Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 4A MC

Chúa Giêsu chữa người mù từ lúc mới sinh

(Ga 9,1-41)Ga 9,1-41c

 

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

Chữa người mù từ khi mới sinh (Ga 9,1-41) Giêrusalem, tháng 10 năm 29.

1.Đây là một trong hai phép lạ Chúa dùng nước miếng, lần khác Chúa dùng cho người câm điếc (Mc 7:33)

Người xưa tin nước miếng có sức chữa bệnh, nhất là nước miếng của người vị vọng. Tacitus kể khi Vespasian thăm Alexandria, hai bệnh nhân, một vì mắt, một vì tay, đến nói với ông rằng các thần cho biết họ phải đến với ông. Người bệnh mắt muốn Vespasian xức mắt tôi; người bệnh tay muốn gót giầy ông đạp lên tay mình. Vespasian không muốn, nhưng sau cùng nghe lời, và lạ thay, hai người được khỏi liền (Tacitus, Histories 4:81). Pliny, người thu thập những tin tức khoa học, viết nhiều chương về nước miếng, chữa nọc độc, phong, ngộ độc, ghẻ lở, mắt… nước miếng được coi rất hữu hiệu xua đuổi những ác độc đối với mắt. Nước miếng rất thông dụng vào thời xưa. Ngày nay, nếu bị cắt ở ngón tay, tự động ta thường đưa tay lên miệng hút máu; và nhiều người tin rằng những mụn cóc có thể chữa sạch nếu liếm với nước miếng nhiều lần. Chúa Giêsu cũng dùng những phương pháp và thói quen đương thời. Chúa là thầy thuốc khôn ngoan, gây tin tưởng nơi bệnh nhân. Không phải Chúa tin vào những cách đó, mà chỉ để khơi dậy niềm tin của bệnh nhân, giúp bệnh nhân trông cậy vào thầy thuốc.[1]

2.Chúa Giêsu bị tố cáo lỗi luật ngày Sabat

2.1.Trộn chút bùn là làm việc, có tội

‘Người ta không được đổ đầy dầu vào đĩa rồi đặt gần cây đèn và đặt cái bấc trong đó’. ‘Nếu tắt đèn trong ngày Sabát để tiết kiệm, là lỗi luật’. ‘Không thể ra ngoài ngày Sabát với giầy dép có đinh’ (Sức nặng của đinh làm nên gánh nặng, mà mang nặng ngày Sabát là lỗi luật). Không được cắt móng tay, rứt tóc hay nhổ râu. Tất nhiên trộn bùn rồi sức mắt là lỗi luật ngày Sabat.

2.2.Không được chữa bệnh ngày Sabat

Ngày thứ bảy chỉ có thể chạy chữa khi tính mệnh lâm nguy. Dầu như vậy, công việc cũng chỉ để giữ cho bệnh khỏi tệ hơn. Như khi bị đau răng, không được mút dấm. Cấm không được chữa tay chân bị gẫy. ‘Nếu chân tay bị gẫy, không được đổ nước lạnh vào’. Rõ ràng anh mù không nguy hiểm sự sống. Chúa chữa, tức là Chúa đã phạm luật.

2.3.Chắc chắn có luật rằng “không được nhổ bọt, nhổ bọt rồi lại sức mắt là lỗi luật”

Người Biệt Phái là loại người tiêu biểu trong mọi thời đại; họ lên án những ai không có ý tưởng về đạo như họ. Họ bảo cách họ thờ phượng Thiên Chúa là duy nhất. Nhưng cũng có người trong nhóm họ cho rằng không ai làm được những gì Chúa Giêsu đã làm mà lại là người tội tỗi. Họ đem anh mù đến và hỏi anh, anh đáp tự nhiên ‘ông ấy là một tiên tri’. Tiên tri thường được chứng bằng làm phép lạ, Môsê làm những lạ lùng với Pharao (Xh 4,1-17); Êlia với Baan (1V 18). Anh mù thật can đảm. Anh biết rõ người Biệt Phái nghĩ về Chúa ra sao; biết rõ nếu về phe với Chúa, anh sẽ bị loại trừ, vậy mà anh không sợ, thật là một gương vĩ đại…[2]

