Am 6,1a.4-7 ; 1 Tm 6,11-16 ; Lc 16,19-31
QUAN TÂM PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI BẤT HẠNH
I.HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Lc 16,19-31
(19) Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. (20) Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu, (21) thèm được những thứ trên bàn ăn của ông ấy rớt xuống mà ăn cho no. Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta. (22) Thế rồi người nghèo này chết, và được thiên thần đem vào lòng ông Ápraham. Ông nhà giàu cũng chết và người ta đem chôn. (23) Dưới âm phủ, đang khi chịu cực hình, ông ta ngước mắt lên, thấy tổ phụ Ápraham tận đàng xa, và thấy anh Ladarô trong lòng tổ phụ. (24) Bấy giờ ông ta kêu lên: “Lạy tổ phụ Ápraham. Xin thương xót con, và sai anh Ladarô nhúng đầu ngón tay vào nước nhỏ trên lưỡi con cho mát. Vì ở đây con bị lửa thiêu đốt khổ lắm”. (25) Ông Ápraham đáp: “Con ơi, hãy nhớ lại: Suốt đời con, con đã nhận phần phước của con rồi. Còn Ladarô suốt một đời chịu toàn những bất hạnh. Bây giờ, Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ. (26) Hơn nữa, giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn, đến nỗi bên này muốn qua bên các con cũng không được. Mà bên đó có qua bên chúng ta đây cũng không được”. (27) Ông nhà giàu nói: “Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con. (28) Vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh báo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này. (29) Ông Ápraham đáp: “Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó”. (30) Ông nhà giàu nói: “Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu. Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”. (31) Ông Ápraham đáp: “Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”.
- Ý CHÍNH:
Tin mừng hôm nay thuật lại câu chuyện về một ông nhà giàu và người hành khất Ladarô nghèo khó. Ông nhà giàu thì ăn mặc sung sướng đang khi Ladarô có cuộc sống rất tồi tệ. Nhưng sau khi cả hai đều chết đã được Thiên Chúa xét xử công bình: Ladarô thì được an ủi ngồi trong lòng tổ phụ Ápraham, đang khi ông nhà giàu phải chịu đau khổ trong hỏa ngục.
- CHÚ THÍCH:
– C 19-21: + Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình: Dụ ngôn này lấy từ hình ảnh quen thuộc trong xã hội Do thái có những người giàu sống tách biệt với người nghèo. + Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô: Đối nghịch với hình ảnh người nhà giàu kia là hình ảnh Ladarô nghèo khó khốn khổ. Anh này làm nghề hành khất, người đầy bệnh hoạn và tứ cố vô thân. Ladarô hay Êlêadarô nghĩa là “Thiên Chúa giúp”, ý nói anh ta chỉ còn biết trông chờ một mình Thiên Chúa giúp đỡ mà thôi. + Mụn nhọt đầy mình… Lại thêm mấy con chó cứ đến liếm ghẻ chốc anh ta: trong Kinh thánh, chó bị coi là con vật ghê tởm và dữ tợn (x. Tv 22,17.21; Mt 7,6). Kiểu diễn tả “ước được những mụn bánh” và “chó đến liếm ghẻ chốc” nhằm làm nổi bật cảnh khốn cùng của Ladarô và sự thờ ơ ích kỷ của ông nhà giàu.
– C 21-24: + Dưới âm phủ: Theo quan niệm của một số giáo phái Do thái: Người chết bị vào trong âm phủ và tạm thời được xếp thành 2 loại: Loại một gồm những người công chính được Chúa an ủi và được ngồi dự tiệc trong lòng tổ phụ Ápraham (x. Lc 23,43). Loại hai gồm những kẻ vô tâm bất tín bị lửa hồng thiêu đốt rất đau đớn. Nhưng cả hai đều phải chờ đến ngày tận thế để được phán xét chung. Sau đó kẻ lành sẽ được hưởng hạnh phúc Nước Trời vĩnh viễn và kẻ dữ sẽ bị phạt trong hỏa ngục muôn đời. + Thấy Ladarô trong lòng tổ phụ: “Ngồi trong lòng tổ phụ” là một chỗ vinh dự trong bữa tiệc do tổ phụ Ápraham chủ tọa. Sau này trong bữa tiệc ly, Gioan cũng được vinh dự “tựa đầu vào lòng Đức Giêsu” (Ga 13,23). + “Lạy tổ phụ Ápraham, xin thương xót con”…: Cuộc đối thoại giữa người giàu có với tổ phụ Ápraham cho thấy số phận của con người ở thế giới bên kia tùy thuộc vào cuộc sống của họ khi còn ở trần gian.
