Lòng biết ơn
(Lc,17,11-19)
Đầu tháng 10 năm 1962, chiếc phi cơ hàng không Panam (Mỹ), chở mấy trăm Giám mục người Mỹ đi họp Công Đồng chung Vatican II. Trên máy bay có một cô tiếp viên hàng không đẹp tuyệt vời.
Đức Cha Fulton Sheen, Tổng Giám Mục giáo phận New York , đã lưu ý đến sắc đẹp kiều diễm của cô tiếp viên nầy.
Thế rồi, khi phi cơ hạ cánh, cô đứng bên cửa xuống cầu thang chào từ biệt và hành khách đáp lại hai tiếng cám ơn.
Nhưng đến lượt Đức Cha Fulton Sheen, người ta thấy ngài ghé vào tai cô tiếp viên xinh đẹp kia và nói nhỏ một câu gì không ai nghe được.
Bốn tháng sau, khi khóa I Công Đồng chung Vatican II kết thúc, các Giám Mục về nước.
Rồi bỗng một hôm, cô chiêu đãi viên xinh đẹp nọ tìm đến gặp Đức Cha Fulton Sheen: “Thưa Đức Cha, Đức Cha còn nhớ con là ai không?”
– “Tôi còn nhớ lắm, cô là tiếp viên trên chiếc hàng không đưa chúng tôi đến Rôma”.
– “Nhưng Đức Cha còn nhớ Đức Cha đã nói gì với con không?”
– “Tôi đã nói: có khi nào cô đã tạ ơn Chúa vì Ngài đã ban cho cô sắc đẹp tuyệt vời như thế không?”
– “Thưa Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà hôm nay con đến hầu chuyện Đức Cha, chính vì câu hỏi đó mà Cha nghĩ con phải làm gì để tạ ơn Chúa?”.
Trước một câu hỏi đột ngột, Đức Cha Fulton Sheen lúng túng không biết trả lời làm sao. Ngài trấn tỉnh, chấp tay lên ngực, rồi ngước mắt lên trời như thể xin ơn soi sáng.
Sau đó ngài nói: “Cha vừa mới được một tin từ Việt Nam: đó là Đức Cha Jean Cassaigne, một người Pháp đang là Giám Mục giáo phận Sài Gòn, đã xin từ chức để đi phục vụ một trại phong cùi ở Di Linh – Lâm Đồng.
Những người phong cùi ở đó khốn khổ lắm con ạ! Họ đang chờ cái chết đến với họ. Vậy theo ý cha, cách tạ ơn Chúa đẹp lòng Ngài hơn cả và có ý nghĩa hơn cả là con hãy hy sinh một thời gian, đem nụ cười xinh tươi, đem tiếng nói dịu dàng, đem duyên sắc của con để an ủi họ”.
Mặt cô tiếp viên tái mét. Cô đứng lặng yên một hồi lâu.
Sau đó cô cúi đầu tạm biệt không nói một lời.
Thế rồi đầu năm 1963, đài phát thanh cũng như báo chí ở Sài Gòn loan tin:
“Một nữ tiếp viên rất xinh đẹp của hãng hàng không Panam tình nguyện đến Di Linh – Lâm Đồng để sống với những người phong cùi trong sáu tháng”. (Niềm vui chia sẻ)
Phong cùi là một bệnh nan y khó trị, ai cũng ghê tởm và run sợ nếu mắc phải bệnh này. Vào thời Chúa Giêsu nó còn khoác vào người bệnh nỗi nhục nhã trong tâm hồn, vì người ta cho rằng họ là những người bị Thiên Chúa phạt.
Những người mắc bệnh cùi bị ruồng bỏ, bị coi là nhơ nhớp, phải sống cách ly trong một làng cùi xa mọi người, xa cả người thân.
Phải mặc áo rách, để đầu trần, lấy áo che miệng và phải hô lên rằng mình có bệnh truyền nhiễm và nhơ nhớp để cho người lành biết mà tránh xa (Lv13,1-44).
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa chữa 10 người phong cùi được lành bệnh, nhưng trớ trêu thay trong mười người được hưởng ơn chữa lành vô cùng lớn lao ấy, chỉ có một người biết dâng lời tạ ơn, mà người ấy lại là người Samari ngoại đạo.
Còn những người vẫn tự hào là dân Thiên Chúa, dân riêng Chúa chọn lại sống vô ơn.
Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp theo nhau.
Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác.
Có những ơn do nơi Thiên Chúa, và cũng có những ơn đến từ con người.
Vậy nếu cuộc sống là lãnh nhận thì người ta sẽ như thế nào nếu không hề biết nói hai tiếng cám ơn, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ tấm lòng tri ân!
Một người có nhân cách thực sự là một người có lòng biết ơn.
Một người luôn thể hiện lòng biết ơn mới đích thực là con người.
Lòng biết ơn là nét cao đẹp nhất của con người.
Biết ơn là nhận ra thân phận bất toàn của mình.
Biết ơn là ý thức về tình liên đới với người khác.
Biết ơn là thể hiện niềm tin vào Thiên Chúa yêu thương và quan phòng.
Vì thế, lòng biết ơn chính là bông hoa rực rỡ, điểm tô cho cuộc sống con người. Một tiếng nói “cám ơn” với tất cả chân thành, một cử chỉ biết ơn sâu xa sẽ làm cho chúng ta nên người hơn, và thể hiện niềm tin sâu sắc hơn.
Người ta có muôn vàn cách để cám ơn.
Có rất nhiều chuyện mà người ta không thể cám ơn bằng tiền bạc được, người ta có thể cám ơn bằng nụ cười, một thoáng quan tâm hay một cử chỉ thân thiện.
Hoặc như cô chiêu đãi viên hàng không trong câu chuyện đã cám ơn Thiên Chúa bằng cách bỏ ra 6 tháng trời để đến chung sống với những người phong cùi tại Di Linh.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu phải thốt lên lời quở trách:
“Không phải cả mười người được sạch cả sao? Thế thì chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này?” (Lc 17, 17-18).
Sở dĩ Chúa Giêsu xem trọng lòng biết ơn cũng chính vì ích lợi của kẻ được ơn. Người Samari trở lại tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho anh ơn phần xác, thì Người lại ban thêm cho anh ơn phần hồn là củng cố niềm tin của anh.
Người nói: “Đứng dậy về đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh” (Lc 17, 19).
LM. GIUSE ĐỖ VĂN THỤY