3.Ba thái độ của các nhân vật trong câu truyện

3.1.Người mù

Anh sốt ruột vì người Biệt Phái cứ hỏi đi hỏi lại. ‘Các ông muốn nói về người ấy thế nào, phần tôi, tôi không biết gì khác, ngoài việc ông ấy đã làm cho tôi được xem thấy’. Người ta có thể không biết nói theo thần học về Chúa, nhưng có thể làm chứng những gì Chúa làm cho mình… cả khi không hiểu bằng đầu óc, người ta vẫn có thể cảm bằng trái tim. Yêu mến Chúa Giêsu thì tốt hơn yêu thích những lý thuyết về Người.[3]

3.2.Cha mẹ người mù

Không cộng tác, nhưng đồng thời lại sợ. Sợ bị vạ tuyệt thông (Er 10:8), bị xóa tên (Lc 6:22), bị cấm vào Hội Đường (Ga 16:2; Ga 12:42), suốt đời hoặc tạm thời. Suốt đời không được tham dự Hội Đường, bị người ta nguyền rủa, lại còn bị loại trừ khỏi Thiên Chúa cũng như nhân loại. Cấm tạm thời có thể kéo dài hằng tháng hay hơn nữa. Hoàn cảnh này người Do Thái coi như bị tuyệt thông khỏi Hội Đường mà cả với Thiên Chúa. Vì thế cha mẹ anh mù đáp ‘con chúng tôi đã lớn tuổi để có thể trả lời và làm chứng những gì nó biết’.[4]

3.3.Biệt Phái

Đầu tiên họ không tin anh là người mù, cho phép lạ là giả mạo giữa Chúa Giêsu và anh mù. Họ còn biết rõ là luật cũng nhận biết tiên tri giả có thể làm những sự lạ vì mục đích của mình. (Đệ Nhị Luật 13:1-5) cảnh cáo những tiên tri giả, làm những dấu lạ giả để dẫn đưa dân đi lạc). Vì thế đầu tiên, người Biệt Phái nghi ngờ. Họ tiếp tục đe dọa anh mù. ‘Hãy tôn vinh Thiên Chúa, chúng tôi biết người này là kẻ tội lỗi’.

‘Hãy tôn vinh Thiên Chúa’ là câu dùng để điều tra, có nghĩa ‘hãy nói sự thật trước mặt Chúa, nhân danh Thiên Chúa’. Khi Giôsua thử Achan về tội đã đem lại tai họa cho Ítraen, ông nói ‘hãy tôn vinh Thiên Chúa Ítraen và ca tụng Người; và hãy cho tôi biết ngươi đã làm gì; đừng giấu diếm’ (Gs 7:19). Họ bối rối vì không hiểu lời nói của anh mù dựa trong Kinh Thánh, đó là ‘Chính Chúa Giêsu đã làm việc lạ lùng. Người đã làm những việc lạ lùng có nghĩa là Thiên Chúa nghe lời Người. Thiên Chúa không hề nghe lời kẻ xấu, nên Chúa Giêsu không phải là kẻ xấu’. Thiên Chúa không hề nghe lời kẻ xấu là tư tưởng nền tảng trong Cựu Ước. Khi Gióp nói về điều giả hình, ông nói ‘Thiên Chúa sẽ nghe lời họ cầu khi họ gặp vấn đề’ (G 27:9). Thánh Vịnh nói ‘điều gian ác nếu lòng này ấp ủ, chắc hẳn là Chúa chẳng nghe đâu’ (Tv 66:18). Isaia nghe thấy Thiên Chúa phán với kẻ tội lỗi ‘khi các ngươi giang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, các ngươi có đọc kinh cho nhiều, cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu’ (Is:15). Êdêkien nói về dân bất tuân phục ‘phần Ta, Ta sẽ ra tay trong cơn phẫn nộ, sẽ không để mắt đoái hoài, cũng chẳng xót thương. Chúng có kêu lớn tiếng vào tai Ta, Ta cũng chẳng nghe chúng’ (Ed 8:18). Ngược lại, họ tin là lời cầu xin của người tốt luôn luôn được nghe. ‘Nhưng để mắt nhìn người chính trực và lắng tai nghe tiếng họ kêu’ (Tv 34:15); ‘Kẻ kính sợ Người, Người cho toại nguyện, nghe tiếng họ kêu than, và ban ơn giải cứu’ (Tv 145:19, xem thêm Cn 15:29). Anh mù đưa ra một luận cứ người Biệt Phái không thể chối. Không thể khai thác gì hơn nơi anh mù, họ thóa mạ, nguyền rủa, rồi đe dọa… rồi đuổi anh đi. [5]