– C 25-26: + “Bây giờ Ladarô được an ủi nơi đây, còn con thì phải chịu khốn khổ”: Người giàu có bị trừng phạt vì khi còn sống đã không sử dụng của cải theo thánh ý Chúa. Còn người nghèo khó được thưởng vì đã chấp nhận sống tinh thần nghèo khó. Cái chết sẽ làm đảo ngược vị trí của người giàu và kẻ nghèo. Chỉ nhờ ơn Chúa thì những người giàu có mới có thể được cứu độ (X. Lc 18,24-27). Nhưng không phải bất cứ người nghèo nào cũng đương nhiên được hưởng lòng Chúa thương xót. Nếu nghèo mà không có tinh thần siêu thoát đối với tiền bạc của cải, thì số phận của họ cũng sẽ bị diệt vong (x. Lc 12,15 ; Mt 19,29). + “Giữa chúng ta đây và các con đã có một vực thẳm lớn”…: Vực thẳm lớn không thể vượt qua, biểu tượng cho tính dứt khoát của số phận của những người được hưởng hạnh phúc hay sẽ phải chịu đau khổ trong thế giới kẻ chết.
– C 27-31: + “Vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con”: Ông nhà giàu muốn dùng kinh nghiệm bản thân của mình để cảnh báo những anh chị em đang sống chung dưới cùng một mái nhà của cha ông. + “Chúng đã có ông Môsê và các ngôn sứ”…: Sự cảnh báo về việc sử dụng của cải đã hàm chứa trong Luật pháp Môsê và Lời Chúa do các ngôn sứ tuyên sấm, đủ thuyết phục họ sửa đổi thói ích kỷ và biết quảng đại nhường cơm sẻ áo cho những người nghèo đói khác. Vì thế nếu những người giàu có đã không hồi tâm sám hối, không phải vì họ đã không có đủ các phương thế giúp ăn năn hối cải, nhưng chỉ vì họ đã cố tình từ chối thi hành các phương thế ấy mà thôi. + “Nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối”: Ở đây ông nhà giàu muốn dùng việc kẻ chết hiện hồn về để đánh động lòng sám hối của các người anh em còn sống. + “Ông Môsê và các ngôn sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin đâu”: Câu này là cốt tủy của dụ ngôn. Dù lời dạy của Môsê và lời các ngôn sứ không phải là những phép lạ và chỉ nhằm để thúc đẩy người ta tin, nhưng đó cũng chính là Lời Chúa phán trong Thánh kinh (x. Lc 24,27.44). Ở nơi khác, Đức Giêsu cũng nói đến sự vô hiệu của các phép lạ (x. Lc 10,13). Người cũng khẳng định các dấu chỉ thiêng liêng có giá trị hơn các phép lạ bên ngòai, khi nói: “Anh em hãy tin vào Thầy” (Ga 14,11.12) và: “Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20,29b).
- CÂU HỎI: 1) Câu nào diễn tả cảnh khốn cùng của người nghèo khó Ladarô? 2) Bài Tin mừng hôm nay dựa theo quan niệm của Do thái giáo: chia người chết thành hai lọai người nào? 3) Phải chăng người giàu có ở đời này sẽ đương nhiên chịu hình phạt ở đời sau và người nghèo khó ở đời này đương nhiên sẽ được hưởng hạnh phúc ở đời sau? 4) Câu nào cho thấy tổ phụ Ápraham không cho phép Ladarô hiện hồn về để nhắc bảo các anh em của ông nhà giàu? Tại sao?
