Home / Suy Niệm Lời Chúa / SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY, NĂM A, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CN 3A MC

Thiếu Phụ Samari

(Ga 4,5-42)Ga 4, 5 - 42a

I.TÀI LIỆU GỢI Ý

1.Cuộc đối thoại cũng giống y như khi Chúa đối thoại với Nicođêmô (Ga 4,10-15)

Đầu tiên là lời Chúa nói; lời Chúa bị hiểu lầm; Chúa nhắc lại cách sống động hơn, nhưng vẫn bị hiểu lầm; sau đó Chúa mới ép người nghe phải tự tìm hiểu. Đây là lối Chúa quen dùng và cũng là lối hiệu quả nhất, như có người nói ‘có những sự thật người ta không thể chấp nhận, mà phải tự mình khám phá ra’. Cũng như Nicôđêmô, người phụ nữ hiểu lời Chúa theo nghĩa đen trong khi Chúa nói theo nghĩa thiêng liêng, đó là nước hằng sống. Thông thường, người Do Thái hiểu nước hằng sống là nước chẩy, trái với nước tù. Giếng Giacóp không phải là giếng nước suối mà là giếng chứa nước từ lòng đất. Đối với người Do Thái, nước chẩy từ giòng suối vẫn hơn là nước tù, vì thế người phụ nữ mới hỏi ‘lấy từ đâu?’ và nói tiếp, liên quan đến Giacóp, gọi Giacóp là cha. Đương nhiên, người Do Thái không bao giờ cho Giacóp là cha của người Samari. Còn người Samari vẫn cho mình là dòng dõi Giacóp, do ngành Ephraim và Manasseh…

Thực tế, người phụ nữ nói với Chúa ‘ông nói phạm thượng, Giacóp tổ phụ vĩ đại khi đến đây, đã đào giếng này lấy nước cho gia đình và thú vật của ông. Sao ông lại bảo ông có thể lấy nước từ suối? Ông đòi được khôn hơn, quyền phép hơn Giacóp? Không ai dám nói như vậy’. Khi đi đường, người ta thường đem theo cái gầu bằng da thú để múc nước. Chắc các môn đệ cũng mang gầu, nhưng các ông đang vào làng…

Người phụ nữ đã thấy Chúa Giêsu không có gầu, nên nói với Chúa ‘ông không cần nói múc nước cho tôi. Tôi thấy ông không có gầu’. H.B.Tristram, đầu cuốn sách Eastern Customs in Bible Lands của ông, kể lại kinh nghiệm cá nhân: ông đang ngồi cạnh bờ giếng tại Palestin gần nhà trọ tượng trưng truyện người Samari nhân lành. Ông thấy ‘một người đàn bà Ả Rập từ trên đồi đi xuống múc nước. Bà cởi mở thúng da chiên, lấy cuộn giây, rồi buộc vào cái gầu da rất nhỏ, múc nước đổ đầy bình, vác trên vai, tay cầm gầu, lên đồi về nhà. Cảnh tượng làm tôi nhớ đến người phụ nữ bên giếng Giacóp…’. [1]

2.Người Do Thái còn hiểu ‘nước’ cách khác

Họ nói đến ‘khát’ linh hồn cho Thiên Chúa và giải khát bằng nước hằng sống. Chúa Giêsu không dùng ngôn từ hay bị hiểu lầm, Người chỉ dùng ngôn ngữ bất cứ ai có cái nhìn thiêng liêng sẽ hiểu. Sách Khải Huyền có nói đến lời hứa về nước này (Kh 21,6; 7,17; Is 12,3; 44,3; 55,1; Tv 42,1; Gr 2,13; Ed 47,1-12; Dcr 13,1; 14,8). Đôi khi Pháp Sư đồng hóa nước hằng sống với sự khôn ngoan về Luật, đôi khi với Thần Khí. Ngôn ngữ tôn giáo tượng hình của người Do Thái đầy ý tưởng về sự đói khát các linh hồn. Sự đói khát này chỉ được giãn khát bằng nước hằng sống là quà của Thiên Chúa. Nhưng người phụ nữ ở đây đã chọn hiểu nghĩa đen mộc mạc. Cô mù vì cô không thể xem thấy. Chúa Giêsu nói tiếp bằng lời nói lạ lùng hơn, đó là ‘còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa’. Người phụ nữ lại cũng hiểu nghĩa đen, vì đó là lời tuyên bố thuộc Đấng Thiên Sai. Trong tiên báo thời kỳ sẽ đến, thời kỳ của Thiên Chúa, lời hứa là ‘họ sẽ không còn đói khát nữa’ (Is 49,10). Đó là ở với Thiên Chúa chứ không có nước hằng sống gì hết ‘với Ngài là suối sự sống’ (Tv 36,9). Đó là chính từ ngai Thiên Chúa mà ‘sông sự sống chảy ra’ (Kh 22,1). Chính Chúa là suối nước hằng sống (Gr 17,13). Chính trong thời Đấng Mêsia mà đất khô cằn trở nên ao hồ và suối nước’ (Is 35,7). Nói mình ban nước không bao giờ khát, Chúa Giêsu đã tuyên bố mình là Đấng Xức Dầu của Thiên Chúa, Đấng mang đến thời đại mới. Người phụ nữ vẫn chưa hiểu. Thiết nghĩ lần này nàng nói với giọng điệu chế diễu, coi Chúa như người khùng. Nàng nói ‘hãy cho tôi nước đó để tôi khỏi đến đây múc nước’. Nàng cười nhạo cả những gì thuộc về đời đời. Từ tận đáy những sự việc trên nói lên một sự thật nền tảng là lòng con người luôn luôn khao khát một điều mà chỉ Chúa Giêsu mới có thể thỏa mãn.

