Nhà Phú Hộ và Lazarô nghèo khó
(Lc 16,19-31)
Chúa nhật tuần trước, Đức Giêsu đã nói với chúng ta về việc sử dụng tiền của,
tuần này Ngài nhắc đến một lần nữa và khuyến cáo chúng ta rằng tiền của có thể trở thành một mối nguy, một cản trở chúng ta vào Nước Trời.
Một cách cụ thể,
Đức Giêsu đưa ra một dụ ngôn về “người phú hộ và Lazarô nghèo khó”.
Người phú hộ trong dụ ngôn không làm điều gì gian ác, không lỗi đức công bằng, không ức hiếp ai, không làm gì phạm đến Lazarô cả, vậy tại sao ông ta lại bị sa vào hỏa ngục ? Tội ông ở chỗ nào ?
Thực ra, ông không phạm một tội ác nào mà chỉ là “hờ hững, dửng dưng” trước đau khổ của người khác.
Tội của ông chính là tội “thiếu sót”, vì ông đã không làm gì để cải thiện đời sống của người anh em nghèo khó ở sát cạnh mình.
Cha Mark Link kể lại trong tập Mission 2000 câu chuyện cảm động như sau:
Ông thị trưởng New York tên Fiorello La Guardia thỉnh thoảng ngồi xử kiện.
Một lần kia, người ta giải đến cho ông một người thất nghiệp mang tội ăn cắp bánh để nuôi gia đình.
Ngài thị trưởng nói :“Thưa ông, luật pháp không trừ ai.Tôi kết án ông 10 đô la tiền phạt.” Rồi ông thị trưởng lấy 10 đôla trao cho ông nộp tiền phạt.
Sau đó ông bắt tất cả những người đang hiện diện trong phòng xử án phải nộp mỗi người 50 xu. Lí do là vì họ đã sống trong một thành phố văn minh mà để một người phải đi ăn cắp về nuôi gia đình.
Người đàn ông bước ra khỏi phòng xử án, cảm động, nước mắt đầm đìa vì có được 47$50 (đô la) từ những người tham dự xử án.
Câu chuyện này nhắc nhở chúng ta có bổn phận phải giúp đỡ những người túng thiếu chung quanh chúng ta.
Và MacCathy còn kể một câu chuyện như sau:
Trong giấc mơ, ông thấy một đám đông người nghèo, bị bệnh tật dày vò, những người đói lả kêu cầu ông giúp đỡ.
Khi ông thức dậy sáng hôm sau, nhớ lại giấc mơ của mình, ông quyết định bắt đầu dấn thân vào một chiến dịch làm điều thiện. Ngay sáng hôm đó, không bỏ phí thời gian, ông ngồi vào chiếc xe Mercedes để đi xem cần phải giúp cho người nghèo cái gì.
Vừa ra khỏi nhà thì ông thấy một người ăn mày ngồi ngay ở cổng, hai tay đưa ra để cầu xin bố thí.
Người nhà giàu rất bối rối khi nhìn thấy hoàn cảnh khốn khổ của người ăn mày. Ông lưỡng lự một lúc rồi ra lệnh cho tài xế nhấn ga chạy tiếp. Ông không muốn dừng xe lại để chỉ gặp một người ăn mày dù hoàn cảnh của người ăn mày này có khốn khổ đến đâu đi nữa.
Rồi chiều đến, khi về tới cổng, ông thấy người ăn mày vẫn còn ở đó, ngay tại vị trí lúc ban sáng. Ông động lòng trắc ẩn nhưng lại một lần nữa, ông bỏ qua không dừng lại.
Tối hôm đó ông lại có một giấc mơ khác. Ông nghe thấy những tiếng kêu cứu. Nhưng lần này không phải từ một đám đông, nhưng từ một cá nhân. Cá nhân này cũng lại là người ăn mày mà ông đã thấy ở cổng nhà ông. Sáng hôm sau khi thức dậy ông biết rõ mình phải làm gì và bắt đầu từ đâu.
Từ câu chuyện này, chúng ta lắng nghe Mẹ Têrêxa nói: “Tôi luôn luôn nói rằng yêu thương bắt đầu từ nhà mình:
trước hết ở nhà bạn rồi đến thị trấn hoặc thành phố của bạn.
Yêu thương một người ở xa thì dễ, nhưng không dễ khi yêu thương những người sống với chúng ta hoặc ở gần chúng ta”.
Mẹ Têrêxa kể lại câu chuyện sau đây:
“Một lần nọ ở Bombay có một hội nghị lớn về tình trạng nghèo khổ.
Khi tôi đến nơi, ngay trước cửa của địa điểm trong đó hàng trăm người đang nói về lương thực và cái đói, tôi thấy một người đang hấp hối.
Tôi đưa người ấy về nhà chúng tôi dành cho người hấp hối.
Người ấy đã chết ở đó. Người ấy chết vì đói.
Trong lúc những người ở bên trong phòng họp đang bàn luận sôi nổi về việc phải làm thế nào để trong mười lăm năm, chúng ta sẽ có thật nhiều lương thực – đang khi họ để người đàn ông đó chết, chết vì đói, ngay bên cạnh phòng họp của họ”.
Mẹ Têrêsa nói tiếp:
“Tôi không bao giờ coi các đám đông là trách nhiệm của tôi.
Tôi nhìn vào cá từng nhân.
Tôi chỉ có thể yêu thương một người ở mỗi lúc.
Tôi chỉ có thể nuôi sống một người ở mỗi lúc khác nhau.
Tôi nhặt một người. Có lẽ nếu tôi không nhặt một người, tôi sẽ không thể nhặt đến 42.000 người.
Toàn bộ công việc chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không đặt giọt nước ấy vào, hẳn đại dương sẽ ít đi một giọt nước. Amen”.
Lm. Giuse Đỗ văn Thụy