II.SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Có một ông nhà giàu kia, mặc toàn lụa là gấm vóc, ngày ngày yến tiệc linh đình. Lại có một người nghèo khó tên là Ladarô, mụn nhọt đầy mình, nằm trước cổng ông nhà giàu” (Lc 16,19-20).
- CÂU CHUYỆN:
1) PHIM “NHỮNG ĐỨA TRẺ KHỐN KHỔ” :
Một cô gái quê lên tỉnh đi tìm việc làm và đã bị kẻ gian lừa đến chỗ đã mang thai ngoài ý muốn. Sau đó do không thể vừa đi làm vừa nuôi con thơ, cô đành gởi con cho một chủ quán nhà trọ nuôi giúp. Người chủ quán này là kẻ vô lương tâm, đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của bà mẹ trẻ để ra sức bòn rút bóc lột: nay hắn đòi phải đưa thêm tiền sữa tăng giá, mai lại đòi tiền thuốc chữa bệnh cho đứa con. Bà mẹ trẻ chỉ còn biết nhịn ăn nhịn tiêu để chi trả những số tiền vượt kế hoạch. Khi không còn gì để trả, chị ta đành phải cắt mái tóc óng mượt đẹp đẽ của mình mang đi bán. Rồi sau đó lại phải nhổ từng cái răng để bán tiếp… và chỉ một thời gian ngắn sau đó chị biến thành một phụ nữ ốm đói quần áo lôi thôi rách rưới, mặt mũi xấu xí và bị mọi người khinh dể xa lánh như một người điên. Sau đó chị bị viên quản đốc thẳng tay đuổi ra khỏi chỗ làm giữa một buổi sáng mùa đông giá lạnh, phải co ro trong chiếc áo rách, vừa đi vừa ôm ngục ho sù sụ… Lần khác chị bị một đám đông hè nhau xô té xuống lề đường và thay nhau hò hét đấm đá… Khi xem phim, có lẽ nhờ đã hiểu biết về hoàn cảnh cùng cực của bà mẹ trẻ khiến nhiều ngừoi chúng ta cảm thương, đang khi do thiếu hiểu biết mà nhiều kẻ đã đang tâm hành hạ chị không chút thương tiếc.
Còn chúng ta thì sao? Có khi nào chúng ta đã làm ngơ trước nỗi đau của tha nhân, thậm chí còn vào hùa với kẻ ác tâm để chế diễu hay hành hạ những kẻ điên loạn nghèo đói chúng ta gặp phải giữa đời thường hay không?
2) CHO THÌ CÓ PHÚC HƠN LÀ NHẬN:
Ngày nọ, một cậu bé dòng dõi quí tộc đang đi chung với một người giám hộ dọc theo bờ ruộng của gia đình, trong thửa ruộng đó, có một bác nông dân đang làm việc cày bừa cho nhà cậu. Bác tá điền đã để đôi giày ủng trên bờ ruộng. Cậu bé tinh nghịch muốn giấu đôi giày ủng ấy để trêu chọc người nông dân. Bấy giờ người giám hộ đã khuyên bảo cậu bé rằng: “Con đừng làm cho người tá điền nghèo khổ kia buồn phiền, nhưng hãy làm cho ông ta vui mừng thì tốt hơn. Thầy khuyên con thay vì giấu giày đi thì con hãy bỏ tiền vào trong mỗi chiếc ủng, chúng ta sẽ đến núp trong đám bụi cây đằng kia để xem phản ứng của người nông dân thế nào?” Cậu bé liền làm theo lời thầy dạy. Chờ tới lúc người nông dân quay lưng đi chỗ khác, cậu đã lén đến gần đôi ủng và bỏ vào trong mỗi chiếc một quan tiền.
Một lát sau, khi đến giờ nghỉ trưa, người nông dân đến gần đôi giày và xỏ chân vào giày, ông ta vui mừng khi vào. Vừa khám phá ra có hai quan tiền trong đôi giày, ông ta đã qùy gối xuống ngước mắt lên trời dâng lời tạ ơn Thiên Chúa đã thương cứu giúp gia đình ông trong lúc túng cực. Ông cũng cầu Chúa chúc lành và trả công cho vị ân nhân vô danh. Chứng kiến niềm vui và nghe được những lời cầu nguyện của người nông dân, cậu bé cảm động muốn khóc. Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời cậu cảm thấy hạnh phúc khi làm cho người khác được vui như lời Chúa dạy: “Cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20,35).
3) ƯỚC GÌ TÔI LÀ MỘT NGƯỜI BẠN NHƯ THẾ:
Một nhà doanh nghiệp đậu chiếc xe đời mới của ông vào lề đường và đi làm một vài công việc. Khi ông trở lại chiếc xe, ông thấy một cậu bé nghèo khoảng mười một tuổi đang quan sát chiếc xe với đôi mắt đầy vẻ thán phục và thèm muốn.
– Thưa ông, có phải chiếc xe này của ông? Cậu bé hỏi.
– Phải. Ông ta đáp.
– Nó đẹp quá. Ông phải trả bao nhiêu tiền để mua nó?
– Nói thật với chú bé là tôi không biết.
– Ông muốn nói ông mua nó và không thể nhớ đã trả bao nhiêu?
– Này chú bé, tôi không nói tôi mua nó. Đây là một món quà mà bạn tôi cho tôi.
– Ông muốn nói bạn ông cho ông và ông không mất một xu nào để mua?
– Đúng thế!
– Ước gì tôi…
Nhà doanh nghiệp tin chắc rằng cậu bé sẽ nói tiếp “Ước gì tôi có một người bạn như thế”. Nhưng cậu bé lại nói: “Ước gì tôi là một người bạn như thế”.
Và ông ta kết luận: “Đây là mình trong bộ áo quần lòe loẹt với chùm chìa khóa và một chiếc xe đời mới trong tay. Còn kia là cậu bé áo quần rách rưới. Tuy nhiên tâm hồn cậu có nhiều tình yêu thương hơn mình. Và trong ý nghĩa đó, cậu giàu sang hơn mình… Tôi thật sự xúc động đến nỗi lấy xe chở cậu và người bạn của cậu bị chứng sốt tê liệt lúc còn nhỏ làm chân tay co rút lại, cho cả hai đi một vòng với chiếc xe của tôi. Đó là những giờ hạnh phúc nhất của đời tôi”.
- THẢO LUẬN: 1) Một văn sĩ nổi tiếng đã nói: “Mỗi khẩu súng được chế tạo, mỗi tàu chiến được hoàn thành, mỗi hỏa tiễn được bắn ra… Xét cho cùng, chính là một lần ăn trộm của những kẻ đói khát vì không được nuôi dưỡng, của những kẻ bị lạnh lẽo vì thiếu quần áo che thân !”. Bạn có đồng ý với lời đó hay không? Tại sao? 2) Bạn sẽ làm gì trong những ngày sắp tới để giúp đỡ cụ thể cho một cụ già neo đơn, một trẻ em mồ côi hay một bệnh nhân không tiền thuốc thang chữa trị mà bạn quen biết…?
- SUY NIỆM:
1) Thực trạng giàu nghèo trên thế giới hiện nay:
– Hiện nay tài sản của ba người Mỹ giàu nhất thế giới còn lớn hơn tài sản của 48 nước kém phát triển. BIU GHẾT (Bill Gates) giàu hơn 100 triệu người Mỹ nghèo nhất. Chỉ cần 40 tỉ đô la của ông thì Liên Hiệp Quốc sẽ có đủ tiền chi cho công cuộc cải cách giáo dục căn bản, phục vụ sức khỏe, nước sạch và vệ sinh cho cả thế giới trong một thời gian dài.
– Hiện nay hố sâu ngăn cách giữa người giàu kẻ nghèo ở các đô thị và giữa đô thị với vùng nông thôn càng lúc càng lớn. Có 800 triệu “Ladarô” đang lâm cảnh đói nghèo cùng cực. Hơn một tỉ “Ladarô” đang bệnh tật mà không được thuốc thang chữa trị. Hàng ngày vẫn có bao người bị chết đói, vì không được hưởng những thực phẩm dư thừa từ cac bàn tiệc của những người giàu. Dửng dưng trước nỗi đau của người khác chính là một tội ác lớn lao của con người thời nay.
2) Thế nào là sự giàu có và nghèo khó thực sự?:
– Sự giàu có thực sự không phải do những của cải người ta thu gom, mà do những của cải người ta cho đi. Người giàu đích thật là người biết quảng đại chia sẻ, còn người nghèo thật sự là người chỉ biết giơ tay đón nhận. Người giàu đích thật là người có ít nhu cầu nên luôn cảm thấy đầy đủ, đang khi người nghèo thật sự lại có quá nhiều nhu cầu muốn thỏa mãn nên lúc nào cũng thấy thiếu thốn. Sự giàu có thực sự đáng giá nhất chính là giàu có về tinh thần.
– Khi ta đóng cửa lòng mình lại là lúc ta bắt đầu nghèo khó tinh thần. Khi ta mở cửa lòng mình ra là lúc ta bắt đầu khỏe mạnh về tinh thần (McCarthy). Khi chỉ biết tìm làm sao cho mình có thật nhiều tiền, cặp mắt người ta sẽ bị che mờ, đến nỗi họ sẽ không còn nhìn thấy Thiên Chúa và tha nhân hiện diện chung quanh nữa. Người giàu thật sự là người biết cho đi; Còn người nghèo thật sự là người chỉ biết giơ tay nhận lãnh.
3) Tội làm ngơ trước nhu cầu của tha nhân:
– Có người nêu ý kiến: Ông phú hộ trong bài Tin Mừng không đáng bị phạt trong hỏa ngục: Ông ta đâu có gian tham trộm cắp, đâu có bóc lột người nghèo… Cuộc sống của ông ta chỉ là ngày ngày ăn nhậu tiệc tùng dư thừa. Nhưng hưởng thụ những gì thuộc về mình thì đâu phải là tội? … Thực ra tội của ông phú hộ không phải là sự giàu có, mà ở chỗ đã làm ngơ, không biết quan tâm đến anh Ladarô nghèo đói bệnh tật đang nằm ngay trước cổng nhà ông ta. Ở liền kề bên nhau mà không nhìn thấy, không giúp đỡ thì quả là một con người bất nhân thất đức. Tội làm ngơ của ông phú hộ sẽ trở thành tội ác nếu do không chịu giúp đỡ kịp thời, khiến anh Ladarô bị kiệt sức và chết, nên ông ta đáng bị Chúa trừng phạt trong lửa hỏa ngục!
– Như vậy, chúng ta không chỉ phạm tội bằng tư tưởng, lời nói, việc làm, mà còn phạm tội cả trong những thiếu sót về bổn phận yêu thương, khi có thái độ thờ ơ trước nỗi đau của người khác… Tương tự như: khi thấy một người sắp bị chết đuối đang kêu cứu mà chúng ta không mau mắn cứu giúp, lại lấy điện thoại ra quay phim chụp hình !!! đã từng xảy ra nơi một bộ phận giới trẻ sinh viên học sinh; Thấy nhà hàng xóm bốc cháy mà vẫn bình chân như vại, không cấp thời báo đông dập lửa; Thấy một người khuyết tật mù điếc sắp bị xe lửa cán chết mà không chịu cấp thời ra tay cứu giúp họ tránh thoát tai nạn…
4) Phải tập quảng đại “cho đi hơn là nhận lãnh”:
– Cần ý thức về giá trị của sự cho đi: Có trao ban mới có hạnh phúc; Có trao ban mới tích lũy được phúc đức ở đời này và đời sau. Trái lại, cuộc đời vô phúc chính là cuộc đời không trao ban. Kẻ vô phúc là người ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân và chỉ sống cho mình. Kẻ vô phúc sẽ không hưởng được niềm vui của sự trao ban. Họ sống mà không có hậu, vì không tích lũy phúc đức cho mình ở đời sau bằng những hành động chia sẻ bác ái và khiêm nhường phục vụ.
– Bác sĩ ANBỚT SUÝTDƠ (Albert Schweitzer), người đã bán toàn bộ gia sản lớn lao để xây dựng được một bệnh viện để cứu giúp những người cùng khổ ở Châu Phi, đã đặt vấn đề như sau: “Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc khi còn biết bao người khác chung quanh chúng ta đang bị đau khổ?”.
5) Phải bắt đầu từ đâu? :
–Phải bắt đầu từ gia đình mình trước: Mẹ Têrêsa Canquýtta nói : “Tôi luôn nghĩ rằng tình thương phải bắt đầu từ gia đình mình trước, rồi đến khu xóm, đến thành phố. Yêu thương những người ở xa thì rất dễ, nhưng yêu thương những người đang sống với mình hoặc đang ở sát cửa nhà mình mới là khó”.
–Phải bắt đầu từ một con người cụ thể: Muốn yêu thương một người, bạn phải có sự gần gũi tiếp xúc với người đó. Mẹ Têrêsa kể tiếp: “Lần kia tôi đi dự một hội nghị ở Bombay chủ đề về việc cứu giúp những người nghèo. Đến cửa phòng hội, tôi thấy một người liệt giường sắp chết. Tôi đưa người ấy về nhà và chỉ một lát sau thì người ấy chết, chết vì bị đói lâu ngày. Đang khi phía trong phòng hội, hàng trăm người đang hăng say bàn luận về nạn đói và về vấn đề lương thực: làm thế nào để có lương thực, để có cái này, để có cái kia… Đang lúc họ vạch ra kế hoạch kéo dài cả 15 năm, thì một người đã phải chết đói ngay phía bên ngoài!”.
-Phải biết tích tiểu thành đại: Theo Mẹ Têrêsa: “Tôi không bao giờ nhìn những đám đông như là trách nhiệm của tôi. Tôi chỉ nhìn thấy từng cá nhân, bởi vì mỗi lần tôi chỉ yêu thương được một người, mỗi lần tôi chỉ chăm sóc được một người. Tôi đã đưa một người về nhà, nhưng nếu tôi không đưa một người ấy về nhà thì đến nay tôi đã không đưa tới 42.000 người về nhà. Công việc của tôi chỉ là một giọt nước trong đại dương. Nhưng nếu tôi không góp một giọt nước ấy thì đại dương sẽ thiếu nhiều giọt nước khác”.
TÓM LẠI: Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong bài giảng lễ Chúa nhật tại vận động trường YĂNG-KI (Yankee) Nữu Ước trong chuyến thăm nước Mỹ 1979 đã phát biểu về việc chia sẻ bác ái như sau: “Người nghèo khổ nước Mỹ cũng như trên toàn thế giới đều là anh em của các bạn trong Chúa Kitô. Các bạn đừng bao giờ bằng lòng với hành vi chỉ cho họ những mẩu bánh vụn nơi bàn tiệc. Các bạn chỉ nên lo cho mình cái chính yếu của cuộc sống, và đừng tìm sống sung túc, để nhờ đó, các bạn sẽ có khả năng giúp đỡ cụ thể cho những người nghèo khổ. Ngoài ra các bạn còn phải mời gọi họ và đối xử với họ như những vị khách quí ngay trong gia đình của các bạn nữa”.
- NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA GIÊSU, Xin cho con nhìn thấy những Ladarô nghèo khó đang ở chung quanh con và đang cần đến sự giúp đỡ của con. Xin cho con nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó tìm đến với con, để con không xua đuổi, nhưng tiếp đón họ cách thân tình. Cảm tạ Chúa vì đã dựng nên loài người chúng con ai cũng nghèo về một phương diện nào đó, và ai cũng cần đến sự giúp đỡ của người khác… Như vậy chúng con được mời gọi sống cho nhau, và làm cho hết mọi người đều được nên sung túc giàu có.
- X) HIỆP CÙNG MẸ MARIA.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
LM ĐAN VINH – HHTM