Như đã biết người phụ nữ, giễu cợt, xin Chúa Giêsu cho nước không hề khát. Lập tức Chúa Giêsu làm cô tỉnh ngộ. Thời gian đối đáp đã hết, thời gian giễu cợt đã hết. ‘Hãy về gọi chồng và cùng hắn ra đây’, Chúa Giêsu nói. Người phụ nữ nín thở, giật mình, bất thần nàng đã nhìn thấu tận lòng mình, cuộc đời phóng đãng, vô luân của mình.[2]

3.Trong Kitô giáo có hai thứ mạc khải: mạc khải từ Thiên Chúa và mạc khải tự mình.

Con người chỉ thực sự biết mình khi hiện diện trước mặt Chúa Giêsu. Nói cách khác: Kitô giáo bắt đầu khi con người ý thức về tội lỗi. Nhận biết tội mình và thấy mình cần đến Thiên Chúa. Nói đến năm đời chồng, có người cho rằng đây không phải là chuyện thật mà chỉ là ngụ ngôn. Như đã biết, khi dân Samari bị đầy sang Media, thì người từ năm nơi khác được đưa tới. Năm thứ dân này mang theo các thần của họ (2V 17,29). Người phụ nữ đại diện cho dân Samri, năm người chồng đại diện cho năm thần ngoại mà người Samari tôn thờ. Người chồng thứ sáu đại diện cho Thiên Chúa thật, nhưng vì tôn thờ cách sai lầm, nên thực sự họ chẳng thờ Người. Có thể đây là sự nhắc nhớ về sự bất trung của người Samari với Thiên Chúa, nhưng câu chuyện sống động quá nên không phải là ngụ ngôn mà là chuyện thật cụ thể. Có người nói lời tiên tri là lời phê bình căn cứ trên hy vọng. Vị ngôn sứ chỉ cho con người hay dân tộc sự gì là sai quấy, nhưng không đẩy con người hay dân tộc vào thất vọng mà mục đích để thuyên chữa. Vì thế Chúa Giêsu bắt đầu mạc khải cho người phụ nữ tình trạng đầy tội lỗi của mình, và tiếp đến chỉ cho nàng lối thờ phượng đích thực. Câu hỏi của người phụ nữ, đối với ta, thật lạ: ‘cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi Gơdizim này; còn các ông lại bảo: phải thờ phượng tại Giêrusalem. Vậy tôi phải làm gì?’ Người Samari sửa đổi lịch sử cho hợp ý họ. Họ bảo chính núi Gơridim là nơi Abraham sẵn sàng hiến tế con Isaác, chính nơi đó Melchizdeck đã hiện ra với Abraham, chính nơi đó Môsê đầu tiên đã tiến lên bàn thờ dâng của lễ cho Thiên Chúa sau khi dân chúng vào đất hứa, mặc dầu thực tế là núi Ebal (Đnl 27,4). Họ lấy bản văn Kinh Thánh và lịch sử áp dụng vào núi Gơdizim. Người phụ nữ được dạy bảo núi Gơridim là núi thánh nhất trên thế giới và khinh miệt Giêrusalem. Trong tâm trí nàng đang diễn lại hiện tượng này, làm nàng phải tự nhủ: ‘là một tội nhân như tôi, tôi phải dâng của lễ tạ tội, nhưng dâng ở đâu?…’. với nàng cũng như người đồng thời, cách duy nhất được khỏi tội là dâng của lễ hy sinh. Tới đây, nàng không còn quan tâm đến Gơridim hay Giêrusalem nữa mà chỉ còn ở đâu, nơi nào. Chúa Giêsu đáp là thời gian tranh nhau đã hết, bây giờ là thời gian thờ phượng Thiên Chúa khắp nơi, và đây là điều Zephaniah đã nói từ lâu trước (2,11); Malachi cũng mơ thấy ở khắp nơi, hương trầm như của lễ tinh tuyền được dâng lên Thiên Chúa (1,11). Tôn thờ Thiên Chúa khắp nơi… Chúa Giêsu bảo người phụ nữ không cần phải đi chỗ nào riêng biệt để gặp Thiên Chúa, không phải núi Gơdizim cũng như núi Zion, mà có thể thờ phượng Thiên Chúa ở khắp nơi.[3]

+ Ga 4,22-26: thờ phượng trong thần khí và sự thật”

4.Chúa Giêsu bảo người phụ nữ những sự tranh giành đã chấm dứt và người ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa khắp nơi

Chúa Giêsu bảo người phụ nữ những sự tranh giành đã chấm dứt, không còn Gơridim, Zion và người ta sẽ tìm thấy Thiên Chúa khắp nơi. Tuy vậy Chúa vẫn còn nhấn mạnh đến sự kiện là dân Do Thái có địa vị duy nhất trong chương trình và mạc khải của Thiên Chúa. Chúa Giêsu bảo người Samari tôn thờ Thiên Chúa cách sai lầm. Theo nghĩa nào đó, điều đó đúng. Người Samari chỉ nhận năm quyển đầu của Kinh Thánh. Họ loại bỏ mọi phần còn lại của Cựu Ước. Vì thế họ cũng loại bỏ những thông điệp lớn lao của các tiên tri cũng như lòng đạo sốt sắng của các thánh vịnh. Vì dựa vào Kinh Thánh què quặt, nên tôn giáo của họ cũng què quặt. Hơn nữa, các Pháp Sư còn lên án người Samari vì mê tín dị đoan. Họ cũng nói người Samari không tôn thờ Thiên Chúa dựa trên tình yêu và tri thức, nhưng dựa trên dốt nát và sợ sệt. Như đã biết khi các dân ngoại được đưa vào Samaria, họ cũng đưa các thần ngoại vào (2V 17:29). Người ta kể một tư tế từ Bethel vào nói cho họ phải kính sợ Thiên Chúa ra sao (2V 17:28). Tất cả chỉ vì dị đoan mà phải thêm Đức Chúa (Jehovah) vào số các thần linh của họ; vì dị đoan mà sợ Người.[4]

Tóm lại Người là Thiên Chúa của mảnh đất họ đang sống, và thật nguy hiểm nếu không kể Người vào trong sự tôn thờ của họ.

5.Trong việc tôn thờ cách sai lầm này có ba khuyết điểm

5.1.Đó là tôn thờ cách lựa chọn

Nghĩa là lựa chọn những gì mình muốn biết về Thiên Chúa, những gì hợp với mình, còn ngoài ra loại bỏ… người Samari nhận Kinh Thánh những phần họ muốn còn ngoài ra loại bỏ. Một trong những nguy hại nhất trên thế giới là tôn giáo một chiều. Thật rất dễ chấp nhận, tuân giữ những sự thật của Thiên Chúa phù hợp với sở thích, còn loại bỏ những gì mình không thích… ta phải nhớ rằng mặc dầu không ai có thể hiểu được trọn vẹn sự thật, nhưng ta phải nhắm tới toàn vẹn sự thật chứ không lấy từng mảng sự thật thuận lợi cho mình.

Tôn thờ cách mê muội. Tôn thờ đúng đắn phải bao gồm cả con người. Con người có trí khôn và phải dùng trí khôn. Tôn giáo, sống đạo có thể khởi đầu từ tình cảm, nhưng rồi đến lúc phải hiểu tình cảm đó. E.F.Scott đã nói ‘sống đạo mà chỉ vận dụng lý trí thì không đủ, nhưng thất bại lớn về đạo lại là vì một đầu óc lười biếng’. Không suy nghĩ tìm hiểu là phạm tội. Phân tách sau cùng thì đạo chỉ an toàn khi không những nói mình tin gì mà còn cả tại sao mình tin. Đạo là hy vọng, nhưng hy vọng với lý do (1Pr 3:15).[5]

2.Tôn thờ sai lầm là tôn thờ cách dị đoan

Đó là tôn thờ không phải vì cần hay vì thực sự ao ước, mà chỉ vì có thể nguy hiểm nếu không tôn thờ. Nhiều người không dám đi dưới cầu thang, nhiều người cho rằng mèo đen qua đường mình đi là dấu hên… đạo thật không dựa trên sợ hãi mà trên tình yêu mến Thiên Chúa và biết ơn những gì Thiên Chúa đã làm… Chúa Giêsu đã vạch ra sự tôn thờ chính trực. Người nói Thiên Chúa là Thần Khí, nên Người không bị hạn chế vào vật chất, nên cách thờ ngẫu tượng không những vô nghĩa mà còn xỉ nhục Thiên Chúa. Thiên Chúa là thần khí nên Người không bị giam hãm vào thời gian nơi chốn. Vì thế hạn chế sự thờ phượng Thiên Chúa vào Giêrusalem hay bất cứ nơi nào là hạn chế Đấng Vô Biên vào chỗ hạn hẹp. Nếu Thiên Chúa là Thần Khí, của lễ dâng lên Người phải là thiêng liêng. Của lễ bằng thú vật và tất cả những của lễ vật chất do tay con người, không xứng hợp. Của lễ xứng đáng nhất dâng lên Thiên Chúa chỉ là của lễ tinh thần như tình yêu, trung tín, vâng lời, sốt sắng… tinh thần là thành phần cao thượng nhất trong con người. Tinh thần đó sẽ tồn tại còn thể lý sẽ qua đi. Tinh thần mơ những giấc mơ, thấy những viễn ảnh mà thể xác yếu đuối, không thể thực hiện. Tinh thần là nguồn mạch những ước mơ, ý nghĩ, lý tưởng, và những khát khao cao nhất của con người. Lòng tôn thờ chính hiệu là nhờ tinh thần, con người đạt tới tình thương yêu thân mật với Thiên Chúa. Sự tôn thờ chính hiệu đó không hệ tại vào nơi chốn, nghi lễ, của lễ nhất định nào. Đó là khi tinh thần, phần bất diệt vô hình của con người, gặp tới và đàm đạo với Thiên Chúa hằng hữu vô hình. Đoạn này kết thúc với lời tuyên bố lớn lao: viễn ảnh lạ lùng đã mở ra trước mắt người phụ nữ Samari làm nàng ngỡ ngàng ngạc nhiên. Những gì nàng không thể hiểu. Tất cả làm nàng chỉ có thể nói: ‘Khi Đấng Thiên Sai, Đức Kitô, Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa đến, chúng ta sẽ hiểu biết tất cả’. Và Chúa Giêsu đáp lại: ‘Đấng ấy, chính là tôi đây’. Tựa như Người nói: ‘đâu có phải là giấc mơ, mà là cụ thể rồi; không phải là mơ về sự thật mà là chính sự thật’.[6]

+ Ga 4,27-30: Người phụ nữ gặp gỡ Đức Giêsu

6.Giới luật thuộc Pháp Sư Do Thái, không cho ai nói chuyện với phụ nữ ngoài đường

Cũng hơi lạ là các môn đệ ngạc nhiên khi trở về, thấy Chúa Giêsu đang trò truyện với người phụ nữ. Như đã biết người Do Thái nghĩ thế nào về phụ nữ. Giới luật thuộc Pháp Sư Do Thái, không cho ai nói với phụ nữ ngoài đường, dầu mẹ, vợ, chị em. Đến nỗi họ nói ‘thà đốt lời của luật còn hơn dạy dỗ, trao đổi với người phụ nữ’. Họ nói: ‘mỗi lần nói chuyện dài với phụ nữ là gây tội ác cho mình, chống lại lề luật, đáng phạt vào Hỏa Lò (Gehinnom)’. Chúa Giêsu đã phá đổ những rào cản đó. Sau đây là mạc khải ly kỳ. Đó là điều không thể được tiết lộ ngoại trừ do chính người trong cảnh kể lại. Ngỡ ngàng gì đi nữa, thì các môn đệ cũng không ai dám hỏi người phụ nữ trông gì nơi Chúa, hay hỏi sao Chúa lại nói với nàng. Là vì các ông đã bắt đầu biết Chúa, cho rằng những gì Người làm dầu lạ đến đâu cũng không nên vấn nạn. Người ta đã thành môn sinh khi nói lên được: ‘không nên hỏi về những hành động và những đòi hỏi của Chúa…’. người phụ nữ thì, quên hết, bỏ vò, chạy vào làng kể lại những điều mới thấy. Bỏ vò cho biết hai điều: vội vàng chia sẻ kinh nghiệm khác thường, tỏ ra nàng không mơ gì khác ngoài sự trở lại. [7]

7.Hành động của nàng cho thấy toàn diễn tiến kinh nghiệm thực sự của người Kitô hữu

7.1.Thấy và nhận biết mình

Người phụ nữ bắt đầu kinh nghiệm nhìn vào mình và thấy mình ra sao. Phêrô xưa cũng thế, sau mẻ lưới lạ, Phêrô phải kêu lên: ‘lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi’ (Lc 5,8). Kinh nghiệm Kitô giáo thường khởi đầu bằng những đợt chê ghét mình, hạ mình; điều sau cùng là thấy chính mình. Cũng thường xảy ra là, đầu tiên Chúa Giêsu làm cho một người, là làm người ấy nhìn vào chính mình, điều cả đời mình không muốn.[8]

7.2. Người phụ nữ ngỡ ngàng vì Chúa biết những điều thầm kín của mình

Người phụ nữ ngỡ ngàng vì Chúa biết tâm tư mình, biết trái tim con người, cách riêng là chính mình. Thánh Vịnh đã bầy tỏ như thế “lạy Chúa, Ngài dò xét con và Ngài biết rõ, biết cả khi con đứng con ngồi. Con nghĩ gì, Ngài thấu suốt từ xa, đi lại hay nghỉ ngơi, Chúa đều xem xét, mọi nẻo đường con đi, Ngài quen thuộc cả. Miệng lưỡi con chưa thốt nên lời, thì lạy Chúa, Ngài đã am tường hết… (Tv 139, 1-4). [9]

7.3.Tự nhiên người phụ nữ thấy phải chia sẻ khám phá của mình

Gặp thấy Đấng lạ lùng, nàng thấy phải chia sẻ với người khác. Đời sống Kitô giáo dựa trên hai cột trụ: khám phá và chia sẻ. Không khám phá nào trọn vẹn chừng nào chưa chia sẻ cho người khác; cũng không thể chia sẻ bao lâu chính mình chưa tìm gặp thấy. Tìm gặp rồi chia sẻ là hai bước lớn của đời Kitô giáo.[10]

7.4.Lòng muốn chia sẻ với người khác đã làm cho người phụ nữ không còn phải de dặt nữa

Nàng không nghi ngờ nàng là kẻ ngoài lề xã hội, phải ra mãi ngoài làng để múc nước… nàng không nghi ngờ việc mình phải xa lánh người lân cận, cũng như người lân cận xa tránh nàng thế nào. Có vấn đề, người ta cảm thấy bối rối cũng như muốn giữ kín; nhưng khi được chữa lành, người ta thấy lạ lùng và biết ơn đến nỗi phải chia sẻ với mọi người. Người ta có thể giấu diếm tội mình, nhưng khi tìm được Chúa Giêsu Đấng Cứu Chuộc, tự động người ta muốn nói với mọi người ‘Hãy xem tôi trước kia ra sao và hôm nay thế nào; Chúa Giêsu đã làm cho tôi đó’.[11]

 

+ Ga 4,31-34: lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy

8.Xin Thầy dùng bữa

8.1. Của ăn của Thầy là làm theo ý Cha thầy

Chúa bảo các môn đệ Người có của ăn mà các ông không biết. Các ông nghĩ có ai đã cung cấp thức ăn cho Người. Nhưng Người bảo họ: của ăn của Thầy là làm theo ý Cha thầy. Chìa khóa cốt yếu cuộc đời Chúa Giêsu là suy phục thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Đấng duy nhất hằng hoàn toàn vâng theo Ý Thiên Chúa, không hề làm theo ý mình.[12]

8.2.Người là Đấng Thiên Chúa sai: Tin Mừng Gioan nhắc đi nhắc lại Chúa Giêsu là Đấng được Thiên Chúa sai phái

Trong Tin Mừng Gioan có hai từ Hy Lạp với nghĩa được sai. Được sai (Apostellein) được dùng 17 lần và (pempein) được dùng 27 lần; nghĩa là không kém 44 lần. Rồi Chúa Giêsu cũng nhắc đi nhắc lại đến công việc đã được trao cho Người làm (Ga 5:36); Người tuyên bố là chỉ chu toàn công cuộc Cha đã trao (17:4); Nói về vác thập giá, hy sinh mạng sống, sẵn sàng chết, Người nói ‘đó là giới luật Người nhận được từ Cha’ (Ga 10:18); Người nói thường xuyên như ở đây, về ý Cha ‘Ta từ trời đến không để làm theo ý mình, nhưng làm theo ý đấng sai mình (6:38); ‘Ta hằng làm đẹp lòng Người (Ga 8:29); Từ cảm nghiệm cá nhân và như gương mẫu, Chúa bảo chứng cứ duy nhất tình yêu là giữ luật yêu thương (Ga 14:23). Sự vâng lời của Chúa Giêsu không như tính vâng lời của chúng ta. Ở chúng ta, sự vâng lời chỉ từng lúc, còn nơi Chúa, sự vâng lời là bản chất, thường hằng trong suốt đời Người.[13] … sống theo Ý Chúa, ta sống với sức mạnh của Thiên Chúa, nên chiến thắng là điều bảo đảm hiển nhiên.[14]

+Ga 4,35-38: kẻ này gieo, người kia gặt

9.Những gì xảy ra tại Samaria cho Chúa Giêsu viễn ảnh về một thế giới đã sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa

Khi nói ‘… còn bốn tháng nữa…’, Chúa không nói về thời gian cụ thể vì nếu thời gian cụ thể thì đó là tháng giêng. Mà tháng giêng không phải là tháng nóng, ngược lại là tháng mưa. Nếu tháng mưa thì không thiếu nước, người phụ nữ không cần ra mãi giếng này múc nước. Nói thế, Chúa chỉ trưng lời châm ngôn. Người Do Thái chia quanh năm thành 6 mùa, mỗi mùa dài 2 tháng: mùa gieo, đông, xuân, gặt, hè và mùa đại nóng bức. Chúa nói ‘các ông đã nghe lời châm ngôn. Nếu gieo, các ông phải chờ ít nhất 4 tháng mới đến mùa gặt’. Nói thế, rồi Chúa ngước mắt nhìn. Xikha là miền ở giữa, cho đến nay, vẫn nổi tiếng về bắp. Đất làm nghề nông rất eo hẹp tại Palestin vì Palestin là miền đất đá; cụ thể thì không ai có thể nhìn thấy những cánh đồng bắp vàng. Chúa Giêsu xoay một vòng bàn tay trong khi nhìn theo và nói ‘hãy nhìn những cánh đồng trắng vàng đã sẵn sàng cho mùa gặt. Phải mất bốn tháng, nhưng tại Samaria thì mùa đã sẵn sàng’. Chúa đang nghĩ đến sự khác biệt giữa thiên nhiên và ơn thánh. Mùa màng thiên nhiên, người ta gieo rồi phải chờ… đối với người Do Thái, gieo vãi là thời gian vất vả khó nhọc, chỉ đến mùa mới được thảnh thơi (Tv 135,5-6).[15]

9.Rồi Chúa áp dụng lời châm ngôn ‘người này gieo, kẻ khác gặt’

9.1.Người bảo các môn đệ rằng họ gặt những gì họ không gieo

Người có ý nói Mình là Đấng đã gieo, gieo trên Thập Giá, những hạt giống tình yêu và quyền năng Thiên Chúa và sẽ đến ngày các ông ra đi gặt hái những gì cuộc đời và cái chết của Người đã gieo…

9.2.Cũng là ngày các ông gieo và người khác sẽ gặt

Sẽ đến ngày giáo hội Kitô giáo sai đi các nhà truyền giáo mà không thấy mùa gặt. Một số họ có thể sẽ chịu tử đạo, nhưng máu các vị tử đạo sẽ là những hạt giống…tựa như Chúa nói ‘có ngày anh em sẽ vất vả mà chẳng thấy gì. Có ngày anh em sẽ gieo, rồi qua đi mà không thấy mùa gặt. Dầu vậy, đừng sợ, đừng thất đảm, vì gieo vãi không bao giờ vô ích; chắc chắn hạt giống sẽ nẩy mầm. Người khác sẽ gặt hái những gì anh em không thấy…

Cả đoạn cũng nhắc đến:

9.2.1.Một cơ hội

Mùa màng đang chờ được thu gặt cho Thiên Chúa. Qua thời gian, có những lúc con người hứng tìm Thiên Chúa cách tò mò và nhậy cảm. Buồn biết bao, nếu lúc đó Giáo Hội thờ ơ với việc gặt hái…

9.2.2.Một thách đố

Nhiều người phải gieo mà không được gặt. Nhiều người thành công, thịnh đạt, không phải do công lênh mình, nhưng nhờ lời cầu khấn, ủng hộ của những người lành thánh… nhiều người làm ăn vất vả nhưng không bao giờ thấy công quả của mình. Một ông chủ đồn điền rộng lớn. Ông mộ mến, chăm sóc từng thửa ruộng, kể: có những hạt giống phải mất 25 năm mới có hoa trái. Lúc ấy, ông đã 75 tuổi, khó mà thấy mùa màng kết quả, dầu vậy, có người sẽ thấy. Không việc nào, không nỗ lực nào làm cho Chúa Giêsu, mà vô ích. Nếu mình không thấy kết quả, người khác sẽ thấy. Cuộc sống của người Kitô hữu không có chỗ cho thất vọng. [16]

+ Ga 4,39-42: Người thật là Đấng cứu độ trần gian

10.Biến cố xảy ra tại Samaria là mẫu mực cho những việc Tin Mừng được đón nhận: đầu tiên là giới thiệu

10.1.Người phụ nữ vừa giới thiệu Chúa Giêsu cho dân Samari

Điều này cho biết Thiên Chúa cần chúng ta (Rm 10,14). Lời Thiên Chúa phải được chuyển tải từ người này tới người khác. Thiên Chúa không thể chuyển thông điệp của Người cho những ai không bao giờ được nghe nếu không có người truyền lại. “Người không có tay, ngoại trừ tay ta, để thực thi công cuộc của Người. Người không có chân, ngoại trừ chân ta, để ra đi dẫn dắt người khác. Người không có miệng, ngoại trừ miệng ta, để kể lại Người chết ra sao. Người không có sự giúp đỡ, ngoại trừ sự giúp đỡ của ta, để dẫn người ta về với Người”. Được đặc ân quí giá, nhưng cũng có trách nhiệm nặng nề, phải đem người khác về cho Chúa Kitô. Không có sự giới thiệu nếu không có ai đi giới thiệu. Giới thiệu được mạnh mẽ hay không là do sức mạnh của nhân chứng. Người phụ nữ la: ‘hãy coi những gì ông ấy đã làm vì tôi và cho tôi…’. nàng không nói về lý thuyết mà về sức mạnh năng động làm thay đổi nàng. Giáo Hội không thể bành trướng trừ khi thế giới trở nên vương quốc của Chúa, trừ khi mọi người cảm nghiệm thấy quyền lực của Chúa Kitô và rồi giới thiệu cho người khác.[17]

10.2.Gây mối chân tình thân mật hơn và hiểu biết hơn

Sau khi được giới thiệu, người Samari kết thân với Chúa, xin Người ở lại để biết Người hơn và học hỏi từ Người hơn. Cần được giới thiệu với Chúa, nhưng khi đã được giới thiệu, người đó cần phải kết thân với Chúa, sống trước nhan Người. Không ai trải nghiệm thay cho người khác. Người khác có thể giới thiệu ta với Chúa Kitô, nhưng chính ta phải cảm nghiệm tình thân với Chúa. [18]

10.3.Khám phá và tuân phục

Người Samari nhận ra Chúa là Đấng Cứu Thế, mà theo Gioan Người còn là Đấng Cứu Thế trổi vượt (xem thêm 1Ga 4,14). Gioan không sáng tạo ra danh hiệu Đấng Cứu Thế. Trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã thường được gọi là Thiên Chúa phần rỗi, Đấng Cứu Chuộc, Thiên Chúa Cứu Rỗi. Nhiều thần Hy Lạp cũng có danh hiệu ‘cứu thế’.[19]

10.4. Người là Đấng Cứu Thế

Thời Gioan viết Tin Mừng, hoàng đế Rôma cũng có danh hiệu Cứu Thế (Saviour of the World). Không khác Gioan nói ‘ất cả danh xưng các ông mơ tưởng đều thành sự thực nơi Chúa Giêsu’. Ta nhớ danh hiệu rất tốt này. Chúa Giêsu không phải là một tiên tri với những thông điệp của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng không chỉ là tâm lý gia kinh nghiệm có thể đọc được lòng người. Quả thật, Người tỏ ra chuyên môn trong trường hợp người phụ nữ Samari, nhưng còn tỏ ra chuyên môn hơn thế nữa. Chúa Giêsu không phải là một người gương mẫu. Người không chỉ đến để tỏ cho con người cách sống ở đời. Một gương mẫu lớn có thể chỉ là vỡ tim (heart-breaking) nhưng vô ích, nếu bất lực không theo được. Chúa Giêsu là tất cả, nhưng trên hết, Người là Đấng Cứu Thế. Người cứu con người khỏi sự dữ, khỏi thất vọng; Người bẻ gẫy xiềng xích trói buộc con người vào dĩ vãng và ban cho con người sức mạnh để đương đầu với tương lai. Người phụ nữ Samari là trường hợp điển hình lớn lao, tỏ ra sức mạnh cứu chuộc của Người. Dân thành Xykha đã cho người phụ nữ là vô phương, chính người phụ nữ cũng công nhận đời sống tốt lành là bất khả thi. Vậy mà Chúa Giêsu đến giải thoát nàng khỏi hai điều xỉ nhục, xóa bỏ tội lỗi của nàng, còn cho nàng sức mạnh trỗi dạy để sống cuộc đời xứng đáng. Không một danh hiệu nào xứng đáng cho Chúa Giêsu bằng danh xưng ‘Đấng Cứu Thế’. [20]

 

II.CHIA SẺ TIN MỪNG

Chúa Giêsu từ Giuđêa trở về Galilêa băng qua vùng dân ngọai Sychar xứ Samaria.

Trời hè oi bức, Chúa Giêsu và các môn đệ ngồi nghỉ bên giếng Giacob. Trong lúc các môn đệ đi mua thức ăn, thì một thiếu phụ trong làng ra giếng múc nước và đã gặp Đức Giêsu bên bờ giếng.

Bắt đầu câu chuyện chỉ là một việc xin nước uống bình thường, nhưng dần dần, đã chuyển hướng từ lãnh vực tự nhiên qua lãnh vực siêu nhiên theo một diễn tiến thật tuyệt vời :

– Ban đầu Chúa Giêsu mở miệng xin chị cho mình nước uống

– Tiếp đến Người cho chị biết có một thứ nước hễ uống vào thì không bao giờ khát nữa.

– Chị tưởng đó là một thứ nước “phép” nên mở miệng xin Người “để hết khát và khỏi

   đến đây lấy nước nữa”

– Cuối cùng Chúa Giêsu nói nước ấy chính là Người.

Có thể lúc đầu, thiếu phụ chỉ gặp gỡ vì tò mò và coi Chúa như một người khách như bao người khách khác. Nhưng sau đó nghe giọng nói cũng như cách ăn mặc, thiếu phụ nhận ra đó là một người Do Thái. Như chúng ta biết người Do Thái và người Samaria có một mối thù truyền kiếp.

Họ cùng là con cháu Abraham, nhưng họ đã cắt đứt liên lạc cả hàng 400 năm rồi. Người Samaria đã xây một đền thờ riêng tại Garidim đối địch lại với đền thờ Giêrusalem. Từ đó chúng ta mới hiểu được tại sao người thiếu phụ lại hỏi Chúa Giêsu: “làm sao một người Do Thái như ông mà lại xin nước uống với một người phụ nữ Samaria được”.

Rồi như một sự thách thức chị nói “gầu thì không có, giếng thì lại sâu, làm sao mà có nước được”.

Nhưng rồi nghe lời hứa về một thứ nước kỳ lạ, tuy chưa hiểu nhưng cũng cố xin cho được thứ nước đó. Nước đó chính là Đức Giêsu.

Nếu câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì chưa thể làm chuyển biến cuộc đời của người thiếu phụ này. Chúa Giêsu đã đánh thẳng vào tim đen của chị, nên Người nói “về gọi chồng chị tới đây”.

Chính ở điểm này mà chị đã nhận ra Chúa Giêsu không chỉ là một ngôn sứ, nhưng còn là Đấng Messia mà mọi người đang trông đợi. Thế là chị đã bỏ vò nước lại bên bờ giếng và đi loan báo cho cả dân làng.

Phải, bên bờ giếng, có một khách bộ hành mỏi mệt dừng chân. Cũng bên bờ giếng đó, một thiếu phụ đã để lại cái vò nước của mình, bởi vì từ nay nó chẳng giúp ích gì cho chị nữa. Cái vò nước bị bỏ quên đó sẽ mãi mãi nói với chúng ta về một người phụ nữ mà số phận đã từng bị giam hãm trong đủ thứ công việc hàng ngày, trong những quan hệ chẳng đi tới đâu với một lọat đời chồng, nay bỗng tìm thấy ý nghĩa cho đời mình qua cuộc gặp gỡ Đức Giêsu.

Người phụ nữ Samaria trong bài Tin Mừng hôm nay sống trong tội lỗi, nhưng đã gặp được nguồn nước là chính Chúa Giêsu. Tin Mừng không cho chúng ta biết cuộc sống sau đó của chị ra sao,

nhưng chúng ta có thể đóan chắc rằng, chị đã dứt khóat bỏ lại tất cả quá khứ cùng với vò nước bên bờ giếng để bắt đầu cho một cuộc sống mới, một cuộc sống được nuôi dưỡng bằng chính nguồn nước không bao giờ cạn, đó chính là Đức Giêsu, Đấng Messia mà mọi người đang trông đợi.           

Để người phụ nữ Samari gặp được Chúa, Chúa đã phải nỗ lực phá đi những rào cản. Ngoài rào cản chúng ta đã nói ở trên, tức là giữa người Do Thái và người Samaria có một mối thù truyền kiếp. Họ cùng là con cháu Abraham, nhưng họ đã cắt đứt liên lạc cả hàng 400 năm rồi.

Còn một rào cản thứ hai,  vượt qua rào cản này rất có thể Đức Giêsu có thể sẽ mất uy tín với dân chúng mà có khi còn mất uy tín với ngay cả với những môn đệ mà Ngài đang nỗ lực để đào tạo, để huấn luyện: đó là một rabbi không được tiếp xúc với phụ nữ ở nơi công khai.

Luật nghiêm nhặt của Pharisêu cấm họ không được chào hỏi phụ nữ giữa nơi công cộng. Cấm ngay cả ngỏ lời với vợ, với người con gái hay chị em của mình ở nơi công cộng. Một Pharisêu bị bắt gặp nói chuyện công khai với phụ nữ thì kể như tiếng tăm sự nghiệp tiêu tan – thế nhưng Chúa lại trò chuyện với người phụ nữ này.

Không những đây là một người phụ nữ, mà còn là một phụ nữ xấu nết. Không một người đàn ông đứng đắn nào chứ đừng nói đến Pharisêu, chịu để cho người ta nhìn thấy mình đứng chung hay trao đổi dù chỉ một lời với chị ta, thế mà Chúa Giêsu đã trò chuyện với người phụ nữ này.

Tóm lại, sự kiện “Chúa Giêsu gặp gỡ người phụ nữ Samari bên bờ giếng Giacop” đối với người Do Thái, thì đây là một sự kiện đáng ngạc nhiên.

Tại đây Con Thiên Chúa lại mỏi mệt, kiệt sức, và khát nước.

Tại đây người thánh thiện hơn hết đang lắng nghe và thông cảm một câu chuyện đáng buồn.

Tại đây Chúa Giêsu đang phá vỡ các hàng rào ngăn cách giữa các quốc gia và các lề thói của Do Thái Giáo.

Tại đây Thiên Chúa đang yêu thương thế gian, không phải bằng lý thuyết, nhưng bằng hành động.”

Chính Đức Giêsu cũng đang nỗ lực phá vỡ mọi rào cản để đến với mỗi người chúng ta hôm nay. Có điều là chúng ta có chấp nhận để Chúa Giêsu phá vỡ những rào cản giữa chúng ta và Thiên Chúa không? Amen.

LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ 

[1] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.173-174

[2] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.176

[3] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.177

[4] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.178

[5] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.178

[6] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.179

[7] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.180

[8] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.189

[9] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.181

[10] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.181

[11] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.181

[12] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.182

[13] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.182

[14] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.183

[15] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.183

[16] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.184

[17] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.185

[18] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.185

[19] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.186

[20] Lm. Giuse Phạm Văn Tuynh, Theo Chúa kitô, Quyển hai, tập một, trg.186

Xem thêm

Lc 1,39-45

SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C, CỦA LM GIUSE ĐỖ VĂN THUỴ

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG NĂM C Cuộc Thăm Viếng của Đức Maria (Lc 1,39-45) …