4.Tiến trình niềm tin của anh mù

4.1.Đầu tiên, anh gọi Chúa là ‘người’

‘Người gọi là Giêsu đã mở mắt cho tôi’ (câu 11). Anh bắt đầu nghĩ Chúa Giêsu như một người tuyệt vời. Anh nói chưa bao giờ anh đã gặp một người làm những việc như Chúa Giêsu đã làm, và anh bắt đầu nghĩ Chúa Giêsu là một người tối cao giữa loài người… đôi khi ta cũng nghĩ Chúa Giêsu như thế. Trong bất cứ phòng triển lãm những anh hùng thế giới nào, Người phải có một chỗ đứng. Trong bất cứ thi tập hay nhất nào, Người phải được nói đến. Trong bất cứ hợp tuyển những cuộc đời danh nhân nào, Người phải được ghi nhận. Trong bất cứ hợp tuyển văn chương lớn lao nào, thì những dụ ngôn của Người phải được ghi nhận. Shakespeare, đã nói về Brutus qua miệng Mark Antony: cuộc đời của ông thật là đẹp hiền, tất cả điều hòa đến nỗi thiên nhiên phải ghen, tuyên bố khắp nơi rằng ‘đây đúng là một người’. Bất kể gì khác, Chúa Giêsu phải là một người trong nhân loại. [6]

4.2.Rồi anh mù gọi Chúa Giêsu là một ‘tiên tri’

Được hỏi ý anh về việc Chúa Giêsu chữa anh, anh đáp ‘Ông ta là một tiên tri’. Tiên tri là vị chuyển thông điệp của Thiên Chúa cho con người “Vì Đức Chúa là Chúa Thượng không làm điều gì mà không tỏ kế hoạch của Người cho các ngôn sứ. Tôi tớ của Người được biết” (Am 3:7). Tiên tri là người sống gần gũi Thiên Chúa và thấu hiểu những kín nhiệm của Thiên Chúa. Khi đọc những lời khôn ngoan của Chúa Giêsu, ta buộc phải nói ‘đây đúng là một tiên tri’. Bất cứ gì khác, một điều chắc chắn là nếu theo giáo lý của Chúa, thì mọi vấn đề cá nhân, xã hội, quốc gia, thế giới đều được giải quyết. [7]

4.3.Sau cùng, anh mù gọi Chúa Giêsu là ‘Con Thiên Chúa’

Đến lúc anh thấy không danh xưng nhân loại nào xứng hợp cho Chúa Giêsu. Có lần Napoleon đang ở với đám người tài giỏi thuộc phái nghi nan, thảo luận về Chúa Giêsu. Họ đều đồng ý cho Chúa là người rất lớn và chỉ có thế. Napoleon liền lên tiếng ‘thưa các bạn, tôi biết người ta, nhưng Chúa Giêsu còn hơn là một con người’. “Nếu Chúa Giêsu là một người và chỉ là một con người – Tôi cũng chỉ luôn luôn theo Người. Nếu Chúa Giêsu là Thiên Chúa – và chỉ là Thiên Chúa – tôi thề sẽ theo Người lên tận trời, xuống hỏa ngục, trên trời, dưới đất, ngoài biển khơi!”. Điều tuyệt vời về Chúa Giêsu là càng biết Người, ta càng nên lớn lao hơn. Với người đời thì càng biết ai, ta càng biết những yếu đuối, thiếu xót của họ. Nhưng càng biết Chúa Giêsu, ta càng nên tuyệt hảo hơn, và điều này không chỉ đúng cho đời này mà cho cả đời sau.[8]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Tối ngày 02/01/1987, ông bà Richard Evensen bị xe hơi cán chết khi họ băng qua đại lộ Georgia, tiểu bang Maryland. Cả hai ông bà đều bị mù. Ông Evensen bị mù từ nhỏ, nhưng sau nhiều năm cố gắng học hỏi, ông đã trở thành một chuyên gia quốc tế về hệ thống chữ Braille là chữ nổi dành cho người mù. Ông là người phụ trách về chương trình phát triển chữ Braille của thư viện quốc hội ở Washington. Công việc của họ là chuyên dịch các lọai sách Anh Ngữ ra tiếng Braille cho các độc giả người mù. Còn bà Evensen thường xuyên tổ chức các lớp học cho những người khiếm thị ở tiểu bang Maryland.

Nhưng vào buổi tối ngày 02/01/1987, hai ông bà vừa từ bến xe điện ngầm đi lên và đang bước đi theo con chó hướng dẫn để băng qua đại lộ thì bị xe đụng. Theo cảnh sát cho biết thì chỗ họ băng qua không có đèn đỏ, cũng không có vạch sơn trắng dành riêng cho người đi bộ.

Một cách nào đó, hai ông bà đã thóat được cảnh tối tăm của kiến thức, nhưng vẫn chưa thóat khỏi cảnh mù lòa thể lý. Chính vì vậy hai ông bà đã bị xe cán chính vì sự mù lòa của mình.

Anh chị em thân mến,

người mù trong bài Tin Mừng hôm nay thật may mắn. Anh đã thóat khỏi sự mù lòa thể lý mà hơn nữa, anh còn được sáng mắt về mặt tâm linh nữa.

Người mù từ lúc mới sinh trong Tin Mừng hôm nay quả là một tấm gương sáng cho chúng ta. Được chữa lành đôi mắt thể xác là một hồng ân cao cả, nhưng còn tuyệt vời hơn nữa, chính Đức Giêsu đã khai mở đôi mắt đức tin cho anh, để anh nhận ra Người là một ngôn sứ, là người bởi Thiên Chúa mà đến.

Nhưng đâu phải một sớm một chiều mà anh có được một đức tin như thế. Sau khi được sáng đôi mắt thể xác, anh đã phải mò mẫm đi trong đêm tối của đức tin. Anh đã phải vượt qua một chặng đường dài đầy cam go thử thách của tôn giáo, của lề luật, của những người Pharisêu. Cuộc hành trình đức tin của anh như bị khựng lại bởi những lời hạch sách, ngăn đe, dọa nạt của giới lãnh đạo Do Thái.

Cuối cùng anh cũng đã vượt qua được cuộc hành trình đầy cam go để đến với một đức tin ngời sáng như đôi mắt anh vừa được chữa lành. Trong khi người ta phủ nhận Đức Giêsu là người của Thiên Chúa, thậm chí còn kết án Người chữa bệnh vào ngày Sabat, thì chính anh, người mù từ lúc mới sinh, lại can đảm bênh vực Đức Giêsu và mạnh dạn tuyên xưng niềm tin của mình: “Thiên Chúa không nhận lời những kẻ tội lỗi, còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Ngài, thì Ngài nhận lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không là người bởi Thiên Chúa, thì ông ta đã chẳng làm được điều đó” (Ga 9,31-33).

Lý luận của anh mù đã làm xôn xao giới lãnh đạo Do Thái, vì nếu Đức Giêsu là người tội lỗi như họ kết án thì làm sao có thể mở mắt cho người mù được ?

Hóa ra, người mù thì lại sáng mà người tưởng mình sáng lại hóa mù.

Họ mù vì họ cho rằng những gì đi ngược với truyền thống đều là sai lạc.

Họ mù vì tự cao tự đại, luôn cho mình là thông thái, đạo đức thánh thiện, nên không nhận ra những sai sót của mình.

Họ mù vì lòng chai dạ đá, không cảm thông được những nỗi bất hạnh của kẻ mù lòa, cũng chẳng chia sẻ được niềm vui của kẻ đựơc sáng mắt.

Và nhất là họ mù vì đã không nhận ra người đã làm cho anh mù được sáng mắt là chính Đức Giêsu.

Lạy Chúa, chỉ có những ai khiêm tốn nhận mình mù lòa, mới được Chúa cho sáng mắt, còn những ai cho mình sáng mắt sẽ mãi mãi sống trong bóng tối tự mãn của mình và sẽ không được cứu độ. Amen.

 LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

 

 

 

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.98

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.100

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.101-102

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.102

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.102-103

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.104

[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.104-105

[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập hai, trg.105

Xem thêm

JOHN THE BAPTIST1

Suy niệm Tin Mừng Thứ Hai ngày 23/12 Mùa Vọng, của Lm Minh Anh

NÊN SỨ GIẢ “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt …