểu lầm, Chúa giải thích rồi lại bị hiểu lầm. Cuộc đàm đạo với Nicôđêmô diễn ra như thế (Ga 3:3-8), phụ nữ bên giếng cũng vậy (Ga 4:10-15). Ở đây, Chúa nói ‘Ladarô đang yên giấc’. Với các môn đệ, đó là điều mừng vì không thuốc nào tốt bằng giấc ngủ. Nhưng danh từ ‘ngủ’ thường có ý nghĩa sâu xa và quan trọng hơn. Chúa nói con gái Giairô ‘nó ngủ đấy’ (Mt 9:24), sau cuộc tử đạo của Têphanô ta cũng nghe ông ta ‘an nghỉ’ (Cv 7:60). Phaolô nói về những người ‘an giấc trong Chúa Giêsu’ (1Tx 4:13; 1Cr 15:6). Nên sau cùng, Chúa phải nói rõ là Ladarô đã chết, và đó là để củng cố đức tin của họ. Luận cứ sau cùng của Kitô giáo là nhìn thấy những gì Chúa Giêsu có thể làm. Lời nói có thể thất bại, song việc làm của Thiên Chúa luôn luôn thuyết phục. Rõ ràng, Chúa Giêsu có quyền lực làm người nhút nhát thành người anh hùng, người nghi ngờ thành người xác tín, kẻ ích kỷ thành người phục vụ, làm người xấu thành người tốt… đây là trách nhiệm nặng nề của người Kitô hữu. Ý muốn của Thiên Chúa là mỗi người phải nên như bằng chứng sống động cho quyền năng của Người. Bổn phận giới thiệu Chúa Giêsu của chúng ta không phải bằng lời nói cho bằng chứng tỏ những gì Người đã làm trong cuộc sống của chúng ta. Sir John Reith nói ‘tôi không thích những khủng hoảng, nhưng thích những cơ may đem lại sự tiếp tế’. Ladarô chết là một khủng hoảng cho Chúa, nhưng Người vui mừng vì nó cho Người dịp tỏ ra cách Thiên Chúa hành động lạ lùng nhất. Với ta cũng vậy, mỗi cơn khủng hoảng phải là một cơ may. Lúc đó, môn đệ có thể không muốn theo Chúa nữa, vì tất cả cảm thấy đi Giêrusalem là đi đến cái chết. May thay, còn có một giọng khác, đó là lời của Tôma, ông nói ‘cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy’ (Ga 11:16). [3]

4.Để thấy cảnh tượng này, trước hết phải biết nhà người Do Thái khi có người chết

4.1.Tại đám tang

Theo thói quen, mỗi đám táng có một người đàn bà đi trước, lý do là vì đàn bà đã phạm tội trước và mang tới cái chết nên đàn bà phải dẫn trước. Tại huyệt, đôi khi có lời từ biệt. Ai cũng có thể phân ưu và trong khi từ giã, ra về, mọi người đứng hàng hai, để người chủ sự đi qua, những người than khóc đứng im lặng. Sau đó mọi người im lặng ra về.

4.2.Tại nhà hiếu

Tại nhà hiếu, bao lâu linh cữu còn đó, không được ăn thịt, uống rượu, không đeo những tua áo hay học hành. Không nấu nướng, và không ăn uống trước mặt linh cữu. Vừa khi linh cữu ra khỏi nhà, các bàn ghế được dựng ngược, người nhà chỉ ngồi trên đất hay trên những đồ dùng thấp. Khi từ nghĩa địa về, đồ ăn mới được bạn bè mang tới, là bánh, trứng luộc, rau cải; trứng bắc với rau hẹ biểu tượng cho cuộc đời luôn lăn đến cái chết. Thương khóc kéo dài suốt tuần, ba ngày đầu là khóc lớn. Cả tuần đó không được xức thuốc thơm, đi giầy, học hành hay buôn bán, cả đến giặt dũ. Sau đó 30 ngày thương khóc nhẹ hơn. Vì thế, khi Chúa Giêsu đến, thấy đông đảo mọi người, Chúa biết những gì thường xẩy ra trong nhà tang của người Do Thái. Chia buồn cùng gia quyến cũng như bà con là một bổn phận thánh. Sách Talmud nói ai thăm người bệnh sẽ giải thoát hồn mình khỏi Gehenna.Và Maimonides, một học giả lớn, người Do Thái thời Trung Cổ tuyên bố thăm người bệnh đứng đầu mọi việc tốt. [4]

4.3. Tại huyệt mộ của người Palestin

Đây là màn sau cùng. Lần nữa, ta lại thấy Chúa Giêsu thổn thức. Đối với người Hy Lạp, lời ‘Đức Giêsu khóc’ là điều lạ lùng nhất trong các câu truyện lạ lùng. Con Thiên Chúa khóc là điều không tin được. Nên biết về huyệt mộ của người Palestin. Đó là một hang thiên nhiên hay nhân tạo trong đá. Có lối vào, trong đó, trước hết có đòn chắn ngang, sau đó là khoảng trống thường dài năm feet, rộng chín feet, cao mười feet. Thường có tám ngăn trên hai bên tường đá, ba bên phải, ba bên trái và hai phía trông ra ngoài. Trên những ngăn đó là nơi đặt xác. Xác được bọc trong vải, tay chân quấn băng, đầu bọc khăn riêng. Mộ không có cửa, nhưng đàng trước có đường rãnh tròn với viên đá lớn chắn lối vào. Chúa bảo xoay hòn đá ra. Có lẽ Mácta chỉ nghĩ đến làm sao mở cửa mồ, để Người nhìn Ladarô, bạn mình, lần chót. Mácta không thấy hy vọng yên ủi nào, nên bà mới nói ‘đã bốn ngày rồi, Thầy’. Do Thái vẫn tin rằng thần người chết còn lảng vảng quanh mộ bốn ngày, tìm cách vào lại xác; sau bốn ngày thì mới hết hy vọng vì mặt người chết tan rữa không thể nhận diện được. Lúc ấy Chúa mới ra lệnh đến cả sự chết cũng không thể cưỡng lại. ‘Vừa nghe tiếng Người, kẻ chết liền chỗi dậy’. Và Ladarô sống lại, đi ra! Kỳ lạ chưa, một con người với khăn liệm từ trong mộ đi ra. Chúa Giêsu bảo cởi khăn liệm cho Ladarô.[5]

5.Khi Macta trả lời Chúa, bà đã là chứng nhân cho niềm tin cao nhất của dân tộc bà

5.1.Chúa cảm thông sâu đặm nỗi sầu buồn của con người đến nỗi trái tim Người run lên như hấp hối

Macta báo tin cho Maria cách thầm kín, không để khách thăm nghe biết. Nói nhỏ vì Macta muốn cho em, hay cả hai có lúc một mình với Chúa, trước khi dân chúng biết, làm ngăn trở những giây phút riêng tư. Nhưng khi thấy Maria chỗi dậy chạy đi, lũ đông cũng chạy theo, tưởng Maria ra thăm mộ Ladarô. Người Do Thái có thói quen, nhất là các bà, thăm mộ người chết trong tuần thứ nhất sau khi an táng. Maria cũng chào Chúa như Macta. Nếu Chúa đến lúc được tin, chắc Ladarô còn sống. Đến nơi, Chúa thấy Maria cùng lũ đông than khóc, không phải khóc tự nhiên mà kêu la một cách thảm thiết, vì họ cho rằng càng kêu khóc, càng tỏ lòng ngưỡng mộ người chết… tới đây chúng ta có vấn đề về dịch thuật. Danh từ mà bản Chính thức và bản Xét lại dùng là động lòng do động từ embrimasthai. Danh từ này được dùng ba lần khác trong Tân Ước. ‘Nghiêm giọng bảo họ’ (Mt 9:30) khi Chúa nghiêm cấm những người mù không được quảng bá việc Người chữa họ khỏi mù. Trong Maccô khi Chúa Giêsu nghiêm cấm người hủi không được công bố Người đã chữa anh (Mc 1:43). Khi những người bàng quang trách móc người đàn bà xức thuốc thơm cho Chúa với dầu đắt giá vì họ cho là tốn phí vô ích (Mc 14:5). Trong mỗi dịp, danh từ đều có giọng cứng cỏi như giận dữ. Có nghĩa là quở, là ra lệnh. Có người nghĩ thế nên dịch ‘Chúa Giêsu động lòng giận dữ.

Tại sao Chúa giận? Có thể là vì những tiếng khóc của bà con tại Bêtania chỉ là tiếng khóc giả hình, kịch bản. Có thể những khách thăm viếng khóc giả, dầu không có dấu nào cho thấy sự đau buồn của họ là giả tạo. Nhưng chắc không đúng với Maria, và bảo embrimasthai ngậm ý giận dữ thì khó lòng. Moffatt dịch ‘Chúa Giêsu xúc động trong lòng’ nhưng xúc động trong lòng thì ý nghĩa còn yếu. Bản Xét Lại dịch ‘Chúa Giêsu thổn thức trong lòng’, nhưng thổn thức trong lòng lại không được tượng hình. Rieu dịch ‘Chúa thổn thức đến rùng mình’. Lời dịch này gần ý nghĩa thực hơn. Trong tiếng Hy Lạp cổ điển, động từ embrimasthai dùng để chỉ con ngựa hịt mũi. Như thế phải dịch là Chúa Giêsu thổn thức đến nỗi bất thần than lên. Đây là một trong những điều quí nhất trong Tin Mừng. Chúa cảm thông sâu đặm nỗi sầu buồn của con người đến nỗi trái tim Người run lên như hấp hối. ‘Trong mỗi nhát đánh xé lòng, Con Người Sầu Muộn đều dự phần tham gia’. Hơn nữa đối với bất cứ người Hy Lạp nào khi đọc đoạn này, và Tin Mừng Gioan viết cho họ, thì ai cũng bỡ ngỡ không tin nổi. Toàn thể Tin Mừng của Gioan là để chứng minh rằng nơi Đức Giêsu, chúng ta thấy tâm trí của Thiên Chúa. [6]

5.2.Khi Macta trả lời Chúa, bà đã là chứng nhân cho niềm tin cao nhất của dân tộc bà

Trong suốt cả thời gian khổ dịch con vẫn cứ đợi chờ, cho tới khi Ngài nâng con dậy’ (G 14:7-14). Nơi Gióp ta có hạt mầm thực sự của niềm tin Do Thái vào đời sống bất tử. Lịch sử Do Thái là lịch sử của tai họa, tôi đòi, thất bại. Tuy vậy, họ vẫn tin họ là dân riêng Thiên Chúa. Nhưng trái đất này không bao giờ tỏ ra như thế và cũng sẽ không bao giờ tỏ ra như thế. Nên họ mong đợi một thế giới mới hầu sửa lại những bất công trong thế giới cũ. Nên họ trông mong xem chương trình của Thiên Chúa khi nào được thực thi đầy đủ, công bằng được hoàn toàn trọn vẹn, tình yêu của Người được thỏa tình viên mãn, cần phải có thế giới và cuộc sống mới. Như McFadyen trưng lời Galloway ‘những bí ẩn của cuộc đời ít nhất sẽ bớt rắc rối, nếu ta cho rằng đó chưa phải là màn thảm kịch sau cùng của loài người’. Quả thật, chính cảm giác đó dẫn người Do Thái thâm tín rằng sẽ có cuộc sống khác. Thật sự thời Chúa, người Xađốc còn tin không có đời sau, nhưng người Biệt Phái và đa số đều tin. Họ cho rằng vào lúc chết, hai thế giới, đời này và đời sau sẽ gặp nhau và ôm nhau. Họ nói những người đã chết sẽ nhìn thấy Thiên Chúa, nên không gọi họ là những người đã chết mà là những người còn sống. Khi Macta trả lời Chúa, bà đã là chứng nhân cho niềm tin cao nhất của dân tộc bà. Khi Macta tuyên bố niềm tin chính thống của người Do Thái vào đời sau, lập tức Chúa Giêsu cho niềm tin ấy một ý nghĩa mới ‘Ta là sự Sống lại và là sự sống… ai tin vào Ta thì dầu có chết cũng sẽ sống’. Chúa có ý nói gì? Cho dầu có nghĩ cả đời cũng không nói hết được ý nghĩa của lời Chúa. Ta hãy cố gắng hiểu chừng nào hay chừng ấy. Điều rõ ràng là, Chúa Giêsu không nói về ý nghĩa thể lý, vì theo thể lý, tin vào Người sẽ không chết, là sai.[7]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Bêtania ở phía đông núi Ôliu, cách Giêrusalem 3 cây số. Đây là nhà của ba chị em Matta, Maria và Lazarô. Với Chúa Giêsu, Bêtania trở thành một nơi rất quen thuộc. Chúa nhiều lần đã qua lại nơi đây sau những ngày rao giảng mệt nhọc, nhất là  sau khi cảm nếm  sự cứng lòng  của những người lãnh đạo Do Thái, khiến Người có cảm giác như bị thất bại  và ruồng bỏ. Tình bạn giữa Chúa Giêu và những thành viên trong gia đình Bêtania thật là thắm thiết, đến nỗi khi Lazarô đau nặng, hai chị em đã cho người báo tin cho Chúa: “thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng” (Ga 11,3).

Lazarô đã chết, thế là Chúa Giêsu lên đường trở về Giuđêa, mặc dầu trước đó không lâu suýt nữa Chúa Giêsu đã bị ném đá. Điều đó cho thấy Chúa Giêsu đã thương mến ba chị em như thế nào.

Rồi qua diễn tiến câu chuyện chúng ta càng thấy rõ tâm tình của Chúa Giêsu dành cho gia đình này.

Chúng ta nghe tiếp câu chuyện: khi nghe tin Chúa Giêsu đến với gia đình, Matta đã đi đón Người :”Thưa Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết”. Sau đó bà về gọi Maria, em gái bà và nói với em rằng: “Thầy ở ngòai kia, Thầy gọi em”. Maria đến gặp Chúa và cũng lặp lại lời của Matta: “thưa Thầy, nếu Thầy ở đây thì em con không chết”.

 “Em con sẽ sống lại” Đức Giêsu trả lời, bằng cách nhắc lại cho bà niềm tin của người Do Thái vào sự sống lại ngày sau hết.

Matta không ngần ngại phụ hoạ vào niềm tin Israel ấy: “con biết ngày tận thế em con sẽ sống lại”.

Chúa Giêsu long trọng tuyên bố: “Ta là Sự Sống lại và là sự sống, ai tin Ta, dù có chết, cũng sẽ sống và bất cứ ai sống mà tin Ta, sẽ không chết đời đời. Con có tin không”.

Matta trả lời: vâng thưa Thầy, con tin Thầy là Đấng Messia, là Con Thiên Chúa đến trong trần gian”.

Và một phép lạ xảy ra: Lazarô đã sống lại.

Sự sống lại của Lazarô muốn nói với chúng ta điều gì?

Dĩ nhiên sự sống lại của Lazarô nói lên quyền năng của Chúa Giêsu, nhưng đồng thời cũng hé mở cho chúng ta về cuộc sống mai hậu.

Trong chúng ta chưa ai có kinh nghiệm  về sự sống lại, nhưng mấy năm gần đây, một số bác sĩ người Đức và  Mỹ đã rất chú ý  đến hiện tượng mà họ gọi là “kinh nghiệm cận tử” (near death experience): nhiều người vì một tai nạn hay vì một lý do gì đó làm họ ngất đi trong một thời gian khá lâu. Về mặt thể lý, coi như họ đã chết, nhưng sau đó họ sống lại.

Các bác sĩ đã phỏng vấn 1.370 trường hợp. Trong những điều họ thuật lại, có những điểm chung sau đây:

            – Họ không còn sợ chết nữa.

            – Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống  ở đời này.

            –  Họ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa.

            Điều duy nhất  mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người.[8]           

Kinh nghiệm của những người cận tử là họ không còn sợ chết nữa, nhưng ai trong chúng ta vẫn sợ hãi khi cái chết đến với chúng ta.

Một câu chuyện kể rằng: có người kia rất giầu sang phú qúi. Một hôm, ông tìm đến hang đá của vị ẩn tu nổi tiếng là thánh thiện và được đặc ân có đường dây liên hệ trực tiếp với Chúa.

Người phú hộ xin vị ẩn tu cầu nguyện cho mình và hỏi Chúa xem sau khi chết ông có được vào  thiên đàng hay không.

Lời thỉnh xin của người phú hộ xem ra hơi khác thường, nhưng vì người ấy cứ nài nỉ, nên vị ẩn tu chấp nhận sẽ cầu nguyện với Chúa cho ông, với điều kiện là cho thêm ít hôm để cầu nguyện với Chúa. 

Một tuần lễ sau, nhà phú hộ trở lại với vị ẩn tu  để được nghe lời Chúa muốn nói với ông. Vị ẩn tu nói :

 – Tôi đã được Chúa cho biết điều ông mong ước cầu xin, nhưng có một tin vui và một tin buồn, vậy ông muốn nghe điều nào trước ? Tin vui hay tin buồn ?

Nhà phú hộ phân vân suy nghĩ một lúc. Sau đó chọn xin cho biết tin vui trước.

Vị ẩn tu đáp :

 – Tin vui là ông sẽ được rỗi linh hồn và sẽ được lên thiên đàng.

Nghe vậy, nhà phú hộ vui mừng thích chí lắm và tự nhủ:”ngoài tin vui mừng lớn lao này, trên đời này còn gì phải là tin buồn nữa”.  

Như bị tính tò mò thôi thúc, nhà phú hộ hỏi thêm cho biết :

 – Tin buồn là gì ? 

Vị ẩn tu đáp: 

– Có lẽ tin buồn mà ông không muốn nghe nói tới, đó là ông sẽ phải chết ngay hôm nay.[9] 

Bình thường thì ai cũng sợ chết, nhưng với kinh nghiệm của những người cận tử đã cho chúng ta thấy:

            – Họ không còn sợ chết nữa.

            – Cuộc sống ở “cõi bên kia” hạnh phúc hơn cuộc sống  ở đời này.

            –  Họ không còn ham muốn kiếm tiền bạc, danh vọng và lạc thú nữa.

            Điều duy nhất  mà họ quan tâm là sống yêu thương, quảng đại, phục vụ mọi người Những điều nghiên cứu trên đây thật là một điều quí giá cho chúng ta. Nếu ai trên trần thế này cũng sống  như kinh nghiệm của những người “cận tử” thì chúng ta thấy quả  là thiên đàng đã xuất hiện ngay trên trần gian này rồi.  

LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.204-205

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.206

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.208

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.210

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.218

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.216-217

[7][7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.213-214

[8] Willie Hoffsuemmer     

[9] R. Veritas, Ánh sáng thế gian,  trg. 151

Xem thêm

lc202740

Suy niệm Tin Mừng Thứ Bảy Tuần XXXIII Thường Niên, Năm Chẵn, của Lm Minh Anh

  LÀM CHO PHONG PHÚ “Người không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng …